HH. DALAI LAMA XIV
HOWARD C. CUTLER
Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Nguyên tác: The Art of Happiness; Việt dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2010
Buổi phỏng vấn của chúng tôi chiều hôm ấy rất ngắn gọn. Tôi chen được vào những phút cuối cùng trong lịch trình bận bịu của Đạt Lai Lạt Ma, và giống như nhiều lần trao đổi khác, nó diễn ra vào cuối ngày. Bên ngoài, mặt trời đang lặn, chiếu ngập gian phòng với chút ánh sáng nhạt nhòa đỏ quạch, làm những bức tường màu vàng nhạt biến thành màu hổ phách, chiếu sáng những hình ảnh Phật giáo trong phòng với một sắc độ vàng rực. Người phục vụ của Đạt Lai Lạt Ma lặng lẽ đi vào phòng ra hiệu kết thúc lần gặp của chúng tôi. Kết lại buổi nói chuyện, tôi hỏi: “Tôi biết rằng chúng ta phải kết thúc thôi, nhưng ngài có lời khuyên hay phương pháp nào khác mà ngài dùng để thiết lập tập sự đồng cảm với người khác không?”
Nhắc lại những lời ngài đã nói ở Arizona nhiều tháng trước, với một sự giản dị hiền từ ngài trả lời: “Mỗi khi tôi gặp người khác, tôi luôn đến với họ dựa trên chỗ đứng là những điều căn bản nhất mà chúng tôi có chung với nhau. Mỗi chúng ta đều có một cấu trúc thể lý, tâm hồn, cảm xúc. Chúng ta được sinh ra như nhau, và tất cả chúng ta đều chết. Mọi người trong chúng ta, ai ai cũng muốn được hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Nhìn những người khác từ chỗ đứng này thay vì nhấn mạnh những khác biệt thứ yếu như chuyện tôi là người Tây Tạng, hoặc khác biệt màu da, tôn giáo hay bối cảnh văn hóa, điều ấy cho phép tôi có cảm giác tôi đang gặp gỡ một người giống như tôi. Tôi thấy việc liên hệ với người khác trên bình diện ấy khiến việc trao đổi và truyền thông với nhau trở nên dễ hơn nhiều.” Nói rồi, ngài đứng dậy, mỉm cười, siết nhẹ tay tôi và rời đi.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc trao đổi ở nhà ngài.
“Ở Arizona, chúng ta đã nói nhiều về tầm quan trọng của lòng yêu thương trong các mối quan hệ của con người. Còn hôm qua, chúng ta thảo luận về vai trò của sự đồng cảm trong việc cải thiện khả năng tương giao của mình với người khác…”
“Đúng rồi,” Đạt Lai Lạt Ma gật đầu.
“Ngoài những điều đó ra, ngài có thể gợi ý những phương pháp hay kỹ thuật nào để giúp người ta hành xử một cách hiệu quả hơn với người khác không?”
“Ồ, như tôi đã nói hôm qua, chẳng hề có cách nào để anh chỉ trong một hai kỹ thuật đơn giản là giải quyết hết được mọi vấn đề. Tuy nhiên, dù nói vậy, tôi nghĩ rằng có một số yếu tố khác có thể giúp người ta giao tiếp với người khác một cách khéo léo hơn. Trước hết, hiểu và tôn trọng bối cảnh, tức hoàn cảnh xuất thân, trình độ giáo dục, nền văn hóa… của những người anh đang gặp là một điều rất hữu ích. Ngoài ra, đầu óc cởi mở và trung thực cũng là những phẩm chất hữu dụng khi giao tiếp với người khác.”
Tôi chờ, nhưng ngài không nói gì thêm nữa.
“Ngài có thể gợi ý những phương pháp nào khác để cải thiện những mối quan hệ của chúng ta không?”
Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lát. “Không,” ngài cười lớn.
Tôi cảm thấy những lời khuyên ấy quá đơn giản, thực sự chung chung. Tuy nhiên, vì xem ra đó là tất cả những gì ngài muốn nói về vấn đề ấy lúc này nên chúng tôi chuyển qua những chủ đề khác.
Nhiều ngày sau đó, tôi vẫn còn ở Delhi nhân một chuyến đi ngắn hai ngày trước khi trở về nhà. Sự thay đổi từ cái yên tĩnh của Dharamsala thật là khó chịu, và tôi đang lâm vào tâm trạng tồi tệ. Ngoài việc đánh vật với cái nóng ngột ngạt, sự ô nhiễm và đám đông, tôi còn phải chống trả với nhan nhản những kẻ dã tâm chỉ ở khu Street Swindle mới có. Bước đi trên những con đường nóng như thiêu ở Delhi, một người phương Tây, một người ngoại quốc, một cái đích nhắm, bị cả năm sáu người hăm hở lôi kéo tại mỗi khu phố, chuyện ấy làm tôi có cảm giác như bị thích một chữ “THẰNG ĐẦN” to tướng trên trán mình. Thật là nản lòng.
Buổi sáng hôm ấy, tôi bị hai người lừa gạt trên phố, chuyện vẫn thường xảy ra. Một người làm bắn một vệt sơn đỏ lên giày tôi trong khi tôi không để ý. Ở cuối đường, đồng bọn của hắn, một cậu bé đánh giày có cặp mắt ngây thơ, cầm bức tranh để tôi chú ý, và ra giá đánh giày cho tôi theo mức giá thông thường. Cậu bé khéo léo đánh giày cho tôi chỉ trong vài phút. Khi xong việc, cậu ta nhỏ nhẹ đòi tôi một số tiền khổng lồ – bằng hai tháng lương đối với nhiều người sống tại Delhi. Khi tôi cãi lại, cậu tuyên bố rằng đó là giá mà cậu đã thỏa thuận với tôi. Tôi lại phản đối, thế là thằng bé bắt đầu kêu la ầm ĩ, lôi kéo cả một đám đông, khóc lóc rằng tôi không chịu trả tiền công như đã thỏa thuận với cậu. Sau đó, tôi biết được rằng đây là một trò lừa đảo phổ biến dành cho những khách du lịch thiếu cảnh giác. Sau khi đòi một số tiền lớn, thằng bé đánh giày sẽ cố ý gây ồn ào, lôi kéo đám đông, với ý định moi tiền từ khách du lịch do bối rối và muốn tránh khỏi tình huống đó.
Trưa hôm ấy, tôi ăn trưa với một đồng nghiệp ở khách sạn nơi tôi ở. Các biến cố buổi sáng mau chóng bị quên đi, khi cô ấy hỏi tôi về chuỗi bài phỏng vấn của tôi với đức Đạt Lai Lạt Ma. Chúng tôi bị cuốn vào cuộc thảo luận xung quanh những ý tưởng của đức Đạt Lai Lạt Ma về sự đồng cảm và tầm quan trọng của việc xem xét bối cảnh của người khác. Sau bữa cơm trưa, chúng tôi nhảy lên một chiếc taxi đi thăm vài người bạn chung. Khi chiếc taxi lăn bánh, đầu óc tôi quay về với trò lừa đánh giày ban sáng và khi những hình ảnh đen tối lướt qua trong đầu tôi, tôi tình cờ ghé nhìn vào đồng hồ tính cước.
“Dừng xe lại ngay!”, tôi thét lên. Bạn tôi thình lình nhảy dựng lên. Người tài xế liếc nhìn tôi qua kính chiếu hậu nhưng vẫn tiếp tục lái.
“Dừng lại mà!”, tôi ra lệnh, giọng nói lúc này đã khàn khàn lộ rõ vẻ kích động. Người bạn tôi có vẻ bị sốc. Chiếc taxi dừng lại. Tôi chỉ vào đồng hồ tính cước, giận dữ dứ dứ trong không khí. “Mày không reset đồng hồ! Lúc bắt đầu chạy, trên đồng hồ đã chỉ trên hai mươi rupi rồi!”
“Ồ, xin lỗi ngài,” anh ta trả lời bằng giọng lơ đãng càng làm tôi giận điên lên. “Tôi quên reset… tôi sẽ khởi động lại…”
“Mày chẳng cần khởi động lại cái quái gì hết!” Cơn giận của tôi bùng nổ. “Tao chán ngấy cái kiểu dân mày cứ tìm cách moi thêm cước, chạy đường vòng hoặc làm đủ mọi cách để moi tiền người ta. Tao… tao… tao chán lắm rồi!” Tôi nói lập bập, thở phì phì tỏ ra tức giận lắm. Bạn tôi tỏ ra bối rối. Người tài xế chỉ nhìn chòng chọc vào tôi cũng với dáng vẻ ngang ngạnh rất thường gặp nơi những con bò thiêng lang thang giữa đường phố chật chội ở Delhi, rồi dừng lại, với ý định làm tắc đường. Anh ta nhìn tôi như thể cơn giận của tôi chỉ là do mỏi mệt và chán nản. Tôi ném vài rupi vào ghế ngồi phía trước, không nói gì nữa, mở cửa xe cho bạn tôi và theo cô ấy nhảy ra ngoài.
Vài phút sau, chúng tôi vẫy một chiếc taxi khác và lại tiếp tục lên đường. Nhưng tôi không thể bỏ qua chuyện ấy được. Khi chúng tôi đi qua các đường phố ở Delhi, tôi tiếp tục ca cẩm về chuyện “mọi người” ở đây đều tìm cách lừa đảo khách du lịch, và chúng tôi chỉ là cái mỏ vàng. Đồng nghiệp của tôi im lặng lắng nghe khi tôi huênh hoang lảm nhảm. Cuối cùng, cô nói: “Mà này, hai mươi rupi chỉ khoảng một phần tư đồng. Tại sao cậu lại nổi nóng dễ sợ vậy?”
Tôi sôi lên ra điều căm phẫn. “Nhưng đó là nguyên tắc!”, tôi tuyên bố. “Tôi không thể hiểu tại sao cô thản nhiên được đến vậy về tất cả chuyện này trong khi lúc nào nó cũng xảy ra. Nó không làm cô bực mình sao?”
“Ồ,” cô ấy chậm rãi nói, “có chứ, cũng khó chịu một chút, nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ về những gì chúng ta nói với nhau lúc ăn trưa hồi nãy, chuyện Đạt Lai Lạt Ma nói về tầm quan trọng của việc nhìn mọi sự từ cái nhìn của người khác. Trong khi cậu nổi nóng, tôi thử tìm cách suy nghĩ về việc tôi có điểm nào giống anh tài xế. Cả hai chúng tôi đều muốn được ăn ngon, ngủ khỏe, cảm thấy sung sướng, được yêu thương và nhiều cái khác nữa. Thế rồi tôi thử hình dung tôi là người tài xế. Tôi ngồi trong cái xe nóng như thiêu suốt cả ngày, không có máy điều hòa, có lẽ tôi giận dữ và ghen tị với những khách ngoại quốc giàu có… và cách tốt nhất tôi có thể khắc phục làm cho mọi thứ trở nên ‘công bằng’ để tôi hạnh phúc, là tìm ra cách này cách khác để moi tiền của họ. Nhưng sự thể là, ngay cả khi tôi thành công và tôi moi thêm được vài rupi nữa từ một khách du lịch thiếu cảnh giác, tôi không thể tưởng tượng được đó là một cách rất hay ho để được hạnh phúc hơn hay có một đời sống thỏa mãn hơn… Dù sao đi nữa, càng hình dung bản thân mình như người tài xế, tôi càng ít giận anh ta hơn. Đời sống anh ta xem ra buồn quá… tôi muốn nói là tôi vẫn không đồng ý những gì anh ta đã làm, và chúng ta đã làm đúng khi rời xe, nhưng tôi không thể nổi nóng đủ để ghét anh ta vì điều đó được…”
Tôi im lặng. Quả thật, tôi giật mình vì tôi đã hấp thụ quá ít ỏi từ đức Đạt Lai Lạt Ma. Vào lúc ấy, tôi bắt đầu đánh giá cao giá trị thực tế những lời khuyên của ngài như “tìm hiểu hoàn cảnh của người khác”, và dĩ nhiên tôi thấy các ví dụ của ngài về việc ngài đã ứng dụng những nguyên tắc ấy vào đời sống riêng rất gợi hứng cho tôi. Nhưng khi tôi nghĩ lại chuỗi thảo luận của chúng tôi bắt đầu tại Arizona và bây giờ đang tiếp diễn tại Ấn Độ, tôi nhận thức rằng ngay từ đầu, các cuộc phỏng vấn đã mang giọng điệu lâm sàng, như thể tôi đang hỏi ngài về giải phẫu học con người vậy. Trong trường hợp này, đó là khoa giải phẫu tâm trí con người mà thôi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc áp dụng trọn vẹn những ý tưởng của ngài vào đời sống của chính tôi vẫn chưa xảy ra, ít ra là ngay lúc này. Tôi luôn có một ý định mơ hồ là cố gắng áp dụng ý tưởng của ngài vào đời mình ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Có lẽ là khi tôi có thêm thời gian.