MATTHIEU RICARD
Trích: Thực Hành Thiền Định; Việt dịch: Lê Việt Liên; NXB. Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2020
Chúng ta bỏ ra biết bao công sức để cải thiện các điều kiện bên ngoài của đời mình, song rốt cuộc, chính tâm thức của chúng ta mới là người trải nghiệm thế giới và thể hiện ra dưới dạng hạnh phúc hay đau khổ. Nếu thay đổi được cách nhìn nhận sự vật thì chúng ta sẽ thay đổi được chất lượng cuộc sống của mình. Và sự thay đổi này là kết quả của một quá trình rèn luyện tâm thức mà người ta gọi là “thiền định”.
Thiền định là gì?
Thiền định là một cách giúp ta vun bồi và phát triển một số phẩm chất cơ bản của con người, cũng như một số hình thức tập luyện giúp chúng ta biết đọc, biết chơi một nhạc cụ, hoặc có được bất cứ năng lực nào khác.
Về căn nguyên từ vựng, “thiền định” trong tiếng Pháp được dịch từ tiếng Phạn bhavana có nghĩa là chăm sóc, vun trồng, và tiếng Tây Tạng gom có nghĩa là “tự làm quen”. Từ này có hàm ý là tự làm quen với một cách nhìn sáng suốt và đúng đắn về vạn vật, và vun trồng những phẩm chất mà ai cũng có nhưng còn nằm dưới đạng tiềm năng chừng nào chúng ta còn chưa nỗ lực phát triển chúng.
Một số người cho rằng không cần thiết phải thiền bởi vì những trải nghiệm không ngừng về cuộc đời cũng đủ để tạo nên trí tuệ, và do đó, tạo nên cách sống và hành động của chúng ta. Rõ ràng là nhờ có sự tác động lẫn nhau với thế giới mà phần lớn các khả năng của chúng ta phát triển, như những cảm xúc chẳng hạn. Tuy nhiên, ta có thể làm tốt hơn rất nhiều. Những kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tạo hình thần kinh cho thấy rằng mọi hình thức rèn luyện sẽ giúp não bộ tổ chức lại khâu vận hành và cấu trúc.
Như vậy, hãy bắt đầu bằng việc tự hỏi xem thực sự chúng ta mong muốn điều gì trong cuộc đời. Liệu chúng ta có chấp nhận lối sống ngày nào biết ngày đó hay không? Tận đáy lòng mình, chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy sự bất ổn luôn hiện hữu, trong khi chúng ta đều khát khao được hạnh phúc và viên mãn hay sao?
Vì quen cho rằng những khiếm khuyết của mình là tất yếu, khiến mình thất bại suốt cuộc đời cho nên chúng ta đã coi sự rối loạn trong hoạt động của mình như là việc đương nhiên, mà không ý thức được rằng chúng ta có thể giải phóng mình ra khỏi cái vòng luẩn quẩn chán chường ấy.
Theo quan điểm của đạo Phật, mỗi người đều mang trong mình một tiềm năng Giác ngộ, cũng hệt như mỗi hạt vừng đều có chứa dầu như kinh sách vẫn nói. Mặc dù thế, chúng ta vẫn lang thang trong sự mê muội, tựa như những kẻ ăn mày vừa khốn khó, vừa giàu sang bởi lẽ họ không biết rằng có cả một kho báu được chôn vùi trong túp lều của họ. Mục đích của đạo Phật là sở hữu được gia tài đã bị lãng quên đó, và nhờ thế, mang lại cho cuộc đời chúng ta ý nghĩa sâu sắc nhất có thể.
Chuyển hóa bản thân để thay đổi thế giới tốt hơn
Bằng cách phát triển các phẩm chất bên trong, chúng ta có thể giúp mọi người một cách tốt nhất. Lúc đầu, chúng ta chỉ biết trông đợi vào trải nghiệm của cá nhân mình, nhưng sau này, trải nghiệm đó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát hơn về tất thảy mọi người. Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau và không ai mong muốn đau khổ. Được “hạnh phúc” giữa muôn vàn người khổ đau là điều phi lý, nếu điều đó có thể xảy ra. Đi tìm hạnh phúc cho bản thân mình thôi chắc chắn sẽ thất bại, bởi lẽ ích kỷ chính là nguồn gốc của bất hạnh, Romain Rolland đã viết: “Khi hạnh phúc vị ngã là mục đích duy nhất của cuộc sống thì chẳng mấy chốc, cuộc sống sẽ không còn một mục đích nào nữa”’. Mặc dù nhìn bề ngoài có đầy đủ mọi thứ để hạnh phúc, người ta cũng không thể thực sự hạnh phúc khi không đoái hoài tới phúc lợi của người khác. Trái lại, tình thương đồng loại và lòng cảm thông là những nền tảng tạo nên chân hạnh phúc.
Những lời nói trên không xuất phát từ ý định dạy đời, chúng chỉ phản ánh thực tại mà thôi. Đi tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình chắc chắn sẽ làm cho mình và mọi người đều bất hạnh.
Người ta cứ tưởng rằng lo cho hạnh phúc của riêng mình thì sẽ dễ dàng hơn, rằng ai cũng ra sức làm như vậy thì tất cả mọi người sẽ sung sướng, song kết quả đạt được lại trái ngược với điều họ ao ước. Bị giằng xé giữa hi vọng và lo âu, người ta khiến cuộc sống của mình thành ra khốn khổ và cũng sẽ làm hỏng cuộc sống của tất cả những ai ở quanh mình. Cuối cùng, ai cũng là người thua cuộc.
Một trong những lý do cơ bản của thất bại này là ở chỗ thế giới không phải được hình thành từ những thực thể riêng biệt với những tính chất tự có, khiến cho về bản chất, chúng là xấu hay đẹp, thân thiện hay thù địch: sự vật và con người chủ yếu có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và liên tục phát triển. Hơn nữa, chính những yếu tố cấu thành nên chúng cũng chỉ tồn tại trong mối quan hệ giữa cái này với cái kia. Chủ nghĩa cá nhân không ngừng vấp phải thực tại đó và chỉ làm nảy sinh ra những bất mãn.
Theo đạo Phật, tình thương tha nhân, lòng mong ước cho những người khác được hạnh phúc, cũng như thái độ cảm thông – được định nghĩa là ước muốn làm mọi người bớt khổ và cải thiện những nguyên nhân gây khổ – không phải chỉ đơn thuần là những tình cảm cao thượng: chúng có bản chất hài hòa với thực tại của vạn vật. Vô số chúng sinh đều muốn tránh khổ đau, cũng hệt như chúng ta. Vả lại, bởi vì chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau nên hạnh phúc và bất hạnh của người này đều gắn bó mật thiết với hạnh phúc và khổ đau của người khác. Vưn bồi tình thương và lòng cảm thông chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta về hai mặt: kinh nghiệm đã chứng minh rằng những tình cảm đem lại nhiều sung mãn nhất và những hành vi nảy sinh từ những tình cảm đó đều được coi là tốt lành, thánh thiện.
Khi hạnh phúc và khổ dau của người khác thực sự liên quan tới chúng ta, lúc đó, đương nhiên chúng ta sẽ suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn và sáng suốt. Để những hành động của chúng ta với mục đích giúp đỡ người khác mang lại kết quả tốt đẹp, chúng cần được trí tuệ hướng dẫn, một trí tuệ chỉ có khi ta thiền. Ý nghĩa của thiền chuyển hóa tự thân để biến đổi thế giới một cách tốt lành hơn, hoặc trở thành một con người hay hơn để phục vụ những người khác tốt hơn. Thiền giúp ta mang lại cho cuộc đời ý nghĩa cao cả nhất.
Một sự tác động đến mọi mặt
Nếu mục đích đầu tiên của thiền là thay đổi cách chúng ta kinh nghiệm về thế giới thì thực hành thiền cũng tác động tốt tới sức khỏe. Từ 10 năm nay, những trường đại học lớn của Mỹ như Đại học Madison ở bang Winsconsin, Đại học Princeton, Đại học Harvard và Đại học Beckeky cũng như các trung tâm tại Zurich và Maastricht ở châu Âu đang tích cực nghiên cứu về thiền và về tác động trước mắt cũng như lâu dài của nó đối với não bộ. Những thiền gia giàu kinh nghiệm, thực hành thiền từ 10.000-60.000 giờ đã chứng minh được rằng họ đạt được những khả năng tập trung (định) tuyệt đối mà người ta không thể tìm thấy ở những thiền sinh mới tập. Chẳng hạn, họ có thể duy trì trạng thái tỉnh thức gần như hoàn hảo trong 45 phút về một đề mục đặc biệt, trong khi số đông mọi người không làm được quá 5-10 phút và sau đó liên tục bị nhầm lẫn. Những thiền gia giàu kinh nghiệm có khả năng làm phát sinh những tâm trạng chính xác, rõ ràng, mạnh mẽ và lâu dài. Các thử nghiệm đã cho thấy ở những người thực hành thiền lâu năm, đặc biệt là vùng gắn với các cảm xúc của não, như tình thương yêu chẳng hạn, có hoạt động mạnh hơn hẳn. Những khám phá đó cho thấy rằng con người hoàn toàn có thể nuôi dưỡng được các phẩm chất của mình, thông qua quá trình rèn luyện tâm thức.
Đối tượng của thiền là gì?
Đối tượng của thiền là Tâm. Lúc này, tâm thức vừa lẫn lộn, bất an, ngỗ nghịch vừa bị biết bao nhiêu điều kiện và thói quen chi phối. Mục đích của thiền không phải là làm cho tâm bị tan nát hoặc tê liệt, mà khiến tâm trở nên tự do, sáng suốt và cân bằng.
Theo đạo Phật, tâm thức không phải là một thực thể mà là một dòng năng động những trải nghiệm, một chuỗi liên tục những khoảnh khắc của ý thức. Những trải nghiệm này thường mang dấu ấn của lầm lẫn và khổ đau, nhưng chúng cũng có thể sống trong một trạng thái thênh thang của sáng suốt và tự do nội tâm.
Jigmé Khyentsé Rinpoche, một vị thầy Tây Tạng đương thời vẫn nhắc chúng ta một điều mà ai cũng biết: “Chúng ta hoàn toàn không cần luyện tâm để khiến nó dễ bực bội hoặc ghen tức. Chúng ta thực sự không cần tới một cơ chế làm tăng cơn giận hoặc thổi phồng bản ngã”. Ngược lại, rèn luyện tâm là cực kỳ quan trọng nếu chúng ta muốn làm sâu sắc sự tập trung của mình, muốn phát triển trạng thái cân bằng trong cảm xúc của chúng ta và bình yên nội tâm, cũng như vun bồi lòng tận tụy vì lợi lạc của mọi người. Chúng ta đều mang trong mình tiềm năng cần thiết để làm nở rộ những phẩm chất ấy, song chúng sẽ không thể tự phát triển được nếu chỉ dừng ở ý muốn. Vậy mà. như chúng ta đã biết, mọi rèn luyện đều đòi hỏi phải kiên trì và có nhiệt huyết. Người ta không thể biết trượt tuyết nếu trong một tháng chỉ dành một, hai phút cho tập luyện.
Làm sự tập trung trở nên sâu sắc và trạng thái tỉnh thức
Nhà bác học Galilée đã khám phá ra những quỹ đạo của Sao Thổ sau khi chế tạo được một kính thiên văn đủ sáng và mạnh, đặt nó trên một bệ đỡ chắc chắn. Sẽ không thể có phát minh này nếu phương tiện nghiên cứu của ông tồi tàn hoặc tay ông bị run khi đỡ ống kính. Cũng như vậy, nếu muốn quan sát những cơ chế vi tế nhất trong sự vận hành của tâm và tác động vào chúng thì chúng ta bắt buộc phải mài dũa năng lực nhìn vào bên trong nội tâm (nội quán). Để làm được, chúng ta phải rèn luyện sự tập trung của mình sao cho nó trở nên ổn định và rõ ràng. Khi đó, chúng ta sẽ có thể theo dõi quá trình vận hành của tâm thức mình, cách thức mà nó nhìn nhận thế giới và hiểu ra được chuỗi liên tục của dòng suy nghĩ (niệm). Cuối cùng, chúng ta sẽ có khả năng làm cho nhận biết của mình trở nên sắc bén hơn để phân định được mặt cơ bản nhất của tâm thức: đó là một trạng thái hoàn toàn minh mẫn và tỉnh thức, lúc nào cũng hiện diện, ngay cả khi không có những tạo tác của tâm.
Cái không phải là thiền
Đôi khi, người ta trách các thiền sinh là quá tận trung vào chính họ, là bằng lòng với việc nội quán trong khi lẽ ra phải quan tâm tới những người khác. Tuy nhiên, ta không thể cho một phương pháp có mục đích tẩy trừ thói ám ảnh cá nhân và vun bồi tình thương đối với tha nhân là biểu hiện của sự ích kỷ. Điều đó cũng giống như trách cứ một thầy thuốc tương lai đã bỏ ra nhiều năm để học ngành y vậy.
Có nhiều mặt liên quan đến thiền. Có thể nói luôn rằng thiền không làm cho đầu óc rỗng tuếch bằng cách chặn đứng dòng suy nghĩ – vả lại, cũng không làm thế được – cũng không phải buộc tâm liên tục nghĩ ngợi để phân tích quá khứ hay tưởng tượng tương lai. Thiền cũng không đơn giản là một tiến trình thư giãn trong đó những xung đột nội tâm có lúc bị dừng lại trong một tâm thái thờ ơ, lãnh đạm.
Chắc chắn có yếu tố thư giãn trong thiền, nhưng nói đúng hơn, đó là trạng thái nhẹ nhõm đi kèm với thái độ “buông xả” những hi vọng và lo âu, buông xả thái độ bám chấp và thói đỏng đảnh của “cái tôi, những thứ không ngừng nuôi dưỡng các xung đột nội tâm của chúng ta.
Một sự làm chủ có công năng giải phóng
Rồi chúng ta sẽ thấy rằng cách làm chủ những suy nghĩ không phải là chặn đứng chúng lại, cũng không phải là liên tục nuôi dưỡng chúng, mà là để chúng khởi lên và tự biến đi trong sự tỉnh thức hoàn toàn, sao cho chúng không choán hết tâm trí chúng ta.
Thiền chính là kiểm soát được tâm thức của mình, là làm quen với cách tiếp cận mới về thế giới và xây dựng một lối sống vượt lên trên những ràng buộc của nếp tư duy cũ. Thiền thường khởi đầu bằng sự phân tích, kế tiếp là suy ngẫm và chuyển hóa nội tâm.
Tự do có nghĩa là làm chủ được chính mình. Điều đó không phải là làm tất cả những gì ta hứng lên muốn làm, mà là thoát được ra khỏi sự trói buộc của những điều bực bội choán hết tâm trí và làm cho tâm trí tối tăm đi. Tự do là nắm cuộc đời mình trong tay, thay vì bỏ mặc nó cho những thói quen cố hữu và cho sự lẫn lộn của tâm thức. Thiền không phải là phó mặc bánh lái, kệ cho buồm bay theo gió để con tàu phiêu dạt… mà ngược lại, lái con tàu đến bến bờ đã chọn: đó chính là cái đích mà ta mong muốn nhất cho bản thân và cho những người khác.