HT. THÍCH NHẤT HẠNH
Trích: Gieo Trồng Hạnh Phúc; Chuyển ngữ: Chân Hội Nghiêm − Chân Duyệt Nghiêm; NXB. Lao Động; Công ty CP Sách Thái Hà
Ngồi thiền là một phương pháp giúp ta trở về ngôi nhà đích thực của mình. Ta mang sự chú tâm về chăm sóc chính mình. Mỗi khi ngồi, bất kể là ngồi ở đâu, trong phòng, ở một gốc cây hay trên một tọa cụ, chúng ta đều có khả năng tỏa chiếu sự tĩnh lặng như Bụt. Chúng ta hoàn toàn chú tâm vào những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Chúng ta hãy để cho tâm mình trở nên thông thoáng, lắng dịu và cởi mở. Chỉ cần vài phút ngồi như vậy là chúng ta đã có thể phục hồi lại sức lực và tinh thần một cách trọn vẹn.
Ngồi thiền có tác dụng trị liệu rất lớn. Ta chỉ cần nhận diện và có mặt với những gì đang xảy ra trong ta dù đó là một niềm đau, cơn giận, bực tức, tình thương, an vui hay hạnh phúc. Có mặt với tất cả những gì đang xảy ra mà không bị chúng lôi kéo. Chúng ta hãy để tự nhiên cho chúng đến, ở lại và ra đi. Chúng ta không cần xua đuổi, không cần đè nén mà cũng không giả vờ là những suy nghĩ của ta không có đó. Thay vào đó, ta có thể quan sát những suy nghĩ, những hình ảnh trong tâm ta bằng sự chấp nhận và thương yêu. Cho dù những cơn bão có nổi lên trong ta, ta vẫn bình tĩnh và yên ổn. Khi ta ngồi có an lạc; thở và mỉm cười với sự tỉnh thức thì ta sẽ hoàn toàn tự chủ.
Ngồi yên và thở như thế, ta có thể chế tác được sự có mặt đích thực của ta ngay bây giờ, ở đây. Và ta hiến tặng sự có mặt ấy cho tăng thân, cho thế giới. Đó là mục đích của ngồi thiền: ngồi yên mà không làm gì cả, có mặt trọn vẹn và ý thức là mình đang còn sống.
Thực tập
Ngồi thiền là phải vui. Ngồi như thế nào mà ta thấy hạnh phúc, an lạc và thư thái trong suốt buổi ngồi thiền. Ngồi thiền không phải là một lao tác mệt nhọc mà là cơ hội để tận hưởng sự có mặt của tự thân, của gia đình, của những người bạn đồng tu, tận hưởng sự có mặt của đất trời và vũ trụ. Không cần phải cố gắng gì cả.
Nếu ngồi trên bồ đoàn, chúng ta phải chọn bồ đoàn nào thích hợp với mình. Chúng ta có thể ngồi bán già, kiết già hay ngồi chéo chân. Ngồi như thế nào mà ta cảm thấy thoải mái nhất. Giữ lưng thẳng, đầu không cúi xuống hay ngửa ra và hai tay đặt nhẹ nhàng lên nhau. Nếu ngồi trên ghế, hai bàn chân ta phải đặt sát sàn nhà hoặc đặt trên một chiếc bồ đoàn. Nếu chân bị tê hoặc đau trong khi ngồi thiền, ta có thể nhẹ nhàng điều chỉnh lại thế ngồi. Ta có thể duy trì định lực trong khi đổi tư thế bằng cách theo dõi hơi thở và ý thức về những thao tác của ta.
Hãy để cho tất cả các cơ bắp trên thân thể ta được buông thư. Đừng đấu tranh hay gồng mình gì cả. Có những người sau mười lăm phút ngồi thiền là cảm thấy đau nhức khắp cơ thể. Đó là vì người ấy đã cố gắng quá nhiều, cố gắng để thành công. Ta không cần phải làm như vậy, hãy để cho mình được thư giãn, như thể ta đang ngồi chơi trên bãi biển, không cần đạt một mục đích nào cả.
Trong khi ngồi, ta theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra. Bất cứ khi nào có một suy nghĩ hay một cảm thọ đi lên, ta hãy nhận diện nó. Ta có thể học được rất nhiều từ việc quán chiếu những gì đang xảy ra trong thân tâm ta trong suốt buổi ngồi thiền. Ngồi thiền là một cơ hội để không phải làm gì cả. Ta không có gì để làm, chỉ ngồi yên thở cho khỏe nhẹ và tận hưởng điều đó.
Thở vào, tôi biết là tôi còn sống
Thở ra, tôi mỉm cười với sự sống trong tôi và chung quanh tôi.
Còn sống là một phép lạ. Chỉ cần ngồi yên, tận hưởng hơi thở vào ra đã là một niềm hạnh phúc lớn. Vì khi thở vào thở ra, ta biết là ta còn sống. Chừng đó đáng cho ta ăn mừng rồi. Vì vậy, ngồi thiền là một cách ăn mừng sự sống với hơi thở vào ra của mình.
Điều quan trọng là để cho thân thể buông thư hoàn toàn. Đừng cố gắng thành Bụt. Chỉ cần ngồi cho hạnh phúc và chấp nhận chính mình như mình đang là. Cho dù trong thân ta có một vài căng thẳng, tâm ta có một vài đau nhức, ta cũng chấp nhận như vậy. Ta ngồi trong tư thế buông thư, thở thật nhẹ nhàng và dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp chúng.
Thở vào, tôi đã về
Thở ra, tôi đã tới.
Ta không cần phải rong ruổi đi đâu nữa. Ngôi nhà đích thực của ta đang ở đây trong giây phút hiện tại. Ta có vững chãi và tự do. Ta có thể mỉm cười và buông thư tất cả các cơ bắp trên khuôn mặt mình.
Ta cần phải tập luyện để ngồi thiền cho thành công. Ta có thói quen cần phải làm một cái gì đó. Do đó, lúc ban đầu ngồi yên và không làm gì hết có thể là một việc khó khăn. Khi ông Nelson Mandela đến Pháp thăm tổng thống Francois Mitterrand, báo chí đã phỏng vấn ông: “Ông thích làm gì nhất?” Ông nói: “Điều mà tôi muốn làm nhất bây giờ là ngồi yên mà không làm gì cả. Kể từ khi được phóng thích khỏi nhà tù, tôi quá bận rộn, không có cả thời gian ngồi yên để thở. Vì vậy, việc tôi muốn làm nhất là ngồi yên và không làm gì cả.”
Nếu chúng ta cho ông Nelson Mandela vài ngày để ngồi yên không làm gì cả, liệu ông có thể ngồi yên được không? Đối với hầu hết chúng ta, ngồi yên không làm gì cả không phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta có thói quen bận rộn, phải luôn làm một cái gì đó. Nếu không làm thì chịu không nổi. Vì vậy, chúng ta cần phải tập ngồi yên; để có thể không làm gì cả mà vẫn hạnh phúc. Ngồi yên và không làm gì cả là một nghệ thuật. Nghệ thuật ngồi yên.
Nếu chúng ta có khó khăn là không định tâm được, thì đếm hơi thở là một phương pháp rất hữu hiệu. Thở vào, đếm “một.” Thở ra, đếm “một.” Thở vào, đếm “hai.” Thở ra, đếm “hai.” Tiếp tục cho tới mười rồi bắt đầu đếm từ một trở lại. Nếu chúng ta quên không biết mình đếm tới đâu thì hãy đếm lại từ “một”. Phương pháp đếm hơi thở giúp ta không bị lôi kéo bởi những suy nghĩ miên man, rối rắm. Ta tập trung tâm ý vào hơi thở và việc đếm hơi thở. Khi ta kiểm soát được những suy nghĩ của mình thì đếm hơi thở có thể không còn hấp dẫn đối với ta nữa, vì vậy ta có thể bỏ đếm và chỉ theo dõi hơi thở.
Nếu thiền tập mà đấu tranh để đạt cho được một cái gì đó, để đến được một nơi nào đó hay cố gắng để thành công thì chúng ta không thể thư giãn được. Chúng ta hãy nhìn ra ngoài trời. Có thể ngoài trời đang có cây xoan hoặc cây sồi rất xinh đẹp và khỏe mạnh. Nó hoàn toàn là nó. Nó không cần cố gắng gì cả. Nó cho phép nó như nó đang là – tươi mát, xanh tốt và vững chãi. Chúng ta có thể hình dung, quán tưởng về núi. Núi rất hùng vĩ và vững chãi để bảo vệ, che chở cho tất cả các loài sinh vật mà không cần gắng sức hay căng thẳng. Thực tập thiền ngồi, chúng ta cũng vững chãi như núi. Chúng ta có thể thực tập như sau:
Thở vào, tôi thấy mình là núi
Thở ra, tôi thấy vững chãi.
Để ngồi thiền thành công, chúng ta phải buông bỏ mọi căng thẳng trên thân thể và trong những cảm thọ của ta. Ngồi cho thật thoải mái. Dù chỉ mới bắt đầu thở vào thở ra là chúng ta đã thấy khỏe nhẹ rồi. Đừng đấu tranh, ngồi cho khỏe và mỉm cười. Có cơ hội được ngồi yên như thế là một ân huệ lớn. Chúng ta là hải đảo tự thân của mình. Lúc này không ai có thể bắt ta làm bất cứ điều gì. Không ai quấy rầy ta, không ai được quyền hỏi ta, nhờ ta đi đâu, không ai nhờ ta rửa nồi hay dọn nhà tắm. Đây là cơ hội quý giá để ta buông thư và thực sự là ta.