KỶ LUẬT ĐẠO ĐỨC

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc, Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Người dịch: Nguyễn Trung Kỳ; NXB. Lao động; Công ty VH-TT Nhã Nam, 2020

Trong phần thảo luận sau có liên quan đến luyện tâm để được hạnh phúc, Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra: “Tôi nghĩ, hành vi đạo đức là một nét khác của loại kỷ luật nội tâm đưa đến một đời sống hạnh phúc hơn. Người ta có thể gọi đây là kỷ luật đạo đức. Các vị đại sư tinh thần như Đức Phật khuyên chúng ta thực hành các hành vi lành mạnh, tránh sa đà vào những hành vi không lành mạnh. Việc hành động của chúng ta là lành mạnh hay không tùy thuộc vào hành động ấy có xuất phát từ một trạng thái tâm thức có kỷ luật hay không. Người ta cảm thấy rằng một đầu óc có kỷ luật đưa đến hạnh phúc, còn một đầu óc vô kỷ luật đưa đến đau khổ, và quả thật, người ta nói rằng xây dựng kỷ luật trong tâm thức con người là yếu tính trong giáo huấn của Đức Phật.”

“Khi tôi nói về kỷ luật, ấy là tôi nói về kỷ luật tự thân chứ không phải kỷ luật do một ai khác áp đặt từ bên ngoài. Tôi cũng đang nói đến thứ kỷ luật được áp dụng để vượt qua những phẩm chất tiêu cực. Một băng cướp có thể cần đến kỷ luật để thực hiện thành công một vụ cướp, nhưng thứ kỷ luật ấy là vô ích.” 

Đạt Lai Lạt Ma ngưng nói trong giây lát, tỏ ra đang suy nghĩ, xếp đặt tư tưởng của mình. Hoặc có lẽ, ngài chỉ đơn giản đang tìm kiếm một từ trong tiếng Anh. Tôi không biết. Nhưng khi nghĩ về cuộc trò chuyện khi ngài ngưng lại chiều hôm ấy, một điều gì đó về cuộc nói chuyện này liên quan đến tầm quan trọng của học tập và kỷ luật bắt đầu có vẻ như một cái gì buồn tẻ đối với tôi khi sánh với những mục tiêu cao cả của hạnh phúc đích thực, sự trưởng thành tâm linh, sự chuyển hóa nội tâm triệt để. Dường như cuộc tìm kiếm hạnh phúc lẽ ra nên là một tiến trình nhiều tính chất tự phát hơn. 

Tôi xen vào để đặt vấn đề: “Ngài miêu tả các tình cảm và hành vi tiêu cực như những thứ ‘không lành mạnh’ và các hành vi tích cực là ‘lành mạnh’. Hơn nữa, ngài đã nói rằng một đầu óc thiếu rèn luyện hoặc vô kỷ luật thường đưa đến những hành vi không lành mạnh hoặc tiêu cực, vì thế chúng ta phải trau dồi và học hỏi để gia tăng các hành vi tích cực. Mấy điều này thì tốt.”

“Nhưng điều làm tôi khó chịu là chính cái định nghĩa của ngài rằng những hành vi tiêu cực hoặc không lành mạnh là những hành vi đưa đến đau khổ. Và ngài định nghĩa một hành vi lành mạnh là hành vi đưa đến hạnh phúc. Ngài cũng bắt đầu bằng cái tiền đề căn bản cho rằng theo tự nhiên, mọi loài đều muốn tránh đau khổ và tìm hạnh phúc – rằng ước muốn ấy là bẩm sinh chứ không cần phải học. Vậy câu hỏi là: 

Nếu việc muốn tránh đau khổ là điều tự nhiên đối với chúng ta, tại sao chúng ta không càng lớn thì càng kháng cự lại những hành vi tiêu cực hoặc không lành mạnh một cách tự phát và tự nhiên nhỉ? Và nếu chuyện tìm đến hạnh phúc là điều tự nhiên, tại sao chúng ta không được thu hút một cách tự phát, tự nhiên hơn về những hành vi lành mạnh, và nhờ vậy càng sống thì càng trở nên hạnh phúc hơn? Tôi muốn nói rằng, nếu những hành vi lành mạnh ấy mặc nhiên đưa đến hạnh phúc mà chúng ta thì muốn có hạnh phúc, vậy sao điều đó lại không xảy ra như một tiến trình tự nhiên? Tại sao chúng ta lại cần đến nhiều giáo dục, rèn luyện và kỷ luật như vậy để tiến trình ấy có thể xảy ra?” 

Lắc đầu, Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Ngay cả trong những ngôn từ quy ước, trong đời sống thường ngày, chúng ta xem giáo dục như một nhân tố rất quan trọng để bảo đảm cho một đời sống thành công và hạnh phúc. Và tri thức không đến một cách tự nhiên. Chúng ta phải rèn luyện, phải trải qua một thứ chương trình huấn luyện có hệ thống và những thứ tương tự. Và chúng ta xem việc giáo dục và rèn luyện theo quy ước này là một thứ quá khó khăn, bằng không tại sao các học sinh lại mong chóng đến các kỳ nghỉ như vậy? Tuy nhiên, chúng ta biết rằng loại giáo dục này rất là quan trọng để bảo đảm cho một đời sống hạnh phúc và thành công.”

“Tương tự, việc thực hiện các công việc lành mạnh có thể không xảy đến một cách tự nhiên, nhưng chúng ta phải trau dồi một cách có ý thức để hướng đến nó. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, điều này lại càng đúng, vì có một xu hướng chấp nhận rằng vấn đề hành vi lành mạnh và không lành mạnh – những điều nên làm và không nên làm – là cái gì đó nên được xem xét trong địa hạt tôn giáo mà thôi. Về mặt truyền thống, người ta cho rằng trách nhiệm của tôn giáo là chỉ ra những hành vi nào lành mạnh, hành vi nào không lành mạnh. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, tôn giáo đã đánh mất địa vị và tầm ảnh hưởng của nó ở một mức độ nào đó. Và đồng thời, không có một thể chế nào khác, như một nền đạo đức thế tục, thay vào chỗ của nó. Vì thế dường như người ta ít chú ý đến nhu cầu phải sống một đời sống lành mạnh. Chính vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần phải có một nỗ lực đặc biệt và hành động một cách có ý thức để có được loại hiểu biết này. Chẳng hạn, mặc dù cá nhân tôi tin rằng bản chất con người là hiền từ và cảm thông, tôi cảm thấy rằng việc đó là bản chất nền tảng vẫn chưa đủ, mà chúng ta còn phải phát triển một sự thấu hiểu và ý thức về sự kiện đó. Và việc thay đổi cách chúng ta nhận thức bản thân, thông qua học hỏi và tìm hiểu, có thể có tác động rất thực lên cách chúng ta giao tiếp với người khác và cư xử trong đời sống hằng ngày.

Đóng vai trạng sư của quỷ, tôi phản đối: “Nhưng ngài dùng cách loại suy về việc giáo dục và rèn luyện trường lớp. Đó là một chuyện. Nhưng nếu ngài đang nói về một số hành vi nhất định mà ngài gọi là ‘lành mạnh’ hoặc tích cực, đưa đến hạnh phúc, và những hành vi khác đưa đến đau khổ, thì tại sao lại cần phải học tập nhiều đến thế để xác định hành vi nào thuộc loại gì, tại sao cần rèn luyện nhiều đến thế để áp dụng hành vi tích cực và loại bỏ hành vi tiêu cực? Tôi muốn nói rằng, nếu ngài đưa tay vào lửa, ngài sẽ bị phỏng. Ngài rụt tay lại, thế là ngài học được rằng hành vi này sẽ đưa đến đau khổ. Ngài không cần học hay luyện tập chi dài dòng để biết được đừng có chơi với lửa.”

“Thế thì, tại sao mọi hành vi hoặc tình cảm đưa đến đau khổ lại không như thế? Chẳng hạn, ngài cả quyết rằng giận dữ và ghen ghét rõ ràng là những tình cảm tiêu cực và nhất định đưa đến đau khổ. Nhưng tại sao người ta lại cần phải được dạy dỗ về những tác động tai hại của giận dữ và ghen ghét để tẩy trừ chúng? Vì giận dữ lập tức gây ra một trạng thái tình cảm khó chịu trong người, và chắc chắn là dễ cảm thấy ngay sự khó chịu ấy, vậy tại sao người ta không lập tức tránh né nó ngay trong tương lai?” 

Khi đức Đạt Lai Lạt Ma lắng nghe chăm chú các lập luận của tôi, cặp mắt thông minh của ngài hơi mở rộng, như thể ngài hơi ngạc nhiên, thậm chí thích thú, trước sự ngây thơ của câu hỏi của tôi. Rồi cười to đầy vẻ thiện chí, ngài nói: 

Khi anh nói về sự hiểu biết đưa đến tự do hoặc giải quyết một vấn đề, anh phải hiểu rằng có nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, hãy nói rằng loài người trong Thời Đồ đá không biết làm sao để nấu thịt, nhưng họ vẫn có nhu cầu sinh học về ăn uống, vì thế họ chỉ ăn như dã thú. Khi loài người tiến bộ, họ học cách nấu ăn rồi thêm gia vị để làm cho thức ăn được ngon hơn, thế là họ đi đến nhiều loại thức ăn hơn. Và ngay cả đến thời đại hiện nay, nếu chúng ta bị một loại bệnh nào đó và qua tri thức chúng ta biết rằng một loại thực phẩm nào đó không tốt cho mình, thì dù có thể vẫn còn muốn ăn nó, chúng ta sẽ kiêng không ăn nữa. Vậy rõ ràng là mức độ hiểu biết càng cao, chúng ta sẽ ứng đối với thế giới tự nhiên càng hiệu quả hơn.”

“Anh cũng cần có khả năng xem xét các hệ quả dài hạn và ngắn hạn của các hành vi của anh, và cân nhắc giữa hai bên. Chẳng hạn, khi tìm cách chế ngự sự tức giận, mặc dù các loài vật có thể cảm nhận sự tức giận, nhưng chúng không thể hiểu được rằng tức giận đem lại phá hoại. Nhưng trong trường hợp con người, có một mức độ khác, ở đó anh có một sự tự ý thức, nó cho phép anh phản tỉnh và quan sát thấy rằng khi giận dữ xảy ra, nó làm anh tổn thương. Vì thế, anh có thể đưa ra phán quyết rằng giận dữ là phá hoại. Anh cần phải suy luận được điều ấy. Vì thế điều ấy không đơn giản như việc cho tay vào lửa rồi bị phỏng và chỉ học được rằng sau này không làm điều đó nữa. Mức độ giáo dục và hiểu biết về những gì đưa đến hạnh phúc và những gì gây ra đau khổ mà càng tinh tế thì anh càng có thể đạt tới hạnh phúc chắc chắn hơn. Vậy, chính vì điều này mà tôi nghĩ giáo dục và tri thức là điều trọng yếu.” 

Cảm thấy tôi vẫn còn chống lại ý tưởng rằng giáo dục đơn giản như một phương tiện để chuyển hóa bên trong, ngài nhận xét: “Một vấn đề cho xã hội hiện tại của chúng ta là chúng ta có một thái độ đối với giáo dục như thể nó có đó chỉ để làm cho anh thông minh hơn, khéo léo hơn mà thôi. Đôi khi thậm chí có vẻ như những người không được học cao, những người ít được đào luyện tinh vi hơn thì chất phác và thành thật hơn. Cho dù xã hội chúng ta không nhấn mạnh điều này, tác dụng quan trọng nhất của kiến thức và giáo dục là giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc dấn thân vào những hành động lành mạnh hơn và thiết lập một kỷ luật trong tâm trí chúng ta. Việc sử dụng hợp lý trí thông minh và tri thức của chúng ta là để đưa đến những thay đổi từ bên trong, nhằm phát triển thiện tâm.”

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH
  2. TRUNG ĐẠO
  3. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG