PHÁT TÂM

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp môn hạnh phúc; Biên Dịch: Nguyễn Phổ; Nhà Xuất Bản Lao Động

Một vị sư phụ có thần thông, nhưng đáng tiếc lại không có tâm cứu độ người khác. Một lần nọ xuất ngoại, theo sau ông có một đồ đệ tâm niệm rằng: “Chúng sinh có nhiều đau khổ và chướng ngại, mình muốn cứu vớt chúng sinh”. Sư phụ có “tha tâm thông” (có thần thông biết được tâm của người khác nghĩ gì, muốn gì), nên biết đồ đệ đang phát tâm nguyện lớn, ông liền dừng lại, nói: “Đưa tay nải đây cho tôi, và trò đi lên phía trước đi!”. Đồ đệ cũng không biết tại sao, cứ đưa tay nải cho sư phụ. Sư phụ mang tay nải đi theo sau, nghĩ: “Xấu hổ quá! Cái tâm cứu độ chúng sinh như vậy mình không thể nào phát khởi được; ta xin lỗi đồ đệ, đồ đệ ta đã phát tâm Bồ tát. Cũng nên để cho cậu ấy lên phía trước, còn sư phụ như mình cam tâm vác tay nải cho cậu ấy!”.

Lại đi thêm một đoạn đường, trước mặt là một hồ nước, hàng ngàn hàng vạn con kiến đang bị nước vây khốn, đồ đệ bỗng nghĩ: “Ôi trời! Ngay cả đàn kiến bị vây khốn trong hồ nước mà mình cũng không có cách gì cứu được, vậy làm sao mà độ được chúng sinh?”. Sư phụ đi phía sau liền biết tâm ý của đồ đệ, bèn nói: “Dừng lại! Tay nải đây, hãy vác đi, và đi lui phía sau!”.

Mở đầu “Bát nhã tâm kinh” là “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” (ngẫm thấy năm uẩn đều không), “Kinh Kim Cang” cũng nhấn mạnh lại “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng” (không có tướng ngã, không có tướng người, không có tướng chúng sinh), “Tự kỷ vị độ, tiên độ nhân, giá thị Bồ tát đích phát tâm” (chưa độ mình, độ người trước, đó là phát tâm của Bồ tát). Câu chuyện kể ở phần trước cho chúng ta biết phát tâm là điều rất trọng đại.

Những gì con người nghĩ tưởng phần lớn đều lấy tôi làm trung tâm, lấy tôi làm điều chuẩn, như cần thi vào một trường học chất lượng, tôi cần có thành tích rất tốt, sau này tôi sẽ có nghề nghiệp tốt, tôi cần phải giỏi giang, tôi cần phải thành công… Tất cả những gì trong não suy nghĩ đều là “tôi” thu hoạch như thế nào, có được như thế nào, tất cả các thứ khác đều không quan trọng đối với “tôi”. Về cơ bản, Phật học yêu cầu chúng ta “trước hết phát tâm độ người, sau đó mới độ mình”.

Con người không những biết sự tồn tại của chính mình mà phải biết ngoài mình ra còn có người khác; và có rất nhiều chúng sinh của mười phương thế giới; không chỉ biết tuổi đời mấy mươi năm hiện tại của chúng ta, mà còn phải biết thời gian vô hạn, cuộc sống lâu dài; cũng không chỉ biết đất nước của chúng ta, mà cần phải biết thế giới mười phương vô lượng vô biên, bạn cần mở rộng tâm mình ra, rộng như hư không, bao dung trời đất. Tất cả chúng sinh trong vũ trụ là chúng sinh trong tâm chúng ta, tam thiên đại thiên thế giới là thế giới trong tâm của chúng ta. Cho nên, ngoài bản tâm giác ngộ của các vị thánh, không có chúng sinh, không có thánh quả. Chúng ta nói phát tâm, tức là nói theo quan niệm của thế gian nói chung gọi là lập chí. Lúc trai trẻ lo học tập lập chí, một khi đã có chí nguyện, không việc gì là không thể làm, một khi đã có phát tâm, không việc gì là không thành. Chúng ta cần tự khai thác nguồn tài năng của chính mình, đem trí tuệ, năng lực, tình cảm của mình thành tâm nhiệt tình cống hiến cho đại chúng.

Phát tâm, tức là phát những tâm gì?

Hình sưu tầm: nguồn Internet

 Phát tâm từ bi, không phân biệt ta người

Từ bi là căn bản của Phật pháp, không có từ bi thì bất kỳ học thuyết nào cũng có thể xem như là tà thuyết. Chúng ta thường nói: “Từ bi là nền, phương tiện là cửa”, từ bi và phương tiện là những gì mà mỗi cá nhân cần thích ứng với thực tiễn Phật pháp. Giữa người với người, nếu có lòng từ bi thì đôi bên có thể chung sống hài hòa; mở rộng lòng từ bi đến tất cả chúng sinh, không phân biệt người vật, bất cứ một sinh mệnh nào cũng đều cần sự yêu thương và quan tâm của người khác. Xã hội ngày nay đề xướng phong trào thể hiện lòng yêu thương và quan tâm của người khác. Xã hội ngày nay đề xướng phong trào thể hiện lòng yêu thương, thực ra đó là lòng từ bi của Phật giáo. Từ có thể đem lại an vui, bi có thể diệt trừ đau khổ, từ bi là phương pháp duy nhất làm tăng mối quan hệ giữa người và người.

  1. Phát tâm tín nguyện, luôn theo Phật học

Chúng ta cần có niềm tin, tâm nguyện. Trong niềm tin có một kho báu vô tận, bởi vì Phật pháp mênh mông, chỉ có niềm tin của người tài giỏi mới có thể thấu triệt. “Niềm tin là mẹ của nguồn đạo công đức, nuôi dưỡng tất cả mọi thiện căn”. Chúng ta không nên cho rằng tuổi trẻ chỉ cần nói về kiến thức mà không bàn đến tín ngưỡng; thực ra không thể coi nhẹ tín ngưỡng. Bất kỳ một tôn giáo, một học thuyết nào cũng cần có tín ngưỡng. Dù theo tín ngưỡng nào, tốt hay xấu, đều có hiệu quả nhất định. Tôi tạm chia tín ngưỡng làm mấy cấp bậc, đương nhiên cao nhất chính là chính tín, dưới chính tín là mê tín, dưới mê tín là bất tín, dưới bất tín là tà tín. Tà tín, tức là đặt niềm tin sai lạc, điều này rất nguy hiểm. Bất tín, tức là không tin vào gì cả, tức không có niềm tin, cũng không tốt. Mê tín so với bất tín còn khá hơn một bậc, bạn không nên cho rằng thấy một ông già một bà già đang quỳ trước thần linh khấn vái cầu nguyện là không có ý nghĩa gì, thực ra thái độ tôn sùng, tâm địa lương thiện ấy vẫn đáng được khen ngợi. Mê tín cũng có sức mạnh ghê gớm, chính tôi theo tín ngưỡng Phật giáo, người ta nói tôi có chính tín đối với Phật giáo, cố nhiên đó là điều rất tốt, nhưng người ta nói tôi mê tín Phật giáo cũng không có gì quan trọng. Điều gọi là mê tín thì không biết vì sao điều cần tin ấy gọi là mê tín, bởi chính xác thì tín ngưỡng vào điều không có ý nghĩa mới gọi là mê tín. Nhưng mặt khác, điều gọi là tín ngưỡng thì không nói đến điều kiện, không có yêu cầu, chỉ có một mực cam tâm tự nguyện vì điều cần tin mà cống hiến tất cả, đó cũng có thể là mê tín, “vì chủ nghĩa mà hy sinh”, “vì truyền giáo mà tuẫn nạn”. Nếu nhất định muốn hỏi tại sao, thì có thể sức mạnh ấy có sự sai lệch. Cho nên có người cười tôi là mê tín, tôi không cần phải biện hộ, mà trái lại thấy mình vui vẻ, cảm thấy rất tốt, và tôi càng tìm đến mê tín. Đương nhiên, Phật giáo hoàn toàn không đề xướng mê tín mà là phải chính tín. Chính tín nhất định phải có đối tượng thật sự, phải tin vào thánh hiền viên mãn thanh tịnh, phải tin vào người có sức mạnh to lớn đủ sức cứu độ chúng sinh. Bởi vì người có tín nguyện chân chính mới có thể thường theo Phật học.

  1. Phát tâm Bồ đề, trên hoằng pháp dưới giáo hóa

Tâm Bồ đề là đại tâm cao nhất trong sự phát tâm. Gọi là phát tâm thì trên mở rộng đạo Phật, dưới giáo hóa chúng sinh, đó chính là tâm Bồ đề (Bồ đề tâm). Chúng ta không thể coi nhẹ tâm Bồ đề, một khi đã phát nguyện tâm Bồ đề thì có thể nói khả năng thành Phật có thừa.

Tâm Bồ đề có nhiệt tình của thanh niên, sức mạnh của tuổi trẻ, có thể nói tâm Bồ đề là tâm của tuổi trẻ thuần khiết. Người thanh niên dũng cảm dù khó khăn trắc trở cũng không lùi bước, lương tâm biết đau buồn trước thời thế khó khăn, biết thương xót vì nhân dân khốn khổ, rất phù hợp Bồ đề tâm trong Phật giáo “dù khó làm cũng có thể làm được, dù khó nhịn cũng có thể nhịn được.”

  1. Phát tâm vô ngã, mở rộng để hoàn thành

Chúng sinh chấp ngã, cho nên không thể có phương cách giải thoát; từ bi có ngã, tức là đối đãi; tín nguyện có ngã, tức có giới hạn; Bồ đề có ngã, tức là Bồ đề cũng không thể thành tựu. “Muốn học Phật pháp, trước tiên phải vô ngã”, vô ngã hoàn toàn không phải là hủy diệt tự ngã, mà là thành tựu, mở rộng và hoàn thiện chính mình.

Lời trích từ sách “Thái căn đàm”

Mỗi ngày nói một đôi lời vui vẻ,

Mỗi ngày làm một vài việc lợi chúng.

Mỗi ngày đọc một ít sách bổ ích,

Mỗi ngày độ một vài người có duyên.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ ĐỀ TÂM – NỀN TẢNG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT
  2. PHÁT BỒ ĐỀ TÂM
  3. VÔ NGÃ – THIỀN QUÁN, CON ĐƯỜNG CỦA TUỆ GIÁC

Bài viết khác của tác giả

  1. LỄ TRƯỞNG THÀNH
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. GIỮ BÍ MẬT LÀ MỘT HÌNH THỨC TU DƯỠNG

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU