HARVEY DEUTSCHENDORF
Trích: Trí Thông Minh Thực Dụng - 5 Phút Mỗi Ngày Để Thay Đổi Cuộc Sống; Harvey Deutschendorf, Nguyễn Hồng Lê dịch; NXB Lao Động, 2011
——-——-
“Món quà tuyệt vời dành cho loài người là chúng ta có sức mạnh của sự thấu cảm.”
_ Meryl Streep, Diễn viên điện ảnh
“Tình bạn chỉ tồn tại khi được nuôi dưỡng bằng lòng tốt, sự thấu cảm và hiểu biết.”
_ Khuyết danh
“Chúng ta cảm thấy thoải mái nhất quanh những người mà chúng ta cảm thấy, ở một mức độ nào đó, nhạy cảm với các nhu cầu và cảm giác của chúng ta nhất. Chúng ta cũng có xu hướng tin tưởng họ hơn…Nhưng điều quan trọng thật sự không phải là nhà cửa đất đai, cổ phiếu và trái phiếu, xe hơi và bất động sản, mà là tình bạn, sự tin cậy, tin tưởng, sự thấu cảm, lòng nhân từ, tình yêu và niềm tin.”_ Bertrand Russell, Nhà triết học và sử học người Anh.
——-——-
Có những người có thể hiểu được người khác, trong khi một số người hoàn toàn không biết người khác đến từ đâu. Mặc dù có thể về mặt ý thức, chúng ta không nhận thức được điều này nhưng chúng ta cảm thấy gần gũi hơn một cách tự nhiên với những người hiểu ta và do đó chúng ta thường cởi mở và tin tưởng họ hơn. Hãy nghĩ tới những người bạn tìm đến để được giúp đỡ, an ủi khi cần. Họ có những phẩm chất gì? Họ đều là những người có khả năng thấu cảm.
Thấu cảm là có thể đọc một cách chính xác trạng thái xúc cảm của người khác. Thấu cảm nghĩa là có thể cảm nhận được những xúc cảm ẩn chứa sâu bên trong lời người khác nói. Để làm được điều đó, chúng ta phải nắm bắt được không chỉ lời nói mà còn là sức cuốn hút và giọng nói đi kèm. Cùng với đó chúng ta cũng cần phải tính đến nét mặt, điệu bộ và những yếu tố biểu cảm khác cho chúng ta những gợi ý đầy giá trị về trạng thái xúc cảm của người đó.
Thấu Cảm Không Phải Là Đồng Cảm
Có rất nhiều nhầm lẫn xung quanh khái niệm thấu cảm. Với một số người, thấu cảm có những nét nghĩa gần gũi với những từ như ấm áp, đồng cảm và yêu thương. Nhưng thấu cảm không có nghĩa là chúng ta cần phải thể hiện bản thân một cách ấm áp, yêu thương và đồng cảm. Thấu cảm thường bị nhầm lẫn với đồng cảm nhưng hai khái niệm này khá khác nhau. Khi đồng cảm, ta bày tỏ ra bên ngoài những xúc cảm của mình. Khi cảm thấy thương cảm ai đó, chúng ta không ở trạng thái tốt nhất để làm những điều tốt nhất cho người đó. Ví dụ như khi người thân thiết với chúng ta bị thương và phải học cách trở thành người khuyết tật. Chúng ta chứng kiến người đó gắng hết sức để làm những điều trước đây thật đơn giản nhưng giờ đây lại trở nên hết sức khó khăn. Tuy nhiên, để người đó có thể trở nên tự lập, anh ta cần học cách tự mình làm những việc đó. Nếu chúng ta thấy đồng cảm với người đó, chúng ta cảm thấy mình có nghĩa vụ phải lao đến và giúp anh ta làm mọi việc. Tuy nhiên, điều này không tốt cho người đó vì nó sẽ làm chậm khả năng học cách tự làm và cản trở sự tiến bộ để đạt tới sự tự lập của anh ta. Còn sự thấu cảm, sẽ cho phép chúng ta nhìn nhận tình huống mà người đó đang trải qua, những bước lùi lại và hành động theo cách mà cuối cùng sẽ là tốt nhất vì lợi ích của người đó.
Được đào tạo ở một trong những ngành có mục đích trợ giúp, các giáo sư của tôi đã tìm nhiều cách để giải thích sự khác biệt giữa hai khái niệm này. Trong những mối quan hệ giúp đỡ, sự đắm chìm vào cảm giác của ai đó khiến chúng ta mất đi tính khách quan và khả năng giúp đỡ người đó. Không chỉ có vậy, nó còn gây ra cơn bùng nổ tương đối nhanh.
Chúng ta không cần phải cảm thấy tội nghiệp người khác hoặc dùng cảm giác của bản thân để hiểu họ đang cảm thấy thế nào. Sự thấu cảm cho phép chúng ta hình dung thế giới trông như thế nào qua con mắt của người khác, nhưng đồng thời vẫn không bị cuốn vào xúc cảm của họ.
Trong lần tái bản có hiệu chỉnh của The EQ Edge: Emotional Intelligence and Your Success (Tạm dịch: Độ sắc bén về EQ: Trí tuệ xúc cảm và thành công), tác giả Steven J. Stein và Howard E. Book định nghĩa thấu cảm là:
Khả năng nhìn thế giới bằng quan điểm của người khác, năng lực điều chỉnh theo suy nghĩ và cảm nhận của người khác về một tình huống nào đó – bất kể quan điểm đó khác với nhận thức của bạn, thật sự là một công cụ kết nối vô cùng mạnh. Khi bạn nói được một lời thấu cảm, ngay cả khi ở giữa một tình huống đối đầu hoặc căng thẳng, bạn vẫn xoay chuyển được tình thế, cuộc trao đổi khó khăn và có tính tranh chấp trở thành liên minh có tính cộng tác cao hơn.
Sự thấu cảm xuất hiện ở một cấp độ nhận thức và hiểu biết nhất định. Chúng ta không phải đồng ý với mọi người hoặc đặc biệt yêu thích họ để có sự thấu cảm dành cho họ. Hãy nghĩ tới người mà bạn không thật sự quan tâm. Hãy tưởng tượng người đó mất đi một ai đó rất thân thiết. Cho dù có thể chúng ta không thấy đồng cảm với người đó, chúng ta vẫn có thể hiểu cảm giác đau đớn và mất mát người đó phải trải qua.
Thấu cảm là một trong những yếu tố chủ chốt mà những người bán hàng thành công sở hữu. Nhiều người coi việc bán hàng chỉ là đem đến cho khách hàng món hời nhất, sản phẩm tốt nhất và dịch vụ với mức giá tốt nhất. Nhưng bán hàng chủ yếu lại là về xây dựng mối quan hệ. Hãy dành chút thời gian nghĩ về những người bán hàng mà bạn từng mua những món hàng lớn. Tại sao bạn lại quyết định mua của những người này? Bạn có thích họ không? Có thể đây có vẻ giống như một câu hỏi ngớ ngẩn và quá đơn giản hóa vấn đề, nhưng hãy nghĩ về trường hợp khi bạn mua một thứ gì đó đắt tiền của một người bạn mà bạn không thích. Rất có khả năng là bạn chưa bao giờ làm thế.
Hầu hết mọi người nghĩ rằng bảo hiểm nhân thọ là vấn đề của chi phí và lợi ích. Theo truyền thống, những người bán bảo hiểm nhân thọ được đào tạo rằng, để bán hàng thành công bạn cần phải thuyết phục khách hàng rằng hợp đồng bảo hiểm của công ty bạn tốt hơn công ty đối thủ. American Express đưa vào các tư vấn viên được đào tạo trí tuệ xúc cảm để giúp lực lượng bán bảo hiểm trở nên hiệu quả hơn. Từ các nhân viên tư vấn này, họ phát hiện ra rằng bán bảo hiểm liên quan đến nhiều thứ hơn là các thống kê và số liệu. Khi nghĩ đến cái chết của chính mình và những người thân yêu chúng ta bỏ lại trên cõi đời thì rất nhiều xúc cảm sẽ dâng trào. Người bán hàng nào nhạy cảm với điều này và có thể thể hiện một cách hiệu quả sự nhạy cảm đó đối với khách hàng của mình, sẽ bán được nhiều hợp đồng bảo hiểm hơn.
Sức Mạnh Của Việc Thừa Nhận Cảm Giác
Có bốn quy tắc cơ bản về cảm giác:
1. Cảm giác không tốt cũng không xấu, chúng chỉ là cảm giác mà thôi.
2. Tất cả chúng ta đều có quyền đối với các cảm giác của mình.
3. Chúng ta không có quyền phán xét cảm giác của người khác và cũng không ai có quyền phán xét cảm giác của chúng ta.
4. Tất chúng ta đều có nhu cầu mạnh mẽ muốn được thừa nhận cảm giác của mình.
Kỹ Năng Tăng Cường Khả Năng Thấu Cảm
1. Mỗi ngày hãy chọn ra một cuộc trò chuyện và chú ý tới xúc cảm đằng sau ngôn từ. Hãy chú ý tới giọng nói. Hỏi một hoặc hai câu về cảm giác để xem nhận thức của bạn có chính xác không.
2. Khi một nhóm người nói chuyện và bạn không trực tiếp tham gia, hãy cố tìm hiểu mỗi người trong số họ đang cảm thấy thế nào bằng cách chú ý tới giọng nói, nét mặt và từ ngữ với các hàm ý ẩn bên trong.
3. Chọn một người bạn cảm thấy gần gũi nhất và cởi mở nhất. Dành một vài phút mỗi ngày chỉ để lắng nghe những gì người này nói. Đưa cho họ phản hồi về những gì họ nói và bạn nghĩ họ cảm thấy thế nào. Tránh phán xét hoặc khuyên bảo. Kiểm tra xem có phải những gì bạn nghe được là những gì họ định nói không.
4. Sau khi xem xong một bộ phim, hãy thảo luận với gia đình hoặc bạn bè về cảm nhận của nhân vật và lý do vì sao họ lại cảm thấy như vậy.