TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG TRONG TOÀN CẦU HÓA 

TIẾN SĨ KANG SUNG RYUL

Trích “Lịch Sử Triết Học Phương Đông Viết Cho Thanh Thiếu Niên”
Lương Mỹ Vân – Kim Sang Ho dịch
NXB Thế Giới, 2018

Tôi cũng tin rằng tác phẩm này còn có thể giúp ích nhiều cho giới trẻ trong việc tránh được các cạm bẫy thiên kiến và ích kỷ, đồng thời bồi dưỡng tư chất cho những người làm chủ tương lai.

Từ thuở nhỏ tôi đã được đứng cạnh anh trai trưởng họ làm lễ nơi bàn thờ tổ tiên, khi là sinh viên thì tham gia vào một câu lạc bộ Phật giáo hoạt động tại Lâm Tỳ Ni (Nepal, nơi đức Phật đản sinh). Rồi khi người cô ruột hết mực thương yêu mất đi, tôi đã đến giáo đường của Won Phật giáo để làm lễ tang, và cho đến nay mỗi tuần vẫn tới đó để tham gia tế lễ.

Không biết mọi người có cho đó là những lời vớ vẫn? Ngày nay, rất nhiều người cho rằng chúng ta đã trải qua một thời đại lạc lối bởi tôn giáo và tranh chấp về mặt tư tưởng. trong cái trạng thái hoàn toàn bị ràng buộc bởi ảnh hưởng của lối tư duy Nho giáo, cũng như Phật giáo cùng các tín ngưỡng truyền thống, khi tiếp xúc với luồng tư tưởng phương Tây đổ vào, đời sống tinh thần của chúng ta đã trở nên hỗn loạn, và rốt cuộc dường như việc tạo dựng giá trị quan chân chính cho thanh thiếu niên của chúng ta đang trở nên khó khăn.

Đại Hàn Dân Quốc vừa tổ chức thành công Olympic và vòng chung kết bóng đá thế giới, nhưng ở đấy cùng sự trưởng thành về mặt kinh tế của quốc gia đứng thứ 10 thế giới này đang lấp ló những bóng đen gây ra bởi làn sóng văn minh phương Tây – sự phá hủy môi trường sống, sự mất nhân tính, chủ nghĩa vật chất vạn năng, sự thèm muốn thành công nhanh chóng, hố sâu ngăn cách giàu nghèo, hàng loạt tranh chấp và thù ghét về mặt xã hội. Vì vậy mà thanh thiếu niên, tài sản quý giá của tương lai đất nước, bị đặt ra trước những cái ác – dâm loạn, bạo lực, rượu cồn và ma túy, tự sát, nghiện game, v.v… – mà không có gì bảo vệ. Ở đây cũng có thể nói rằng góp phần vào đó là sự rối loạn của chính sách giáo dục, cái chính sách chỉ cần gói gọn trong vài từ: địa ngục học thi và học phí giết người.

“Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên” không phải là “phương thuốc vạn năng” để đối phó với hiện thực đó. Nhưng chẳng phải bởi phương pháp chữa bệnh của phương Tây – mổ xẻ bộ phận nào đó trên cơ thể và trị liệu – đã cho thấy những hạn chế thật sự, nên hiện giờ người ta khám phá lại lối chữa trị của phương Đông – đòi hỏi chờ đợi một cách kiên nhẫn và tập trung vào sự điều hòa toàn bộ cơ thể, coi như một hình thức trị liệu có tác dụng đặc biệt hay sao? Vì vậy mà tôi cho rằng cuốn sách này ít nhất, giống như lời giới thiệu về một thứ “mỹ học sống chậm”, cũng có thể cho ta trên bước đường vội vã dừng lại một chút và tự suy ngẫm về bản thân mình.

Là sách về lịch sử triết học phương Đông, đương nhiên sách này có một phần lớn về triết học Trung Quốc với tư cách là dòng chủ lưu của triết học phương Đông, thêm vào đó là phần về triết học Ấn Độ và triết học Hàn Quốc.

Có lẽ trong số các sách dành cho thanh thiếu niên, đây là thử nghiệm đầu tiên thuộc loại này ở Hàn Quốc. Ngoài ra, trong hoàn cảnh mà vai trò về mặt lịch sử thế giới của các nước BRIC (những nước công nghiệp mới, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đang ngày càng trở nên to lớn, thì việc giới thiệu những tư tưởng trọng yếu của hai trong số các quốc gia đó là Ấn Độ và Trung Quốc cũng là việc cần thiết. Trong thời đại toàn cầu hóa với những đòi hỏi về năng lực lãnh đạo thống nhất và khả năng tổng hợp, thông qua tác phẩm này các bạn trẻ có thể học được lối tư duy quân bình, không thiên lệch về bên nào. Và tôi cũng tin rằng tác phẩm này còn có thể giúp ích nhiều cho giới trẻ trong việc tránh được các cạm bẫy thiên kiến và ích kỷ, đồng thời bồi dưỡng tư chất cho những người làm chủ tương lai.

Người ta thường cho triết học là khó hiểu và khô khan. Đương nhiên nếu nhìn trên bề mặt những lý luận và giảng nghị cao siêu thì lời đó có thể đúng, thậm chí ở một vài khía cạnh là phải như vậy. Tuy nhiên tác giả cho rằng cần phải có những tác phẩm triết học đại chúng, dễ hiểu và gây hứng thú. Tức là phải vừa không bỏ qua những tư tưởng trọng tâm của triết học, vừa có lối truyền đạt nhẹ nhàng dung dị.

“Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên” mô tả một cách hình ảnh những câu chuyện có thể đã được nghe thấy ở đâu đó, nên trong sách sử dụng rất nhiều minh họa và các câu chuyện kể. Bởi tôi hy vọng rằng độc giả sẽ có được cảm giác gần gũi thân thiện và không bỏ dở việc đọc giữa chừng. Tôi mong rằng công chúng nói chung cũng như sinh viên đại học (không chuyên ngành triết học) cũng có thể tiếp thu được những kiến thức cơ bản về triết học, cần thiết đối với một người đi học, và có thể cái nhìn toàn diện về triết học phương Đông thông qua cuốn sách này.

“Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên” không phải là sản phẩm của một mình tác giả. Tôi đã tham khảo ở rất nhiều văn bản, trong số đó đặc biệt cần nói đến là các tác phẩm “Thế giới triết học và 2,500 năm cô độc và tự do” của bản thân tác giả, Những triết gia vĩ đại của GS. Jeong Jin II, “Lịch sử triết học Hàn Quốc dành cho thanh thiếu niên” của Kim Yun Gyeong, v.v… Toàn bộ các sách được sử dụng đã được liệt kê trong phần Tài liệu tham khảo ở cuối tác phẩm.

Cuối cùng, tôi vô cùng cảm ơn NXB. Pyeong-dan và những người đã hết lòng giúp cho cuốn sách “Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên” có thể được ra mắt độc giả.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỰ DO Ý CHÍ – MINH TRIẾT TRONG ĐỜI SỐNG
  2. NHỮNG TRIẾT LÝ SỐNG BẤT HỦ CỦA MAHATMA GANDHI

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA BỐN THÁNH NHÂN VĨ ĐẠI CỦA THẾ GIỚI

Bài viết mới

  1. BỚT SỢ HÃI
  2. KHÔNG GÂY HẠI CHO AI KHÁC
  3. NGUỒN GỐC CỦA MA TRẬN THẦN THÁNH