SỐNG LÀ CHỈ SỐNG VẬY THÔI

DAININ KATAGIRI TƯỜNG ĐỒNG ĐẠI NHẪN (1928-1990)

NGỒI KHÔNG, Shikantaza, CHỈ QUẢN ĐẢ TỌA – NXB Thời Đại, 2010

Căn cứ trên kinh nghiệm của Phật Thích Ca Mâu Ni và kinh nghiệm của chư Phật thời quá khứ, điểm chính trong giáo lý của Đạo Nguyên là ‘ngồi thiền là chỉ ngồi’ đã hiện diện trong tiến trình ngồi thiền; đây là chỉ quản đả tọa. Nó không phải là cái gì bạn sở đắc sau khi đã ngồi thiền. Nó không phải là một quan niệm tiến trình; nó là tập chú vào bản thân tiến trình. Rất khó để hiểu điều này, bởi vì chúng ta luôn luôn trong tiến trình, chúng ta không tập chú vào nó. Thậm chí có nhiều trường phái trong Phật giáo vẫn xem Phật giáo như là một quan niệm. Nhưng Phật giáo đích thực là chú tâm trọn vẹn vào bản thân tiến trình. Tiến trình là chính bạn.

Ngồi thiền (zazen) thì hoàn toàn khác với những thiền định khác. Nó không phải là vấn đề thảo luận triết học hay siêu hình học. Tất cả điều chúng ta phải làm là làm cái chúng ta đang làm, ngay đây, ngay bây giờ. Bất cứ loại kinh nghiệm nào chúng ta có qua ngồi thiền đều là hạng hai, phụ phẩm. Bất cứ cái gì xảy ra, tất cả điều chúng ta phải làm là hiện diện thường trực ngay giữa tiến trình ngồi thiền. Đây là cái bắt đầu và cũng là cái chấm dứt. Bạn có thể làm điều đó; nó mở cho tất cả mọi người, bất cứ ai. Đây là chỉ quản đả tọa.

Chúng ta đã an bình và hài hòa một cách đúng đắn. Nhưng khi chúng ta ngồi thiền, chúng ta vẫn muốn cố gắng để được an bình. Cố gắng an bình thì không an bình nữa. Hãy chỉ ngồi thôi. Chúng ta không phải cố gắng hay không cố gắng hay nói rằng chúng ta không chăm sóc. Nếu tôi nói cái gì đó là cái này, tức thời bạn nhảy tới và cố gắng nắm bắt nó. Và rồi nếu tôi nói nó không phải là cái này, thế là bạn bối rối. Rốt cuộc, bạn nói bạn trung lập, nhưng chẳng tốt tý nào. Điều chúng ta phải làm là chứng ngộ rằng chúng ta là Phật; đây là một công án lớn cho chúng ta. Sự thực hành này là chỉ quản đả tọa và là công án cho chúng ta trọn cuộc đời. Có hàng trăm công án, nhưng những công án ấy chỉ là lá và nhánh, thế thôi. Gốc là chỉ quản đả tọa. Chúng ta phải hiểu điều này. Nó là an bình tuyệt hảo, hài hòa tuyệt hảo.

Chúng ta luôn luôn nghĩ đến cái gì đó, luôn luôn cố gắng sở đắc cái gì đó. Một số người chỉ thích Thiền Tào Động, bởi vì nó dạy chúng ta không mong mỏi giác ngộ, chỉ ngồi xuống thiền. Họ nói nếu người ta không mong giác ngộ thì chúng ta đang làm gì vậy? Thậm chí các tín đồ Tào Động cũng không luôn luôn hiểu chỉ quản đả tọa là cái gì. Nếu họ bị chỉ trích, lòng tin của họ bắt đầu lung lay. Điều này rất thường. Đây là chuyện con người, bao gồm không chỉ bạn bè tôi và những người khác, mà còn cả tôi nữa. Nếu có ai chỉ trích chúng ta, lòng tin của chúng ta bèn chao đảo. Nếu chúng ta nhìn chung quanh, có nhiều thứ khác cho người ta quan tâm. Rất tự nhiên, chúng ta nhặt lấy nó và sử dụng nó. Nhưng nếu lung lay, chân chúng ta không hoàn toàn vững trên đất. Dù chúng ta tin mình đang đi vững vàng, chúng ta không thể. Nếu chúng ta đang đi, chúng ta phải đi vững vàng, bất kể cái gì xảy ra. Điều này hoàn toàn vượt khỏi việc bàn luận. Đi vững vàng nghĩa là chỉ đi thôi. “Chỉ đi thôi” là hiện diện trong bản thân tiến trình. Tiến trình đi chính là thân và tâm không là cái gì cả ngoài tiến trình. Không có khoảng hở nào giữa chúng ta và tiến trình . Đây là chỉ quản đả tọa; đây là an lạc. Chúng ta an lạc, chúng ta hài hòa từ nguyên thủy. Đó là tại sao chúng ta không cần mong ngóng có được bình an. Lột vứt mọi áo quần ý niệm, và rồi cái gì còn lại? Cuối cùng, không có cái gì cả để nghĩ đến. Tất cả điều chúng ta phải làm chỉ là phóng vào.

Hai mươi lăm thế kỷ trước, Đức Phật đã dạy cho chúng ta rằng chúng ta là Phật, chúng ta không thiếu giác ngộ vô thượng. Chúng ta vẫn không hiểu, và dù chúng ta hiểu, nó không trụ được trong tâm chúng ta. Đó là lý do chúng ta phải thực hành thường trực. Chúng ta phải thực hành bởi vì chúng ta có tâm.

Tâm thì lặng lẽ, an bình và hài hòa. Tâm có gì sai trái? Không có gì sai trái nơi tâm. Cái sai trái là đã nhiều năm chúng ta đã cho tâm cơ hội, môi trường, hoàn cảnh để nó là một tâm khỉ vượn. Tâm khỉ vượn là tâm luôn luôn chạy ra trong nhiều hướng, chụp lấy nhiều vật kích thích và ngộ nghĩnh. Nếu chúng ta luôn luôn để cho tâm chạy nhảy theo đường của nó, cuối cùng trước khi biết được điều đó thì chúng ta trở nên hoàn toàn rối rắm mù mịt. Đó là tại sao chúng ta phải canh chừng, chăm sóc tâm. Chúng ta phải canh chừng những cơ hội, những hoàn cảnh, thời khắc.

Với ngồi thiền, chúng ta thu xếp hoàn cảnh trong chỗ ngồi thiền để không quá sáng hay quá tối, không quá lạnh hay quá nóng, quá khô hay quá ấm. Chúng ta cũng thu xếp những điều kiện của thân thể, như tư thế ngồi và số lượng thức ăn. Nếu ăn nhiều, dễ buồn ngủ, nên bao tử chỉ đầy cỡ sáu hay bảy mươi phần trăm. Cũng giữ cho mắt mở, vì nếu nhắm mắt sẽ dễ ngủ, dễ lang mang với những tưởng tượng và giấc mơ ban ngày. Tiếp theo, chúng ta sắp xếp điều kiện trong thân thể, tim, ruột, bao tử, máu. Nhưng những thứ này ngoài tầm kiểm soát, làm sao chăm sóc chúng? Cách duy nhất là chăm sóc hơi thở. Nếu chăm sóc hơi thở, những điều kiện trong thân sẽ vận hành rất tốt một cách rất tự nhiên. Điều này quan trọng. Nếu chúng ta sắp xếp những hoàn cảnh chung quanh thân, tâm, và mọi điều kiện bên ngoài và bên trong, thì rất tự nhiên, tâm cũng được đưa vào những hoạt động của chúng ta. Bấy giờ chúng ta không còn bị quấy rầy bởi những công việc của tâm; tâm không chạm đến cốt lõi sự hiện hữu của chúng ta; nó chỉ ở với chúng ta, thế thôi. Khi mọi hoàn cảnh hoàn toàn bình an, lúc đó trong tâm chúng ta nở hoa. Đây là tọa thiền của chúng ta; đây là chỉ quản đả tọa.

Chỉ quản (Shikan) được dịch là toàn tâm, nó có vẻ là một loại trạng thái tâm lý. Nhưng chỉ quản không phải là một khuôn khổ tâm lý. Chỉ quản là chính xác trở nên một với bản thân của tiến trình. Nghĩa đen tọa là ngồi, và đả là đánh; thế thì, từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, chúng ta phải đánh vào con mắt trâu của tọa thiền. Đây không là một kỹ thuật; nó là sự thực hành tích tập từng ngày. Sự thực hành của chúng ta phải rất sâu, không dò tới, và rồi chúng ta có thể đánh vào mắt trâu. Chỉ quản đúng là đả tọa – sùng mộ tròn đầy với ngồi thiền, nghĩa là với chính tiến trình chứ không với một quan niệm. Đây là thực hành ngồi thiền được chư Phật, chư Tổ nói đến.

Đạo Nguyên nói trong Vua Định của những Đại Định: “Dù một số người đã biết theo kinh nghiệm rằng ngồi là Phật pháp, không ai biết ngồi chỉ là ngồi”. Ngay cả thời của ngài Đạo Nguyên, không có ai biết điều này trừ vị thầy của ngài là Như Tịnh. ‘Ngồi chỉ là ngồi’ là thuần túy tiến trình của bản thân tọa thiền; đây đích xác là sanh và tử, sống và chết. Nếu nhìn vào đời sống chúng ta, nó thật rõ ràng. Trong đời ta, biết bao nhiêu lần chúng ta đã có những cảm nhận hạnh phúc, bất hạnh, thuận và nghịch, thành công và thất bại? Không thể đếm. Nhưng chúng ta vẫn sống đây. Bất kể chúng ta có tỉnh biết hay không cái tinh chất của đời người là quan trọng như thế nào, thì căn bản chúng ta đang bình an và hài hòa đây. Nói cách khác, đời sống chúng ta là một tương tục sống thuần túy, “đang sống” thường trực, chỉ thế thôi. Đó là tại sao mọi người có thể sống còn, bất kể điều gì xảy ra. Có phải nỗ lực của chúng ta làm cho chúng ta có thể sống còn hai mươi hay bốn mươi năm? Không. Nó có phải là sự phán quyết của chúng ta? Không. Nói chặt chẽ, nó chỉ là một tương tục hợp nhất với tiến trình sống, thế thôi. Đây là tinh túy của đời sống. Chân lý của sống là chỉ sống. Đây là một thực hành rất đơn giản.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI THẤY VÀ THIỀN ĐỊNH CỦA ĐẠI TOÀN THIỆN
  2. PHÁT LỘ VẮNG MẶT – TOÀN THIỆN TỰ NHIÊN
  3. TỌA THIỀN CHÂM: TÂM YẾU TỌA THIỀN

Bài viết khác của tác giả

  1. TỰ NHIÊN NHƯ Ở NHÀ
  2. BƯỚC ĐI MỘT MÌNH, NHƯ TẤT CẢ CHÚNG SINH
  3. Ý THỨC ĐƯỢC THUẦN HÓA VÀ CHƯA ĐƯỢC THUẦN HÓA

Bài viết mới

  1. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  2. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI
  3. NHỮNG NGUYÊN TẮC HÀNG ĐẦU ĐỂ DUY TRÌ NIỀM ĐAM MÊ