THIỀN QUÁN VỀ TÂM TỪ

JON KABAT-ZINN

Trích “Nơi Ấy Cũng Là Bây Giờ Và Ở Đây - Thiền Tập Áp Dụng Trong Đời Sống Hàng Ngày”; Tác giả: Jon Kabat - Zinn; Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên; NXB. Phương Đông, 2015.  

Không ai có thể hoàn toàn là một ốc đảo;

Mỗi người là một phần của cả lục địa,

của một cái toàn vẹn.

Nếu một viên đất nhỏ li ti

có thể bị sóng biển cuốn trôi đi

Thì cả lục địa Âu Châu này cũng sẽ bị thiếu sút,

và luôn cả những mũi đất ở biển

Và những thôn làng của bạn,

của tôi cũng cùng chung số phận ấy;

Bất cứ một cái chết nào

cũng làm cho tôi mất mát,

Vì tôi là một phần của loài người.

Thế cho nên, đừng bao giờ bạn thắc mắc

là chuông gọi hồn ai;

Vì nó gọi linh hồn của chính bạn.

– JOHN DONNE, Meditation XVII

Ta rung động trước những nỗi khổ đau của kẻ khác, vì giữa tất cả chúng ta đều có một sự quan hệ. Chúng ta là toàn vẹn, mà cũng vừa là một phần tử của một cái khác toàn vẹn và to tát hơn. Và nhờ vậy mà ta có thể thay đổi được thế giới này bằng cách thay đổi chính mình. Nếu tôi trở thành một trung tâm điểm của tình yêu thương và từ ái, tuy nhỏ nhoi nhưng rất đáng kể, thì trong giây phút này thế giới lại có thêm một hạt giống mới của lòng tử tế, mà nó đã không có mặt trong vài giây trước đó. Sự kiện ấy có ích lợi cho tôi và cũng lợi ích cho tất cả mọi người.

Có lẽ bạn cũng nhận thấy rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng là một trung tâm điểm của tình thương, ngay cả đối với chính mình. Sự thật, trong xã hội, nhất là ở Tây phương, chúng ta đang mang một chứng bệnh tự ti mặc cảm, lúc nào chúng ta cũng cho mình là thấp hèn và thua sút. Trong một buổi đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma, được tổ chức ở Dharamsala năm 1990, Ngài lộ vẻ khó hiểu khi một nhà tâm lý học Tây phương nói về vấn đề tự ti. Từ ngữ ấy phải được thông dịch sang tiếng Tây tạng đôi ba lần, mặc dù Ngài rất giỏi tiếng Anh. Đức Đạt Lai Lạt Ma không thể nào hiểu được ý niệm về tự ti. Và lúc hiểu được rồi, gương mặt Ngài lộ một vẻ buồn rõ rệt, khi nghe nói có rất nhiều người Hoa Kỳ mang một mặc cảm thấp hèn và sút kém.

Cảm xúc ấy hầu như không hề nghe nói tới ở những người Tây Tạng. Họ có đủ hết những khó khăn nghiêm trọng của một quốc gia nghèo thuộc thế giới thứ ba, nhưng trong đó không hề có mặc cảm tự ti. Nhưng mấy ai biết được việc gì sẽ xảy ra cho các thế hệ tương lai, khi họ được tiếp xúc với cá mà chúng ta gọi là “thế giới tiến bộ”. Có lẽ người Tây phương đã quá tiến bộ về phương diện bên ngoài, nhưng bên trong họ lại rất chậm tiến. Có thể chính chúng ta, những xã hội giàu có, lại đang sống trong một sự nghèo túng.

Nhưng bạn có thể hành động để cứu gỡ tình trạng nghèo khó này bằng phương pháp thiền quán về tâm từ. Cũng như thường lệ, nơi bắt đầu phải là ở chính ta. Bạn hãy mời gọi lòng từ ái, sự chấp nhận và thương yêu khơi lên trong trái tim mình. Biết không, bạn sẽ phải thực hành việc ấy thật nhiều lần, nó cũng giống như khi ngồi thiền, bạn phải tiếp tục đem tâm mình trở về với hơi thở. Tâm ta không dễ gì chịu tuân phục, vì đôi khi những vết thương trong lòng rất sâu đậm. Nhưng bạn hãy cứ thử, như là một thí nghiệm trong khi thiền tập. Một lúc nào đó hãy ôm ấp mình trong chánh niệm và sự chấp nhận, cũng như bà mẹ ôm ấp một đứa con đang khóc, bằng một tình thương không bờ bến và vô điều kiện. Bạn có thể nào nuôi dưỡng sự tha thứ cho chính mình không, nếu không thể là cho kẻ khác? Bạn có thể nào cho phép mình được hạnh phúc trong giây phút hiện tại này không? Bạn đang cảm thấy an vui, sự kiện ấy có làm bạn khó chịu không? Nền tảng của hạnh phúc có hiện diện trong giây phút này không?

Phương pháp quán tâm từ có thể được thực hành như sau, nhưng bạn nên nhớ đừng bao giờ lầm lẫn chữ nghĩa với hành động. Chúng chỉ là những bảng chỉ đường cho ta mà thôi.

Bắt đầu bằng cách ngồi cho yên ổn trong thân và trong hơi thở. Tiếp đến, từ nơi con tim hoặc nơi bụng, mời gọi cảm xúc hoặc hình ảnh từ ái và thương yêu toả chiếu ra, cho đến khi nào nó tràn ngập con người của bạn. Cho phép bạn được ôm ấp bởi năng lượng chánh niệm của chính mình. Bạn cũng xứng đáng được yêu thương và cưng chiều như bất cứ một đứa bé nào khác. Hãy để cho ý thức của bạn biểu lộ được cả hai năng lưỡng, lòng nhan từ của cha và tình thương yêu của  mẹ. Trong giây phút này, bạn hãy ghi nhận và tôn trọng con người của chính mình, và ban cho ta một tình thương mà có lẽ ta đã thiếu khi còn thơ. Hãy để cho ta được sưởi ấm trong năng lượng của tâm từ, hít nó vào và thở nó ra, như là có một sợi dây cứu cấp, tuy bị hư hao lâu năm nhưng cuối cùng mang lại được cho ta một sự dinh dưỡng mà ta hằng thiếu thốn.

Mời gọi cảm giác an lạc và chấp nhận đến có mặt trong bạn. Có người cảm thấy hữu ích khi thỉnh thoảng tự niệm thầm những lời như: “Cầu mong cho tôi không lo âu, không oán hận. Cầu mong cho tôi không phiền não. Cầu mong cho tôi được khoẻ mạnh và an vui”. Nhưng bạn nên nhớ rằng, những lời ấy chỉ để khởi động tâm từ trong ta. Chúng cũng chỉ là những mong ước của ta – là những ý định có chủ ý muốn giải thoát, ít nhất là trong giây phút này, ra khỏi những khổ đau do ta tự tạo lấy, hoặc đã huân tập vì sợ hãi và thất niệm.

Một khi bạn trở thành một hiện thân của tình thương, và ánh sáng từ ái toả chiếu suốt con người bạn, khi bạn có thể tự ôm ấp mình bằng lòng từ bi và sự chấp nhận, chừng ấy bạn có thể an trú ở nơi này, uống nguồn nước ngọt, tắm trong dòng suối mát, làm tươi mới lại, tự nuôi dưỡng và sống vui hơn. Nó có thể là một phương pháp tu tập có tác dụng chữa thương rất lớn cho thân và tâm ta.

Và bạn cũng có thể tiến thêm một bước nữa xa hơn. Sau khi tự mình đã trở thành một nơi chốn của thương yêu và từ ái, bạn có thể mang chúng toả chiếu ra bên ngoài và hướng nó về bất cứ nơi nào bạn muốn. Trước hết, bạn có thể hướng nó đến những người thân trong gia đình. Nếu bạn có con, hãy giữ hình ảnh của chúng trong tâm, cầu chúc cho chúng luôn được may mắn, không bao giờ gặp những khổ đau không cần thiết, sẽ tìm được con đường đi trong cuộc đời, rằng chúng sẽ kinh nghiệm được tình thương và sự chấp nhận trong cuộc sống. Rồi kế đó, thực tập hướng tâm từ đến vợ hay chồng, anh em và những người thân thích.

Bạn cũng có thể hướng tâm từ đến cha mẹ mình, dù các người đã mất hay còn sống, cầu chúc cho họ được may mắn, cầu chúc cho họ không cảm thấy cô đơn hoặc đau đớn, kính trọng họ. Nếu có thể, bạn cảm thấy nó lành mạnh và cần thiết, bạn hãy tìm một chỗ trong tim mình để tha thứ cho bậc cha mẹ, về những nỗi sợ hãi và khổ đau mà họ đã vô tình gây nên vì thất niệm, vì những giới hạn của họ.

Và chúng ta cũng không cần phải dừng lại ở đây. Bạn có thể rải tâm từ đến bất cứ một ai, đến những người mình biết và cả những người không quen biết. Nó có thể hữu ích cho ta, vì nó giúp ta trau luyện và mở rộng con người cảm xúc của mình. Sự mở rộng ấy mỗi đến những người đang khó khăn, đến những người đang có nhiều oan trái và cả những ai đã đe doạ hoặc làm  khổ mình. Bạn cũng có thể tập hướng tâm từ đến một nhóm người – như là những ai đang bị đàn áp, đang chịu khổ đau, cuộc sống đang bị kẹt giữa chiến trang, bạo động hay căm thù. Bạn biết rằng, những người ấy không khác gì với mình. Họ cũng có người thân yêu, cũng có hy vọng, cũng có một nhu cầu muốn được chở che, no ấm và tự do. Và bạn cũng có thể mở rộng tâm từ của mình ra để bao trùm luôn cả Trái Đất này, đến sự huy hoàng cũng như nỗi đau thầm lặng của nó, trong dòng suối, con sông, không khí, đại dương, rừng núi, cây cỏ, thú vật, của chung hoặc riêng.

Thật ra phương pháp quán tâm từ, cũng giống như sự sống này, nó không có một giới hạn tự nhiên nào hết. Vì đó là sự khai triển không ngừng của một ý thức về mối tương duyên và liên hệ của vạn vật với nhau. Và nó cũng là hiện thân của chính nó. Khi bạn có thể thương yêu một chiếc lá, một đoá hoa, một con chó, một nơi chốn, một người nào đó hoặc chính bạn, trong một giây lát, bạn cũng có sẽ tìm thấy được hết tất cả mọi người, mọi nơi chốn, mọi khổ đau, mọi hoà hợp trong chính giây phút ấy. Phương pháp tu tập của ta không phải là để cố gắng thay đổi một điều gì hoặc đạt đến một mục tiêu nào, mặc dù bề ngoài có vẻ như vậy. Thật ra chuyện ta làm là vén mở ra để thấy những gì luôn luôn có mặt ở nơi đây, và ở mọi nơi. Nhưng nhiều khi khả năng tiếp xúc và được tiếp xúc của ta, lại bị chôn vùi bên dưới những sợ hãi, khổ đau, những tham lam và sân hận, bên dưới những sợ hãi, khổ đau, những tham lam và sân hận, bên dưới một ý niệm sai lầm rằng ta là một cá thể độc lập và cô đơn.

Khi ta khơi dậy những cảm xúc từ ái ấy trong thiền tập, là chúng ta đang tự mở rộng để vượt ra khỏi những giới hạn và sự si mê của mình, cũng giống như trong Yoga, chúng ta nới giãn những sự chống cự của các bắp thịt, dây chằng và gân cốt. Và trong sự nới giãn đó, đôi khi rất đau đớn, nhưng chúng ta sẽ được mở rộng ra, trưởng thành, tự chuyển hoá mình và chuyển hoá được thế giới xung quanh.

Tôn giáo của tôi là lòng từ ái.

– ĐẠT LAI LẠT MA –

THỰC TẬP

Trong sự tu tập của bạn, đến một lúc nào đó, bạn nên tiếp xúc với lòng từ ái bên trong mình. Thử xem bạn có thể nhìn xuyên qua được những sự chống đối của mình đối với phương pháp này, nếu có, hoặc những lý do về sự khó thương, khó chấp nhận đối với chính mình. Bạn hãy xem chúng chỉ là ý nghĩ. Bạn hãy thử nghiệm, cho phép ta được ôm ấp trong sự ấm áp và sự chấp nhận của lòng từ ái, như một đứa trẻ thơ nằm êm ấm trong vòng tay của người mẹ hoặc cha. Kế đó, bạn thử hướng nó đến những người khác và ra thế giới chung quanh. Phương pháp thực tập này không có giới hạn. Và cũng như những phương pháp khác, nó sẽ được tăng trưởng và sâu sắc hơn nhờ sự chăm sóc thường xuyên, cũng như những cây lá trong một khu vườn được bón phân, tưới nước. Bạn nên nhớ rằng, ta không cố gắng để cứu giúp bất cứ ai khác trên Trái đất này. Ta chỉ cần giữ họ trong chánh niệm của mình, tôn trọng họ, cầu chúc họ được may mắn, mở rộng ra với nỗi đau đớn của họ, với lòng từ bi và chấp nhận của ta. Nếu trong quá trình ấy, bạn cảm thấy sự tu tập đòi hỏi mình phải có một thái độ khác biệt trong cuộc sống, thì những hành động ấy cũng phải thể hiện được lòng từ bi và chánh niệm.

——-o0o——-

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN CHÍNH LÀ CÁCH THỂ HIỆN CHÍNH BẠN MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. THIỀN CÁCH NÀO HAY NHẤT?
  3. THIỀN ĐỊNH VỀ SỰ BẤT NHỊ GIỮA TA VÀ NGƯỜI

Bài viết khác của tác giả

  1. LÀM CHA MẸ CŨNG LÀ THIỀN TẬP
  2. NÊN NGỒI THIỀN BAO LÂU?
  3. THẦY CÔ GIÁO HẠNH PHÚC SẼ THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH