KHI TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI TƯƠNG ĐỒNG VỚI ĐẠO PHẬT

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Cách Sống, Đối Thoại Giữa Triết Gia, Bác Sĩ và Nhà Sư; Việt dịch: Thiên Nga; NXB Hà Nội; Công ty CP Sách Thái Hà, 2018

MATTHIEU: Tiếp tục cái nhìn tổng quan của chúng ta, từ “cảm xúc” (emotion), theo nguyên từ, gợi nên ý tưởng nó là thứ gây ra chuyển động (motion). Đây là một đề tài quá rộng lớn, vì có gì mà không làm tâm trí vận động? Tùy theo quan điểm mà các chuyên gia dùng và mục đích họ theo đuổi, họ sẽ nói về cảm xúc tích cực hay tiêu cực, dễ chịu hay khó chịu — như anh nói, Christophe — trong khi cho các thuật ngữ này những nghĩa khác nhau. Họ đề cập dưới các góc độ khác nhau: khoa học, trị liệu, cá nhân, tinh thần, và còn nhiều nữa. 

Để hiểu cảm xúc theo cách thực tiễn hơn, trong mối quan hệ đơn sơ của nó với dễ chịu và khó chịu, tôi thấy cần bắt đầu bằng vài nhận xét. Toàn bộ hoạt động trí óc đều có liên hệ với các cảm xúc mà, nói chung, có thể gọi là dễ chịu, khó chịu, hay trung tính. Phần lớn các trạng thái tình cảm như tình yêu và hận thù còn đi cùng lời nói bên trong và lý luận. Trên bình diện thần kinh học, mỗi vùng trong não có liên hệ với những khía cạnh cảm xúc riêng biệt thì cũng có liên hệ với các khía cạnh nhận thức. Nói cách khác, các mạch thần kinh chuyên chở cảm xúc nối liền mật thiết với các mạch thần kinh chuyên chở nhận thức. Cảm xúc hầu như không bao giờ bộc lộ riêng rẽ với các khía cạnh khác trong kinh nghiệm của ta. Điều đó có nghĩa rằng khi thoạt nhìn thì sự phân biệt giữa cảm xúc và nhận thức không hề rạch ròi như ta nghĩ. 

Theo quan điểm Phật giáo, một quan điểm mà về cơ bản mang tính trị liệu vì nó nhắm tới việc chữa khổ và đem lại an lạc, thì cách thực tiễn nhất để phân biệt các trạng thái tinh thần khác nhau, đặc biệt là cảm xúc, là xem xét các hệ quả của chúng. Nếu một cảm xúc làm tăng trưởng sự tự tại và an lạc trong khi xui ta giúp tha nhân, ta nói rằng nó tích cực. Nếu nó quấy đảo tâm trí và đẩy ta tới chỗ làm hại người khác, ta nói nó tiêu cực. Do vậy, tiêu chuẩn duy nhất đáng xem xét là yên vui hay khổ do cảm xúc này hay cảm xúc kia mà ra. Ở điểm này, đạo Phật khác với các môn tâm lý học phân biệt cảm xúc theo cách nó xui ta tiến đến gần hơn, như tò mò và hấp dẫn, hay rút lui xa hơn, như sợ hãi và ác cảm. 

Tôi thấy sự phân biệt cảm xúc dễ chịu và khó chịu có vẻ đáng ngờ theo góc nhìn mưu cầu hạnh phúc bền lâu, vì nó kéo dài sự lầm lẫn hạnh phúc với lạc thú. Lạc thú sinh ra bởi những kích thích dễ chịu thuộc loại giác quan, thẩm mỹ hay trí tuệ. Nó không ổn định và có thể nhanh chóng biến thành dửng dưng, thậm chí thành khó chịu hay chán ghét. Nghe một bản nhạc tuyệt vời có thể cho ta cảm giác thích thú vui vô cùng, nhưng nghe đi nghe lại suốt 24 giờ thì sẽ biến thành tra tấn. Hơn nữa, cuộc tìm kiếm thú vui của cá nhân có thể dễ dàng đi đến chỗ đối nghịch với hạnh phúc của tha nhân. Ngược lại hạnh phúc thật sự, theo nghĩa Phật giáo, là một trạng thái bên trong không tuân theo hoàn cảnh. Thay vì biến thành mặt đối lập sau một thời gian, nó càng thêm ổn dịnh, vì nó sinh ra một cảm giác viên mãn sẽ trở thành nét chủ đạo trong khí chất của ta sau nhiều tháng hay nhiều năm. Đó cơ bản là một cách sống và một sự thăng bằng bên trong sâu xa gắn liền với sự hiểu đúng về cách vận hành của tâm. 

CHRISTOPHE: Từ tiếng Tây Tạng để chỉ cảm xúc là gì? 

MATTHIEU: Thuật ngữ Phật giáo trong lĩnh vực này không phải luôn bao quát hết những cái ta dùng ở phương Tây, vì chúng không thể hiện cùng quan điểm. Thật sự thì không có từ cụ thể để chỉ những cảm xúc tích cực. Ta nói về những ý nghĩ hay trạng thái tinh thần ích lợi như tình yêu thương và từ bi. Cũng có những trạng thái tinh thần khác như tâm tĩnh hay khả năng phân biệt mà ở đây ta sẽ không gọi là “cảm xúc”. 

Còn về từ thường được dịch là “cảm xúc tiêu cực”, nó cũng có một nghĩa rộng hơn vì nó không chỉ biểu thị giận dữ, đố kị, mà còn cả vô minh hay vọng tâm, những nguồn gây ra nó. Các cảm xúc, trong khía cạnh tiêu cực, nối liền với một cái nhìn sai lạc về thực tại kéo theo sự loạn thần. Thuật ngữ Tây Tạng gợi lên cái ý giày vò và kiệt sức. Chỉ cần quan sát thời khắc mà lòng tham, cơn giận, lòng thù hận hay đố kị xâm chiếm chúng ta là đủ để nhận thấy rằng chúng gây nên trong ta một sự khó chịu vô cùng và làm ta cạn kiệt sinh lực. Trong nhiều trường hợp, hành động và lời nói do những cảm xúc này xui khiến còn làm đau lòng người khác. Cảm xúc tiêu cực còn đào hố sâu ngăn cách ta và người. Chúng xui ta lý tưởng hóa cái ta quý và chê bai cái ta ghét. Chúng làm ta tin rằng đẹp hay xấu vốn cố hữu ở người và vật, điều này tạo ra một mâu thuẫn lớn dần giữa cái trên thực tế và cái ta lầm tưởng. Vì vậy mà, như Christophe vừa nói, ta càng có nhiều cảm xúc tiêu cực, ta càng áp đặt những thứ đầu óc ta bịa đặt lên thực tế.

Tâm lý học tích cực, các trị liệu pháp nhận thức và đạo Phật gặp nhau ở điểm này. Trong một lần gặp Đạt-lai Lạt-ma, Aaron Beck, nhà sáng lập trị liệu pháp nhận thức, giải thích rằng, khi ta rất giận dữ, 80% nhận thức của ta chồng lên thực tại. Nếu con người tự họ hấp dẫn hay đáng sợ, tất cả chúng ta đều sẽ thấy cuốn hút hay ghê sợ bởi cùng người, mà chuyện đó thì không thể có. Ta không thấy điều hiển nhiên này một khi bị dục vọng hay giận dữ xâm chiếm, vì ta đi qua một “giai đoạn ngang ngạnh”, như Paul Ekman nói, nó ngăn ta nhận ra rằng người ta ghét lúc đó cũng có những phẩm chất tốt, hay người ta ham muốn điên cuồng cũng có những khiếm khuyết. 

Những cảm xúc tiêu cực có một đặc điểm khác mà đức Đạt-lai Lạt-ma thường nhấn mạnh: chúng không cần được vun trồng mới nảy nở. Ta có thể có những cơn giận ghê gớm mà không cần tập luyện một giây nào. Như thầy tôi, Jigme Khyentse Rinpoche, đã nói: “Ta không cần dụng tâm thì mới dễ phật ý hay đố kị, ta không cần bộ tăng tốc giận dữ hay máy khuếch đại tự ái nào cả”. Trái lại, dẫu ta vốn nhẫn nhục hay từ tâm, ta cũng cần một nỗ lực nhất định để còn hơn vậy nữa. 

Tôi xin nói thêm rằng một cảm xúc có vẻ tích cực nhưng thực ra có thể tiêu cực và ngược lại. Ham muốn đôi khi thể hiện một dụng tâm cao quý, như ý định làm vơi khổ của tha nhân hay bảo vệ môi trường, nhưng ham muốn giàu có hay lạc thú không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành cội nguồn những nỗi giày vò cho mình và người. Giận dữ có thể thể hiện ác tâm, nhưng cũng có thể là một sự phẫn nộ chính đáng, một ý thức nổi loạn trước một thảm sát chẳng hạn, đó là biểu hiện lòng nhân từ và khơi lên một mong muốn mạnh mẽ giúp đỡ người khác. 

CHRISTOPHE: Khi tôi khám phá ra, theo cách cá nhân và trong nghề nghiệp của mình, sự đa dạng vô cùng của các cảm xúc và nhất là cảm xúc tích cực, điều đó làm thay đổi đời tôi! Suốt một thời gian dài, như mọi thầy thuốc tâm thần đích thực, tôi có cảm giác như tồn tại rất nhiều cảm xúc tiêu cực, và rốt cuộc, nhìn kỹ thì chỉ có hai cảm xúc tích cực cao đẹp: niềm vui và tình yêu. Rồi tôi hiểu rằng đó là một sai lầm to lớn. Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy vô vàn cảm xúc tích cực: lòng tin, thanh thản, mủi lòng, ngưỡng mộ, từ tâm… Gần đây người ta cũng đã nghiên cứu sự cao nhã, cảm xúc trước cái gì đó hùng vĩ đến độ ta cảm thấy nhỏ bé, như đứng trước Everest, Grand Canyon, hay trước ai đó hoàn toàn khác thường. Ngoài ra còn có sự nhiệt tình, dạng phản ứng cảm xúc có lợi đối với các đề nghị từ cuộc sống hay từ người khác, hay sự mở lòng vui vẻ và năng nổ với cái mới, điều rất đáng quý trong các nhóm. Tôi thấy nể trào lưu “tâm lý học tích cực” vì nó dạy chúng tôi phát hiện ra sự giàu có vô cùng của các trạng thái dễ chịu trong tâm hồn và dùng chúng để chữa trị. Tôi nỗ lực thúc đấy việc nghiên cứu và sử dụng trong trị liệu các cảm xúc dễ chịu này, vì chúng có một lực, một sức mạnh đáng nể và có thể được trau dồi. 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả ALEXANDRE JOLLIEN

  1. TỰ DO ĐÍCH THỰC: TÔI CÓ THỂ THOÁT KHỎI CÁI GÌ?
  2. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  3. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI

Bài viết khác của tác giả CHRISTOPHE ANDRE

  1. TỰ DO ĐÍCH THỰC: TÔI CÓ THỂ THOÁT KHỎI CÁI GÌ?
  2. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  3. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI

Bài viết khác của tác giả MATTHIEU RICARD

  1. TỰ DO ĐÍCH THỰC: TÔI CÓ THỂ THOÁT KHỎI CÁI GÌ?
  2. CHÚ Ý, CHIÊM NGHIỆM VÀ HIỆN DIỆN CỞI MỞ
  3. BỊ LÔI CUỐN BỞI DÒNG THỜI GIAN

Bài viết mới

  1. TÂM VÀ TRÍ
  2. CÁC THỰC HÀNH VÀ GIÁO HUẤN CHUẨN BỊ CHO MÌNH KHI CHẾT
  3. CUỘC ĐỜI BẠN THAY ĐỔI TÙY THEO TÂM CỦA BẠN