HH. DALAI LAMA XIV
Trích: Những Giáo Lý Thiết Yếu của Đại Thừa, Ban dịch thuật Thiện Tri Thức, 2010
Từ thời vô thủy, những bà mẹ của chúng ta đã chăm sóc chúng ta với lòng từ ái. Hạnh phúc của riêng ta để làm gì khi họ còn khốn khổ? Phát Bồ đề tâm để giải thoát cho vô số chúng sanh là một thực hành của Bồ tát.
Từ thời vô thủy, hầu hết nếu không phải là tất cả chúng sanh đã là cha mẹ của chúng ta và chăm sóc chúng ta với lòng từ ái. Nhận thức rằng những người mẹ của chúng ta còn ở trong ba trạng thái khổ của sinh tử thế mà bỏ rơi họ sẽ là một thái độ hèn nhát đáng khinh. Không phải mục đích cao cả là muốn giải thoát chỉ cho chúng ta khỏi khổ và đạt đến giác ngộ và an lạc cho riêng chúng ta. Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ khi tìm kiếm loại hạnh phúc này. Chớ quên rằng chúng ta giống như tất cả những chúng sanh khác. Từ kẻ sơ khai nhất đến kẻ thông minh nhất, tất cả chúng sanh đều tìm kiếm hạnh phúc và trốn thoát khổ đau và họ có quyền như chúng ta để có được hạnh phúc này. Tôi đã rất thường nhấn mạnh điều này.
Luôn luôn tốt khi hy sinh một cái nhỏ để có được một cái lớn hơn; bởi thế xứng đáng hy sinh hạnh phúc của một người – hạnh phúc của chính mình – cho hạnh phúc của tất cả chúng sanh. Chúng ta cần xem quyền được hạnh phúc như là một món nợ chúng ta mắc đối với tất cả chúng sanh. Thật vậy, chúng ta tùy thuộc lẫn nhau; trên cấp độ vật chất trước mắt, chúng ta tùy thuộc những chúng sanh khác cho những nhu cầu hàng ngày và chúng ta chưa nghĩ đầy đủ đến điều này. Trong một nghĩa sâu xa, khả năng thực hành Pháp Đại thừa tùy thuộc vào quan hệ của chúng ta với chúng sanh. Nếu họ không có mặt, làm sao Bồ đề tâm có thể phát triển trong chúng ta? Từ thời vô thủy, chúng sanh đã cho chúng ta ăn mặc, cho chúng ta sinh kế; trong cuộc đời sanh tử này, mọi tiện nghi đều từ họ, trực tiếp hay gián tiếp.
Chúng ta có thể thường nghi ngờ điều này. Với chúng ta có vẻ chỉ là một số bạn bè hay cha mẹ bao bọc chúng ta với lòng từ ái, và như vậy chúng ta chỉ nợ số người đó sự giúp đỡ và tình thương. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta thấy một thú vật bị giết hay hành hạ, chúng ta cảm nghiệm một cảm giác bi mẫn tự nhiên dầu trước đó chúng ta chưa hề có một liên hệ nào với con vật. Cảm giác này là bình thường. Bởi thế, dù chúng ta không “biết” tất cả chúng sanh, thì sự việc không biết gì đến chúng và thản nhiên đối với chúng là không đúng và cũng không bình thường.
Nghi ngờ khác có thể khởi lên: Chúng ta có thể hiểu tại sao những bạn bè, những thân thuộc của chúng ta cần nhận được lòng từ bi của chúng ta, nhưng tại sao chúng ta cần có cùng một thái độ đối với những người làm hại chúng ta? Chúng ta phải xem một đối thủ như thế có thể và tất yếu có lẽ là người bạn tốt nhất của chúng ta, trong một cách rất đặc biệt. Sự tấn công của nó là lòng tốt vĩ đại nhất mà nó có thể biểu lộ cho chúng ta. Điều đó lợi lạc cho chúng ta bởi vì nó cho phép chúng ta phát triển Bồ đề tâm – Bồ đề tâm, nền tảng và tinh túy của Đại thừa; Bồ đề tâm, hoàn toàn đặt nền trên từ và bi. Chúng ta có được Bồ đề tâm bằng cách trọn vẹn vượt qua sự tức giận hay thù ghét mà một số thái độ như vậy gây ra nơi chúng ta.
Tham và sân là những vọng tưởng gốc. Mọi sự bất toàn khác nhau đều tuôn ra từ chúng. Thoạt tiên, tham có vẻ tại hại hơn cho chúng ta và sân tai hại hơn cho những người khác, nhưng nếu khảo sát kỹ hơn chúng ta sẽ thấy rằng sân gây ra sự tác hại trầm trọng cho chúng ta cũng như cho những người khác. Cảm xúc này và những nguyên nhân của nó có thể được vượt thắng bằng cái đối trị này: nhẫn nhục với tất cả những gì khiêu khích chúng ta. Bằng cách trau dồi nhẫn nhục, chúng ta không còn cho tức giận có cơ hội sanh ra.
Đây là một trong những thực hành quan trọng nhất. Nó cho phép chúng ta có nền tảng để chịu đựng mà không tức giận những khổ đau chất lên chúng ta bởi những người mà chúng ta gọi một cách không thích hợp là kẻ thù. Không thích hợp – vì những người cho phép chúng ta tự đào luyện mình nhẫn nhục cần phải được xem là những người bạn thân thiết nhất. Vị guru, những giáo pháp chúng ta nhận được từ ngài, những bạn vè và gia đình chúng ta – không có ai quý giá đối với chúng ta cho bằng những người quấy phá chúng ta. Một cách hợp pháp, chiến đấu chống lại những người làm hại chúng ta là được cho phép. Nhưng qua thực hành nhẫn nhục, Bồ đề tâm mạnh mẽ và trong sạch sẽ phát triển và sẽ cổ vũ chúng ta nhận lấy trách nhiệm với tất cả chúng sanh. Đôi khi chúng ta sẽ phải thực hành nhẫn nhục với cả những bạn bè; tình bạn trong sanh tử thì không bền vững và dễ dàng có thể biến thành đối nghịch.
Thế nên những người muốn đi con đường bồ tát phải nhớ “Tu Hành Tâm Thức Trong Tám Bài Kệ”, trong đó nói rằng: “Khi có ai đã nhận được nhiều thứ từ tôi mà làm hại tôi, tôi hãy xem người ấy như guru tối thượng của tôi.”
Khi chúng ta đã hấp thụ điểm khó khăn này, thay vì thù ghét người nào làm chúng ta nổi giận, chúng ta sẽ thương yêu nó như đạo sư của chúng ta và nhận ra lòng tốt của nó. Khi chúng ta có thể làm như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có vấn đề gì với những người khác và sẽ nhận ra rằng chúng ta không thể bỏ một chúng sanh nào. Không chăm sóc cho những người khác không chỉ trái với Pháp mà còn trái với cuộc sống thường nhật, vì cái duy nhất của một con người, của hiện hữu là người là khả năng của lòng vị tha và lòng tốt. Người nào không tin luật nhân quả nhưng cuộc đời làm tốt đẹp cho những người khác sẽ thu hoạch kết quả trong đời tới của mình. Nhưng người nào trải qua cuộc đời mình bằng thuyết giảng, khoe khoang những niềm tin và sự học hỏi Pháp của mình mà có một thái độ ích kỹ và thiếu lòng bi, sẽ tiêu phí “đời người quý báu” của mình.
Thuyết giảng không quan trọng; thực hành nhân từ và tình thương là quan trọng, dù đối với một người không tôn giáo.
Có một tâm thức cao cả là một dấu hiệu của Pháp Đại thừa. Khi Atisha chết, đây là những lời cuối của ngài: “Hãy có một tâm hồn cao cả!” Upashaka Drom – teun – pa khi chết có thân thuộc bao quanh. Ngài nằm trên phía thân phải với má để trên đầu gốc của một đệ tử, ông này rất buồn và khóc lóc. Một giọt nước mắt của người đệ tử kế vị mình (Darma – Rinchen, sau này có tên là Gyal – tsab – je), nhìn vào người ấy một hồi lâu, và nói: “Hãy có một tâm thức cao cả”, và rồi ra đi. Darma – Rinchen cũng tuyên bố: “Có một tâm thức cao cả là tinh túy của Đại thừa.”
Thái độ cho phép chúng ta xem sự an vui của những người khác quan trọng hơn của chính chúng ta là thái độ duy nhất đúng. Dần dần, nó khuyến khích chúng ta luôn luôn hy sinh hơn nữa cho những người khác. Trong Bồ Tát Hạnh có nói: “Vì những người khác giống như bản thân tôi, không có khác biệt nào trong mong muốn được hạnh phúc, vậy tại sao lại đặt hết nỗ lực của tôi vào sự an vui nhỏ nhặt của mình? Vì những người khác giống như bản thân tôi, không có khác biệt nào trong mong muốn thoát khổ, vậy tại sao tôi lại chỉ kiếm hạnh phúc cho riêng mình?
Nagarjuna nói: “Ở đây chúng ta rèn luyện sự khai triển tâm thức chúng ta với quan điểm phụng sự những người khác và để lợi ích cho họ”. Việc xem những người khác là trách nhiệm cho chúng ta sức mạnh của một tấm lòng rạng rỡ, một trái tim nhiệt tình và dũng cảm. Nếu chúng ta không đảm đương trách nhiệm về những điều mà những người khác quan tâm, chúng ta sẽ trở nên giống như thú vật. Thú vật biết làm sao ẩn thân an toàn, tìm thức ăn gì và tự bảo vệ; chúng ta chỉ hơi khác loài vật một tí khi chúng ta làm như chúng. Thế nên chúng ta hãy phát triển Bồ đề tâm. Những kinh điển và những tantra nhấn mạnh sự cần thiết của nó.
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó? Chúng ta có những khả năng cực kỳ giới hạn – “như một bà mẹ không có hai cánh tay muốn cứu con mình khỏi dòng sông”. Bây giờ chúng ta có một động lực trong sạch, nhưng có ít tài nguyên. Dalai Lama Đệ Nhất cầu nguyện như thế này: “Nguyện con không bao giờ quan tâm đến sự an vui của chính mình mà luôn luôn quan tâm đến sự an vui của người khác! Và để làm điều này, nguyện con có năm loại nhãn: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, thấu thị nhãn, tiên tri nhãn! Và sáu khả năng chân chánh: tai của chư thiên, lời nói minh triết, năng lực, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận thông.”
Nếu chúng ta không có những khả năng này chúng ta không thể làm được điều gì. Để có thể giúp đỡ trọn vẹn chúng ta phải đi qua toàn bộ con đường và đến đích. Đấy là tại sao tôi chỉ dạy cho các bạn. Các bạn và tôi, chúng ta đang có một nối kết nghiệp rất mạnh mẽ; sự nhóm họp của chúng ta ở đây là kết quả của những nhân có lẽ từ rất xa xưa trong quá khứ. (Mọi câu chuyện cuộc đời đức Phật đều nhấn mạnh những mối liên hệ nghiệp này, qua đó thầy và trò gặp gỡ nhau vô số lần trước khi thành tựu rốt ráo.) Nếu một ngày nào tôi đạt đến Phật quả tôi sẽ có thể giúp đỡ các bạn hữu hiệu hơn các đức Phật khác, bởi vì sự liên hệ của chúng ta đã có là lâu dài. Với các bạn cũng thế. Những người bao quanh các bạn và những người đánh dấu cuộc đời các bạn, những cuộc đời “của các bạn”, các bạn có thể giúp đỡ họ một cách đặc biệt khi các bạn đạt đến trạng thái của một vị Phật. Mỗi vị Phật có trách nhiệm với những ai ngài có tiếp xúc trực tiếp hơn là tất cả những chúng sanh khác. Nếu bạn hiểu điều này bạn đã có thể bắt đầu giúp đỡ, và rồi bạn sẽ thấy rằng thiết yếu cần đảm đương trách nhiệm trọn vẹn với tất cả chúng sanh.
Bởi thế chỉ có trong trạng thái Phật quả tất cả mọi khả năng giúp đỡ chúng sanh mới có thể bừng nở trọn vẹn. Dù trong địa thứ mười, một bồ tát (người có thể giúp đỡ lớn lao trong bất luận trường hợp nào) không thể làm điều đó hoàn hảo. Phật quả là thiết yếu – trong trạng thái này, tất cả đều trọn hảo. Điều kiện độc nhất trước sự hoàn thiện viên mãn là sự có thể tiếp xúc với chúng sanh, khả tính ấy tùy thuộc vào sự tiếp xúc, liên hệ này.
Có hai thái độ của tâm thức: thứ nhất, mong muốn giúp đỡ chúng sanh; thứ hai, đạt đến Phật tánh trọn vẹn để làm điều này. Từ nguyện vọng có hai phần này khởi lên tinh thần Bồ đề tâm. Một mong muốn xúc cảm và ngắn ngủi muốn giúp đỡ chúng sanh, khi một số hoàn cảnh hay tâm trạng thúc đẩy chúng ta, không thể gọi là “Bồ đề tâm”. Bồ đề tâm là một nguyện vọng mạnh mẽ, an bình và vững chắc, thường trực có mặt trong tâm thức chúng ta. Chúng ta phải có một nỗ lực để bắt đầu. Tình thương của chúng ta cho những chúng sanh khác thì yếu ớt và giới hạn, nhưng dần dần tâm thức tự quen thuộc với thái độ hai phần này, Bồ đề tâm khai triển và nó trở thành bản tánh thật sự của tâm thức. Đây là Bồ đề tâm chân thật.
Làm phát sanh cái chưa sanh và rồi phát triển cái đã sanh là tinh túy của những thực hành của bồ tát.