THÂN NÀY LÀ PHẬT, CÕI NÀY LÀ HOA

NHẬT CHIÊU

Trích từ: Nhật Bản Trong Chiếc Gương Soi.

Văn hóa Nhật Bản thấm nhuần tinh thần Thiền tông: thơ ca, hội họa, sân khấu, kiến trúc, đình viên cho đến trà đạo, hoa đạo, võ đạo… Không chỉ ảnh hưởng đến nghệ thuật, Thiền còn đi vào đời sống thường ngày của người dân Nhật trong ăn uống, nghỉ ngơi và cà trong kinh doanh. Có thể nói rằng Thiền đã trở thành sinh mệnh và cốt tủy của văn hóa Nhật.

Nhiều xứ sở ở vùng Đông Á cũng chịu ánh hưởng của Phật giáo Thiền tông nhưng không nơi nào thấm nhuần đến mức độ thâm sâu và bền vững như ta thấy ở quần đảo này. So với các xứ Đông Á khác, Thiền tông vào Nhật khá muộn màng. Phật giáo tuy đã có mặt ở Nhật Bản từ thế kỉ VI qua sự truyền thừa của Trung Quốc và Triều Tiên, nhưng điều mà ta gọi là Phật giáo Thiền tông chỉ được thiết lập ở Nhật thế kỉ XII.

Trước khi tìm hiểu Thiền tông ở Nhật, ta cần phải có một cái nhìn tổng quát về bối cảnh tâm linh của văn hóa Nhật, một nền văn hóa được xây dựng trên ba yếu tố: Thần đạo, Khổng giáo và Phật giáo.

Thần đạo là tín ngưỡng bản địa, biểu hiện tính cách nguyên thủy và đặc thù của tâm hồn Phù Tang. Ban đầu, nó là một tín ngưỡng dân gian, không có tên gọi, tôn thờ các thần (kami) trong thiên nhiên, trong thế giới của các tổ tiên…

Sau khi Phật giáo được truyền vào Nhật thì tín ngưỡng dân gian ấy mới được gọi tên là Thần đạo (Shintô hay Kami nô michi) để phân biệt với tôn giáo mới. Thần đạo biểu hiện cho các tính cách nổi bật của dân tộc Nhật: giản dị, yêu thiên nhiên, yêu sự trong sạch.

Những lời cầu nguyện của Thần đạo được gọi là Nôritô (Chúc từ) – một loại thơ ca nghi lễ. Các Nôritô ấy được tập hợp trong một bộ sách gọi là Engishiki (Diên Hỉ Thức), thế kỉ X. Đó là những lời cầu nguyện về mùa màng, đất đai cùng chư thần. Trong các chúc từ, nổi tiếng nhất là Ôharai, tức lời khấn nguyện đọc trong Lễ thanh tẩy toàn quốc. Để biết qua phong cách của lời cầu nguyện Thần đạo, có thể đọc trích đoạn Ôharai sau đây:

“Rồi không có tội nào là không được rửa, từ triều đình của Thiên hoàng, con cháu của các thần cho đến tận những miền xa xôi nhất của đất nước.

Như những đám mây chồng chất trên trời, tản mác khi có hơi thở của các thần gió;

Như gió may buổi sớm và gió may buổi tối thổi tan những hơi nước buổi sớm và hơi nước buổi tối;

Như một con thuyền khổng lồ đang neo ở một cảng lớn, rút neo đằng mũi, rút neo đằng lái, tiến ra đại dương mênh mông;

Như bụi cây rậm rạp đằng xa kia đã bị cắt dọn quang đi bởi cái liềm sắc rèn trong lửa,

Mọi tội lỗi cũng sẽ bị quét sạch như thế…”

(Theo bản dịch của NXB Khoa học xã hội)

Thần đạo và Phật giáo, giống như mọi yếu tố văn hoá khác ở Nhật Bản, không đối đầu nhau mà tìm cách nhích lại gần nhau. Dần dần, các kami (thần) của Thần đạo còn được xem là các vị Phật và các Bồ tát hoá thân. Như nữ thần Mặt trời, vị thần tối cao của Thần đạo, được đồng hoá với đức Đại Nhật Như Lai, là đức Phật vũ trụ. Các vị Thần – Phật ấy được gọi là Bồ Tát – Thần (Bôsatsu Kami).

Thần đạo biểu hiện cho tình cảm, còn Khổng giáo ([14]) thì tiêu biểu cho hệ thống đức lí. Nó đem đến Nhật Bản một triết lí hữu hiệu cho cơ cấu xã hội và luân lí.

Những khái niệm căn bản về trung tín, hiếu nghĩa… dễ dàng ăn sâu vào tính cách người Nhật. Nhưng họ cũng biến đổi Khổng giáo theo cách của mình, tránh khỏi “những căn bệnh chết người” của nó. Chế độ thi cử thiên về hư văn của Nho học không phát triển ở Nhật. Trong khi ở Ấn Độ, Trung Quốc và Triều Tiên, Phật giáo dần dần trở nên suy yếu thì hầu như bao giờ Nhật Bản cũng là một xứ sở Phật giáo.

Qua nhiều thời đại ở Nhật, kể từ thế kỉ VI, dù có thăng trầm, Phật giáo không bao giờ thiếu những đóng góp văn hoá lớn lao cho xứ sở này.

Nhất là vào thời kì Trung đại ở Nhật, các tông phái Phật giáo, đặc biệt là Thiền tông, đã ảnh hưởng mạnh đến mọi lớp ở Nhật, từ nhà cầm quyền, quý tộc, võ sĩ đến thường dân.

Nhưng Thiền tông là gì?

Trước hết, về mặt ngữ nguyên Zen là cách phát âm Nhật Bản của chữ Thiền và cách gọi đó đã trở nên quen thuộc trên toàn thế giới. Người Trung Quốc đã phiên âm các chữ Dhyana, Jhana của Ấn Độ thành Ch’an na, rồi gọi tắt là Ch’an. Cách gọi đó sang Nhật là Zen cũng như sang Việt Nam là Thiền.

Thiền là một tông phái Phật giáo, với một đường lối tu luyện thân tâm nhằm đạt đến giác ngộ. Thiền được xem là kết tinh của những gì tuyệt diệu nhất của Phật giáo Đại thừa. Nhưng cũng có thể nói đó là kết hợp tài hoa của tư tưởng Ấn Độ và các nền văn hoá Viễn Đông mà nổi bật nhất là Trung Quốc và Nhật Bản.

Song Thiền hướng tới cái gì, đâu là mục tiêu thật sự của nó? Sau đây là lời giải thích của Takashina Rosen, người được xem như “nhân vật Phật giáo vĩ đại nhất của Nhật Bản ngày nay”:

“Mục tiêu của Thiền dĩ nhiên là để kiến tánh và chứng ngộ, nhưng đó không phải nơi an trụ cuối cùng…Trên quan điểm chứng ngộ, chân lý là bình thường, không có gì đặc biệt. Liễu xanh, hoa thắm, lửa nóng và gió luôn luôn thổi… Nơi an trụ cuối cùng của Thiền, mạch sống của Phật giáo chính là Thiền – trong – hoạt – động, không lạc ra ngoài sinh hoạt tự nhiên của đời sống bình thường hằng ngày. Như vậy, dù không để ý đến ngày và đêm, chúng ta đều sống trong Phật pháp và áp dụng nó. Vậy thì cần gì phải giác ngộ và tu tập? “Đi cũng thiền và ngồi cũng thiền”. Nhưng không phải thế. Nước đã đun sôi và sau đó để nguội chắc chắn phải khác với nước thường, mặc dù cả hai đều nguội. Phải có sự khác biệt giữa một người thường và môn đệ đã trải qua công phu tu luyện lâu dài. Nếu không thế, tu tập thiền định ắt là vô dụng”.

(Thiền vị trên đầu lưỡi. BẠCH HẠC dịch)

Thiền không đưa ta tới một điểm nào cả. Không không gian và không thời gian nào để cho Thiền đi tới. Nó giản dị kéo ta về với chính ta trong bản tâm thanh tịnh, về với đời sống quanh ta trong ánh sáng trí huệ. Nhưng cả ta và đời sống quanh ta bỗng dưng mới lạ, kì diệu và ta sống trong “vĩnh cửu của từng khoảnh khắc”, một cuôc sống viên mãn và hài hoà. Đó là trạng thái giác ngộ mà các bậc đại sư thường miêu tả, như đoạn cuối bài Toạ thiền ca của Thiền sư Hakuin (Bạch Ẩn), thế kỉ XVIII :

Trời tam muội ([15]) bao la
Chiếu ngời trăng tứ trí ([16])
Kiếm tìm chi nữa
Niết Bàn ngay trước mặt ta
Thân này là Phật
Cõi này là Hoa.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH
  2. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP
  3. ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT NHƯ LÀ THIỀN ĐỊNH

Bài viết khác của tác giả

  1. LỜI NÓI ĐẦU – BA TRĂM NGHÌN THẾ GIỚI THƠM
  2. MỘT CÁNH HOA BỤT

Bài viết mới

  1. CỨ THỬ XEM – NHỮNG KHOẢNH KHẮC XUẤT THẦN
  2. HÃY TRỞ THÀNH “TẤM GƯƠNG” CHO GIẤC MƠ CỦA CON NGƯỜI
  3. KIM TỰ THÁP, NGUỒN NĂNG LƯỢNG VĨ ĐẠI