TẦNG TÂM LINH

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Như Lai Tạng tỏa khắp, thấm nhuần khắp thế giới bên ngoài (các đại) và thế giới bên trong, từ đời sống giác quan cho đến ý thức và cái tôi

Tầng thứ ba là tầng tâm linh, vượt khỏi hai tầng giác quan và tầng ý thức cùng với thức chấp ngã (cái tôi). Tầng thứ ba là lãnh vực của những kinh nghiệm tâm linh, của những con đường trải nghiệm tâm linh, gọi chung là lãnh vực tôn giáo.

Tôn giáo (religion) gồm re có nghĩa là trở lại và ligion từ động từ legare của tiếng La-tinh có nghĩa là nối kết. Nguyên nghĩa của từ tôn giáo là sự nối kết trở lại. Nối kết trở lại với cái chúng ta gọi là tầng tâm linh thứ ba. Theo Phật giáo, cái này là cái có sẵn, là Niết-bàn không sanh không diệt, là Phật tánh “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, cho nên nối kết trở lại là làm sao để tương ưng, hợp nhất, hòa tan với cái có sẵn ấy.

Chúng có thể hình dung con người với ba tầng là một hình khối nón úp ngược. Tầng dưới cùng nhỏ nhất là tầng giác quan cảm giác. Tầng giữa là tầng ý thức và cái tôi. Tầng tâm linh trên cùng lớn nhất, không có đáy, tiếp xúc với không gian bao la vô tận, nhưng hình vẽ như vậy cho dễ hình dung. Thật ra tầng ý thức thâm nhập, thẩm thấu xuống tầng giác quan, và tầng tâm linh thì thấm nhuần xuống hai tầng dưới. Đạo Phật thường dùng hai chữ “thân tâm” đi liền với nhau là gì vậy. Tâm có mặt nơi thân và thấm nhuần qua thân.

Nói theo hệ thống Duy thức, các thức không tách biệt mà thẩm thấu lẫn nhau. Kinh nghiệm của năm thức giác quan và của ý thức cùng cái tôi đều đổ về thức thứ tám là tạng thức; và tạng thức như là nền tảng, đất tâm (tâm địa) từ đó nảy sinh bảy thức từ trong ra ngoài. Nói theo kinh Lăng-nghiêm, Như Lai Tạng tỏa khắp, thấm nhuần khắp thế giới bên ngoài (các đại) và thế giới bên trong, từ đời sống giác quan cho đến ý thức và cái tôi. Chính vì sự tỏa khắp, thấm nhuần khắp này mà mỗi một giác quan có thể tiếp xúc, đạt đến Như Lai Tạng, mà kinh gọi là giác quan (căn) viên thông.

Con người luôn luôn muốn được nối kết với cái gì rộng rãi bao la, và cái bao la vô hạn dễ thấy nhất là vũ trụ. Vũ trụ với Tây phương là Cosmos, có nghĩa là sự hài hòa. Với Đông phương, vũ trụ là mười phương ba đời, tức là tất cả không gian và thời gian.

Vũ trụ bao la gợi mở cho chúng ta một cảm thức về cái vô hạn, về một cảm thức tôn giáo. Nhà vật lý học thiên tài Albert Einstein nói về vật lý học như một tôn giáo vũ trụ:

         “Chỉ có ai cống hiến đời mình cho những mục đích tương tự mới có được một quan niệm sinh động về cái gì đã đem lại hồn và sức mạnh cho những bậc vĩ nhân này, mặc cho vô số thất bại nhưng vẫn trung thành với mục đích của họ. Đó chính là tính tôn giáo vũ trụ, cái đã cho những sức sống đó. Một người đương thời đã nói không phải không có lý rằng những nhà nghiên cứu nghiêm túc trong thời đại phổ biến tính vật chất chủ nghĩa của chúng ta chính là những kẻ duy nhất có tính tôn giáo sâu xa.”

         “Hãy thử thâm nhập những bí ẩn của vũ trụ với những phương tiện giới hạn của chúng ta, bạn sẽ thấy, đằng sau những mắt xích có thể nhận ra được còn có cái gì tinh tế, không thể hiểu thấu đáo, không thể giải thích đươc. Sự tôn kính trước sức mạnh này, ngoài những cái chúng ta có thể hiểu được, đó là tôn giáo của tôi. Trong chuần mực này, tôi là người có tín ngưỡng.”

         “Nói về tinh thân gây cảm hứng trong các nghiên cứu khoa học, tôi cho rằng những suy luận tinh tế hơn trong lãnh vực khoa học đều bắt nguồn từ một cảm giác tôn giáo, và không có một cảm giác như thế, chúng sẽ không đươm hoa kết trái.”

         “Những sự khởi đầu của tính tôn giáo vũ trụ đã có ở giai đoạn phát triển ban đầu, chẳng hạn trong một số thánh ca của David, cũng như ở một vài nhà tiên tri. Nhân tố mạnh mẽ hơn nhiều của tính tôn giáo vũ trụ được chứa đựng trong Phật giáo, như các tác phẩm tuyệt đẹp của Schopenhauer đã nói cho chúng ta. Những thiên tài có tính tín ngưỡng của tất cả mọi thời đại được dặt trưng bởi tính tín ngưỡng vũ trụ này, cái xa lạ với mọi giáo điều hai một Thượng đế được quan niệm theo hình ảnh một con người.” (Trích từ Einstein, Nguyễn Xuân Xanh, NXB Tổng hợp TP HCM)

Từ thời xa xưa, những nền văn hóa tâm linh đã nói rằng con người là một tiểu vũ trụ. Con người có thể hiểu biết vũ trụ bằng cách hiểu biết chính mình. Trong kinh Tăng Chi bộ, chương Bốn pháp, Phẩm Rohitassa, Đức Phật nói: “Trong chính thân thể dài hơn một thướt này, cùng với tri giác và trí năng của nó, Ta tuyên bố có vũ trụ, sự phát sanh của vũ trụ, sự chấm dứt của vũ trụ và con đường thực hành dẫn đến sự chấm dứt của vũ trụ.”.

Con người có thể hiểu biết vũ trụ bằng cách hiểu biết chính mình

Kinh Nhập Lăng-Già nói về mối liên hệ giữa tâm (tạng thức) và thế giới, hay tầng thứ ba với hai tầng trước như sau: “Thân thể, tài sản, thế giới, … tất cả đều là ảnh tượng của tạng thức, sở thủ năng thủ cả hai đồng thời hiện, những người không biết kia theo hai kiến chấp sanh trụ diệt ở trong đó mà vọng khởi phân biệt có không. Đại huệ! Ông nên chuyên cần tu học nghĩa này”.

Tóm lại chúng ta có thể tìm hiểu vũ trụ vật chất “các đại” và tâm linh bằng chính thân tâm mình, vì theo Phật giáo, thân tâm mình chính là “con đường” đưa đến những chân lý. Thân tâm mỗi người chính là phòng thí nghiệm để tìm ra những sự thật, cả vật chất và tâm linh, của vũ trụ.

Con người phải tiến hóa đến tầng tâm linh để có thể tiếp xúc với cái toàn thể, cái vô hạn, cái nền tảng của tất cả mọi sự, cái tự do không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì, cái hạnh phúc không tùy thuộc vào điều kiện nào. Đây là điều mà ý thức của tầng thứ hai không thể làm được, vì cái hiểu biết của ý thức là do sự phân hai giữa chủ thể và đối tượng, do phân biệt và chia cắt thực tại toàn thể thành từng phần nhỏ. Ý thức chia cắt cái tôi với sự vật, cái tôi với người khác, cái tôi với thế giới, do đó hiểu biết của ý thức chỉ giới hạn trong khoản chia cắt ấy. Trong khi ấy ở tầng thứ ba tâm linh, người ta mới có thể thấy biết cái toàn thể, cái thực tại không bị chia cắt, vì ở đây người ta có thể hòa nhập, hợp nhất chủ thể và đối tượng, người quan sát và đối tượng được quan sát, những sự vật đã bị chia cắt tách lìa. Ở tầng thứ ba này, người ta mới có thể, như Kinh Lăng Nghiêm nói, thu bốn đại (đất, nước, lửa, gió), năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), … nghĩa là toàn bộ thế giới hiện tượng, về Như Lai Tạng. Đây là ý nghĩa “về nguồn” theo Phật giáo, nguồn cội không ở riêng đâu cả mà hiện hữu ở khắp cả.

Với Phật giáo, ở tầng tâm linh này người ta mới tìm thấy được sự hợp nhất của trí huệ và đại bi, của chân lý quy ước tương đối và chân lý tối hậu tuyệt đối, của thánh và phàm, của sanh tử và Niết-bàn, … sự hợp nhất của cái tưởng chừng như mâu thuẫn nhau này là chót đỉnh của sự tiến hóa của con người.

Tầng tâm linh bao trùm tầng ý thức và tầng giác quan mà không hủy hoại chúng, trái lại còn làm cho chúng thêm sáng suốt, đầy năng lượng vì chính nó là cội nguồn của hai tầng dưới kia.

Sự tiến hóa lên tầng tâm linh không có nghĩa là phải loại bỏ, diệt trừ tầng ý thức và tầng giác quan. Chúng ta đều thấy những nhà tâm linh vỹ đại đều sống đời sống tâm linh, đời sống Tịnh độ, đời sống thiên đường ngay trong thân thể và thế giới này, với tầng ý thức và tầng giác quan. Bởi vì đơn giản, tầng tâm linh bao trùm tầng ý thức và tầng giác quan mà không hủy hoại chúng, trái lại còn làm cho chúng thêm sáng suốt, đầy năng lượng vì chính nó là cội nguồn của hai tầng dưới kia.

Nếu nói theo quan niệm đời thường thì đây là công việc “thăng hoa”, còn theo quan niệm Phật giáo thì gọi là “chuyển hóa”. Đây là một quá trình biện chứng như một vòng xoắn ốc từ thấp lên cao: Cái trên không hủy bỏ cái dưới mà nâng cấp cái dưới. Như thuật luyện kim huyền thoại (Alchemy) của cả hai truyền thống Tây phương và Đông phương: Sự vật kim loại vẫn giữ nguyên hình dáng cũ, nhưng bản chất đã biến thành vàng.

Như thế, sự tiến hóa của trái đất và con người cư ngụ trên đó là tiến từ vật chất không có sự sống đến vật chất có sự sống, tiến lên đời sống giác quan rồi lên đời sống của ý thức và cái tôi, cuối cùng lên đỉnh của công cuộc tiến hóa là đời sống tâm linh, nơi trí thông minh thành Trí huệ, những tình cảm của con người thành tựu thành Đại bi và ý chí nhẫn nại thành tựu thành Dũng lực. Như chúng ta thường nói, Bi-Trí-Dũng là sự thành tựu đỉnh cao của con người.

Đó là con đường Phật giáo: chuyển hóa sanh tử thành Niết-bàn, thế giới này thành một cõi Tịnh độ, và con người thành bậc Giác ngộ đầy đủ Bi-Trí-Dũng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHUYỂN HÓA VỀ TỊNH ĐỘ
  2. TIẾN HÓA LÊN TẦNG TÂM LINH
  3. SỰ TIẾN HÓA CỦA CON NGƯỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. TU QUÁN
  2. ĐỜI SỐNG XÃ HỘI: CƠ HỘI TẠO DỰNG HẠNH PHÚC
  3. KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ