GIẢI PHÓNG KHỎI SÂN HẬN

PATRUL RINPOCHE

Trích: Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ; Bình giảng của Dilgo Khyentse; Việt dịch: An Phong và Đương Đạo; NXB. Thiện Tri Thức, 2000

Chớ theo đuổi đối tượng của sân hận; hãy nhìn vào tâm thức giận dữ.

Sân giận, vốn tự giải thoát ngay khi nó sanh, là cái Không sáng tỏ;

Cái Không sáng tỏ không gì khác hơn là Trí Huệ Như Tấm Gương.

Trong sự vốn tự giải thoát của sân hận, hãy trì tụng thần chú sáu âm.

Sanh tử xảy đến như thế nào? Khi chúng ta tri giác mọi sự xung quanh với năm giác quan của mình, tất cả các loại cảm giác hấp dẫn và ghê sợ khởi lên trong tâm thức chúng ta, và chính từ những cảm giác này mà sanh tử sanh khởi. Tri giác thuần túy về sự vật, tự bản thân nó, không phải là cái gây cho chúng ta lưu lạc trong sanh tử; mà chính sự phản ứng của chúng ta với những tri giác này và những giải thích diễn dịch chúng ta gán cho chúng làm cho bánh xe sanh tử quay mãi. Bây giờ, đặc trưng kỳ diệu của Mật thừa là, thay vì kéo dài sanh tử theo cách ấy, chúng ta có thể trau dồi tri giác về mọi hiện tượng như là trò chơi thanh tịnh của trí huệ.

Khi các bạn cảm thấy giận ghét ai đó, sự thù ghét và sân giận của các bạn không phải là cái gì nội tại nơi người ấy như một toàn thể cũng như một phương diện nào của nó. Sự giận ghét của các bạn chỉ hiện hữu trong tâm thức các bạn. Vừa trông thấy nó, những tư tưởng của các bạn luôn luôn day đi day lại nó đã làm hại các bạn trong quá khứ, nó sẽ làm hại các bạn trong tương lai như thế nào, hay nó đang làm hại các bạn bây giờ ; chỉ nghe tên của nó là đã làm các bạn đảo lộn. Khi các bạn trở nên trụ tâm vào những tư tưởng ấy, sự giận ghét đầy đủ phát triển, và tới lúc này các bạn cảm thấy một thôi thúc không thể cưỡng được cầm một cục đá và liệng vào nó, hay chụp lấy cái gì đó để đánh nó, nghĩ rằng, “Tôi thực sự muốn giết nó!”.

Giận dữ có vẻ cực kỳ mạnh mẽ, nhưng nó lấy sức mạnh từ đâu để tràn ngập các bạn một cách dễ dàng như thế? Nó là sức mạnh nào đó ở bên ngoài, một cái gì có tay có chân, vũ khí và áo giáp? Nếu không, thế thì nó ở đâu trong các bạn? Nếu thế, nó ở đâu? Các bạn có thể tìm thấy nó trong óc não, trong trái tim, trong xương cốt, hay trong phần nào khác của các bạn? Dầu không thể xác định ở chỗ nào, giận dữ hình như hiện diện theo một cách rất cụ thể, một bám chấp mạnh mẽ nó làm đóng băng tâm thức các bạn thành một trạng thái cứng đặc và đem lại một số lớn khổ đau cho cả các bạn và những người khác. Như những đám mây, quả không chất thể để mang nổi trọng lượng của các bạn hay để khoác lấy như áo quần, tuy nhiên có thể làm tối đen toàn bộ bầu trời và che phủ mặt trời, cũng thế, những tư tưởng có thể che ám sự sáng chói nguyên thủy của tánh giác. Bằng cách nhận biết bản tánh thông suốt, trống không của tâm, hãy để cho nó trở lại trạng thái giải thoát, tự do tự nhiên của nó. Nếu các bạn nhận biết bản tánh của sân giận là Không, nó bèn mất tất cả sức mạnh làm hại của nó và hoàn lại thành Trí Huệ Như Tấm Gương (Đại Viên Cảnh Trí); nhưng nếu các bạn không nhận ra bản tánh của nó và thả lỏng cương cho nó, nó sẽ không kém là nguồn gốc đích thực của những hành hạ cháy bỏng và lạnh cóng của địa ngục.

Người ta thường nghĩ về sự hàng phục và hủy hoại một đối thủ như là một thành công tích cực, nhưng đấy chắc chắn không phải là quan điểm của giáo lý Phật giáo. Khi giận dữ phun như núi lửa, chớ có theo nó, mà thay vào đó hãy nhìn thẳng vào bản tánh của chính giận dữ ; nó chỉ là một chế tạo trống không ở trong cái trống không bao la của tâm thức. Trải qua vô số đời, bị nô lệ bởi sự gây gổ của riêng các bạn, các bạn đã tích tập vô lượng nghiệp xấu. Từ giờ trở đi hãy thận trọng hơn, nhớ rằng giận dữ là hạt giống từ đó mọi hành hạ của những địa ngục có thể sinh trưởng. Nhổ sạch giận dữ, và không còn đâu nữa những cõi địa ngục. Bởi thế thay vì ghét hận những kẻ thù giả danh, mục tiêu tấn công đích thực của sự giận ghét của các bạn phải là chính bản thân sự giận dữ.

Nếu các bạn không theo đuổi những cảm giác giận dữ, nếu các bạn không tự làm mình xa lánh những người khác bởi sự sân giận, nếu sự sân giận của các bạn được giải thoát vào trong thật tánh của chính nó, bấy giờ đó là trí-huệ-như-tấm-gương, một gương soi trong đó những người khác được phản chiếu như là chính các bạn. Bao giờ một tư tưởng “sân giận” có khởi lên trong tâm của Quán Thế Âm, nó chỉ làm cho trí huệ càng sáng chói thêm nữa. Hơn nữa, khi các bạn hiểu rõ rằng sân giận không thể nội tại nơi một đối tượng bên ngoài và rằng tâm thức giận dữ bên trong là không có một hiện hữu có thể sờ nắm nào, các bạn sẽ cảm thấy lòng bi tự nhiên tỏa chiếu cho tất cả chúng sanh, đặc biệt là cho những người bị hành hạ bởi những ngọn lửa của sân giận.

Ngày xưa, trong một đời trước của đức Phật, khi ngài là một Bồ tát trong hình dạng một con rắn, một số đứa bé tàn ác bắt ngài và hành hạ ngài đến chết. Nếu muốn, Bồ tát có thể hủy diệt chúng với chỉ một cái nhìn; nhưng vì lòng ngài đã thoát khỏi tư tưởng nhỏ nhất về giận dữ, đó không phải là điều ngài làm. Thay vào đó, ngài cầu nguyện rằng qua sự tiếp xúc chúng đã có với ngài bằng cách giết ngài, trong tương lai chúng sẽ trở thành đệ tử của ngài và được ngài dẫn dắt đến giác ngộ. Sự can đảm và nhẫn nhục gương mẫu này là kết quả của sự chứng ngộ đầy đủ của ngài về tánh Không và đại bi.

Sân giận là một kẻ tử thù của giải thoát, bởi vì một khoảnh khắc của sân giận phá hủy công đức được tích tập trong nhiều kiếp. Bởi thế, trừ diệt sân giận là một trong những mục tiêu chính yếu của một Bồ tát. Thế nên, hăm hở giữ giới nhẫn nhục, hãy trì tụng thần chú sáu âm. Như có nói, “Không có lỗi lầm nào lớn hơn sân giận, không có giới luật nào lớn hơn nhẫn nhục”.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIẢI PHÓNG KHỎI SÂN HẬN
  2. YÊU THƯƠNG CÁC SINH VẬT
  3. CHÁNH NIỆM VÀ SÂN GIẬN

Bài viết khác của tác giả

  1. CÁCH THỨC ĐÚNG ĐẮN ĐỂ LẮNG NGHE GIÁO PHÁP
  2. TƯ TƯỞNG GIÁC NGỘ
  3. LẼ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG