LÒNG TỰ TRỌNG

GIẢN TƯ TRUNG

Trích từ: Đúng Việc – Một góc nhìn về câu chuyện khai minh.; NXB Tri Thức.

☘Giới Thiệu Tác Giả
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung hiện là Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED; và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.

Đồng thời, Ông còn là Trưởng Ban Tổ Chức Giải thưởng Sách Hay (nhằm khuyến đọc sách hay cho cộng đồng); Chủ nhiệm Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Scholarship (dành cho Lãnh đạo trẻ); Khởi xướng Trường Khai phóng Trực tuyến OpenEdu (dành cho người tự học); Sáng lập Tomorrow Leaders Academy (dành cho Sinh viên đại học); và Sáng lập PLEMS Education (dành cho Học sinh phổ thông).

Song song với vai trò lãnh đạo, nghiên cứu, giảng dạy, diễn thuyết và viết báo, Ông cũng là người khởi xướng và xây dựng 05 tủ sách thiết yếu (mua bản quyền, tổ chức biên dịch và xuất bản) nhằm phục vụ cho các nhóm độc giả khác nhau: “Tủ sách Kinh điển” (dành cho Học giới), “Tủ sách Doanh trí” (dành cho Doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho Giáo giới), “Tủ sách Lịch sử và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho Công chúng).

Ông cũng tác giả của cuốn sách “ĐÚNG VIỆC – Một Góc Nhìn Về Câu Chuyện Khai Minh”; tác giả cuốn sách “SƯ PHẠM KHAI PHÓNG – Thế Giới, Việt Nam & Tôi”; và chủ trì việc biên soạn bộ sách “Đạo Kinh Doanh – Việt Nam & Thế Giới” (gồm 15 cuốn).

Ông nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện Sau Đại học Geneva; Tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; Tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore; và tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục tại Đại học London (UCL).

Vì những cống hiến của Ông cho giáo dục, Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới đã vinh danh Ông là một Nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một Nhà hoạt động giáo dục.

(Theo OpenEdu Initiative)

———–&&&&&&———-

Trong những xã hội xưa, nhất là xã hội Á Đông, quan niệm về việc sống có lẽ sống và lẽ phải thường chỉ dừng lại ở việc nên sống sao cho hướng thiện, vô hại (không làm hại đến người khác), hữu ích (cho càng nhiều người càng tốt) thì trong xã hội văn minh, người ta thường dùng khái niệm “con người tự do”/ “con người tự trị” để khái quát đầy đủ hơn câu chuyện làm người. Và đó cũng là cách hiểu mà khái niệm “làm người” mà chương sách này muốn hướng đến. Nói cách khác, câu hỏi “Thế nào là con người?” cần được hiểu đầy đủ là “Thế nào là con người tự do/ tự trị?”

Có nhiều cách hiểu liên quan đến khái niệm này, nhưng theo cách hiểu của tôi, con người “tự trị”/ “tự do” là con người sở hữu hai thứ: (1) Tự trọng và (2) Tôn trọng.

“Tự trọng” nghĩa là biết coi trọng mình, nhưng không phải theo nghĩa vị kỷ (chỉ biết đến danh lợi của bản thân mình) mà là coi trọng phẩm giá/ đạo đức của mình. Một người có tự trọng hay không cũng thường được thể hiện qua câu trả lời hay qua hành xử của anh ta cho những câu hỏi như: “Điều gì khiến tôi sợ hãi/ xấu hổ?”, “Điều gì khiến tôi tự hào/ hạnh phúc?”…

Người tự trọng tất nhiên sẽ biết sợ sự trừng phạt của nhà nước (sợ pháp lý) nếu làm trái pháp luật và sợ điều tiếng dư luận của xã hội (sợ đạo lý) nếu làm trái với luân thường lẽ phải. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng sợ nhất với họ. Điều đáng sợ nhất đối với một người tự trọng là sự giày vò bản thân khi làm những chuyện đi ngược lại lương tri của chính mình, phản bội lại lẽ sống, giá trị sống, nguyên tắc sống mà mình theo đuổi và có cảm giác đánh mất chính mình. Nói cách khác, đối với người có tự trọng, có đạo đức, ”tòa án lương tâm” còn đáng sợ hơn cả ”tòa án nhà nước” hay “tòa án dư luận”.

Người tự trọng thường đối diện với lương tri và phẩm giá của bản thân, đối diện với “con người bên trong” của mình để hành động hơn là đối diện với sự răn đe của luật pháp hay sự phán xấu, việc sai, ngay cả khi việc xấu, việc sai đó rất có lợi cho mình và nếu có làm thì cũng không sao cả vì việc xấu, việc sai đó đã trở nên phổ biến và bình thường với mọi người.

Chẳng hạn, một người chăm chỉ thì khi làm ở một công ty mà ở đó mọi người đều làm việc chăm chỉ thì anh ta cũng sẽ làm việc chăm chỉ, còn khi đi đến một công ty mà ở đó hầu hết mọi người đều… làm biếng thì anh ta vẫn sẽ làm việc chăm chỉ, làm việc hết mình. Anh ta làm việc không phải vì sự sợ hãi cái nhìn của sếp hay sự đánh giá của đồng nghiệp, mà vì con người anh ta vốn dĩ là như thế, anh ta không muốn sống khác đi, dù là ở đâu. Ngày nay, giới trẻ thường dùng câu nói “Hãy là chính mình!“ như một câu châm ngôn thời thượng để cổ vũ cho sự tự do, thoải mái làm những điều mình thích. Nhưng không phải ai cũng hiểu và thực hiện phương châm “Hãy là chính mình!” một cách sâu sắc như anh nhân viên trong ví dụ trên.

Hay như một ví dụ khác: Tôi từ chối nhận phong bì vì tự tôi cảm thấy khó chấp nhận được điều đó, dù rằng tôi đang rất cần tiền và nếu tôi có nhận phong bì thì cũng không sao, vì ở đây ai cũng nhận phong bì cả”. Người tự trọng làm vậy vì phẩm giá của họ và vì lương tâm chức nghiệp của họ,  chứ không vì tác động từ bên ngoài như dư luận hay luật pháp hay tiếng tăm. Nếu không được sống đúng với con người của mình, họ sẽ xin nghỉ việc và tìm một nơi khác, chứ không chấp nhận sự thỏa hiệp đến mức phản bội chính mình để rồi mình không còn là mình nữa.

Người tự trọng có hạnh phúc, có tự hào khi được sự ghi nhận, mến trọng hay ngưỡng mộ của người khác dành cho mình không? Câu trả lời đương nhiên là “Có, rất hạnh phúc, rất tự hào”. Nhưng đó chưa phải là hạnh phúc lớn nhất. Niềm hạnh phúc lớn nhất với họ là niềm tự hào sâu kín và riêng tư từ bên trong con người của họ về những việc mà họ làm, về những điều mà họ theo đuổi. Chính vì được dẫn dắt bởi nội tại của bản thân hơn là bị chi phối từ bên ngoài, người tự trọng thường rất tự do và tự trị khi hành động.

Nói cách khác, người tự trọng/ tự trị thường không muốn làm điều xấu, ngay cả khi không ai có người biết việc họ làm; họ sẵn lòng làm điều tốt ngay cả khi không có ai biết đến; họ sẵn lòng làm điều đúng mà không hề để ý đến chuyện có ai ghi nhận việc mình làm hay không. Nếu tình cờ có ai đó biết và ghi nhận thì cũng vui, nhưng nếu không có ai biết đến và cũng không có ai ghi nhận điều tốt mà mình làm thì cũng không sao cả, vì phần thưởng lớn nhất đối với người tự do/ tự trị/ tự trọng là “được sống đúng với con người mình”, tất nhiên đó là con người phẩm giá, con người lương tri mà mình đã chọn.

Tỷ phú Warren Buffet – một trong những người giàu nhất thế giới và cũng là người làm từ thiện thuộc loại nhiều nhất thế giới – có một nguyên tắc: không cho phép dùng tên ông để đặt cho bất kỳ một công trình nào do ông hiến tặng tiền bạc để xây dựng, và hàng năm ông vẫn cho đi một số tiền lớn trong gia sản của mình đến các quỹ từ thiện. Năm 2014, ông bị rớt một bậc trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes sau khi đóng góp 28 tỷ USD cho quỹ Bill & Meanda Gates, nhưng có lẽ ngôi vị “người giàu nhất hành tinh đó có lẽ cũng không phải là chuyện khiến ông bận tâm cho lắm. Bởi điều ông quan tâm hơn chắc hẳn là suy nghĩ xem là nên dùng số tiền từ thiện của mình vào việc gì cho hữu ích nhất, và đặc biệt hơn là, một mạnh thường quân đích thực làm từ thiện chắc hẳn không phải hành động đó sẽ được ca ngợi hay được người ta mang ơn, mà vì niềm hạnh phúc lớn lao khi được san sẻ bớt nỗi bất hạnh của đồng loại hay thúc đẩy sự phát triển của con người.

Không phải chỉ những con người vĩ đại mới có hạnh phúc bên trong, mà ta có thể bắt gặp điều này ở những con người nhỏ bé trong những hành động tưởng chừng như rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Chẳng hạn, có hai chị em, cô chị 18 tuổi và cậu em 10 tuổi. Hai chị em được một người cho hai cái bánh rất ngon, một cái lớn và một cái nhỏ. Cô chị rất thương em và luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho em mình. Nhưng cô chị biết rằng, nếu được chọn trước thì thế nào cậu em sẽ chọn cái bánh lớn, như thế cô sẽ biến em mình thành một người tham lam. Thêm nữa, cô chị cũng rất muốn nhường cái bánh lớn nhưng lại không muốn cậu em e ngại vì được chị nhường. Với nhận thức và suy nghĩ như vậy, cô chị đã lén lấy cái bánh nhỏ để ăn và để lại cái bánh lớn cho cậu em. Khi thấy cậu em ăn cái bánh lớn một cách ngon lành và không hề biết gì về suy nghĩ và hành xử của chị mình, cô chị thầm hạnh phúc và rất tự hào vì đã làm được điều gì đó rất hay ho cho cậu em thân yêu của mình. Niềm tự hào sâu kín này, hạnh phúc riêng tư này chắc hẳn còn lớn hơn cả hạnh phúc nếu như cậu em biết rằng cô đã nhường cho cậu và cảm ơn cô vì điều đó.

Ngược với con người tự do là con người nô lệ (nô lệ cho người khác, cho tiền bạc, cho quyền lực, cho danh vọng…), và ngược với con người tự trị/ nội trị là con người bị trị/ ngoại trị (bị trị/ ngoại trị bởi người khác, bởi tiền bạc, bởi quyền lực, bởi danh vọng. . .). Khi được dẫn dắt bởi “con người ở bên trong” (lương tri, lương tâm, đạo đức, phẩm giá, phẩm hạnh, giá trị, nhân cách, lẽ sống, lẽ phải…), ta sẽ trở nên hướng thiện và hướng thượng hơn, và đặc biệt là mọi hành vi của ta sẽ không bị phụ thuộc bởi ngoại cảnh. Nói cách khác, ta có khả năng “tự trị”/ “nội trị” bởi lương tri và phẩm giá bên trong con người mình, hơn là “bị trị”/ “ngoại trị” bởi ai đó hay bởi tiền tài, địa vị, danh vọng hay bởi cái gì khác bên ngoài con người mình. Và vì thế, ta là con người tự do, tự do với những chi phối từ bên ngoài trong những hành vi của mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỰ DO, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC
  2. LƯƠNG TÂM CHÍNH LÀ NGƯỜI THẦY CỦA BẠN
  3. LƯƠNG TÂM

Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. KHAI TÂM: ĐỂ CÓ TRÁI TIM NÓNG
  3. “LÀM VIỆC” CŨNG LÀ “LÀM NGƯỜI”

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP