NĂNG LỰC TỰ DO CỦA TÂM TRONG ĐỐI TRỊ SÂN GIẬN

SHARON SALZBERG

Trích: Sống Với Tâm Từ; Nguyên tác: Loving Kindness; Việt dịch: Nguyễn Duy Nhiên; Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến; NXB. Tôn Giáo, 2016

Theo tâm lý học Phật giáo, một đặc tính của sân hận là sự hung bạo. Công năng của sân hận là thiêu đốt hết tất cả, ngay chính những gì nuôi dưỡng nó, giống như một trận cháy rừng. Nó tàn hoại tất cả, không để lại cho ta một vật gì. Cũng như trận cháy rừng, tung hoành và man dại, sân hận có thể đưa đẩy ta đến một hoàn cảnh hoàn toàn nằm ngoài dự tính. Và đặc tính của sân hận còn là sự si mê. Khi chúng ta đang giận, ta không còn thấy có một sự chọn lựa nào khác hơn, ta chỉ biết đập phá cho thỏa lòng mà thôi.

Sân hận được biểu lộ ra ngoài bằng sự thù nghịch và đàn áp. Tâm ta trở nên rất hẹp hòi và nhỏ nhoi. Ta đóng khung một người hay một vật nào lại, bắt nó phải trở nên cố định. Cái nhìn của ta chỉ còn có một chiều. Ta không còn thấy một đường lối nào khác hơn, tin chắc rằng người ấy hay việc ấy sẽ đời đời y như vậy, không bao giờ thay đổi. Sân hận vì thế mà cứ nuôi dưỡng thêm sân hận. Ta bị kẹt trong một vòng luẩn quẩn không thoát ra được. Ta có thể thấy được sự thật này qua những cuộc xung đột sắc tộc, đấu tranh giai cấp, hay những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia, tôn giáo… Sự thù hận cũng có một điểm đặc biệt là nó có khả năng gắn bó con người lại với nhau giống như tình thương vậy. Trong hận thù, người ta lôi kéo nhau, đoàn kết nhau qua những cuộc trả thù bất tận, không buông bỏ được, không thể dừng lại được. Kịch gia kiêm chính khách Vaclav Havel cũng nhận thấy sự tương tự này giữa thù hận và tình thương. Ông nói, “Ta gắn bó với người khác, lệ thuộc vào họ, và thật ra thì ta còn trao cho người khác một phần con người của mình nữa… Người thù ghét bao giờ cũng gắn bó với đối tượng thù ghét của họ.”

Vòng tròn thù hận ấy sẽ không bao giờ chấm dứt. Ta cảm thông với những người bị trả thù, áp bức, nhưng rồi khi ta có được quyền hành, ta lại cũng hành xử y như thế đối với người khác. Có người viết cho tôi một lá thư buộc tội, và tôi buộc tội ngược lại người ấy.

Nhưng làm sao ta có thể buông xả được trong hoàn cảnh ấy? Làm sao ta có thể hành động khác hơn? Thật ra, ta có thể tập chú ý vào nỗi khổ đang có mặt trong ta và người khác hơn là vào cơn giận. Ta có thể tự hỏi: Thật sự ta đang giận ai đây? Thường thường, cái mà ta giận chính là cơn giận của người khác. Vì người khác bao giờ cũng chỉ là một công cụ để cho cơn giận đi qua, xúi giục họ hành động thiếu khôn ngoan mà thôi. Chúng ta đâu có giận cái miệng người phỉ báng ta, nhưng ta giận cái cơn giận đã thúc đẩy họ làm như thế. Và một khi đem thù hận cộng vào với hận thù, ta chỉ làm tăng thêm thù hận mà thôi.

Đức Phật dạy: “Không thể lấy hận thù để chấm dứt hận thù, chỉ có tình thương mới chấm dứt được hận thù. Đó là luật của muôn đời.” Chúng ta chỉ có thể chấm dứt vòng tròn hận thù này bằng cách thôi không để mình là một tác nhân của sự thù ghét nữa. Ta biết, cuối cùng rồi ai cũng phải nhận chịu nghiệp quả do chính mình gây ra. Nếu một người làm hại người khác, họ sẽ nhận lãnh khổ đau. Và nếu ta làm hại người khác, ta phải chịu khổ đau. Trong kinh Pháp cú (Dhammapada), đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu. Tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, khổ đau sẽ theo nghiệp kéo đến, như bánh xe lăn theo vết chân của con bò kéo xe. Nếu ta đem tâm trong sạch tạo nghiệp, nói năng hoặc hành động, hạnh phúc sẽ theo ta không rời xa, như bóng theo hình.”

Hạnh phúc hay khổ đau đều hoàn toàn tùy thuộc vào hành động của ta.

Nhưng điều này không có nghĩa là ta cứ ngồi thích chí tự nghĩ: “Ngươi hại ta thì thế nào rồi ngươi cũng sẽ bị hại, không kiếp này thì kiếp tới!” Ta chỉ hiểu rằng mình không cần phải làm một tác nhân của hận thù, nếu ai gây nên khổ đau thì người đó sẽ nhận lãnh khổ đau. Đó là một luật chung không phân biệt và thiên vị một ai, kể cả chính ta.

Trong đêm thành đạo, lúc còn là một vị Bồ Tát, đức Phật ngồi dưới cội cây bồ-đề, cương quyết sẽ không đứng dậy cho đến khi nào chứng được quả giác ngộ. Khi ấy Ma vương, tức kẻ “phá hủy thiện nghiệp” và “phá hủy sự sống”, thấy cơ đồ của mình đang bị lung lay trước sự chứng ngộ của đức Phật, bèn tìm đủ mọi cách để cản trở ngài. Ma vương dùng đủ mọi thứ ái dục, thù hận và sợ hãi để khuất phục đức Phật. Hắn biến hóa ra những trận bão tố, sấm sét long trời lở đất. Nhưng đức Phật vẫn ngồi yên, tĩnh lặng, không cử động, không hề sợ sệt.

Cuối cùng, Ma vương dùng đến một thử thách tối hậu là sự tự ngờ vực. Hắn hỏi đức Phật: “Lấy quyền gì mà người ngồi đó để đeo đuổi chí nguyện ấy? Tại sao người nghĩ là người có thể giác ngộ, giải thoát hoàn toàn?” Để trả lời câu hỏi ấy, đức Phật chỉ đưa tay mình ra và chạm xuống mặt đất. Ngài kêu gọi mặt đất minh chứng cho biết bao nhiêu kiếp qua, đức Phật đã từng thực hành từ bi và kiên trì giới luật.

Đời này sang đời khác, ngài đã xây nên một ngọn sóng tốt lành cao vòi vọi, có thể cho phép ngài theo đuổi mục tiêu giác ngộ.

Mỗi khi nghĩ đến luật nghiệp quả, karma, là tôi nhớ đến câu chuyện này. Mặt đất này đang chứng minh cho tất cả chúng ta: Nếu ta gây khổ đau, ta sẽ nhận lãnh khổ đau; nếu người khác gây khổ đau, họ sẽ nhận lãnh khổ đau. Hiểu được sự thật này, ta sẽ có khả năng buông bỏ. Ta có thể tự do.

Cũng trong ngày tôi nhận được lá thư trách móc nặng nề ấy, khi tôi bị những phản ứng khá mạnh, tình cờ có người bạn mời một vị Lạt-ma Tây Tạng ghé sang thăm chúng tôi tại trung tâm Insight Meditation Society. Vị Lạt-ma này đã sống trong một hang động trên rặng Hy-mã-lạp sơn trong suốt mười lăm năm trời không bước ra ngoài. Ngài chuyên tu pháp nội hỏa, tumo, có thể dùng tâm ý để làm tăng sức nóng trong cơ thể.

Người ta tìm đến hang động và thỉnh cầu ngài sang Hoa Kỳ để họ có thể nghiên cứu và học hỏi thêm. Những khoa học gia đang tìm hiểu về thiền tập mong muốn có những bằng chứng về ảnh hưởng cụ thể nào mà họ có thể đo lường được. Và, làm tăng nhiệt độ của cơ thể bằng sự định tâm là một hiệu quả mà ta có thể đo lường được! Vì có sự yêu cầu của chính đức Đạt Lai Lạt Ma nên ngài đồng ý đi.

Vị Lạt-ma rời hang động và bay sang Boston. Từ phi trường, người ta đưa ngài thẳng đến bệnh viện, Nơi đây, ngài ngồi thiền định nhiều ngày trong khi các khoa học gia theo dõi thân nhiệt của ngài.

Một người bạn đã đưa vị Lạt-ma này sang Hoa Kỳ đề nghị ngài nên dành chút thời gian ghé thăm trung tâm Insight Meditation Society, vì cũng không xa Boston. Ngài nhận lời. Khi ngài vừa bước vào cửa trung tâm, câu đầu tiên của ngài là: “Nơi đây có vẻ khác xa với những nơi khác của Hoa Kỳ. Các ông làm gì ở đây?” Chúng tôi giải thích với ông, và cuối cùng chúng tôi đã nói chuyện, trao đổi với ngài trọn cả buổi chiều.

Vị Lạt-ma, pháp sư của môn nội hỏa, tumo, có mang theo một thông dịch viên trẻ tuổi khá lưu loát. Theo lời anh kể, vị Lạt-ma này là một nhân vật được xem như khá phi thường trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Ngài xuất gia khi tuổi đã lớn, so với pháp tu này thì bắt đầu hơi muộn. Tuy vậy, ngài đã tiến được những bước rất xa trên con đường tu tập, mặc dù ngài đã bỏ qua nhiều giai đoạn mà người ta cho là rất cần thiết cho pháp tu này. Ngài chưa hề học hỏi hay thực tập những phương pháp cơ bản, cần yếu để làm nền tảng cho những phương pháp thực tập khó khăn và cao siêu hơn. Vì vậy, người Tây Tạng xem ngài là một trường hợp phi thường.

Chúng tôi hỏi vị Lạt-ma: “ Ngài có biết vì sao ngài có thể tiến bộ rất xa trong sự tu tập, mặc dù ngài chưa hoàn tất những phương pháp cơ bản thông thường?”

Ngài đáp: “Có chứ, tôi nghĩ là tôi biết. Khi tôi chưa xuất gia, tôi là một người lính kháng chiến. Tôi thường bắt những tù binh, tra khảo và giết họ. Cho đến một ngày, chính tôi bị phe bên kia bắt làm tù binh. Tôi bị đánh đập, tra khảo và trải qua một giai đoạn khổ đau ghê gớm. Lúc đó tôi tự hứa là mình sẽ không bao giờ thù hận người đã gây khổ cho mình.”

Vị Lạt-ma giải thích, ông thấy được hoàn cảnh của ông giống y như những trường hợp đã nói trong kinh sách. Những gì ông phải lãnh chịu dưới tay của phe đối nghịch chính là nghiệp báo ông đã gieo trồng qua những việc làm trong quá khứ. Mặc dù lúc ấy chưa ý thức được điều đó, nhưng ngài hiểu là không một ai có thể làm cho ngài đau khổ. Và ngài quyết định sẽ không chế thêm dầu vào ngọn lửa thù hận, cho dù những đau đớn, cực hình mà ngài đang lãnh chịu, Ngài nói với chúng tôi, ngài tin rằng chính quyết định ấy đã giúp ngài có những tiến bộ phi thường trên đường tu tập về sau.

Trong khi ngồi nghe ngài kể chuyện, tôi chợt nghĩ đến lá thư mà tôi đang bận rộn soạn thảo trong đầu trọn ngày hôm ấy. Tôi muốn nói: “Lần đó là lỗi của cô, và lần đó là lỗi của cô, và lần đó nữa cũng là lỗi của cô…” Nhưng tôi chợt ý thức là mình không cần phải trả lời như vậy. Cám ơn sự có mặt đúng lúc của vị Lạt-ma. Nó giúp tôi thấy rõ những gì một người với một con tim bình thường có thể thật sự làm được. Tôi hiểu lời dạy của đức Phật hơn: “Hận thù không bao giờ chấm dứt được hận thù.” Không bao giờ! “Chỉ có tình thương mới có thể chấm dứt được hận thù.”

Những khi tâm ta đầy hận thù đối với người khác thì thật ra chính ta là người đang khổ đau. Nhưng tìm cho được một nơi trong tâm ta biết tha thứ, biết thương yêu, cũng không phải là chuyện dễ! Khả năng tha thứ và buông bỏ cũng giống như một hình thức của cái chết vậy. Ta phải nói được rằng: “Tôi không còn là con người ấy nữa. Và chị cũng không còn là con người ấy nữa.” Sự tha thứ giúp ta tìm lại được một phần của con người mình đã bị đánh mất trong biến cố đã qua. Và đôi khi, có thể một phần nào khác trong ta phải chết đi, để ta có thể tiếp nhận lại được phần năng lượng đã mất ấy.

Tất cả những kinh nghiệm này đều đang có mặt, nếu ta biết tiếp xúc với những cảm xúc cho thật sâu sắc. Ta hãy tự quán chiếu: Ta đang chống đối những gì? Và tại sao ta chống đối? Ta nên nhớ một điều quan trọng này: Cảm xúc của ta không thể do một nguyên nhân duy nhất nào đem đến. Trong một thế giới duyên sinh, không có sự việc nào tồn tại độc lập cả. Chúng ta sống trong một thực tại duyên khởi, cái này có mặt vì cái kia có mặt, hoàn cảnh hiện tại trong giờ phút này tùy thuộc vào tất cả những gì ta đã tạo ra cho nó từ quá khứ.

Giả sử như giữa một căn phòng đông người, bỗng có một người đứng dậy làm một số cử chỉ kỳ lạ nào đó. Có một số người cảm thấy thích thú. Có người cảm thấy sợ sệt. Có người cảm thấy nổi giận. Người khác lại cảm thấy tức cười. Không bao giờ có một hành động nào buộc phải có một phản ứng duy nhất. Hoàn cảnh hiện tại thì như thế này, và đây là tất cả những gì chính ta mang đến cho nó!

Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đối với tâm ý của mình. Hy vọng rằng cuộc sống của bạn không chỉ là một hành trình nổi trôi, bấp bênh theo những ngọn sóng nhấp nhô của những phản ứng khác nhau. Cuộc đời bạn cần phải có một chí hướng, như là phát triển một con tim thương yêu. Đó cũng là chìa khóa cho một lối sống giải thoát.

Nếu chúng ta có thể thấy rõ được rằng, tất cả những sự giận dữ, sợ hãi, buồn chán, thất vọng và tự ti đều chỉ là những trạng thái của sân hận, ta sẽ biết cách giải thoát. Nhưng giải thoát ở đây không có nghĩa là ta sẽ không bao giờ kinh nghiệm chúng nữa. Giải thoát và tự do có nghĩa là ta có thể thanh lọc chúng, ta có thể nhìn thấy chúng rõ ràng hơn, hiểu chúng hơn, và không bị chúng sai sử nữa. Và với tuệ giác ấy, ta có thể chấp nhận và chuyển hóa được tất cả.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO
  2. YÊU THƯƠNG CHÍNH MÌNH
  3. MỞ RỘNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN

Bài viết khác của tác giả

  1. AN NHIÊN GIỮA BỘN BỀ
  2. CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU
  3. THỜI GIAN VÀ ƯU TIÊN

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ