KHENPO TSULTRIM LODRO
Trích: BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ ĐÓN NHẬN HẠNH PHÚC CHƯA? Đừng Để Chú Cọp Giấy Làm Bạn Sợ Hãi. - Bồ đề tâm nguyện – Nguyễn Hữu Hiệu dịch - Quiet Wisdom Translation Project, VIET NALANDA FOUNDATION - Ấn tống 2018
PHƯƠNG PHÁP CHÂN ĐẾ
Thật ra thì chỉ khi nào đã chứng ngộ tánh Không thì mới có thể khắc phục khổ đau bằng các phương pháp chân đế. Những người đã chứng ngộ tánh Không sẽ nhận thức được một cách sâu sắc rằng cuộc đời cũng giống như một giấc mơ. Trong mơ chúng ta có thể thấy cha mẹ hoặc người thân của mình qua đời và cảm thấy rất đau khổ. Nếu chúng ta đột nhiên thức dậy được từ giấc mơ không cần sự thực hành hay thương cảm, khổ đau cũng sẽ biến mất ngay tức khắc. Nếu chúng ta không biết rằng chúng ta đang sống trong mơ hay là chỉ biết lý thuyết suông chứ không phải từ sự trực nghiệm thì sẽ càng khó để khắc phục khổ đau Tuy nhiên trước khi chứng ngộ tánh Không, chúng ta vẫn có thể thực hành bằng cách lý luận theo Trung Đạo để xác quyết rằng những hiện tượng bên ngoài mang đến khổ đau cho mình, hay chính cái tâm đang kinh nghiệm khổ đau kia đều rỗng không. Quan trọng hơn chúng ta cần phải biết rằng khổ đau và hạnh phúc về cơ bản cũng chỉ là một cảm thọ, là sự hóa hiện của tâm, chúng không được đơn thuần tạo ra từ những nhân tố bên ngoài như kẻ thù hay thảm họa thiên nhiên. Khổ đau không tồn tại ở thế giới bên ngoài – núi, sông, mặt trời, mặt trăng hay ngôi sao; khổ đau tồn tại trong tâm chúng ta. Không có cảm giác thì sẽ không có khổ đau. Mọi thứ đều là huyễn mộng, chỉ là sự hóa hiện của tâm.
Người trí tuệ nhìn bên trong tâm để tìm kiếm hạnh phúc và nguồn gốc của khổ đau. Họ biết rằng nhân của hạnh phúc hay khổ đau ở ngay trong tâm, những thứ bên ngoài chỉ là giả duyên. Bởi vì có tri kiến đúng đắn, cuối cùng họ sẽ có thể nhổ tận gốc khổ đau, đạt được hạnh phúc tuyệt đối và đạt được tự do – giải thoát. Ngược lại, những người bình thường tìm kiếm nguồn gốc của những khó khăn ở bên ngoài. Bởi vì họ đã đi sai đường, họ sẽ chẳng thể diệt tận gốc khổ đau và sẽ lại thất bại trong từng đời kiếp khi tìm kiếm giải thoát. Đây là sự khác nhau giữa người bình thường và người minh triết.
Tuy nhiên chúng ta không thể chỉ đơn giản dựa vào lý luận hay giáo thuyết để xác quyết tri kiến này; chúng ta cần để tâm ngơi nghỉ và quán sát tri kiến ấy trong lúc thiền định. Đừng để tâm bị dính mắc vào các vọng niệm; không nhìn lại quá khứ hay chào đón tương lai. Quá khứ không còn tồn tại tương lai thì chưa đến; nếu có một tâm thức đấy chỉ có thể là tâm thức ở ngay chính khoảng khắc hiện tại. Bây giờ chúng ta hãy kiểm tra xem tâm thức hiện tại có tồn tại hay không. Nếu chúng ta tinh tấn trong việc thực hành pháp tu dự bị, chúng ta sẽ biết rằng tại thời điểm chúng ta quán sát tâm, tâm thức trong chính khoảng khắc hiện tiền này chẳng là gì ngoài Tánh Sáng và Tánh Không. Trong tác phẩm Ngọn Đèn Xác Quyết Tri Kiến, gương mặt ban đầu của khổ đau được mô tả là thuần khiết như bầu trời trên cao nguyên Tây Tạng, chỉ là rỗng rang. Đại Thánh tăng Atisha cũng đã viết trong bộ luận về Trung Đạo rằng bản tánh của tâm cũng trong sáng và thông suốt như bầu trời mùa thu. Những gì cho là khổ đau từ lâu đã tan thành mây khói chẳng để lại chút dấu vết gì.
Chứng ngộ Tánh Không không phải là điều khó. Thật không may, bởi vì chúng ta không thực hành Pháp dự bị, không thực hành buông xả hay trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm, và cũng không tích lũy công đức hay sám hối việc làm sai trái của mình, chúng ta chỉ kinh nghiệm hôn trầm và lo lắng trong thiền định mà thôi.
Nếu việc tu tập không ổn định, tâm của chúng ta sẽ quay trở lại với những bận tâm thế tục và lại kinh nghiệm lo lắng, khổ đau. Tâm của chúng ta vẫn sẽ tiếp tục di chuyển qua lại giữa ảo ảnh và thực tế, tục đế và chân đế cho đến khi được điều phục.
Nếu chúng ta muốn bứng rễ khổ đau ngay tức khắc, chúng ta phải thực hành Pháp tu dự bị. Chúng ta không thể bỏ qua Pháp tu dự bị và nghĩ rằng mình có thể thực hành một pháp tu khác để đạt được kết quả tương tự.
Kết quả cuối cùng của mọi pháp hành là chuyển hóa được khổ đau thành điều kiện tích cực và động lực cho việc tu tập. Việc đạt được mục tiêu này có nghĩa là chúng ta đã nuôi dưỡng Tâm Bồ Đề và thực hành buông bỏ một cách thành công. Đáng tiếc là tôi cũng chưa đạt được mục tiêu này tuy nhiên đây không phải là vấn đề khi mà chúng ta có thể cùng nhau thực hành và tinh tấn. Không ai có thể thành công ngay từ lúc bắt đầu và cũng không ai có thể thất bại mãi được. Tất cả phụ thuộc vào nỗ lực của chúng ta.
Khi những người bình thường ngồi chung với nhau, va chạm là điều chắc chắn sẽ xảy ra và va chạm sẽ tạo ra đủ loại khổ đau. Ngoại trừ chư Phật và chư Bồ Tát, ngay cả các bậc A La Hán cũng không thể trước sau như một chỉ mang lại hạnh phúc và tránh làm người khác khó chịu. Những người bình thường lại càng không làm được như vậy.
Mặc dù chúng ta phải gánh chịu khổ đau nặng nề, [nhưng] nếu biết cách thì khổ đau sẽ giúp chúng ta tinh tấn trong tu tập, giúp chúng ta luyện tâm và lấp đầy tim ta với niềm vui. Khi cảm thọ hỷ lạc này phát triển đến một mức độ nhất định thì nỗi đau vật lý của chúng ta sẽ đỡ nhức nhối hơn, tâm ta rộng mở hơn chúng ta sẽ có thể đón nhận khổ đau dễ dàng, giao tiếp với mọi người tốt hơn vì thế, chúng ta phải nhận vào, thậm chí nhiệt liệt chào đón khổ đau đến với mình. Cũng giống như khi đi châm cứu, bệnh nhân sẵn sàng chịu đựng đau đớn và trả tiền cho việc này vì họ biết rằng đổi lại họ sẽ có sức khỏe tốt hơn. Một cách tương tự, khổ đau có thể mang đến cho chúng ta niềm phúc lạc trong tinh thần, hạnh phúc và thậm chí là sự giải thoát. Chúng ta không phải trả tiền để được khổ đau, chỉ cần đối diện trực tiếp và chuyển hóa khổ đau vào đường tu.
Tuy nhiên, những người thiếu khôn ngoan và dũng cảm thường sợ hãi khổ đau và tìm cách chạy trốn khổ đau – toàn bộ nỗ lực trong đời họ được dồn vào việc tránh cảnh nghèo khó; họ chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm sự giải thoát. Vấn đề cơ bản nằm ở chỗ không biết được khổ đau là biểu hiện của một tâm hồn yếu đuối. Hậu quả là tâm lại càng bị hạn hẹp, luôn sợ hãi các vấn đề liên quan đến sinh kế gia đình và tuổi già. Do vô minh và sợ hãi chúng ta đang vô tình tạo ra nghiệp xấu. Với các pháp hành đã nói ở trên, chúng ta có thể phá bỏ vọng niệm đối diện khổ đau với sự dũng cảm, rộng mở trái tim dành cho người khác, và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Mặc dù pháp hành hiệu quả nhất để đối diện khổ đau là Đại Viên Mãn, và một phương pháp của chân lý rốt ráo đã được đề cập trên đây – tức luận lý Trung Đạo, đặc biệt là những chứng ngộ đạt được từ việc thực hành Trung Đạo – thỉnh thoảng cũng giống như Đại Viên Mãn. Tại điểm này, chúng ta không nhất thiết thực hành một pháp tu thâm sâu. Đối với nhiều người, phương pháp [của luận lý Trung Đạo] này dễ dàng và trọng yếu, và thật sự quan trọng hơn pháp hành Đại Viên Mãn và các giai đoạn phát khởi và viên mãn.
Thời mạt pháp đề cập trong kinh điển tương ứng rõ ràng với xã hội hiện tại. Trong thời đại suy đồi, chúng ta phải thực hành theo cách này để được tinh tấn. Tuy nhiên, cho dù có hiểu sâu về Giáo Pháp đến đâu đi chăng nữa, chúng ta sẽ không thể vượt qua được khổ đau và áp lực trong cuộc sống, bởi vì việc tu tập của chúng ta thiếu sự bền vững ổn định. Nếu chúng ta biết cách áp dụng các giáo huấn khẩu truyền cường lực của khổ đau và chướng ngại sẽ có thể giúp chúng ta tiến xa trên đường tu. Rồi khổ đau cũng có thể được chuyển hóa thành động lực cho việc tu tập của chúng ta.
Chúng ta phải hết sức coi trọng việc tu tập này và thực hành tu tập theo Giáo Pháp. Với những pháp hành này, khổ đau sẽ không thể tác động đến chúng ta lâu dài và cũng không thể gây chướng ngại cho việc tu tập của chúng ta.
—???—
Trích: BẠN ĐÃ SẴN SÀNG ĐỂ ĐÓN NHẬN HẠNH PHÚC CHƯA? Đừng Để Chú Cọp Giấy Làm Bạn Sợ Hãi.
ARE YOU READY FOR HAPPINESS? Don’t Let The Paper Tiger Scare You Off
Chương 4: Làm Sao Để Đối Mặt Với Khổ Đau Và Hạnh Phúc
Tác giả: KHENPO TSULTRIM LODRO
Bồ đề tâm nguyện – Nguyễn Hữu Hiệu dịch
Quiet Wisdom Translation Project, VIET NALANDA FOUNDATION – Ấn tống 2018
Link sách chính thức: https://lienhoaquang.com/thu-vien_KHO-DAU-CHI-LA-CON-COP_cdtdkdql_xem-PDF_tuequang.html