TRÍ TUỆ CẢM XÚC VÀ SỐ PHẬN

DANIEL GOLEMAN

Trích: Trí Tuệ Cảm Xúc Ứng Dụng Trong Công Việc; Dịch giả: Phương Linh, Minh Phương, Phương Thúy; NXB Tri Thức.

Tôi nhớ lại một người bạn từng đạt được kết quả tốt nhất trong kì thi đại học. Nhưng, dù có những năng lực trí tuệ ghê gớm như vậy, anh ta lại đi ngủ muộn và thường bỏ buổi học vì tới trưa mới dậy. Phải mất 10 năm anh ta mới có được tấm bằng. 

IQ thường không giải thích được sự khác nhau về số phận các cá nhân mà lúc đầu có vẻ như giống nhau. Khi người ta nhìn lại sự tiến thân của 90 sinh viên ở Harvard đầu những năm 40 – cái thời mà IQ của sinh viên những trường đại học ở bờ phía Đông được tính theo khoảng cách lớn hơn hiện nay, người ta thấy rằng những người giành được kết quả tốt nhất trong các kỳ thi lại không thành công bằng những người khác về tiền lương, và vị trí nghề nghiệp. Hơn nữa, họ cũng không hạnh phúc hơn trong đời tư của mình. 

Một cuộc điều tra tương tự đã được tiến hành trong 450 người trung niên gốc ở một khu phố bình dân gần Harvard, mà phần lớn là con cái những người nhập cư và hai phần ba xuất thân từ những gia đình nhận trợ cấp xã hội. Một phần ba có IQ thấp hơn 90. Nhưng, cả ở đây nữa, IQ dường như không có quan hệ với thành công nghề nghiệp và đời riêng của họ. Chẳng hạn, số người có IQ thấp hơn 80 có 7% thất nghiệp từ mười năm nay hoặc hơn nữa, nhưng 7% số người có IQ cao hơn 100 cũng thế. Đúng là luôn luôn có sự tương quan giữa IQ và trình độ xã hội – kinh tế của cá nhân. Nhưng những năng lực mà họ đã chứng tỏ trong thời thơ ấu, như khả năng chịu đựng khó khăn làm chủ các xúc cảm và thông cảm với người khác, đã giải thích những sự khác nhau quan trọng nhất.

Một ví dụ khác được lấy từ một nghiên cứu mới đây ở những người giỏi nhất nhì tại nhiều trường đại học ở Ilinois năm 1981. Đương nhiên, tất cả có điểm trung bình cao nhất ở bậc trung học. Nhưng, dù họ vẫn tiếp tục đạt những kết quả tuyệt vời ở trường đại học, thì khi đến độ tuổi 30, họ cũng chẳng thành công nhiều hơn những bạn học trung bình trước đây. Mười năm sau đại học, chỉ 1/4 người có mặt trong tốp dẫn đầu nghề nghiệp của họ, và nhiều người đã xoay xở trong cuộc sống kém hơn rất nhiều những người khác. 

Karen Arnold, giảng viên trường Đại học Boston, một trong những nhà nghiên cứu tham gia nghiên cứu này, giải thích: “Tôi tưởng rằng chúng tôi gặp toàn những học trò giỏi”. Nhưng, sau khi học xong, những người học giỏi cũng phải chiến đấu như người khác. Việc một cá nhân nằm trong số những người học giỏi nhất lớp chỉ cho thấy anh ta đặc biệt có khả năng đạt điểm tốt mà thôi. Điều đó chẳng nói lên điều gì về năng lực phản ứng của anh ta trước thăng trầm của cuộc đời.

Và đây mới là vấn đề: trí tuệ lý thuyết không chuẩn bị cho cá nhân đương đầu với những thử thách của cuộc đời và nắm bắt những cơ hội hiện ra. Thế nhưng, ngay cả chỉ số IQ cao cũng không bảo đảm cho sự thịnh vượng, cho uy tín cũng như hạnh phúc, nhà trường và nền văn hoá của chúng ta chỉ chú tâm đến các năng lực trừu tượng và bỏ quên trí tuệ xúc cảm, nói cách khác, bỏ quên toàn bộ những nét tính cách có ảnh hưởng rất lớn tới số phận của chúng ta. Giống như toán hay văn, đời sống xúc cảm là lĩnh vực trong đó người ta có thể chứng tỏ mình có tài năng nhiều hơn hay ít hơn, và nó đòi hỏi sự am hiểu nhất định. Và sự thành thạo của cá nhân về mặt này giải thích tại sao về sau anh ta sẽ thành công trong cuộc đời, trong khi một kẻ khác, thông minh tương đương, lại không thành công. Năng lực xúc cảm là một siêu năng lực (meta-ability), nó quyết định việc chúng ta khai thác thế mạnh của mình, kể cả trí tuệ hiệu quả như thế nào. 

Đương nhiên có rất nhiều con đường thành công, cũng như nhiều lĩnh vực trong đó những năng lực khác của chúng ta được đền bù. Trong xã hội dựa trên sự tăng trưởng tri thức này, đó chính là trường hợp thành thạo về kỹ thuật. Có một câu chuyện đùa của trẻ con như sau: “Ai sẽ là “thằng ngốc” sau 15 năm nữa?” Đáp: “Ông chủ”. Nhưng, như chúng ta sẽ thấy ở phần thứ ba, ngay cả đối với những “thằng ngốc”, trí tuệ xúc cảm cũng đem lại ưu thế trong công việc. Rõ ràng, những người hiểu biết tình cảm, nắm được và làm chủ chúng, đoán được những tình cảm của người khác và hoà hợp với họ tốt, những người đó có lợi thế trong tất cả các lĩnh vực của cuộc đời, trong tình yêu cũng như công việc. Những người có được thói quen suy nghĩ kích thích hiệu quả có các năng lực xúc cảm khá phát triển sẽ có cơ hội tốt nhất để sống hạnh phúc. 

Ngược lại, những người không kiểm soát được đời sống tình cảm của mình thì chịu những xung đột nội tâm và phá bỏ mất năng lực tập trung và suy nghĩ sáng rõ của họ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH CỦA CẢM XÚC
  2. CẢM XÚC LÀ NĂNG LƯỢNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NÂNG ĐỠ NGƯỜI KHÁC – TRÍ TUỆ XÚC CẢM ỨNG DỤNG TRONG CÔNG VIỆC
  2. TRÍ TUỆ CẢM XÚC QUAN TRỌNG KHÔNG KÉM CHỈ SỐ IQ
  3. CẢM XÚC DÙNG ĐỂ LÀM GÌ ?

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM