CỐT TỦY CỦA THIỀN QUÁN: QUÁN CHIẾU TÂM

ACHAAN CHAH

Trích: Tâm Tĩnh Lặng; Người dịch: Minh Vy; NXB Hồng Đức.

Bắt đầu hành thiền bằng cách ngồi ngay thẳng và chú tâm. Bạn có thể ngồi trên sàn nhà hay trên ghế. Mới đầu, bạn không cần cố gắng chú tâm quá sức. Chỉ việc để ý đến hơi thở ra vào. Nếu thấy cần, bạn cũng có thể niệm “Phật,”, “Pháp,” hay “Tăng” khi bạn theo dõi hơi thở. Bạn phải quan sát hơi thở một cách tự nhiên. Có điều khiển hay kiểm soát hơi thở là không đúng. Bạn có thể cảm giác là hơi thở của mình quá ngắn, quá dài, quá nhẹ, hay quá nặng. Bạn có thể cảm giác mình không thở đúng cách, hay không cảm thấy thoải mái. Hãy mặc kệ. Hãy để hơi thở hoạt động tự nhiên. Dần dần, hơi thở sẽ ra vào nhẹ nhàng. Khi tâm bạn nhận biết và ổn định với sự ra vào này, bạn đã thở đúng cách. Khi bạn phóng tâm, hãy dừng lại và xoay sự chú tâm vào hơi thở trở lại. Mới đầu, khi bạn cố tập trung, tâm bạn muốn đi hướng khác. Nhưng đừng lo lắng hay tìm cách điều khiển nó. Chỉ nhận biết nó và tiếp tục chú ý vào hơi thở. Định tâm tự nó sẽ phát triển. Khi bạn tiếp tục tu tập như thế, có lúc bạn thấy hơi thở ngưng hẳn, nhưng đừng sợ. Chỉ có sự cảm nhận của bạn về hơi thở ngừng thôi, những cấu trúc sống tinh tế nhất của bạn vẫn không dừng hoạt động. Khi đúng thời điểm, thì hơi thở sẽ tự nó trở lại như trước.

Nếu bạn có thể giữ tâm an tĩnh như thế, thì ở bất cứ nơi nào – trên ghế, trong xe, trên tàu – bạn đều có thể tập trung tâm ý và đi vào trạng thái an tĩnh ngay lập tức. Bất cứ ở đâu, bạn cũng đều có thể ngồi thiền được cả.

Khi đạt đến trình độ này, bạn đã hiểu Đạo một phần nào, nhưng bạn cũng phải quán chiếu lục trần. Hãy hướng tâm an tĩnh của bạn vào hình sắc, âm thanh, hương, vị, cảm xúc, ý tưởng, mọi đối tượng của tâm, và những yếu tố của tâm. Bất kỳ cái gì phát sinh đều phải quán xét nó, xem bạn thích hay không thích nó, xem nó làm bạn vui vẻ hay bực bội, nhưng đừng bị ràng buộc vào nó. Sự yêu thích và chán ghét này chỉ là những phản ứng của bạn đối với thế giới hiện tượng – bạn phải nhìn sâu hơn. Rồi, dù sự việc lúc mới đầu có vẻ xấu hay tốt, bạn sẽ nhận ra rằng nó thật sự là vô thường, khổ, và rỗng không. Liệt tất cả mọi thứ vào ba loại này – tốt, xấu, thiện, ác gì cũng vậy, gạt tất cả qua một bên. Đây là thiền quán, mà nương vào đó, mọi vật trở nên bình an, tĩnh lặng.

Chẳng bao lâu, tri kiến và tuệ giác về tính vô thường, khổ, và vô ngã sẽ phát sinh. Đây là khởi đầu của trí huệ chân chính, cốt tủy của thiền, và nó dẫn đến giải thoát. Theo dõi kinh nghiệm của mình. Quán chiếu nó. Nỗ lực không ngừng. Nhận biết chân lý. Tập buông bỏ để đạt đến bình an. Trong khi ngồi thiền, bạn có thể có những thể nghiệm kỳ lạ như nhìn thấy ánh sáng, thiên thần, hay các vị Phật. Khi thấy những thứ này, bạn phải quan sát mình trước để xem tâm của mình. Chớ quên điểm căn bản này. Hãy chú tâm. Đừng mong mỏi những hình ảnh đến hay đi. Nếu bạn chạy theo những kinh nghiệm này, bạn có thể rơi vào tình trạng ngớ ngẩn vì tâm bị mất ổn định. Cho nên, khi những linh ảnh ấy đến, hãy quán chiếu chúng. Khi bạn quán chiếu chúng, đừng để chúng lừa gạt bạn. Bạn phải nghĩ rằng chúng không phải là bạn, chúng cũng đều là vô thường, khổ, và vô ngã. Đừng quan tâm đến chúng. Nếu chúng không chịu đi, trở về với chính niệm, chú tâm vào hơi thở. Hãy thở vào và thở ra ba hơi dài, và rồi chúng sẽ biến mất. Bất cứ thứ gì đến cũng vậy, cứ kéo sự chú tâm của bạn trở lại với hơi thở. Đừng nắm giữ điều gì và cho đó là ta. Những linh ảnh bạn nhìn thấy chỉ là những cấu trúc của tâm, là những thứ giả tạo, hư ảo khiến cho bạn ưa thích và nắm giữ, hay sợ hãi. Khi bạn thấy những linh ảnh này, đừng bị lỗi cuốn vào đó. Tất cả những linh ảnh và kinh nghiệm bất thường chỉ có giá trị đối với kẻ trí, nhưng là mối hại cho người thiếu khôn ngoan. Hãy tiếp tục hành thiền cho đến khi nào bạn không còn bị những linh ảnh quấy nhiễu nữa.

Nếu bạn có thể tin vào tâm mình, thì không có vấn đề gì cả. Nếu tâm muốn vui, bạn chỉ cần ý thức rằng niềm vui này không vững bền. Đừng sợ những linh ảnh hay những kinh nghiệm khác trong lúc thiền, mà chỉ cần biết cách làm việc với chúng. Bằng cách này, phiền não có thể được dùng để huấn luyện tâm, và bạn sẽ hiểu được bản chất tự nhiên của tâm, thoát khỏi mọi thái cực, thấu suốt, và không bị ràng buộc.

Tâm chỉ là một điểm, là trung tâm của vũ trụ, và những trạng thái tâm thức chẳng khác nào những du khách đến trú ngụ trong một thời gian. Hãy tìm hiểu những vị khách này. Làm quen với những bức tranh sống động do họ vẽ và những câu chuyện hấp dẫn mà họ kể, để dụ dỗ bạn đi theo họ. Nhưng đừng rời bỏ chỗ ngồi của mình, bởi vì nó là chiếc ghế duy nhất ở đó. Nếu bạn tiếp tục ngồi tại cái ghế của mình, trong khi vẫn chào hỏi mỗi vị khách đến thăm, nghĩa là bạn luôn duy trì chính niệm, biến tâm bạn thành tâm tỉnh giác, thì khách khứa sẽ dần dần thưa thớt và cuối cùng sẽ không đến nữa. Nếu bạn thật sự quan tâm đến họ, thì họ sẽ còn trở lại với bạn bao nhiêu lần nữa? Chuyện trò với họ, và bạn sẽ hiểu rõ từng người một. Rồi cuối cùng, tâm bạn sẽ bình an.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SUY TƯ VỀ TỪ TÂM
  2. QUÁN TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. TRÍ TUỆ PHÁT SANH – THIÊN NHIÊN TÂM
  2. TÌNH YÊU CHÂN THẬT
  3. LÀM THẾ NÀO GẶP ĐƯỢC CHÂN PHÁP – ĐẠI SƯ AJAHN CHAH

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG