VẮNG THIỆN MỸ VÀ LÒNG YÊU THƯƠNG THÌ KHÔNG CÓ GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Đối Diện Cuộc Đời;
Việt dịch: Nguyễn Tường Bách; NXB. Phương Đông; 2015

“Có một cái tên . . . mà kiên trì chống lại tất cả huyền bí, ngờ vực, hoang mang, kiến thức, và lệ thuộc: Krishnamurti. Ông là một người trong thời đại của chúng ta có thể được khẳng định là người Thầy của Sự thật. Ông đứng một mình.” – Henry Miller


Ngồi trên một cái bục, anh đang chơi một loại nhạc cụ bảy dây trước một nhóm nhỏ thính giả, họ rất quen loại âm nhạc cổ điển này. Họ ngồi trên sàn nhà trước mặt anh; phía sau anh là một nhạc cụ khác chỉ bốn dây cũng đang được trình diễn. Anh còn trẻ nhưng là bậc thầy toàn hảo của nhạc cụ bảy dây và cả loại âm nhạc này. Trước mỗi bài ca, anh đã ứng biến; sau đó là ca khúc, trong đó lại càng thêm nhiều ứng biến nữa. Bạn không bao giờ nghe được một tác phẩm nào được trình bày hai lần như nhau. Lời nhạc rất chừng mực, nhưng trong một khung cảnh nhất định thì nó có một mức độ tác động to lớn, và nhà nghệ sĩ có thể ứng biến theo ý riêng của mình, hợp với mức độ của lòng mình; và sự phối hợp, biến tấu càng phong phú thì người nghệ sĩ càng vĩ đại. Với dây đàn, ngôn ngữ không thể hiện được nhưng tất cả những người ngồi đó đều biết lời ca, và họ say sưa theo lời ca. Đầu lắc lư, với bàn tay uyển chuyển, họ giữ nhịp một cách toàn hảo, họ vỗ nhẹ trên đùi vào cuối nhịp điệu. Anh nhạc sĩ nhắm mắt và hoàn toàn bị thu hút vào trong tự do của niềm sáng tạo và trong vẻ đẹp của thanh âm; tâm anh và những ngón tay của anh nằm trong một mối liên hệ toàn hảo. Và những ngón tay của anh: Thanh thoát và nhanh nhẹn, dường như chúng có cuộc sống riêng. Chúng chỉ chịu nằm yên lúc hết bài của nhạc cảnh đó, chúng yên lặng và nghỉ ngơi; thế nhưng chúng liền bắt đầu một bài ca khác với sự nhanh nhẹn không thể tin nổi, nhưng lại trong một thứ nhạc cảnh khác. Hầu như chúng mê hoặc bạn bằng sự uyển chuyển và mau lẹ của động tác. Và những sợi dây đàn, chúng cho những thanh âm đầy âm điệu biết bao! Chúng được bấm bởi các ngón tay trái để sinh ra sức căng chính xác, trong lúc bàn tay phải gảy đàn với sự nhẹ nhàng và tự chủ của một bậc thầy.

Bên ngoài trăng sáng; bóng cây bất động; nhìn qua cửa sổ ta có thể thấy dòng sông, một dải bạc nổi lên giữa bóng tối, giữa những hàng cây im lặng trên bờ bên kia. Một điều kỳ lạ đang xuyên qua không gian mà không gian chính là tâm. Nó đang ngắm nhìn sự vận động đầy phúc lạc của những ngón tay, lắng nghe những âm thanh ngọt ngào, chăm chú nhìn những chiếc đầu lắc lư và nhịp tay của những người ngồi yên lặng. Bỗng nhiên người ngắm nhìn, người lắng nghe biến mất; không phải vì người đó được ru ngủ trong tiếng đàn đầy nhịp điệu mà là nó hoàn toàn vắng mặt. Chỉ còn một không gian mênh mông mà đó chính là tâm. Tất cả mọi thứ trên địa cầu và những gì thuộc về con người đều nằm trong đó cả; nhưng các thứ đó lại nằm lờ mờ ở tận viễn xứ ngoại biên. Ở trong không gian, nơi không có gì cả, thì có một sự vận hành và sự vận hành này là sự tĩnh mịch. Có một sự vận hành sâu sắc, mênh mông, không có chiều hướng, không có mục đích, bắt đầu từ những ngoại biên và với một sức mạnh không tin nổi mà tiến vào trung tâm – trung tâm nhưng hiện diện khắp chốn trong sự tĩnh mịch đó, hiện diện khắp trong sự vận hành mà vận hành là không gian. Trung tâm này hoàn toàn cô tịch, vô cấu nhiễm, không thể nghĩ bàn, cô tịch nhưng không cô lập, vô thủy vô chung. Nó tự mình toàn hảo trong chính nó, bất sinh, các ngoại biên nằm trong nó nhưng không phải là nó. Nó có đó nhưng không nằm trong quy mô của tâm thức con người. Nó là cái toàn thể, cái toàn triệt, không thể tiếp cận.

Nhóm của họ bốn người, tất cả đều thanh niên cùng tuổi, từ mười sáu đến mười tám. Rụt rè, họ cần được ai khuyến khích nhưng khi đã nói thì khó mà ngưng, những câu hỏi của họ đến ào ào một cách hăng say. Bạn có thể thấy họ đã bàn tất cả chuyện này với nhau từ lâu trước đó, và chuẩn bị các câu hỏi trên giấy; và sau khi một hai người bắt đầu thì họ quên mất những gì đã viết và nói một cách tự nhiên về những gì mình chợt nghĩ trong đầu. Mặc dù không phải thuộc con nhà dòng dõi nhưng họ ăn mặc tươm tất chỉnh tề.

“Thưa ông, khi ông nói chuyện với học sinh chúng tôi cách đây vài ba ngày”, người gần nhất bắt đầu, “Ông đề cập đến sự cần thiết của một nền giáo dục đúng đắn để đủ sức đối diện với cuộc đời. Tôi mong ông nhắc lại thế nào là giáo dục đúng đắn. Chúng tôi có nói chuyện với nhau về điều này nhưng không hiểu thấu đáo”.

Bây giờ các bạn có loại giáo dục nào?

“Ồ, chúng tôi đang ở trong trường đại học và được dạy về những điều thông thường cho một nghề nghiệp nhất định”, anh đáp. “Tôi sẽ thành kỹ sư; bạn bè tôi thì khác nhau, người học vật lý, kẻ học văn chương, người học kinh tế. Chúng tôi phải nghe những bài giảng nhất định, đọc những sách đã định, và nếu có thì giờ thì đọc vài ba cuốn tiểu thuyết; nhưng ngoài các trò chơi thì chúng tôi dành phần lớn thì giờ cho chuyện học”.

Bạn có nghĩ như thế là đủ để được giáo dục đúng đắn cho cuộc đời?

“Từ những gì ông nói mà suy thì không đủ”, người thứ hai nói, “Nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có được và thường thường thì chúng tôi cho là được giáo dục rồi”.

Học đọc, học viết, học trau dồi ký ức và đi thi cho đậu, kiếm được vài khả năng hay kỹ xảo để tìm được một việc làm, như thế là giáo dục hay sao?

“Không phải những điều đó là cần thiết sao?”

Đúng, để kiếm tiền nuôi thân thì đó là điều cốt yếu; nhưng cuộc đời không chỉ có thế. Ngoài ra còn có tình dục, tham vọng, lòng ham muốn, tình yêu nước, sự bạo động, chiến tranh, tình yêu, cái chết, Thượng đế, quan hệ giữa người và người, tất cả đều là xã hội, và còn nhiều điều khác nữa. Bạn có được dạy dỗ để đối phó với những vấn đề to lớn này được mệnh danh là cuộc đời không?

“Ai là người dạy chúng tôi những điều đó?”, người thứ ba nói. “Giáo viên cũng như giáo sư của chúng tôi xem ra rất lãnh đạm. Trong số đó có nhiều vị rất khôn ngoan và thông thái, nhưng không ai nói một ý gì về những điều này. Chúng tôi cắm đầu mà làm cho qua và mỗi người đều hạnh phúc khi cầm mảnh bằng trong tay; tất cả mọi thứ đều trở nên khó khăn cả”.

“Ngoại trừ sự ham mê tình dục, điều tương đối rõ”, người thứ nhất nói, “Chúng tôi không biết gì cả về cuộc đời; tất cả những thứ còn lại xem ra thật mơ hồ và xa xôi. Chúng tôi nghe cha mẹ phàn nàn không đủ tiền bạc, thấy họ bị gắn chặt vào trong những nề nếp mòn cũ trong tuổi già còn lại. Thế thì ai dạy chúng tôi về cuộc đời?”

Không ai dạy bạn cả, nhưng bạn có thể học. Có một sự khác biệt khổng lồ giữa học hỏi và được dạy dỗ. Học hỏi thì đi xuyên suốt cuộc đời, còn được dạy dỗ thì chỉ vài giờ hay vài năm – và sau đó bạn sẽ lặp lại những gì được dạy cho suốt cả cuộc đời. Những gì bạn được dạy sớm trở thành tro tàn mà cuộc đời lại là một cái gì sinh động, nên cuộc đời trở thành chiến trường của những nỗ lực vô vọng. Các bạn bị ném ra ngoài đời mà không có được cái thoải mái hay ung dung để thấu hiểu nó; trước khi bạn biết điều gì về cuộc đời thì bạn đã nằm trọn trong đó mất rồi, đã lập gia đình, đã có nghề nghiệp, đã nằm trong tiếng la hét không chút thương tiếc của xã hội rồi. Ta phải học về cuộc đời từ thời còn non trẻ, không phải trong giai đoạn cuối; khi ta đã lớn lên rồi thì hầu như quá muộn.

Bạn không biết cuộc đời là gì sao? Nó bắt đầu từ lúc bạn vừa sinh ra cho đến lúc bạn chết và có lẽ sau đó nữa. Cuộc đời là một tổng thể to lớn, phức tạp; nó giống như một căn nhà mà trong đó mọi sự đều xảy ra tức khắc. Bạn yêu và ghét, bạn tham lam thèm muốn, đồng thời bạn lại thấy mình không nên thế. Bạn có nhiều ước vọng và cũng có thành công hay thất bại; chạy theo nó vì lo âu, sợ hãi và lòng nhẫn tâm; và không sớm thì muộn bạn sẽ có cảm giác tất cả chỉ là phù phiếm. Thế rồi còn có sự tàn bạo và sự khủng khiếp của chiến tranh, có thứ hòa bình do khủng bố đẻ ra; có chủ nghĩa quốc gia, có nhân danh chủ quyền dân tộc để hô hào chiến tranh; có cái chết sau một cuộc đời hay bất cứ lúc nào trong đời. Có sự tìm kiếm Thượng đế, với mọi niềm tin đối kháng lẫn nhau, có sự tranh chấp giữa các tôn giáo được tổ chức thành định chế. Có sự phấn đấu để giành và giữ một việc làm; có hôn nhân, con cái, bệnh tật, và sự chế ngự của xã hội, của Nhà nước. Tất cả những thứ đó là cuộc đời và nhiều hơn thế nữa; và bạn thì bị ném vào trong cuộc hỗn loạn đó. Thường thường thì bạn chìm trong đó, khốn khổ, mất mát; và nếu bạn sống còn và leo lên được chóp đỉnh thì bạn cũng vẫn là một phần của sự hỗn loạn. Đó là cái mà ta gọi là cuộc đời: Triền miên tranh chấp và phiền não, thỉnh thoảng có một chút niềm vui. Ai chịu dạy cho bạn điều này? Ngay khi bạn có khả năng hay thiên hướng, bạn sẽ bị bức xúc bởi ước vọng, bởi mong ước được tiếng tăm, với tất cả thất vọng và khổ sở của chúng. Tất cả điều này là cuộc đời, đi xa thêm nữa cũng là cuộc đời nốt.

“Cũng may là chúng tôi còn biết rất ít về tất cả cuộc tranh chấp đó”, người thứ nhất nói, “thế nhưng tất cả những gì ông nói vốn tiềm tàng trong chúng tôi. Tôi muốn thành một kỹ sư danh tiếng, tôi muốn đánh bại tất cả những người khác, thế nên tôi phải hăng say làm việc, phải quen với những người đáng quen; tôi phải vạch kế hoạch, tính toán cho tương lai. Tôi phải vạch con đường cho cuộc đời mình.”

Đúng như thế. Mỗi người đều nói phải vạch đường đời của mình; mỗi người chỉ biết đến mình, khi thì nhân danh công việc, nhân danh tôn giáo, nhân danh đất nước. Bạn muốn nổi tiếng, ông hàng xóm của bạn cũng thế, ông hàng xóm của ông ta cũng thế nốt; ai cũng muốn thế cả, từ người cao nhất đến người thấp nhất trong cả nước. Thế nên chúng ta xây dựng một xã hội dựa trên ước vọng, ham muốn và chiếm hữu, trong đó mỗi người là đối thủ của kẻ khác; và bạn được “giáo dục” để khép mình vào xã hội phân hóa này, để ăn khớp vào cái khung xấu xa của nó.

“Thế nhưng chúng tôi làm được điều gì?”, người thứ hai hỏi. “Với tôi thì chúng tôi hoặc phải khép mình vào xã hội hoặc bị tiêu diệt. Có cách nào thoát ra khỏi nó không, thưa ông?”

Bây giờ thì bạn được gọi là dạy dỗ để hòa nhập vào xã hội; khả năng của bạn được phát triển để tạo cho bạn một cuộc sống nằm trong khuôn khổ. Cha mẹ bạn, thầy giáo bạn, chính phủ, tất cả đều lo cho hiệu năng cũng như sự an toàn tài chánh của bạn, đúng thế không?”

“Tôi không biết về chính phủ”, người thư tư nói, “ Nhưng cha mẹ chúng tôi quả thật phải trả những số tiền khó kiếm để cho tôi có bằng đại học, để chúng tôi có thể kiếm sống. Nói cho cùng thì cha mẹ rất thương con cái”.

Cha mẹ biết thương con thật ư? Hãy xem. Chính phủ muốn các bạn là người chuyên trách đầy hiệu quả để điều hành guồng máy của Nhà nước, là nhà công nghiệp giỏi để giữ vững nền kinh tế, là người lính thiện chiến để tiêu diệt đối phương, không phải sao?

“Tôi nghĩ chính phủ thì làm thế thật. Nhưng cha mẹ thì biết thương yêu con cái hơn nhiều, cha mẹ nghĩ tới hạnh phúc của chúng tôi, muốn chúng tôi là những công dân tốt”.

Vâng, cha mẹ muốn bạn là “công dân tốt”, điều đó không gì khác hơn là có những ước vọng to lớn, lòng ham muốn chiếm hữu triền miên và thích thú với lòng nhẫn tâm đã được xã hội thừa nhận, được mệnh danh là sự cạnh tranh, để cho bạn và cho họ được an toàn. Anh ta được gọi là công dân tốt, nhưng liệu anh tốt thật không hay là một cái gì rất bất thiện? Bạn nói cha mẹ yêu thương bạn, nhưng họ yêu thương thật không? Tôi không thích chỉ trích cay độc. Tình yêu thương là một điều rất phi thường, thiếu vắng nó thì cuộc đời sẽ cằn cỗi. Bạn có thể sở hữu rất nhiều và ngồi trong chiếc ghế của quyền lực, nhưng nếu không có vẻ đẹp và sự vĩ đại của lòng yêu thương, cuộc sống sẽ sớm trở nên khốn khổ và rối loạn. Lòng yêu thương hàm ý rằng, kẻ được yêu thương phải được tự do hoàn toàn để lớn lên với tràn trề nội tâm của nó, phải là một cái gì to lớn hơn một cỗ máy của xã hội. Lòng yêu thương không thúc ép, dù thúc ép công khai hay bằng một sự đe dọa tinh tế nào đó như trách nhiệm và bổn phận. Nơi nào có sự thúc ép hay sử dụng quyền hành, nơi đó không có lòng yêu thương.

“Điều này không phải là loại yêu thương mà bạn tôi nói đến”, người thứ ba nói, “Cha mẹ chúng tôi yêu thương con cái nhưng không theo cách đó. Tôi có người bạn, anh muốn trở thành nghệ sĩ nhưng bố anh muốn anh phải theo con đường kinh doanh và dọa sẽ từ bỏ anh nếu anh không chịu làm theo bổn phận”.

Cái mà cha mẹ gọi là bổn phận thì không phải là thương yêu, đó là một dạng của sự ép buộc; và xã hội luôn hỗ trợ các vị cha mẹ đó, vì những gì họ làm rất đáng nể trọng. Cha mẹ lo lắng cho con kiếm được một việc làm ổn định và kiếm được tiền; nhưng với cư dân đông đúc như thế này thì có cả hàng ngàn ứng viên cho mỗi công việc, và cha mẹ cứ nghĩ con mình sẽ không kiếm sống được bằng cách vẽ tranh; thế nên họ ép con mình phải bỏ những điều mà họ cho là ý tưởng xuẩn ngốc. Họ nghĩ phải cần rập khuôn với xã hội, phải được trọng vọng đồng thời phải được an toàn. Điều này được gọi là lòng yêu thương. Nhưng thật đó là yêu thương không? Hay đó là sự lo sợ được bọc với từ “yêu thương”?

“Nếu ông nói như thế thì tôi không biết phải nói thế nào”, người thứ ba trả lời.

Có cách nào nói khác không? Những điều vừa nói có lẽ không vui, nhưng đó là một thực tế. Cái được gọi là giáo dục cho bạn rõ ràng là không hề giúp bạn đối phó với thể tính to lớn của cuộc đời; các bạn vào đời không được chuẩn bị, các bạn bị nuốt chửng trong đó.

“Nhưng ai là người dạy chúng tôi thấu hiểu được cuộc đời? Chúng tôi không có các vị thầy đó”.

Nhà giáo dục phải được giáo dục đã. Người lớn hay nói với các bạn, thế hệ mới phải xây dựng một thế giới mới nhưng họ hoàn toàn không nghĩ thế. Ngược lại, với những tư duy và toan tính to lớn, họ dùng “giáo dục” để ép các bạn vào trong khuôn mẫu cũ đã được điều chỉnh đôi chút. Dù họ có thể nói năng rất khác nhau, thấy giáo và cha mẹ, thường thì được chính phủ và xã hội hỗ trợ, tất cả đều muốn bạn phải được huấn luyện để rập khuôn với truyền thống, phải chấp nhận tham vọng và sự khao khát như lối sống hiển nhiên. Họ hoàn toàn không quan tâm gì đến một phương cách mới của đời sống, và đó là lý do tại sao tôi nói chính các nhà giáo dục cũng không được giáo dục đúng đắn. Thế hệ của người lớn đã tạo ra thế giới của chiến tranh, của đối lập và chia cắt giữa người và người; và thế hệ mới cứ hăng say đi theo vết chân cũ.

“Muốn được giáo dục đúng đắn thì phải làm sao, thưa ông?”

Trước hết phải nhìn thật rõ một sự kiện: Cả chính phủ, lẫn thầy giáo hiện nay, cũng như cha mẹ, chẳng ai quan tâm dạy dỗ các bạn một cách đúng đắn; nếu họ làm được thì thế giới đã hoàn toàn khác và sẽ không có chiến tranh. Nếu các bạn muốn được giáo dục đúng đắn, các bạn phải tự mình làm; và khi các bạn trưởng thành, các bạn sẽ thấy con cái phải được dạy dỗ đúng đắn.

“Thế nhưng làm sao tự mình giáo dục chính mình được? Chúng tôi cần ai hướng dẫn chứ.”

Bạn có thầy giáo dạy Toán, Văn chương, vân vân…; nhưng giáo dục là một cái gì sâu sắc và rộng rãi hơn hẳn việc thu thập thông tin. Giáo dục là nuôi dưỡng cái tâm sao cho hành động không còn quay quanh tự ngã; là suốt đời phải học sao cho phá vỡ được những bức tường mà tâm đã xây lên nhằm cho mình được an toàn, từ những bức tường đó sự sợ hãi được sinh ra với tất cả mức độ phức tạp của nó. Muốn được giáo dục đúng đắn bạn phải học hỏi nhiều, không được lười biếng. Hãy cứ vui với trò chơi của mình, không phải để dành phần thắng mà để vui cho mình. Hãy ăn uống đúng cách, giữ thân được khỏe mạnh. Hãy để tâm tỉnh giác và đủ năng lực làm quen và giải quyết các vấn đề của cuộc đời, không phải với tính chất của một người theo Ấn Độ giáo hay Thiên Chúa giáo mà với tính cách của một con người. Muốn được giáo dục đúng đắn, bạn phải thấu hiểu chính mình; bạn luôn luôn học bài học từ chính mình. Nếu bạn ngưng sự học hỏi, cuộc đời sẽ trở nên đáng ghét và phiền muộn. Thiếu vắng sự thiện mỹ và lòng yêu thương, bạn sẽ không được giáo dục đúng đắn.

—– ???—–

Về tác giả

J.Krishnamurti (1895–1986) là một tác giả và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần. Ông khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, và ông giành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn và các nhóm nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm.  Cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là “làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện”, ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.

Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông. Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ “triết thuyết” nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.

Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh. Ông nhấn mạnh vào thời gian và lặp lại liên tục rằng chúng ta là những con người cao quý và quan trọng nhất, rằng mỗi người trong chúng ta là phần còn lại của nhân loại và không khác biệt gì cả. Ông vạch ra sự quan trọng để tạo ra cuộc sống hàng ngày của chúng ta một chất lượng thiền định và tôn giáo sâu sắc. Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ. Vẫn vậy lời dạy của ông vượt khỏi tất cả những biên giới do con người tạo ra của những niềm tin tôn giáo, những cảm tình quốc gia và những quan điểm thuộc giáo phái. Cùng lúc, chúng cho một ý nghĩa và một phương hướng mới đến việc tìm hiểu của con người hiện đại về chân lý, về thiêng liêng. Những lời dạy của ông, không chỉ liên quan đến thời đại hiện nay, mà còn có tính tổng thể và không thời gian.

Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các bài nói và thảo luận của ông cũng được xuất bản. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984. Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời tại nhà riêng tại Ojai, California.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KỶ LUẬT CÓ PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN?(*)
  2. LOẠI HÌNH GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN
  3. TÌNH YÊU THƯƠNG BẮT ĐẦU BẰNG SỰ HIỂU BIẾT

Bài viết khác của tác giả

  1. TÔI KHÔNG BIẾT
  2. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  3. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI

Bài viết mới

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  3. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH