NGUYỄN HIẾN LÊ
Trích: Tự Học - một nhu cầu thời đại; tác giả: Nguyễn Hiến Lê; NXB Văn Hóa - Văn Nghệ 2017
TỰ HỌC LÀ MỘT CÁI THÚ
a) Ta không thể ghét sự tự-học được : nó là một cuộc du lịch.
Tự học là cần thiết nhưng không phải là một sự bắt buộc; ta hoàn toàn được tự do, tự chủ, nhờ vậy nó là một cái thú.
Ta có thể ghét sự học ở nhà trường vì những điều ta phải học không hợp với khả năng, thiên tư của ta. Ta thích những vần của Nguyễn Du, Huy Cận thì người ta bắt ta học những định thức của hoá học, toán học; ta thích về thì người ta lại bắt ta học sử. Một anh bạn tôi thôi học 20 năm rồi mà còn bản môn địa chất học. Anh nói: “Hồi học năm thứ tư, tôi đã phải thức tới 12 giờ khuya để “tụng” những tên dã man của loài thú sống hàng triệu năm về trước, mà vẫn không thuộc, bị giáo sư phạt rồi mắng là làm biếng nữa”. Anh ấy có khiếu về văn và không có cách nào nhớ nổi những tên như: ichthyosaur, plesiosaur…
Ta cũng có thể ghét sự học ở nhà trường vì nhiều giáo sư giảng bài như ru ngủ ta, hoặc tới lớp thì bắt ta chép lia lịa từ đầu giờ đến cuối giờ mà không hề giảng cho một chữ, chép tới tay mỏi rời ra, không đưa nổi cây viết, nguệch ngoạc không thành chữ, rồi về nhà phải cố gắng đọc, đoán cho ra để chép lại một lần nữa cho sạch sẽ.
Ta cũng có thể ghét sự học ở nhà trường vì có những ông giáo, suốt năm mặt lạnh như băng, vẻ quạu quọ, hơm hởm, coi học sinh như kẻ tù tội, phải hành hạ cho đến mực, làm cho học sinh gần tới giờ học thì lo lắng, mặt xám xanh, như sắp bị đưa lên đoạn đầu đài.
Ta cũng có thể ghét sự học ở nhà trường vì kỉ luật, hình phạt của nó, vì những kì thi liên miên bất tận, vì một ngàn lẻ một lẽ khác, nhưng ta không thể ghét sự tự học. JJ. Rousseau và Victor Hugo, hai văn hào ở Pháp đều ca tụng thú đi chơi bộ.
JJ. Rousseau nói: “Lúc nào muốn đi thì đi, muốn ngừng thì ngừng, muốn vận động nhiều hay ít tùy ý (…). Cái gì thích thì nhận xét, cảnh nào đẹp thì ngưng lại (…). Chỗ nào tôi thấy thú thì tôi ở lại. Hẽ thấy chán thì tôi đi (..) tôi chỉ tùy thuộc tôi, tôi được hưởng tất cả sự tự do mà một người có thể hưởng được”.
Còn Victor Hugo thì viết: “Người ta được tự chủ, tự do, người ta vui vẻ (…). Người ta đi, người ta ngừng, người ta lại đi, không có gì bó buộc, không có gì ngăn cản”.
Cái thú tự học cũng giống cái thú đi chơi bộ ấy. Tự học cũng là một cuộc du lịch, du lịch bằng trí óc, một cuộc du lịch say mê gấp trăm du lịch bằng chân, vì nó là du lịch trong không gian lẫn thời gian. Những sự hiểu biết của loài người là một thế giới mênh mông. Kể làm sao hết được những vật hữu hình và vô hình mà ta sẽ thấy trong cuộc du lịch bằng sách vở ?.
Ta cũng được tự do, muốn đi đâu thì đi, ngừng đầu thì ngừng. Bạn thích cái xã hội ở đời Đường bên Trung Quốc thì đã có những thi nhân đại tài tả viên dạ minh châu của Đường Minh Hoàng, Khúc Nghê Thường và y của Dương Quý Phi cho bạn biết. Tôi thích nghiên cứu đời con kiến, con sâu mỗi vật là cả một thế giới huyền bí đấy, bạn ạ thì đã có J.H. Fabre và hàng chục nhà sinh vật học khác sẵn sàng kể chuyện cho tôi nghe một cách hóm hỉnh hoặc thi vị.
Đương học về kinh tế, thấy chán những con số ư ? Thì ta bỏ nó đi mà đi coi cảnh hồ Ba Bể ở Bắc Việt hay cảnh núi non ở Thụy Sĩ, cảnh trời biển ở Hawaii. Hoặc không muốn học nữa thì ta gấp sách lại chẳng ai ngăn cản ta cả, vì ta không phải theo một chương trình có giờ khắc nhất định như ở học đường.
b) Ta lại có quyền tự lựa giáo sư.
Ta đường học họ mà bỏ ngang, họ không hề giận, lúc khác muốn học lại thì họ vẫn sẵn sàng chỉ bảo. Học về văn học sử nước Pháp chẳng hạn, ta không thích Desgranges thì đẩy ông đi, kiếm Mornet hay Lanson. Có cả chục ông vui lòng dạy môn đó cho ta. Giáo sư của ta nhiều vô kể, ta tha hồ lựa chọn. Họ sống đồng thời với ta hoặc trước ta cả chục thế kỷ, ở ngay trong xứ ta hoặc cách ta cả vạn cây số. Hết thảy đều tự thân đem những tinh hoa nhất của họ ra dạy ta mà đối với ta lễ phép và ôn tồn, thân mật như bạn bè.
c) Nào phải họ chỉ dạy ta mà thôi.
Họ còn an ủi ta nữa, kể lể tâm sự với ta. Ta thấy trong nỗi buồn khổ, lo lắng của họ, nỗi buồn khổ, lo lắng của ta và ta hiểu rằng chúng ta không phải cô độc trên thế giới này.
Bạn đau khổ vì tình duyên, sao không mở truyện Kiều:
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Bạn thanh khiết mà vẫn nghèo túng, Tú Xương là tri kỉ của bạn đấy:
Van nợ lắm khi tràn nước mắt.
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.
Nhớ người anh hùng thì tôi ngâm:
Em ơi, đứng cùng chị,
Thù riêng mà nghĩa công.
Dương Bá Trạc
Nhớ bạn bè ở bốn phương trời thì tôi đọc Thâm Tâm:
Ngoài phố mưa bay : xuân bốc rượu.
Tấc lòng mong mỏi chảy tê tê…
ỚI ơi bạn tác ngoài trôi giạt,
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.
Đây là nỗi lòng một kẻ có tài trí mà lận đận:
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.
Nguyễn Công Trứ
Đây là tâm sự một khách tha hương một đêm không trắng:
Đợi nửa vầng trăng, trăng chẳng lại,
Đêm dài đằng đẵng, đêm bao la.
Cũng may cho những người lưu lạc,
Càng khỏi trông trăng đỡ nhớ nhà.
Nguyễn Bính
Bất kì ta ở trong một tình thế khắt khe, chua chát nào, mở sách ra là ta cũng gặp người đồng cảnh hay đồng bệnh và đọc họ ta thấy ấm áp lại trong lòng.
Biết bao danh sĩ đã nhờ sự đọc sách, sự tự học mà khỏi chán đời. Montaigne nói : “Sự tiếp xúc với sách an ủi tôi trong cảnh gia và cảnh cô độc (…). Những nỗi đau khổ nhờ nó mà bớt nhói. Muốn tiêu khiển, tôi chỉ có cách đọc sách”.
Còn Montesquieu thì nhận: “Sự học đối với tôi là phương thuốc công hiệu nhất để trị những cái tởm ở đời, vì tôi chưa lần nào buồn rầu đến nỗi đọc sách một giờ mà không hết buồn”.
Tôi đã có lần được thí nghiệm lời của Montesquieu. Những ngày buồn nhất trong tuổi xuân của tôi là hồi tôi mới ở trường Công Chánh ra. Bạn bè thi đậu người nào cũng hớn hở mà duy tôi âu sầu đến nỗi không buồn về nhà nữa, đi lang thang ở ngoài đường. Lúc đó đương thời kinh tế khủng hoảng, tôi biết đợi nửa năm nữa chưa chắc đã được bổ mà cảnh nhà tôi lại túng bấn lắm. Ăn cơm với rau tôi không ngại, ngại nhất là trông vẻ mặt ưu tư của mẹ tôi và thấy mình đã khôn lớn mà cứ nằm dài ra ăn bảo cô không giúp người được việc gì. Người ta chỉ chiều mới thấy buồn, tôi hồi ấy sáng dậy cũng thấy não lòng, ước ao sao được ngủ luôn một giấc trong sáu bảy tháng. Nói gì đến buổi chiều nữa ! Mỗi lần mặt trời gần lặn, nỗi chán nản của tôi dâng lên mênh mông như bóng tối. Tôi không muốn ở nhà, đi thơ thẩn ở ngoài đường cho hết ngày. Sau một hôm, lật những sách cũ ra coi, tôi gặp được cuốn “Tam Thiên Tụ”, tôi hăm hở học. Nhờ đã biết sẵn được độ một ngàn chữ Hán, tôi học không thấy khó lắm. Học hết cuốn ấy tôi lại thư viện trung ương ở Hà Nội học trong bộ Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh và cuốn Grammaire chinoise của Cordier. Tôi cắm cổ học mỗi ngày mười đến mười hai giờ. Nhờ vậy mà quên được cảnh buồn của nhà và bốn tháng sau, khi được giấy bổ vào Nam, tôi bắt đầu được hưởng cái thú đọc Tam Quốc Chỉ trong nguyên văn.
Sau này có lần thất nghiệp trong ba năm trời nữa, cũng nhờ sách vở mà tôi thấy thời giờ không đến nỗi quá dài và giữ được tâm hồn khỏi trụy lạc.
Tự học quả là một phương thuốc trị bệnh âu sầu. Theo bác sĩ E.Groenevelt, người Hoa Lan, nó còn giúp ta mau trừ được mọi thứ bệnh. Ông quả quyết rằng những bệnh nhân nào biết đọc sách cũng mau mạnh hơn những bệnh nhân khác. Nhiều bác sĩ Anh và Pháp,sau lời tuyên bố đó, làm những bảng thống kê các bệnh nhân trong các dưỡng đường và nhận ông Groeneveld có lý.
d) Tự học còn là một thú vui rất thanh nhã nó nâng cao tâm hồn ta lên.
Ta thấy như tự bắc được một cái cầu giữa tâm hồn ta và tâm hồn của các danh nhân trong muôn thuở. Chắc bạn còn nhớ lời của Voltaire: “Người siêng học lần lần tự khoác cho mình một cái tôn vọng mà chức tước của cải đều không cho được ”. J.Viennet cũng nói: “Sự học trang hoàng đời sống và làm cho ta mến đời hơn. Nó là một thú vui không khi nào giảm”. Nỗi vui ấy lớn hơn cả những nỗi vui mà ta phải mua với những giá cực đắt.
Ta thấy vui vì ta hiểu thêm những cái đẹp trong vũ trụ. Một người vô học biết say mê ngắm ánh trăng hoặc bông hoa, nhưng làm sao thưởng thức nỗi cái đẹp của nhiều bài thơ, nhiều bức tranh, giải pháp của một bài toán hoặc kết quả của một thí nghiệm …?
Ta lại vui vì thấy khả năng của ta đã tăng tiến và ta giúp đời được nhiều hơn trước. Một thầy ký, một bác nông phu… bất kì hạng người nào, nếu chịu học hỏi tìm kiếm, cũng có thể cải thiện phương pháp làm việc của mình, và giảng giải những kinh nghiệm của mình cho người khác.
Sau cùng, còn vui gì bằng tìm tòi và khám phá Pasteur, Einstein, hai vợ chồng Curie và hàng trăm nhà bác học khác, suốt đời nghèo nàn mà lúc nào cũng mãn nguyện hơn những vua chúa trên ngai vàng, cả tháng cả năm tự giam trong phòng thí nghiệm, không hề biết những tiêu khiển của người đời mà thấy thời giờ trôi vẫn qua mau, là nhờ thú tự học tìm tòi của họ.
Thiêng liêng thay sự tự học ! Mỗi lần vào một thư viện công cộng, tôi đều có cảm giác rờn rợn mà lâng lâng như vào một toà đền. Tôi nhón gót rón rén như đi trước bệ đức Thích Ca hoặc Lão Tử. Ở đấy không có hương, không có trầm, nhưng có hàng chục, hàng trăm người đang tụng niệm vì đọc sách có khác chi tụng kinh và sách nào mà đứng đắn mà chẳng là một cuốn kinh ?