QUYỀN ĐƯỢC HẠNH PHÚC

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Nguyên tác: The Art of Happiness; Việt dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2010

“Tôi tin rằng mục đích chính yếu của đời sống chúng ta là tìm kiếm hạnh phúc. Điều đó thật hiển nhiên. Dù là người tin vào tôn giáo hay không, dù người ta tin vào tôn giáo này hay tôn giáo khác, chúng ta hết thảy đều đang tìm kiếm một điều gì tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Vì thế, tôi nghĩ rằng, vận động của đời sống chúng ta là hướng đến hạnh phúc…”

Bằng những lời này, khi nói trước một đám đông thính giả tại Arizona, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi thẳng vào trọng tâm thông điệp của ngài. Nhưng lời cả quyết của ngài cho rằng mục đích của cuộc sống là hạnh phúc đã gợi ra một nghi vấn trong đầu tôi. Sau đó, khi còn lại một mình với ngài, tôi hỏi: “Ngài có hạnh phúc không?

“Có,” ngài đáp. Ngài ngưng lại, rồi nói thêm, “Có… chắc chắn là vậy rồi”. Giọng nói ngài có một sự chân thành giản dị khiến không ai nghi ngờ được – một sự chân thành thể hiện qua dáng vẻ và ánh mắt ngài.

“Nhưng hạnh phúc có phải là mục đích hợp lý cho đa số chúng ta không?” tôi hỏi. “Có thể nào thực sự có được nó không?”

“Hẳn thế. Tôi tin rằng hạnh phúc có thể đạt được qua việc rèn luyện tâm thức.”

Ở bình diện con người cơ bản, tôi không thể không đáp ứng ý niệm hạnh phúc như một mục tiêu có thể đạt tới được. Tuy nhiên, là nhà tâm lý trị liệu, tôi đã bị chồng chất dưới gánh nặng của những ý niệm như niềm tin của Freud cho rằng “người ta cảm thấy bị thúc đẩy để nói rằng cái ý niệm ‘con người cần được hạnh phúc’ không nằm trong kế hoạch của Đấng Sáng tạo”. Kiểu huấn luyện này đã khiến nhiều đồng nghiệp của tôi đi đến kết luận nghiệt ngã rằng cùng lắm người ta chi có thể hy vọng “biến đổi nỗi khốn khổ điên cuồng thành nỗi bất hạnh chung.” Từ quan điểm đó, việc cả quyết cho rằng có một con đường rõ ràng sáng sủa để đi đến hạnh phúc xem ra là một ý tưởng quá cấp tiến. Nhìn lại những năm tháng học ngành tâm lý trị liệu, tôi khó lòng nhớ được đã bao giờ nghe từ “hạnh phúc” được nhắc đến như một mục tiêu của việc trị liệu hay chưa. Dĩ nhiên, có nhiều buổi nói chuyện về việc làm giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu, giải quyết các xung đột bên trong hoặc trục trặc trong quan hệ. Nhưng chưa bao giờ người ta bàn về một mục tiêu được khẳng định rõ ràng là trở nên hạnh phúc cả.

Ở phương Tây, khái niệm đạt tới hạnh phúc đích thực luôn bị xem là một khái niệm sai lầm, khó nắm bắt, vô phương đạt thấu. Ngay cả từ “hạnh phúc” (happiness) cũng xuất phát từ một từ thuộc vùng Băng đảo, happ, có nghĩa là may mắn hoặc tình cờ. Dường như hầu hết chúng ta đều đồng ý với quan điểm này về tính chất huyền nhiệm của hạnh phúc. Trong những khoảnh khắc sướng vui mà cuộc sống đem lại, hạnh phúc được cảm nhận như điều gì đó xảy đến hoàn toàn bất ngờ. Đối với đầu óc phương Tây của tôi, đó không phải là thứ mà người ta có thể phát triển và duy trì đơn giản chỉ bằng cách “rèn luyện tâm thức”.

Khi tôi tỏ ra phản đối, đức Đạt Lai Lạt Ma nhanh chóng giải thích: “Khi tôi nói ‘rèn luyện tâm thức’ trong bối cảnh này, tôi không nói về ‘tâm thức’ chỉ như là khả năng nhận thức hay trí tuệ con người. Đúng hơn, tôi đang dùng từ này theo nghĩa của từ Sem trong tiếng Tây Tạng, nó có nghĩa rộng hơn, gần với ‘tinh thần’ hơn. Nó bao hàm trí tuệ và cảm xúc, tâm và trí. Bằng cách đưa đến một thứ kỷ luật nội tâm nhất định, chúng ta có thể trải qua một cuộc chuyển hóa thái độ của bản thân, toàn bộ cái nhìn và cách sống của bản thân”.

“Khi chúng tôi nói về thứ kỷ luật nội tâm này, lẽ dĩ nhiên nó có thể bao hàm nhiều điều, nhiều phương pháp. Nhưng nói chung, người ta bắt đầu bằng việc xác định những nhân tố đưa đền hạnh phúc và những nhân tố gây ra đau khổ. Kế đó, người ta bắt đầu dần dần loại bỏ những nhân tố gây ra đau khổ và nuôi dưỡng những nhân tố đưa đến hạnh phúc. Đó chính là con đường”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố đã tìm thấy một mức độ hạnh phúc cá nhân nào đó. Và trong suốt tuần lễ ở lại Arizona, tôi thường chứng kiến niềm hạnh phúc cá nhân này thể hiện như một sự sẵn sàng đến với người khác, tạo ra cảm giác thân thiện và thiện chí, ngay cả trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhất.

Một buổi sáng, sau bài diễn thuyết của mình, đức Đạt Lai Lạt Ma đi dọc theo con đường nhỏ trở về phòng mình trong khách sạn, đoàn tùy tùng của ngài vây quanh. Nhận thấy một nhân viên tạp vụ khách sạn đang đứng gần thang máy, ngài dừng lại hỏi chị ta: “Chị từ đâu đến?” Trong một thoáng, chị ngỡ ngàng trước con người mang dáng dấp ngoại quốc trong bộ áo cà sa, và dường như giật mình vì sự tôn kính của những người xung quanh. Rồi chị mìm cười e thẹn trả lời: “Mexico”. Ngài dừng lại trò chuyện với chị một chút, rồi lại bước đi, để lại  chị nhân viên với một cái nhìn phấn khởi và vui sướng trên khuôn mặt. Sáng hôm sau, cũng vào giờ ấy, chị lại xuất hiện tại địa điểm ấy với một nhân viên khác, cả hai vồn vã chào ngài khi ngài đi vào thang máy. Cuộc giao tiếp thật ngắn ngủi, nhưng cả hai dường như tràn đầy hạnh phúc khi trở về với công việc. Mỗi ngày sau đó lại có thêm những nhân viên khác cùng đứng đó vào cùng thời gian, cho đến cuối tuần thì đã có hàng chục người phục vụ mặc đồng phục xám trắng, tạo thành một hàng người đón tiếp trải suốt chiều dài con đường dẫn đến thang máy.

Ngày ra đời của chúng ta đều đã được tính toán. Vào ngay lúc này, hàng ngàn người sinh ra trên thế giới, một số được tiền định chỉ sống vài ngày hoặc vài tuần, rồi chết vì bệnh tật hoặc kém may mắn. Những người khác được định đoạt để vượt qua cột mốc thế kỷ, thậm chí còn đi xa hơn nữa, nếm trải đủ mùi vị mà cuộc sống dâng tặng: chiến thắng, tuyệt vọng, vui mừng, ghét bỏ và yêu thương. Chúng ta chẳng bao giờ biết được. Nhưng dù sống một ngày hay cả một trăm năm, một câu hỏi trọng tâm vẫn còn đó: Mục đích cuộc đời ta là gì? Điều gì khiến cuộc sống của ta có ý nghĩa?

Mục đích của sự hiện hữu của chúng ta là tìm kiếm hạnh phúc. Điều đó dường như là ý thức chung của loài người, và các nhà tư tưởng phương Tây, từ Aristotle đến William James đều đã đồng ý với ý tưởng này. Nhưng một đời sống dựa trên việc tìm kiếm hạnh phúc cá nhân tự bản chất nó không phải là có tính ích kỷ, thậm chí ái kỷ hay sao? Không nhất thiết là như vậy. Quả thực, nhiều cuộc điều tra đã cho thấy, chính những người không hạnh phúc mới là những người chú trọng đến bản thân mình nhiều nhất, và vì thế thường yếm thế, che đậy và thậm chí phản kháng với xã hội. Ngược lại, những người hạnh phúc thường tỏ ra dễ giao tiếp, uyển chuyển và sáng tạo hơn, có thể chấp nhận những thất đoạt thường ngày của cuộc sống dễ hơn những người không hạnh phúc. Và điều quan trọng nhất, họ là những người yêu thương và tha thứ nhiều hơn những người không hạnh phúc.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một số thí nghiệm thú vị cho thấy rằng những người hạnh phúc thể hiện một thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp xúc và giúp đỡ người khác. Chẳng hạn, họ đã tìm cách gây ra một trạng thái hạnh phúc trong một chủ thể thử nghiệm bằng cách sắp xếp cho người ấy tình cờ lượm được tiền trong một cabin điện thoại. Giả như một người lạ, một nhân viên thử nghiệm đi ngang qua và “vô tình” làm rơi một đống giấy tờ. Các nhà điều tra muốn xem xem chủ thể có dừng lại để giúp người lạ không. Trong một kịch bản khác, tinh thần chủ thể được nâng lên bằng cách lắng nghe một album hài kịch, và rồi có một người khác đến gần để mượn ít tiền (dĩ nhiên có thỏa thuận với người làm thử nghiệm). Các nhà điều tra khám phá ra rằng, những chủ thể cảm thấy hạnh phúc thì thường dễ giúp đỡ người khác hoặc cho họ mượn tiền hơn là “nhóm đối chứng” gồm những người gặp cùng cơ hội giúp đỡ nhưng tâm trạng không được kích thích trước đó.

Trong khi những thử nghiệm kiểu ấy mâu thuẫn với ý niệm cho rằng việc theo đuổi va đạt tới hạnh phúc cá nhân thường đưa đến ích kỷ và chỉ nghĩ đến mình, chúng ta có thể tiến hành thử nghiệm cho chính bản thân trong phòng thí nghiệm là đời sống của chính chúng ta. Chẳng hạn, giả sử chúng ta bị kẹt xe. Sau hai mươi phút đám đông mới bắt đầu từ từ nhich được với tốc độ rùa bò. Chúng ta nhìn thấy một người trong xe khác đang ra tín hiệu muốn chuyển vào làn đường của ta. Nếu tâm trạng đang tốt, chúng ta dễ đi chậm lại và vẫy tay ra hiệu cho họ đi vào. Còn nếu đang bực tức, đáp trả của chúng ta chỉ là tăng tốc và chen vào khoảng trống. “Mẹ kiếp, tớ đã bị vướng ở đây từ nãy giờ rồi, sao hắn không nếm thử chuyện đó xem?”

Vậy, chúng ta bắt đầu với tiền đề căn bản rằng mục đích cuộc đời ta là tìm kiếm hạnh phúc. Đây là cái nhìn về hạnh phúc như một đối tượng có thực, điều mà chúng ta có thể tiến từng bước hướng đến đạt dược nó. Và khi chúng ta bắt đầu xác định những nhân tố dẫn đến một đời sống hạnh phúc hơn, chúng ta sẽ biết dược tại sao việc tìm kiếm hạnh phúc đem lại những lợi ích không chỉ cho cá nhân, mà cho cả gia đình và xã hội của người ấy nữa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NGUỒN MẠCH HẠNH PHÚC
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG, NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM