KHÔNG CÓ GÌ LÀ ĐẶC BIỆT

SHUNRYU SUZUKI

Trích: Thiền Tâm Sơ Tâm; Việt dịch: Nguyễn Duy Nhiên; NXB Phương Nam Book.

Sau những giờ ngồi thiền, tôi không muốn nói thêm nhiều làm gì. Tôi cảm thấy ngồi thiền là đủ lắm rồi. Nhưng nếu phải nói thì tôi muốn nhắc lại sự kì diệu của ngồi thiền. Mục đích của chúng ta là duy trì sự thực tập này mãi mãi. Sự thực tập này bắt đầu từ vô thủy và sẽ còn tiếp tục mãi cho đến vô chung. Nghiêm khắc mà nói thì đối với con người chúng ta, không còn một cách tu tập nào khác hơn phương cách này. Không còn một lối sống nào tốt hơn lối sống này. Thiền tập là một biểu lộ trực tiếp thực tánh của mình.

Lẽ dĩ nhiên, việc gì chúng ta làm cũng có thể biểu lộ được thực tánh của mình. Nhưng thiếu sự thực tập này, ta sẽ không thấy được điều ấy. Bản tánh của con người và của vạn vật là phải sinh hoạt. Ngày nào chúng ta còn sống thì ngày đó chúng ta phải luôn luôn làm một việc gì đó. Nhưng nếu ta nghĩ rằng, “Tôi đang làm việc này”, “Tôi phải làm chuyện kia”, hay là “Tôi phải đạt được một điều gì đó đặc biệt” thì thật ra ta đang không làm gì cả. Và khi ta bỏ mặc, chẳng muốn, chẳng cần một việc gì hết, thì chừng ấy ta mới thực sự là hành động.

Lúc mà ta không còn ý niệm về sự thành đạt trong việc mình làm, đó mới thực sự là làm. Trong sự thực tập, chúng ta làm nhưng không với một mục đích nào hết. Có thể chúng ta cảm nhận rằng mình đang làm một việc gì đó quan trọng, nhưng thực ra nó chỉ là một biểu hiện tự tánh của ta, nó đáp ứng với một ước vọng sâu kín nhất trong ta. Nhưng ngày nào ta còn nghĩ mình tu tập có một mục đích, thì sự tu tập ấy vẫn chưa được trọn vẹn.

Nếu bạn cứ tiếp tục thực tập điều đơn giản này mỗi ngày, bạn sẽ đạt được một số năng lực kì diệu. Trước khi bạn đạt được thì chúng là những gì kỳ diệu lắm, nhưng sau khi bạn có rồi thì chẳng có gì là đặc biệt hết, vì tất cả chỉ là một phần của bạn mà thôi. Ở Trung Hoa có một bài thơ viết:

Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang

Khi chưa đến đó những mơ màng

Đến rồi lại thấy không gì khác

Khói tỏa Lô Sơn, sóng Chiết Giang

Người ta nghĩ rằng những rặng núi cao có mây bay trong khe núi, nhìn nước phủ ngập đến chân trời chắc là cảnh vật nhiệm màu lắm. Nhưng nếu bạn đến, bạn thấy chỉ là núi và nước. Thế thôi. Sự thật thì có gì là kỳ diệu đâu !

Sự giác ngộ cũng tương tự như thế. Những người không biết gì hết về sự giác ngộ sẽ cho nó là một điều gì ghê gớm lắm. Nhưng khi đã đạt đến nó rồi họ sẽ thấy nó không là gì hết. Tôi nói vậy chứ thật ra nó cũng không phải là “không là gì hết”. Bạn có hiểu được điều ấy không? Cũng như một người mẹ đã có con, chuyện có con đối với bà đâu có gì là đặc biệt. Thiền cũng vậy. Khi bạn tiếp tục tu tập, sau một thời gian, bạn sẽ thu thập được một số điều – chẳng có gì là đặc biệt, nhưng cũng là đặc biệt. Bạn có thể gọi đó là “chân tâm”, “Phật tánh” hay “giác ngộ” gì cũng được. Đối với những người đã đạt được rồi thì nó không là gì cả, nhưng cũng vừa là một cái gì đó.

Tôi cho rằng khi ta biểu lộ được thực tánh của mình thì ta là một con người. Còn nếu không, tôi không biết ta là gì nữa ! Ta không phải là loài thú vì ta đi bằng hai chân, nếu vậy thì ta là gì? Ta chỉ là một bóng ma (?) Tôi không biết phải gọi tên là gì cho đúng. Sinh vật ấy không thể nào có thật. Chúng chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Khi thiền không là thiền thì không có gì khác hiện hữu nữa ! Nếu bạn cố gắng dùng trí năng để hiểu những điều tôi vừa nói thì chúng sẽ không có nghĩa lý gì hết. Nhưng nếu bạn đã từng tu tập và có trải nghiệm thực hành rồi thì bạn sẽ hiểu được ý tôi.

Bất cứ một sự vật nào, nếu hiện hữu, thì bắt buộc phải có một thực tánh, đó là Phật tánh. Trong kinh Đại Niết Bàn, Parinivrana Sutra, đức Phật có nói “Mọi vật đều có Phật tánh”. Nhưng thiền sư Đạo Nguyên hiểu nó như vầy; “Mọi vật là Phật tánh”. Hai câu ấy khác nhau nhiều lắm. Nếu ta nói rằng, “Mọi vật đều có Phật tánh” có nghĩa là Phật tánh có mặt trong mỗi sự vật. Nhưng khi ta nói rằng, “Mọi vật là Phật tánh” thì có nghĩa là mọi vật tự nó chính là Phật tánh. Nếu không có Phật tánh thì không có một vật nào hiện hữu hết. Ngoài Phật tánh mà tìm kiếm thì tất cả chỉ là ảo tưởng mà thôi.

Thế cho nên làm một con người tức là làm Phật. Phật tánh chỉ là một tên gọi khác cho thực tánh của mình. Vì vậy, mặc dù chúng ta không làm gì hết mà thật sự là đang làm. Chúng ta tự biểu hiện chính mình. Ánh mắt của ta, giọng nói của ta, cách hành xử của ta đều biểu lộ ra thực tánh của chính mình. Điều quan trọng là ta biểu hiện nó ra bằng một lối giản dị và tương xứng nhất và biết trân quý những điều nhỏ nhặt nhất. Và chừng ấy, ta sẽ thấy được Phật tánh trong tất cả mọi sự vật, cho dù chúng tầm thường đến đâu.

Khi bạn tiếp tục tu tập, tuần này sang tuần khác, năm này qua năm nọ, trải nghiệm của bạn mỗi lúc sẽ được sâu sắc hơn, và rồi một ngày nó sẽ bao trùm hết tất cả những việc mình làm trong cuộc sống hằng ngày. Điều quan trọng nhất là hãy quên đi hết mọi ý niệm về thành đạt, mọi phân biệt. Nói một cách khác: hãy ngồi thiền. Đừng nghĩ ngợi gì xa xôi. Ngồi yên trên tọa cụ và đừng có kỳ vọng nào hết. Cuối cùng thì rồi ta sẽ tiếp nhận lại được thực tánh, chân tâm của mình. Hay nói đúng hơn là chân tâm tự nó khôi phục lại chính nó.

 

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN CHÍNH LÀ CÁCH THỂ HIỆN CHÍNH BẠN MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT NHƯ LÀ THIỀN ĐỊNH
  3. TẠI SAO NÊN THIỀN ĐỊNH ? MỘT KHẢO SÁT TÂM LÝ HỌC PHẬT GIÁO

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM BÌNH THƯỜNG, TÂM PHẬT
  2. NGUỒN LINH SÁNG TRONG VEO
  3. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP