ĐỌC SÁCH: KHI HƠI THỞ HÓA THINH KHÔNG

SƯU TẦM

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không “When Breath Becomes Air”
Tác giả: Paul Kalanithi
Andy Ward Biên Tập
NXB Radom House tháng 1/2016
Công ty cổ phần sách Alpha 2017
Trần Thanh Hương dịch

Tôi đến từ hư không thì tôi trở về hư không

Khá tò mò khi được một người giới thiệu về quyển sách Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không. Và bị cuốn hút ngay khi đọc những dòng chữ trong lời đề tựa của bác sĩ kiêm nhà văn Abraham Verghese. Paul Kalanithi một người Mỹ gốc Ấn với hai tấm bằng thạc sĩ Anh ngữ và bằng cử nhân về Sinh học người. Với động cơ thôi thúc là muốn tìm hiểu “Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa?” (trang 44) anh đã chọn làm một bác sĩ phẫu thuật thần kinh thay vì một giáo sư Anh ngữ.

Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không kể về chặng đường đầy những biến đổi của một con người.“Từ một nghề nghiệp đầy đam mê này sang một nghề nghiệp khác, từ một bác sĩ sang một bệnh nhân, một người chồng thành một người cha và cuối cùng là từ sự sống sang cái chết”( trang 227 ). Đồng thời thông qua hy vọng và sự đấu tranh với cái chết để giành lại thời gian cho chính mình Paul đã mang một thông điệp sâu sắc về ý nghĩa của cuộc đời anh đến với chúng ta những người đang còn sống trong cuộc đời này.

Đây là quyển hồi ký mà Paul viết trong những tháng năm cuối đời, khi phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi ở độ tuổi 36. Độ tuổi mà “chỉ 0,0012 phần trăm những người mắc bệnh ung thư”( trang 114). Mạch văn của quyển sách với những từ ngữ không quá trau chuốt nhưng đã thể hiện gần như toàn bộ con người của Paul, khi thì cương trực, hài hước với bệnh nhân, đồng nghiệp, đôi khi giọng văn chuyển sang dịu dàng nhưng đầy trách nhiệm với người vợ thân yêu và cô con gái nhỏ, lòng kính trọng, sự biết ơn của mình đối với cha mẹ, anh em cũng được Paul khéo léo viết trong quyển sách này.

Mở đầu quyển hồi ký Paul kể lại khoảng thời gian 10 tuổi khi gia đình anh chuyển đến “Kingman, Arizona, một thung lũng hoang mạc kẹp giữa hai dãy núi” (trang 34). Chịu sự ảnh hưởng từ mẹ Paul đã đọc quyển sách đầu tiên 1984. Và từ đó “sách trở thành bạn tâm giao gần gũi nhất, thành những lăng kính được mài giũa tỉ mỉ đưa đến cho tôi những cái nhìn mới mẻ về thế giới” (trang 41). Một tháng trước khi nhập học ở Stanford một cuốn tiểu thuyết dày năm trăm trang đã làm thay đổi suy nghĩ của Paul về y học. “Bổ sung vào những lớp Văn học mà tôi đã chọn, tôi bắt đầu tìm kiếm các lớp Sinh học và Khoa học thần kinh” (trang 44).

Trong những năm ở trường Y, Paul đã đi tìm nơi nào là “sự giao nhau của sinh học, đạo đức, văn học và triết học” (trang 54) khi anh chứng kiến sự đau đớn, thất vọng, nỗi lo sợ của các bệnh nhân khi đối diện với bệnh tật và cái chết. “Chết là sự kiện chỉ xảy ra trong chốc lát, nhưng sống cùng bệnh hiểm nghèo lại là cả một quá trình… Và một phần kỳ quái của bệnh tật đó là khi phải trải qua nó, giá trị của bạn không ngừng thay đổi…Những căn bệnh lớn thường làm sáng tỏ cuộc đời” (trang 169). Bởi vì “chúng ta luôn luôn nghĩ về ngày mai : Tôi đang thế này và tôi sẽ thành thế kia. Chúng ta không sống như là chúng ta chỉ có một ngày để sống. Chúng ta không tận hiến cho mỗi ngày” như Krishnamurti viết trong Sống và Chết. Thật vậy, khi chúng ta đương đầu với bệnh tật và cái chết hiện diện trước mắt thì chúng ta mới biết chúng ta cần gì và điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta trong đời sống này.

“Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa?”

Và đến khi bệnh tật và cái chết đến với chính mình. Paul đã tìm ra được câu trả lời cho chính câu hỏi “Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa?” mà anh đặt ra. Bên cạnh ý nghĩa ấy một phần nào đó đã giải thích về mối tương quan giữa khoa học và đạo đức con người mà anh vẫn luôn đi tìm. “Các phương pháp khoa học chỉ là sản phẩm của bàn tay con người và do đó không thể vươn tới sự thật vĩnh cửu… Kiến thức của con người sẽ không bao giờ chứa đựng chỉ trong một con người. Nó nảy sinh ra từ mối quan hệ mà chúng ta tạo ra giữa mỗi con người với nhau và với thế giới, và vẫn không bao giờ hoàn chỉnh” (trang 177- 180). Ý nghĩa về mối quan hệ giữa người với người mà Paul tin tưởng đã giúp anh đấu tranh “không dừng” với bệnh tật. Anh hy vọng vào tương lai – Cady cô con gái tám tháng tuổi của mình “ Tương lai, thay vào đó, là một chiếc thang hướng tới mục tiêu cuộc sống…cái người là tất cả tương lai – chỉ chạm mặt trong phút chốc với tôi”(trang 205-206). Cuối cùng Paul “đã sẵn sàng”chấp nhận cái chết một cách trọn vẹn khi nó đến “Đôi môi anh tách ra và mắt anh nhắm lại, Paul hít vào và thở ra hơi thở cuối cùng, thật sâu” (trang 220). Paul mất ngày 9/3/2015 bên cạnh gia đình của mình

“Một ngày chúng ta được sinh ra, một ngày khác chúng ta sẽ chết đi, cùng một ngày cùng một giây… Cửa sinh cũng là cửa tử…” (trang 77). Từ khi chúng ta sinh ra thì cái chết đã có mặt. Chúng ta sống và chết trong từng hơi thở. Không phải đợi giây phút cuối cùng của mình “hơi thở mới hóa thinh không”, mà mỗi hơi thở đều hóa thinh không có điều là chúng ta không nhận biết. Hòa Thượng Tuyên Hóa đã nói trong bản di ngôn của ngài “Khi tôi đến thì cái gì cũng không có, lúc ra đi, tôi cũng vẫn không muốn chi…Tôi đến từ hư không thì tôi trở về hư không”.

Kết thúc quyển sách là lời đề bạt của Lucy là vợ đồng thời cũng là bạn cùng Paul trải qua những năm tháng tuổi trẻ và hơn hết cô là người đồng hành cùng anh đi qua những ngày tháng cuối đời. Lucy đã nhắc lại một lần nữa “làm thế nào để sống một cuộc đời có ý nghĩa?” câu hỏi mà Paul đã dành phần lớn cuộc đời mình để đi tìm câu trả lời và cuốn sách Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không anh để lại đã khám phá ra ranh giới cốt yếu đó. “Người chứng kiến luôn là người nói ra…để dạy chúng ta cách đối mặt với cái chết một cách trọn vẹn”(trang 222). Thông điệp quyển sách này muốn đem lại cho chúng ta “để kiểm soát một căn bệnh thập tử nhất sinh lại chính là yêu thương – để có thể bị tổn thương, để có lòng tử tế, để bao dung, và để biết ơn” (trang 223). “Điều gì khiến cuộc đời con người có ý nghĩa?” Paul đã tìm ra được ý nghĩa của cuộc đời mình còn chúng ta thì sao? Bằng cách riêng của mỗi người, hãy đi tìm câu trả lời để tự viết lên ý nghĩa cuộc đời của chúng ta.

VIÊN TỪ

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỌC SÁCH – BÀI HỌC TỪ NHẬT BẢN
  2. TƯ DUY KHI ĐỌC
  3. CÁCH ĐỌC MỘT CUỐN SÁCH KHÓ

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  2. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI
  3. NHỮNG NGUYÊN TẮC HÀNG ĐẦU ĐỂ DUY TRÌ NIỀM ĐAM MÊ