BHIKKHU BODHI
Trích: Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội hợp tuyển từ Kinh tạng Pali; Nguyên tác: The Buddha’s Teachings on Social and Communal Harmony, An Anthology of Discourses from the Pāli Canon; Việt dịch: Nguyên Nhật Trần Như Mai; NXB. Hồng Đức
[Đức Phật nói với các Tỷ-kheo]: “Khi ta nói: ’Cần phải hiểu về nghiệp, cần phải hiểu nguồn gốc của nghiệp, cần phải hiểu tính đa dạng của nghiệp, cần phải hiểu quả báo của nghiệp, cần phải hiểu sự chấm dứt nghiệp, và cần phải hiểu con đường đưa đến chấm dứt nghiệp’, vì lý do gì ta nói như vậy?
Này các Tỷ-kheo, chính là ý chí mà ta gọi là nghiệp. Vì có ý chí, nên con người hành động qua thân, khẩu, hoặc ý.
Và thế nào là nguồn gốc của nghiệp? Xúc chính là nguồn gốc của nghiệp.
Và thế nào là tính đa dạng của nghiệp? Có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở địa ngục; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới súc sinh; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới ngạ quỷ; có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới loài người; và có nghiệp đưa đến trải nghiệm ở cảnh giới chư thiên. Như vậy gọi là tính đa dạng của nghiệp.
Và thế nào là quả báo của nghiệp? Ta nói rằng quả báo của nghiệp có thể được trải nghiệm qua ba cách (quả dị thục): ngay trong đời này, trong đời sau, hoặc trong một cơ hội nào đó tiếp theo đời sau. Như vậy gọi là quả báo của nghiệp.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự chấm dứt nghiệp? Với sự chấm dứt của xúc sẽ đưa đến sự chấm dứt của nghiệp.
Bát Thánh Đạo là con đường đưa đến chấm dứt nghiệp, nghĩa là, chánh kiến, …chánh định.
Này các Tỷ-kheo, khi một vị thánh đệ tử hiểu rõ nghiệp như vậy, nguồn gốc của nghiệp, tính đa dạng của nghiệp, quả báo của nghiệp, sự chấm dứt nghiệp, và con đường đưa đến chấm dứt nghiệp, vị ấy hiểu rằng đời sống phạm hạnh thể nhập thâm sâu này chính là con đường chấm dứt nghiệp.”
(Tăng Chi BK 3, Ch.IV: 63, tr. 218-219)