THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG

STEPHEN R. COVEY

Trích: "7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc"; Việt dịch:  Vương Khánh Ly - Phan Khánh Giang; NXB Tổng Hợp;


Tôi biết, hiện nay mọi người thường nói “Chúng tôi không có thời gian”. Nhưng nếu bạn không có thời gian – dù chỉ một tối hay ít nhất là một giờ để mọi người trong gia đình tụ họp bên nhau, có nghĩa gia đình không trở thành ưu tiên hàng đầu nữa.
– Oprah Winfrey

Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét hai mô hình tổ chức giúp bạn dành ưu tiên cho gia đình trong thế giới biến động ngày nay, và biến bản tuyên ngôn về nhiệm vụ của bạn thành bản hiến pháp của gia đình.

Một trong hai mô hình là “thời gian gia đình”. Giống như những gì Oprah Winfrey phát biểu trong chương trình phỏng vấn những người nổi tiếng của bà: “Nếu bạn không có thời gian, dù chỉ một tối hay một giờ để mọi người trong gia đình tụ họp bên nhau, có nghĩa gia đình không trở thành ưu tiên hàng đầu nữa”.

Mô hình thứ hai là “thời gian kết nối cá nhân” – từng người dành thời gian gắn bó với mỗi thành viên khác trong gia đình. Tôi cho rằng hai mô hình này sẽ tạo nên một phương thức hiệu quả trong việc tôn vinh gia đình, giúp bạn biết “ưu tiên những việc quan trọng” trong cuộc sống.

☘ Khi những việc quan trọng không được ưu tiên

Rất đáng buồn khi “những việc quan trọng” trong cuộc đời bạn, trong đó có gia đình, lại đang nằm ở vị trí thứ hai hay thứ ba, thậm chí thấp hơn.
Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác bứt rứt vào một tối nọ, khi tôi nghỉ trong một khách sạn ở Chicago. Cả ngày hôm ấy, trong khi tôi phải diễn thuyết, cô con gái 14 tuổi của tôi – Colleen, đang tổng duyệt cho vở kịch mà con bé tham gia, vở “Câu chuyện phía Tây”. Con bé không được chọn đóng vai chính thức, mà chỉ làm diễn viên dự bị. Tôi biết, con bé không được diễn trong hầu hết các buổi biễu diễn.

Nhưng riêng tối hôm đó là đêm diễn của Colleen, con bé trở thành “một ngôi sao”. Tôi đã gọi điện để chúc bé diễn tốt, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy hối tiếc vô cùng. Tôi thực sự muốn có mặt ở đó, bên Colleen. Mặc dù điều này không dễ dàng nhưng tôi vẫn có thể sắp xếp lại kế hoạch để có mặt tại khán phòng. Nhưng không hiểu sao, vở kịch của Colleen đã chìm sâu trong hàng núi công việc, thậm chí không có trong lịch làm việc của tôi. Để rồi, tôi ở đây một mình, và ở cách đó khoảng 2.000 km, con gái tôi đang hát và diễn bằng cả trái tim cho khán giả mà không có mặt cha mình.

Tôi đã học được hai điều từ buổi tối hôm đó. Một, cho dù con bạn hát chính hay chỉ có mặt trong dàn hợp xướng, cho dù chính thức hay dự bị, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là bạn có mặt ở đó vì con bạn. Tôi từng có mặt trong vài buổi biểu diễn mà Colleen hát trong dàn hợp xướng, cổ vũ, khen ngợi con bé. Và tôi biết, con bé đã rất vui vì tôi đến dự.

Hai , nếu bạn thực sự muốn ưu tiên cho gia đình, bạn cần phải lập kế hoạch và kiên trì. Chỉ tuyên bố gia đình là quan trọng thì chưa đủ! Nếu “gia đình” thực sự là ưu tiên hàng đầu, bạn phải thật quyết tâm, lập kế hoạch và thực hiện.

Sau chương trình tin tức 10 giờ tối, có clip quảng cáo quay cảnh một cô bé tiến lại gần người cha đang ngồi trên ghế. Người cha rất tập trung, xung quanh ngổn ngang giấy tờ, ông đang chăm chú viết. Cô bé đến bên người cha, lên tiếng: “Bố ơi, bố đang làm gì thế?”.

Không buồn nhìn lên, người cha đáp: “Ồ, không có gì đâu, con yêu. Bố chỉ đang lên kế hoạch và tổ chức lại một số thứ. Những trang viết này ghi tên tất cả những người bố cần đến thăm và trò chuyện…”.
Cô bé ngập ngừng rồi hỏi: “Liệu con có tên trong đó không, bố?”.

“Những điều quan trọng nhất không bao giờ được đối xử như những điều kém quan trọng nhất.”
– Goethe
Goethe đã từng nói: “Những điều quan trọng nhất không bao giờ được đối xử như những điều kém quan trọng nhất”. Trong cuộc sống, nếu không ưu tiên cho “gia đình”, chúng ta không thể có một gia đình hạnh phúc.

Thói quen thứ 2 cho chúng ta biết đâu là “những điều quan trọng”. Còn Thói quen thứ 3 sẽ rèn luyện cho chúng ta sống theo những điều quan trọng đó. Thói quen thứ 3 là bài kiểm tra về mức độ sâu sắc, kiên định trong cam kết của chúng ta về “những điều quan trọng”, cho dù cuộc sống của chúng ta có bị chi phối vì những quy tắc hay không.

☘Tại sao chúng ta không ưu tiên cho những việc quan trọng?
Hầu hết mọi người đều biết nên dành ưu tiên hàng đầu cho gia đình, tuyên bố đặt gia đình lên trên cả sức khỏe, lên trên cuộc sống của chính mình, thậm chí có thể chết vì gia đình. Nhưng khi bạn yêu cầu họ nhìn nhận lại cách sống, xem họ đang dành thời gian và sự chú ý của họ vào đâu, hầu hết bạn sẽ thấy gia đình lại đứng sau những thứ khác – nào là công việc, bạn bè, nào là sở thích cá nhân.

Theo cuộc điều tra của chúng tôi đối với 250.000 người, trong số các thói quen, Thói quen thứ 3 đạt điểm thấp nhất. Đa số mọi người đều cảm thấy có một khoảng cách giữa những việc thực sự quan trọng, trong đó có gia đình, với cách sống thực tế hàng ngày của họ.
Tại sao lại như thế? Nguyên nhân dẫn tới khoảng cách này là gì?
Sau buổi diễn thuyết nọ, tôi đến thăm một quý ông để nghe ông ấy tâm sự: “Stephen, tôi thực sự không biết liệu mình có hạnh phúc với những gì đã làm trong đời hay không. Tôi không biết cái giá tôi phải trả để có được vị trị chủ tịch công ty hiện nay liệu có đáng không. Bây giờ tôi đã gần 60, vẫn có thể làm chủ tịch thêm vài năm nữa, nhưng việc đó chiếm hết thời gian và tâm trí của tôi. Tôi biết điều đó sẽ dẫn đến hậu quả gì.

Tôi hối tiếc cho tuổi thơ các con tôi, vì đã không dành nhiều thời gian ở bên chúng. Ngay cả khi tôi ở bên, cũng không hẳn ‘vì chúng’: tâm trí của tôi tập trung vào những việc khác. Tôi cố gắng chiều chuộng con cái bằng cách cho chúng mọi thứ, nhưng chưa bao giờ thực sự gắn bó với chúng cả.

Các con tôi cảm thấy sự mất mát to lớn trong chúng. Như anh vừa nói, Stephen, tôi đã trèo lên chiếc thang của sự thành công. Khi gần lên đến đỉnh, tôi chợt nhận ra cái thang ấy không dựng vào đúng bức tường mà tôi cần leo. Tôi không có được cảm giác nề nếp văn hóa gia đình mà anh nhắc đến. Nhưng tôi biết, nơi đó mới tồn tại sự giàu có thực sự. Không nằm ở tiền bạc, địa vị, mà nằm ở mối quan hệ gia đình”.

Sau đó, ông ấy mở cặp. “Để tôi cho anh xem cái này”, ông ấy vừa nói vừa lôi ra một tờ giấy lớn. “Đây là điều khiến tôi hứng thú!”, ông ấy trải tờ giấy ra. Đó là bản thiết kế về một ngôi nhà mà ông đang xây dựng. Ông gọi đó là “ngôi nhà 3 thế hệ”, con cháu có thể lui tới và vui vẻ bên nhau, trò chuyện cùng các anh chị em và những người ruột thịt khác. Ông đang xây dựng ở Savannah, Georgia, ngay bên bờ biển. Khi xem xét bản thiết kế với tôi, ông nói: “Điều làm tôi vui nhất là bản thiết kế làm cho các con tôi rất hào hứng. Chúng biết mình đã đánh mất tuổi thơ, tiếc nuối, và mong muốn tìm lại. Trong ngôi nhà 3 thế hệ này, chúng tôi sẽ lên kế hoạch chung để làm việc cùng nhau. Ở một góc độ nào đó, tôi đang tiếp cận các con mình thông qua đám cháu nội ngoại. Con tôi muốn tôi cùng tham gia với các cháu”.

Trong khi cuộn bản thiết kế lại, cất vào trong cặp, ông ấy nói tiếp: “Điều này cực kỳ quan trọng đối với tôi, Stephen à! Nếu vẫn giữ vị trí chủ tịch công ty, tôi sẽ không còn thời gian cho con cháu, và tôi đã quyết định sẽ không làm nữa”.

Hãy lưu ý: Trong suốt nhiều năm, “gia đình” không phải là ưu tiên hàng đầu đối với người đàn ông này. Bởi vậy, ông ấy và gia đình đã đánh mất rất nhiều kỷ niệm quý giá bên nhau. Nhưng lần này, ông ấy nhận ra tầm quan trọng của gia đình. Giờ đây gia đình có ý nghĩa quan trọng đến mức lấn át cả vị trí chủ tịch của một công ty tầm cỡ thế giới, bậc cuối cùng trên chiếc thang “thành công”.

Dĩ nhiên, ưu tiên cho gia đình không nhất thiết phải là mua một ngôi nhà mới hay từ bỏ công việc. Mà có nghĩa là bạn hãy “nói đi đôi với làm” – cuộc sống của bạn phải phản ánh và nuôi dưỡng giá trị cao nhất của gia đình.

Khi phải chịu áp lực trong công việc và sự nghiệp, nhiều người quên đi gia đình mới đáng là ưu tiên hàng đầu. Nhưng hãy nghĩ xem: vai trò của bạn trong công việc chỉ tạm thời. Khi bạn về hưu, không còn là một nhà kinh doanh, một nhân viên ngân hàng hay một nhà thiết kế nữa, vị trí của bạn sẽ được thế chỗ. Công ty vẫn tiếp tục hoạt động. Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi đáng kể khi bạn rời bỏ nếp sống đó.

Tuy nhiên, vai trò của bạn trong gia đình không bao giờ kết thúc. Vị trí của bạn không bao giờ bị thế chỗ. Tầm ảnh hưởng của bạn và sự cần thiết của tầm ảnh hưởng đó cũng không bao giờ chấm dứt. Thậm chí, sau khi bạn mất, con cháu bạn sẽ vẫn kính trọng bạn với tư cách là cha là mẹ, là ông là bà.
Gia đình là một trong số rất ít thực thể có được vai trò vĩnh cửu trong cuộc sống, thậm chí là vai trò
vĩnh cửu duy nhất.

Vì vậy, nếu bạn sống theo những vai trò tạm thời trong khi vai trò vĩnh cửu duy nhất thì lại để mất dần, bạn đang đánh mất những giá trị văn hóa và sự giàu có đích thực của cuộc đời mình! Sự hài lòng sâu sắc và dài lâu chỉ có thể có được từ những mối quan hệ trong gia đình.

Cuối cùng, cuộc sống dạy cho chúng ta điều gì là quan trọng: đó chính là gia đình. Cuối cùng, cuộc sống dạy cho chúng ta điều gì là quan trọng: đó chính là gia đình.
Trước phút lâm chung, điều khiến cho nhiều người hối tiếc nhất là họ chưa làm được một số việc nào đó cho gia đình. Không ít tình nguyện viên trong các bệnh viện kể lại, rất nhiều bệnh nhân níu lấy sự sống chỉ vì muốn tìm giải pháp thỏa đáng trong quan hệ gia đình – như xin lỗi, tha thứ, thú nhận… để mang lại hòa thuận, thoải mái tâm hồn.

Tại sao chúng ta không đưa ra thông điệp về ưu tiên cho gia đình, ngay từ khi chúng ta mới hấp dẫn lẫn nhau, mới kết hôn, ngay từ khi con cái chúng ta còn nhỏ? Tại sao chúng ta không nhớ đến sự ưu tiên ấy mỗi khi gặp phải những thách thức không thể tránh được?

Đối với nhiều người trong chúng ta, cuộc sống được miêu tả giống như Rabindranath Tagore từng nói: “Bài hát mà tôi định hát vẫn chưa được hát bao giờ. Tôi đã dành từng ngày trong đời để lên dây đàn, căng và chùng liên tục”. Chúng ta đều tỏ ra bận rộn tối mặt tối mũi. Nhưng dường như chưa bao giờ chúng ta đạt được một hòa điệu.

☘Gia đình: chính hay phụ?

Lý do đầu tiên khiến chúng ta không ưu tiên cho gia đình nằm ở Thói quen thứ 2. Chúng ta thường không để ý đến những gì cần được ưu tiên nhất. Hãy nhớ lại câu chuyện về những doanh nhân cùng vợ và gia đình trong Thói quen thứ 2, họ đã gặp khó khăn khi xây dựng bản tuyên ngôn về nhiệm vụ của gia đình. Họ đã không thể thành công như mong muốn trong cuộc sống gia đình, cho đến khi trong tâm trí họ thực sự dành ưu tiên cho “gia đình” – trước hết, từ chính bản thân. Chúng ta phải khắc ghi sự ưu tiên đó trong tâm trí, và quyết tâm vượt qua những tác động bên ngoài luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không, chúng ta sẽ bị nhiều thứ khác cám dỗ, làm cho mất phương hướng.

Tháng 4 năm 1997, tờ US News & World Report đã đăng tải một bài báo gây được tiếng vang lớn, với tiêu đề “Phụ huynh nói dối tại sao họ đi làm”, khiến cho các bậc phụ huynh phải tự vấn lương tâm một cách nghiêm túc. Theo tác giả Shannon Brownlee và Matthew Miller, người ta thường tự dối lòng và không trung thực trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa chăm sóc con cái và công việc. Họ đã liệt kê 5 lời nói dối mà các bậc cha mẹ thường dùng để bao biện (tìm lý do hợp lý) xung quanh những quyết định ưu tiên cho công việc của họ. Tổng kết lại, những phát hiện được đưa ra trong bài báo như sau:

Lời nói dối số 1: “Chúng tôi cần thêm tiền”. (Nhưng cuộc điều tra cho thấy không chỉ tầng lớp đang sống gần sát ngưỡng nghèo, mà ngay đến tầng lớp giàu có nhất cũng đều nói họ làm việc vì những nhu cầu tối thiểu, cần thiết).

Lời nói dối số 2: “Vì dịch vụ trông giữ trẻ rất tốt (thay cho gia đình)”. (“Một cuộc nghiên cứu gần đây nhất của các nhà nghiên cứu thuộc bốn trường đại học cho thấy 15% dịch vụ gửi trẻ là tốt, 70% ‘hiếm khi được chăm sóc đầy đủ,’ và 15% thì rất tệ. Lũ trẻ nằm trong loại thứ hai được an toàn về mặt thể chất nhưng lại nhận được rất ít hoặc không đầy đủ sự động viên tinh thần và học hành.”).

Lời nói dối số 3: “Những công ty có thời gian làm việc không linh động là nguyên nhân khiến cho rất khó thu xếp việc gia đình”. (Trong thực tế, những chính sách ưu ái dành cho gia đình thường bị lờ đi. Nhiều người muốn dành nhiều thời gian hơn ở văn phòng, công ty. “Cuộc sống gia đình giống nơi làm việc tuy hiệu quả nhưng buồn tẻ, trong khi đó tại văn phòng, công ty, với tính chất làm việc nhóm và được trao quyền lực thì lại giống một gia đình.”).

Lời nói dối số 4: “Người cha sẽ vui vẻ ở nhà nếu vợ của họ kiếm được nhiều tiền hơn”. (Trong thực tế, rất ít người đàn ông suy ngẫm thấu đáo về điều đó. “Đàn ông và phụ nữ nhìn nhận ‘nam tính’ không phải theo ý nghĩa lực lưỡng hay giới tính, mà là khả năng trở thành ‘người chu cấp giỏi’ cho gia đình mình.”).

Lời nói dối số 5: “Mức thuế cao buộc chúng tôi phải đi làm”. (Việc cắt giảm thuế gần đây thậm chí còn khiến những ông bố bà mẹ dù sung túc nhưng vẫn lao vào thị trường lao động). Người ta rất dễ rơi vào những cám dỗ của môi trường làm việc và một mức sống hấp dẫn nào đó. Rốt cuộc lại, những giả định này thao túng họ, làm xáo trộn lương tâm nhưng họ lại biện bạch không còn lựa chọn nào khác.

Chúng ta cần bắt đầu với giả định rằng, chính gia đình – chứ không phải công việc – là bắt buộc. Sự chuyển đổi lối suy nghĩ đó sẽ mở cánh cửa đến với nhiều khả năng sáng tạo khác nhau.
Chúng ta cần bắt đầu với giả định rằng, chính gia đình – chứ không phải công việc là bắt buộc. Sự chuyển đổi lối suy nghĩ đó sẽ mở cánh cửa đến với nhiều khả năng sáng tạo khác nhau. Trong cuốn sách best-seller Điểm tựa tinh thần , nhà tâm lý học Mary Pipher chia sẻ câu chuyện về một cặp vợ chồng bị rơi vào một lối sống bận rộn. Cả hai vợ chồng đều đi làm cả ngày để bảo đảm trang trải mọi chi tiêu. Họ cảm thấy mình không có thời gian dành cho những sở thích cá nhân, thời gian dành cho nhau, hay cho hai đứa con song sinh 3 tuổi. Họ cảm thấy buồn khi cô bảo mẫu mới là người được chứng kiến những bước đi chập chững đầu tiên, được nghe những lời nói bập bẹ đầu tiên của hai bé. Đôi vợ chồng này cảm thấy tình yêu nhạt dần, và người vợ cũng thấy dằn vặt khi không thể giúp mẹ mình khi bà đang bị ung thư. Dường như họ đã rơi vào tình huống không lối thoát.

Nhưng sau khi được tư vấn, họ đã có thể tạo ra một số thay đổi đáng kể trong cuộc sống. Họ bắt đầu bằng việc dành các tối chủ nhật để ở bên gia đình và quan tâm đến nhau – nói với nhau những điều tốt đẹp. Người chồng xin phép được nghỉ làm việc vào thứ bảy hàng tuần. Người vợ, cuối cùng, cũng bỏ việc để ở nhà chăm sóc con cái. Họ đã đề nghị bà ngoại đến ở cùng gia đình, vừa để được chăm sóc tốt hơn vừa trở thành người kể chuyện cho các cháu. Họ cũng cắt giảm chi tiêu trong nhiều việc.

Họ cũng ngừng mua những thứ không cần thiết, không còn đi ăn tiệm nữa. Như Mary Pipher từng nói: “Gia đình đó đã phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Họ đã nhận ra, hoặc họ có thể có nhiều tiền hơn, hoặc có nhiều thời gian hơn nhưng không thể có được cả hai cùng lúc. Họ đã lựa chọn thời gian”.Và sự lựa chọn đó đã làm nên sự đổi thay đáng kể trong chất lượng cuộc sống cá nhân và gia đình. Họ cảm thấy hạnh phúc hơn, tràn ngập tình yêu thương và bớt đi sự căng thẳng.

Dĩ nhiên, đây không phải là giải pháp duy nhất cho mọi gia đình đang xảy ra sự bất đồng và không hòa hợp. Có nhiều giải pháp lựa chọn cho bạn. Bạn có thể cân nhắc việc cắt giảm, đơn giản hóa cuộc sống, thay đổi công việc, chuyển từ công việc toàn thời gian sang bán thời gian, giảm thời gian đi lại bằng cách kéo dài thời gian làm việc hoặc làm ở gần nhà, tham gia làm việc chung, hoặc tạo ra một văn phòng ngay tại nhà mình. Điều cuối cùng là không cần phải dùng đến những lời nói dối – nếu gia đình thực sự là ưu tiên hàng đầu của bạn. Ưu tiên cho gia đình sẽ giúp bạn khám phá nhiều khả năng lựa chọn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG
  2. 40 GƯƠNG THÀNH CÔNG – ANDREW CARNEGIE
  3. VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ TRONG VIỆC ĐỊNH HÌNH THÓI QUEN

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ NĂM: HIỂU NGƯỜI TRƯỚC, HIỂU MÌNH SAU
  2. TÔN TRỌNG TIẾN TRÌNH TỰ NHIÊN CỦA SỰ PHÁT TRIỂN
  3. NỀ NẾP VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP