THẤY ĐƯỢC NHỮNG GÌ KHÔNG CÓ Ở ĐÓ

NANCY K. NAPIER

Trích: Những Khoảnh Khắc Xuất Thần; Phương Oanh - Minh Hiếu dịch; Nhà X-uất Bản Đại Học Kinh Tế Quốc Dân

Một mối liên hệ mơ hồ đôi khi còn mạnh hơn cả một mối liên hệ đã hiển nhiên.

– Heraclitus, Trích trong Refutations của Hippolytus.

Trong những năm cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, tôi làm công việc nghiên cứu quy hoạch kinh tế và thương mại cho Viện Battelle Memorial, một tổ chức chuyên nghiên cứu các hợp đồng kinh tế có trụ sở tại Columbus, Ohio. Vào thời điểm đó, các doanh nghiệp Nhật Bản bắt dầu mở các xưởng sản xuất ở Mỹ và Canada, và Viện nghiên cứu Nomura đề nghị chúng tôi đánh giá về hình ảnh của các công ty Nhật Bản ở Bắc Mỹ. Honda đã cho xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô ở Ohio, YKK Zipper thì có cơ sở ở ngoài Atlanta, các công ty khác cũng đang tiến vào như vũ bão. Mặc dù vậy, sự có mặt của người Nhật cũng không quá ồn ào và không mấy người ở Bắc Mỹ lại có thể hình dung cơn sóng thần mà các công ty Nhật Bản tạo nên trong thập niên 1980.

Tôi mới tham gia nghiên cứu nhưng thực hiện hầu hết các công việc của dự án. Tôi đi khắp nước Mỹ và Canada, phỏng vấn những quan chức có liên quan trong chính phủ hai nước, những chuyên gia kinh tế, và viết phần lớn bản báo cáo tổng kết. Vì vậy, đến lúc thuyết trình, người chịu trách nhiệm chính của dự án đã cử tôi sang Nhật Bản. Khi chúng tôi điện thông báo cho phía đối tác Nhật Bản về việc tôi chuẩn bị sang, họ đã gửi lại cho tôi ba câu hỏi: (1) cô ấy đã có gia đình chưa?; (2) cô ấy cao bao nhiêu?; (3) cô ấy ăn gì? Những ngày làm một nữ chuyên gia người ngoại quốc ở Nhật Bản nhiều năm sau này đã được đền đáp xứng đáng.

Trên chuyến bay từ Chicago tới Tokyo, tôi ngồi cạnh một nhà quản lý người Nhật, người đứng đầu văn phòng đại diện của Sumimoto Metals ở Chicago. Chúng tôi dành cả mười tiếng trên máy bay để trò chuyện, ông còn cho tôi đi nhờ xe công ty đến khách sạn ở trung tâm Tokyo. Hai ngày sau, tôi thuyết trình ở một hội trường chật kín các doanh nhân khoác những bộ vest màu xanh dương đến từ 200 trong số những công ty lớn nhất của Nhật Bản. Điều quan trọng mà tôi đã phát hiện ra là các đại diện doanh nghiệp và chính phủ Mỹ rất ít có ấn tượng – cả tích cực và tiêu cực – về những công ty Nhật Bản sắp xâm nhập vào thị trường Mỹ và không coi họ là mối đe dọa với mình. Tuy nhiên, sau cuộc hội thảo kéo dài cả ngày, có một chuyên gia người Nhật đã dự đoán rằng những công ty của nước họ, trong tương lai gần, sẽ bị coi là “những kẻ xâm lăng” nước Mỹ và sẽ phải đối mặt với áp lực cực kỳ lớn. Và thực tế là đến cuối thập niên 1980, lời dự đoán của người này đã thành hiện thực.

Khi tôi trở về Ohio, tôi đã viết thư thông báo cho chủ tịch Sumimoto rằng buổi thuyết trình của tôi đã thành công rực rỡ. Ông trả lời rằng điều đó khiến ông thấy nhẹ nhõm hẳn. Vì tôi còn trẻ, lại là phụ nữ và là người nước ngoài, ông lo rằng buổi thuyết trình sẽ biến thành một thảm họa bởi vì chẳng có người đàn ông Nhật nào lại muốn lắng nghe điều tôi nói với một thái độ nghiêm túc. Thật may là ông đã không chia sẻ với tôi mối lo âu này trong lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

Chúng tôi đã giữ mối quan hệ bạn bè trong suốt hơn 30 năm. Ông đến thăm gia đình tôi ở Seattle, còn tôi thì ở lại nhà ông khi trở lại Nhật Bản để làm nghiên cứu với tư cách là một giáo sư trẻ. Một sáng, khi tôi cùng đi tàu điện với ông vào Tokyo, tôi đã hỏi ông tại sao hội họa truyền thống Nhật Bản lại có vẻ thanh đạm đến thế: chỉ toàn màu nâu, đen trên nền trắng với vài nét trơn để khắc họa một cái cây, một ngọn núi và để thừa rất nhiều khoảng trắng. Câu trả lời của ông đã làm tôi ngạc nhiên đến hai lần.

“À phải rồi”, ông nói. “Mới hôm trước, tôi vừa đọc về hội họa Nhật Bản khi đang trên tàu đến văn phòng”. Chỉ riêng điều này thôi đã làm tôi choáng rồi: Có được mấy người Mỹ làm kinh doanh mà dành thời gian hàng ngày trên đường đến chỗ làm để đọc về hội họa chứ? Nhưng lời giải thích tiếp theo của ông cũng làm tôi ngạc nhiên, nhưng nó hoàn toàn có lý.

Có nhiều khoảng trắng trong các bức tranh thủy mặc, ông nói, bởi vì những khoảng đó được dành để người xem tưởng tượng ra những điều họ muốn. Người Nhật là một dân tộc thuần nhất, chúng tôi không có “nhu cầu” đổ màu lên những phần trắng đó bởi vì chúng tôi biết điều mà người họa sỹ định nói mà không cần đến sự diễn giải của màu sắc. Chúng tôi có thể “đọc” được những gì không có ở đó bởi vì chúng tôi có chung suy nghĩ, chúng tôi tự mình lấp được những khoảng trống đó.

Tầm quan trọng của những khoảng trắng hay cái mà những người nước ngoài tưởng như là “chẳng có gì cả” là một nguyên tắc cơ bản ở Nhật. Như bạn tôi nói, bản chất thuần nhất của người Nhật đem đến cho họ những lợi thế so với rất nhiều người Mỹ. Bất cứ ai khi đàm phán hoặc trao đổi với người Nhật đều biết rõ sự có mặt thường xuyên của những khoảng lặng. Hầu hết người Mỹ đều không chịu đựng được sự im lặng quá vài giây và vì thế mà họ mất đi thế mạnh trong đàm phán. Vì vậy, khả năng thấy được những gì không có ở đó và chịu đựng sự trống rỗng, hay những khoảng trắng, là những kỹ năng rất có lợi của người Nhật. Đến cuối thập niên 1980, tôi nhớ lại dự đoán của vị chuyên gia người Nhật nọ về chuyện những doanh nghiệp Nhật Bản đang cố chinh phục nước Mỹ: Mười năm trước đó, ông ấy đã thấy được những điều không có ở đó trong khi các chuyên gia trong giới kinh doanh và chính phủ Mỹ đều bỏ qua. Cùng với việc kết hợp những mảnh ghép lại với nhau và tư duy đảo ngược, khả năng “thấy những gì không có ở đó” có thể mang đến sự bừng ngộ. Chương này sẽ tập trung vào một số ví dụ để chứng tỏ kỹ năng đó có thể giúp bạn gỡ rối, giải quyết vấn đề và có thể là một chiến lược trong hành động.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TƯ DUY TÍCH CỰC
  2. TRÍ THÔNG MINH VÀ KỸ NĂNG TƯ DUY
  3. TƯ DUY NGOÀI CÁI HỘP

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐẶT CHIẾC BÚT CHÌ VÀO BÀN TAY NGƯỜI KHÁC
  2. NHỮNG LỜI KHUYÊN SÁNG SUỐT: ĐỂ BIẾT KHI NÀO CẦN GÁC VẤN ĐỂ LẠI
  3. NỖ LỰC ĐẾN CÙNG ĐỂ PHÁ VỠ TRỞ NGẠI

Bài viết mới

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  3. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH