LƯỜI BIẾNG VÀ ĐỜ ĐẪN

HENEPOLA GUNARATANA

Trích Bốn Nền Tảng Chánh Niệm - Phần IV: Chánh Niệm về Pháp; Người dịch: Lê Kim Kha; Nhà xuất bản Hồng Đức

Còn được gọi là thụy miên và hôn trầm (HV), vì trong chướng ngại này có gồm cả sự buồn ngủ. Lười biếng là chỉ về sự thụ động, biếng nhác của thân. Còn ngu mờ hay đờ đẫn là chỉ về sự thụ động, lầm lẫn và ngu đần của tâm. Trong cuộc sống hàng ngày, sự lười biếng về thể xác sinh ra từ nhiều lý do. Đối với một số người, sự lười biếng trong mọi chuyện chỉ là một thói quen, là một tật xấu. Đối với những người khác, thì đó là một cách trốn tránh những cảm giác bất mãn, buồn bực, hay chán chường [chán đời].

Còn nữa, khi chúng ta ăn uống quá nhiều thức ăn thức uống, hoặc tập luyện thể lực quá nhiều, thì sau đó chúng ta thường bị buồn ngủ. (Đơn giản là cơ thể muốn ngủ để tiêu hóa thức ăn hoặc khôi phục lại sức lực đã tập luyện. Làm việc vất vả cũng dẫn đến mệt mỏi và buồn ngủ sau đó).

Nhưng khi sự lười biếng đã xảy ra thường ngày, nó trở thành một vấn đề khó khăn, bởi vì chúng ta không còn động lực hay năng lượng. Khi đã lười biếng thì chẳng có việc gì chúng ta muốn làm hay chẳng có việc gì được làm tốt. Tất cả những gì chúng ta muốn là nằm xuống và ngủ.

Sự đờ đẫn về tâm thì còn là trở ngại lớn hơn cho việc tập trung tu tập. Tâm trở nên ì ạch và mờ mịt, giống như nước bị tảo rong che mờ. Mọi thứ chúng ta cố tập trung vào đều không phân biệt được và xa mờ. Chúng ta không thể đọc, không thể nghĩ, không thể nói rõ ràng, và ngay cả một câu hỏi giản đơn nhất cũng làm ta lầm lẫn. Chúng ta chẳng còn biết cái gì đang diễn ra bên ngoài và bên trong chúng ta. Trạng thái ngu đần này rất gần giống với si mê hay vô minh, mà đôi khi người ta gọi là một giấc thụy miên vĩnh hằng, một giấc ngủ dài u mê không tỉnh thức.

Còn nữa, khi chúng ta thiền, vì hơi thở, thân, và tâm trở nên thư giãn nên chúng ta cũng dễ bị ‘rớt’ vào trạng thái buồn ngủ hay ‘phê mê’. Đành rằng trạng thái buồn ngủ là rất dễ thương, ngon lành, và chúng ta thường phải cần có nó vào những lúc cần ngủ. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có được sự tập trung tâm [chánh định] từ sự lười biếng của tâm như vậy. Yếu tố hỷ-lạc từ sự chánh định cũng không khởi sinh trong tình trạng đó. Chúng ta không nên lẫn lộn giữa cảm giác dễ chịu khoan khoái khi thân hay tâm được thư giãn và sự hỷ-lạc được tạo ra từ những trạng thái thiền định thâm sâu. Hai cái là hoàn toàn khác nhau và không liên quan gì nhau. Còn trí tuệ minh sát thì đòi hỏi phải có năng lượng, nỗ lực, và sự sắc bén.

Khi chúng ta nhận biết mình đang bị lười biếng, ta chú tâm vào trạng thái đó. Chúng ta ghi nhớ rằng sự lười biếng và đờ đẫn cản trở sự chánh niệm và ta lập tức dùng phương pháp để đối trị nó. Chẳng hạn, chúng ta nên thuộc nhớ lại về ngài Anuruddha siêng năng, người đã chứng đắc sự giải thoát bằng cách thực hành thiền một cách kiên trì và miên mật, chứ không phải bằng sự ngủ! Giống như ngài Anuruddha đã chứng ngộ và như Phật đã nói: “Giáo Pháp này dành cho người siêng năng, không phải cho kẻ lười biếng!.

Cách hữu ích khác là ta có thể đối thoại với sự lười biếng của chúng ta. Ví dụ, chúng ta có thể nói thầm:

“Ta được sinh ra làm người. Được làm người là rất hiếm hoi. Cách sử dụng cuộc sống con người không phải là để đắm chìm vào trạng thái ngái ngủ ngu mờ và không làm gì cả.

Tâm của ta phải được trong sáng để ta được giải thoát khỏi sợ hãi, căng thẳng, và lo lắng. Mục tiêu tột cùng của ta là thoát khỏi tham, sân, si. Một kẻ lười biếng không bao giờ có được niềm hạnh phúc và bình an thực sự”.

Trong một bài kinh khác, cách đối thoại nhiệt thành với bản thân mình theo kiểu như vậy đã được ví như một mục đồng dùng roi điều hướng những con bò vậy. Khi có con bò nào chạy lệch hướng, người mục đồng sẽ quất roi và hướng con bò đó quay trở lại cùng đàn bò. Đến khi nào sự lười biếng biến mất, chúng ta nhận biết nó. Chúng ta dùng chánh niệm để chắc chắn phòng ngăn không cho nó khởi sinh lại.

Dưới đây là một số gợi ý khác để đối trị chướng ngại lười biếng và buồn ngủ, và để phòng ngừa chắc chắc là nó không khởi sinh trở lại:

Những Điểm Chính để đối trị sự Lười Biếng và Buồn Ngủ

* Khi buồn ngủ hay đờ đẫn, mở mắt ra và xoay hai tròng mắt trong vài giây. Nhắm mắt lại, và tiếp tục tập trung chánh niệm.

* Hình dung một ánh sáng, một bầu trời nắng sáng, hay một cánh đồng tuyết trắng lóa. Tập trung tâm vào một hình ảnh đó trong vài giây. Ngay khi bạn hình dung [quán tưởng] về hình ảnh đó, sự buồn ngủ biến mất.

* Hít vào một hơi thở thật sâu và giữ càng lâu càng tốt. Rồi từ từ thở ra. Làm lại vài lần cho đến khi cơ thể ấm lên và có hơi mồ hôi. Sau đó, quay lại tiếp tục thực tập chánh niệm.

* Đứng dậy và thiền trong tư thế đứng vài phút cho đến khi cơn buồn ngủ biến mất. Nếu nó không hết, chuyển qua tư thế đi thiền như đã được hướng dẫn trong phần “Những Điểm Chính về Đi Thiền” trong Chương 2, cho đến khi sự buồn ngủ biến mất. Sau đó thì quay trở lại tư thế ngồi thiền ban đầu.

* Rửa mặt bằng nước lạnh. Hoặc nhéo mạnh hai dái tai đến khi cảm giác thấy đau.

* Nhớ hay tưởng niệm lại những đức hạnh của Đức Phật và dùng tấm gương Phật để khuyến khích bạn nỗ lực tỉnh thức để tu tập.

* Nếu sự buồn ngủ hay đờ đẫn xảy ra thường xuyên, bạn nên đổi thời gian ngồi thiền của mình. Một số người tỉnh thức nhất vào buổi sáng sớm; số khác thì tỉnh nhất trước giờ đi ngủ. Hãy tập thiền vào những khoảng thời gian khác nhau và chọn ra thời gian nào mình thiền tốt nhất, tỉnh thức nhất.

* Cân nhắc thay đổi cách giờ giấc, ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ để tạo ra thời gian tốt nhất cho thiền. Ví dụ, không nên ăn quá gần tới giờ thiền, vì như vậy sẽ làm thân bạn buồn ngủ khi thiền.

* Nếu những phương pháp trên đều không giúp gì cho bạn, hãy thực hành Tâm Từ cho chính bản thân mình, để thấy thương mình, và ngủ vài phút.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LIỀU THUỐC THIÊN NHIÊN
  2. MƯỜI BẤT THIỆN – GIÁO HUẤN DAKINI
  3. DALAI LAMA – CÁI THẤY, THIỀN ĐỊNH, HẠNH

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH