HAI CON ĐƯỜNG VÀ HAI KẾT QUẢ

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Lời Nguyện Của Tánh Giác Phổ Hiền Như Lai; NXB Thiện Tri Thức.

Tuy cùng một Nền Tảng duy nhất, nhưng có hai con đường và hai kết quả. Nền tảng duy nhất có thể được hiểu từ các phương diện: bên ngoài, bên trong và bí mật. Về phương diện bên ngoài của nền tảng duy nhất này, trước hết, tất cả hiện tượng và hiện hữu, bao gồm vô số các vũ trụ và chúng sanh hữu tình, đều có một nền tảng duy nhất, đó là nó bao gồm năm yếu tố – đất, nước, lửa, gió và không gian. Trong không gian, các yếu tố khác sanh khởi và vũ trụ biểu hiện. Bất kể thứ gì biểu hiện trong vũ trụ, tất cả đều bao gồm năm yếu tố này. Ví dụ, thân thể của một người bao gồm cả năm yếu tố (xương và thịt là yếu tố đất, máu là yếu tố nước, hơi thở là yếu tố gió, hơi ấm/thân nhiệt là yếu tố lửa và tâm là yếu tố không gian). Như vậy năm yếu tố bên ngoài và năm yếu tố bên trong của thân thể một người và nhân phiền não của tâm người đó đều có quan hệ với nhau. Bản tánh của tất cả chúng sanh đều giống nhau mặc đồ các hình thể bên ngoài biểu hiện theo những cách khác nhau, ví dụ như một con người, một con vật hay một sinh vật sống đều sở hữu một thân thể bao gồm năm yếu tố. Phương diện bên trong của nền tảng duy nhất là bên trong tâm, tất cả chúng sanh, thậm chí động vật, đều sở hữu năm loại phiền não. Tất cả đều có chung mong muốn được kinh nghiệm hạnh phúc chứ không phải trải qua đau khổ. Các nhà khoa học ngày nay đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để cố gắng tìm hiểu hành vi của các loài động vật trên thế giới, họ làm gì, ăn gì, có thái độ gì, vân vân… Họ được thúc đẩy bởi mong muốn giống như con người. Thân thể và tâm thức của con người và động vật hoàn toàn giống nhau về nền tảng. Nền tảng bên ngoài giống nhau và bao gồm năm yếu tố. Nền tảng bên trong giống nhau là tất cả chúng ta đều có chung mong muốn được kinh nghiệm hạnh phúc, không bị đau khổ. Trong trường hợp này, hình tướng bên ngoài và bên trong giống nhau, nhưng tại sao chúng ta vẫn biểu hiện dưới rất nhiều hình dạng khác nhau? Đó là do sự đa dạng của nghiệp. Nền tảng duy nhất bí mật là những gì Đức Phật giải thích như là bản tánh căn bản của tâm. Tâm đó là nền tảng của tất cả sinh tử và niết bàn. Nó giống như năng lượng ánh sáng. Nền tảng duy nhất bí mật này được tất cả chúng sanh chia sẻ chung với nhau. Thân thể của chúng ta có năm yếu tố và trên nền tảng duy nhất của tâm là yếu tố không gian. Thực ra yếu tố không gian cũng là một phần của năm yếu tố khác. Tâm giống như không gian là nền tảng của sanh tử và niết bàn. Đức Phật đã thấy biết rằng trong nền tảng duy nhất đó (tâm), Phật và chúng sanh hữu tình là một không hiện hữu riêng biệt.

Đức Phật đã thấy biết rằng mặc dù mọi thứ biểu hiện và hiện hữu trong sanh tử và niết bàn là vô hạn và rộng lớn như không gian, chúng cùng một nền tảng duy nhất, nhưng có hai con đường và hai kết quả. Đức Phật đã thành tựu ba phẩm tính – trí huệ thấu suốt, tâm đại bi yêu thương và sức mạnh để bảo vệ người khác. Qua trí huệ thấu suốt, Đức Phật đã thấy biết rằng tuy cùng một nền tảng, nhưng mức độ đau khổ của chúng sanh là vô tận. Với tình thương yêu và tâm đại bi cao thượng, Đức Phật đã cố gắng tìm ra con đường giải thoát chúng sanh khỏi đau khổ. Nhờ sức mạnh để bảo vệ chúng sanh của Đức Phật, ngài nhận thấy rằng mặc dù đau khổ của vũ trụ này là vô tận, nhưng nó xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất là việc nắm giữ bản ngã. Việc nắm giữ bản ngã này không thể bị phá hủy dễ dàng ngay cả khi bạn tấn công có bằng bom nguyên tử. Đức Phật đã thấy biết rằng chỉ cần bạn nảy sinh mong muốn làm lợi ích cho người khác – tâm vị tha – ngay lúc đó, không có việc nắm giữ bản ngã. Do đó, trong Ba mươi bảy Pháp hành Bồ tát đạo có nói “Vị Phật toàn hảo sanh khởi từ tâm vị tha”. Như vậy, có một nền tảng duy nhất và có hai con đường và hai kết quả. Con đường thành tựu những lợi ích của người khác dẫn đến kết quả hạnh phúc và con đường coi trọng bản thân dẫn đến kết quả đau khổ. Hai con đường ở đây không đề cập đến những con đường làm bằng vật chất mà chúng ta bước đi trên đó, mà nó đề cập đến những cách suy nghĩ khác nhau trong tâm của chúng ta, tùy thuộc vào việc hiểu biết và không hiểu biết sự vận hành của nghiệp (nghiệp và kết quả của nghiệp).

Có hai loại kết quả. Điều này có thể được nhận thấy bằng cách xem xét, ví dụ như, sự khác biệt giữa hạnh phúc và đau khổ mà con người và động vật trải qua hoặc sự khác biệt giữa kinh nghiệm hạnh phúc của các vị bồ tát ở các địa và những đau khổ của những con người nắm giữ bản ngã. Trong đó, giữa các chúng sanh, có những cấp độ đau khổ khác nhau. Điều quan trọng nhất cần hiểu ở đây là không phải những biểu hiện bên ngoài hay những điều kiện bên ngoài của hạnh phúc là chính vếu, mà quan trọng nhất là kinh nghiệm của tâm. Để minh họa cho quan điểm này, tôi lấy kinh nghiệm cá nhân của bản thân tại thời điểm bị giam cầm. Nhiều người đã bị bỏ tù vào thời điểm đó, như vậy, hoàn cảnh bên ngoài là như nhau cho tất cả mọi người. Chúng tôi trong cùng một nhà tù và chúng tôi mặc quần áo giống nhau và ăn cùng một loại thức ăn, vân vân… Vẫn có rất nhiều kinh nghiệm khác nhau. Nói chung, có hai khu vực trong nhà tù: một khu giam giữ tất cả các Lạt ma và tăng sĩ và khu vực khác giam giữ những người còn lại. Các Lạt ma và tăng sĩ bị giam giữ riêng biệt vì họ được coi là đã sai phạm nhiều hơn và do đó, sẽ phải chịu mức án nặng hơn những người khác. Nhưng ngoài điều đó ra, mọi thứ đều giống nhau. Mỗi Chủ nhật, các Lạt ma và tăng sĩ sẽ gặp nhau và có một khoảng thời gian vui vẻ. Chúng tôi cùng nhau cười to thích thú. Đôi khi viên cai ngục đến và nói: “Các anh có biết đây là một nhà tù không? Tại sao các anh lại thích thú như vậy? Các anh không biết rằng các anh đã lãnh án để ngồi ở đây? Đây không phải là nơi để các anh tự vui thích trong nhà tù.” Điều này rất quan trọng cần phải đề cập đến bởi vì cùng thời điểm đó, có những tù nhân khác đã liên tục tự sát. Tôi thực sự kinh ngạc bởi sự khác biệt giữa hiểu biết và không hiểu biết sự vận hành của nghiệp (nghiệp và quả của nó) và cách tâm nhìn nhận sự việc.

Đây là điều quyết định hạnh phúc và đau khổ của chúng ta. Chúng ta có thể thấy sự tương phản lớn trong kinh nghiệm giữa con người và động vật, nhưng ngay cả giữa con người với nhau, bạn cũng có thể thấy nhiều loại hạnh phúc và đau khổ. Điều này là do rất nhiều nghiệp khác nhau mà con người đã tạo ra trước đây. Do đó mà có các loại kết quả khác nhau. Ví dụ này cho thấy rằng không phải hoàn cảnh bên ngoài tạo nên sự khác biệt, mà thực sự là nội tâm, cách tâm nhìn nhận mọi thứ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC
  2. KHAI THỊ SỐ 36 – MỌI KHỔ ĐAU ĐỀU ĐẾN TỪ MƯU CẦU HẠNH PHÚC CÁ NHÂN

Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. BẢN TÁNH TỐI HẬU CỦA TÂM
  3. BA CON ĐƯỜNG