ĐI TÌM BẢN CHẤT CUỘC SỐNG

KOITSU YOKOYAMA

Trích: Một Cuộc Sống Trí Tuệ; Người dịch: Thiện Quang; NXB Hồng Đức.

 

Bất cứ khi nào cần hỏi một điều gì đó, ta thường sử dụng các đại từ nghi vấn. Ở đâu và khi nào? Nó có ích lợi gì? Vì sao nó lại như vậy? Nó là cái gì? Ta sẽ thực hiện như thế nào? Giữa tất cả những đại từ nghi vấn này, đại từ cơ bản nhất chính là “cái gì”. Vì nếu như không thể giải đáp được câu hỏi “cái gì”, bạn sẽ không thể đi đến được kết luận như thế nào”. Chỉ khi khẳng định được điều trước tiên: ta là ai, ta mới có thể quyết định được cuộc sống này như thế nào. Sống mà không biết mình là ai chẳng khác nào sống như một bóng ma.

Trẻ thơ học nói thường bắt đầu hỏi về những sự việc xung quanh chúng, bằng cách sử dụng đại từ cái gì. “Mẹ à, cái này là cái gì? cái kia là cái gì?”. Vì trẻ thơ có tâm trí trong sáng nên chúng không ngừng hỏi “cái gì?”. Tuy nhiên ở người lớn, trải qua nhiều thập niên suy nghĩ và nhận thức, họ thường cho rằng đã hiểu được tất cả các sự việc một cách hiển nhiên, họ đã quên đi câu hỏi “cái gì?”. Thay vào đó người lớn chúng ta thường hay lo lắng về cách sống, cách thực hiện điều gì đó tốt đẹp hơn. Chúng ta muốn sống một cuộc sống phù hợp với những ham muốn và khao khát – cách sống sẽ đem lại đau khổ, lo lắng cho cả chúng ta và những người khác – tuy nhiên chúng ta lại chưa bao giờ tự hỏi: “Ta là ai?”.

Đối tượng đầu tiên trong câu hỏi “cái gì?” chính là bản thân ta. Nó sẽ được mở rộng một cách tự nhiên sang những đối tượng khác. “Cái kia là gì?” “Vạn vật là gì?”. Sở dĩ bản thân ta được tồn tại là nhờ vào những điều khác, chúng ta sống trong tự nhiên và bản thân ta cũng là một trong những sự vật hiện diện trong vũ trụ bao la này. Điều hoàn toàn tự nhiên, nếu như thi thoảng ta cũng tự hỏi chính mình những câu hỏi triết học “Điều được gọi là ‘cái tôi?’ này là gì?”

Chúng ta được sinh ra trong thế gian như một điều kỳ diệu. Được sinh ra như một con người, ở đâu đó trong dòng chảy không ngừng nghỉ của thời gian và không gian vô tận, chính là khiến điều bất khả trở nên khả thi. Từ sâu thẳm bên trong tâm hồn, bạn có thể cảm nhận được một cách mạnh mẽ, rằng phép lạ về sự hiện hữu của cái tôi – ngay bây giờ và ngay lúc này – còn diệu kỳ hơn cả sự xuất hiện một vật thể bay không xác định (UFO) đến từ một nơi nào khác.

Ví dụ tuyệt vời nhất chính là đôi mắt của chúng ta. Một khi đôi mắt, một kết hợp của các nguyên tử và phân tử, trong một mối liên hệ nhận thức với các sự vật cũng được tạo ra từ các nguyên tử và phân tử, thì việc phát sinh cảm giác thị lực có ý thức khi nhìn thấy những ngọn núi, những dòng sông, bầu trời đầy sao lấp lánh, quả là tuyệt vời. Nói cách khác, “đôi mắt có được năng lực thị giác” không gì hơn là một phép la. Liệu ta có cần phải đi xa hơn nữa và quay trở lại cội nguồn gốc rễ của câu hỏi? Liệu ta có cần phải tìm hiểu một cách nghiêm túc về bản thân, về sinh linh có được đôi mắt diệu kỳ này và năng lực của cái nhìn trong việc nhận thức thế gian?

Thế gian này cũng như một đại dương mênh mông, nơi chúng ta đang bị vùi dập bởi vô số khổ đau trong cuộc sống. Nhiều người nói rằng, cuộc đời chính là một chuỗi nối dài bốn loại đau khổ: sinh, lão, bệnh và tử. Ít có người nào không từng bị choáng ngợp bởi những khó khăn ấy. Tuy nhiên, nếu như có thể giữ vững được tinh thần luôn biết đặt câu hỏi “Đây là cái gì?” – ta sẽ không nao núng một khi đối diện nghịch cảnh.

Ngay cả trước khi hỏi “Chúng ta cần phải sống ra sao?”, chúng ta hãy bắt đầu bằng cách hỏi, như trẻ thơ, “Cuộc sống này là gì? Thông thường, chúng ta nghĩ còn có một thế gian nào khác bên ngoài thế gian này và ở đó còn có những điều khác biệt đang hiện hữu. Nhưng vấn đề thật ra chỉ là mỗi người chúng ta đã tạo ra một thế giới cho chính mình, và đang bị giam hãm trong đó.

Thế giới này được hiểu theo hai cách: một thế giới hữu hình bao gồm các trải nghiệm và một thế giới trừu tượng. Thế giới trừu tượng chính là thế giới người chúng ta tự tạo ra. Chúng ta nghĩ mình đang sống trong một thế giới chung cho tất cả, tuy nhiên sự thật không phải vậy. Trong thực tế, mỗi người chúng ta đang bị giam hãm trong một vũ trụ những trải nghiệm của chính mình. Khi tôi có tâm trạng không vui, thế gian sẽ trở nên đen tối. Nếu như tôi bị một gai đâm vào tay, thế gian sẽ trở nên đau đớn. Không một ai có thể trực tiếp trải nghiệm các cảm xúc vui sướng hay đau buồn thay cho tôi.

Một khi vẫn còn bản ngã, chúng ta sẽ không thể rời khỏi được thế gian đã được tạo ra bởi những trải nghiệm riêng. Một khi chưa thoát khỏi sự giam hãm, làm thế nào chúng ta có thể thật sự nói về thế giới “bên ngoài” bản thân? Có thể thế giới “bên ngoài” ấy chỉ là một lời nói. Tuy nhiên, ngay cả nếu như có một thế giới bên ngoài và mọi người đều nhất trí về sự tồn tại của nó, thì nó vẫn là một thế giới trừu tượng.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CUỘC SỐNG LÀ MỘT ĐẠI HỌC LỚN
  2. BẢN THỂ TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. BA MỤC ĐÍCH LỚN TRONG CUỘC SỐNG
  2. TÌNH YÊU ĐẾN TỪ CỘI NGUỒN
  3. HÃY QUÊN ĐI CÁI TÔI

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP