VỀ TÂM CHA MẸ

ĐẠO NGUYÊN

Trích: Bạn Nấu Ăn Cuộc Đời Bạn Như Thế Nào – Từ Thiền Nấu Bếp Đến Giác Ngộ; NXB Thiện Tri Thức

Thiền thường được nghĩ là một trạng thái của tâm trong đó bạn trở thành một với chung quanh. Có một thành ngữ nói, tâm và cảnh nhất như. Giác ngộ được hiểu là rơi vào trạng thái xuất thần của tâm trong đó những hiện tượng bên ngoài trở thành một với Tự Ngã. Tuy nhiên, nếu một trạng thái của tâm như vậy là tinh thần của Thiền, bấy giờ người ta phải giữ yên thân để hoàn thành điều đó, và không bao giờ chuyển động. Để làm thế, một người phải có khá nhiều thời gian rảnh rỗi không bận tâm gì về bữa ăn sắp tới. Điều đó có nghĩa rằng Thiền chẳng có liên hệ gì với những người dành phần lớn thời gian và năng lực để kiếm sống.

Tọa thiền như là tôn giáo (đạo) chân thật khó có thể xem là thú vui của người giàu và nhàn rỗi. Điểm kỳ diệu của sự thực hành tọa thiền của Đạo Nguyên là đạo phải hành hoạt cụ thể trong đời sống hàng ngày của người ta. Ngài dạy qua chức vụ điển tọa, người cần thiết trong một cộng đồng Phật giáo và đòi hỏi công việc thân thể, bởi vì ngài hiểu tọa thiền là đạo thì phải không bao giờ chỉ dành cho những người tìm kiếm thỏa thích trong một sự say sưa nào đó của tâm.

Câu nói “tâm cảnh nhất như” là chính xác, nhưng nó không có nghĩa là bị mất trong một trạng thái xuất thần say sưa. Đúng hơn, nó có nghĩa đặt tất cả năng lượng của bạn vào công việc của bạn. Đây cũng là ý nghĩa của shikan (chỉ quản).

“Có một cổ ngữ nói rằng, ‘Hãy thấy nồi cháo như là cái đầu của ông, hãy thấy nước như là máu của ông’.” Một đoạn khác, trước câu trên, nói: “Hãy rửa sạch những đôi đũa, muỗng, và mọi dụng cụ khác; hãy xử sự với chúng bằng chăm sóc bình đẳng và tỉnh giác, đặt mọi thứ vào chỗ của chúng”.

“Xử sự với chúng bằng chăm sóc bình đẳng và tỉnh giác” thì rất quan trọng. Nói cách khác, khi bạn làm việc với dụng cụ gì thì nên để nó trở lại chỗ cũ của nó. Khi bạn đặt cái nồi xuống một cách thô bạo, gõ vào nó trong một chậu rửa, nó kêu lên đau đớn. Nếu bạn còn không thể nghe tiếng kêu ấy, bây giờ bạn khó có thể được cho là một người sống tọa thiền trong đời sống hàng ngày.

Dĩ nhiên, điều này không chỉ áp dụng cho những dụng cụ và sự vật, mà bình đẳng cho cả những hoàn cảnh và con người. Một người khó được cho là có thái độ tôn giáo khi đối xử với một chén trà thì thận trọng, thậm chí thành kính, chỉ bởi vì nó đắt tiền, nhưng chẳng cảm thấy gì khi đối xử với người khác cách thôi lỗ. Chúng ta phải luôn luôn cố gắng đối xử với những sự vật, công việc, và đặc biệt với người khác, với sự chăm sóc tốt. Khi chúng ta bắt đầu thấy rằng mỗi gặp gỡ tạo thành đời sống chúng ta, hay nói một cách khác, khi chúng ta bắt đầu hiểu những phân nhánh sâu hơn của Đại Tâm trong đời sống chúng ta, tâm này hay thái độ này bắt đầu tự nhiên hoạt động như tâm của cha mẹ nơi mọi sự chúng ta gặp.

“Roshin (lão tâm) là tâm hay thái độ của một cha mẹ. Cũng như một cha mẹ chăm sóc cho đứa con độc nhất, hãy giữ Tam Bảo trong tâm ông. Một cha mẹ, dù nghèo hay hoàn cảnh khó khăn, vẫn thương yêu và nuôi dưỡng con với sự chăm sóc. Tình thương sâu thẳm này giống thế nào? Chỉ một cha mẹ mới có thể thấu hiểu nó. Một cha mẹ bảo vệ đứa con khỏi lạnh và che cho nó khỏi nắng mà không quan tâm đến hạnh phúc cá nhân của mình. Chỉ một người nơi họ đã sanh khởi tâm này mới có thể hiểu, và chỉ người nơi họ thái độ này đã trở thành bản tánh thứ hai mới có thể chứng nghiệm đầy đủ nó. Đây là cái tối hậu khi làm cha mẹ. Trong cùng cách ấy, khi ông xử lý nước, gạo hay cái gì khác, ông phải có sự quan tâm thương yêu và chăm sóc của một cha mẹ nuôi con”.

Một phần lý do mà người ta đối xử với sự vật một cách thô thiển và gắt gao với những người khác là bởi vì họ chỉ nghĩ đến điều gì có lợi cho họ, hay bởi vì họ không thích đặt tất cả năng lực của họ vào công việc.

Những nhà tiền chế mọc lên khắp nơi ở Nhật ngày nay có vẻ tốt cho một vài năm, nhưng rồi bắt đầu thấy chúng giống như những chuồng gà. Những người kinh doanh xây chúng chỉ nghĩ đến lợi riêng. Họ không có cảm giác gì để thấy công việc của họ như một cha mẹ thấy đứa con của mình.

Cống hiến sự nhiệt tình của đời người ta vào mọi hoàn cảnh và những người chúng ta gặp gỡ theo cùng cách chúng ta tận tụy với con cái của mình thì chắc chắn đó là cách chúng ta tìm thấy chân nghĩa của đời sống.

Dù yêu thương một đứa con, không có nghĩa là chìu theo mọi ý muốn thất thường của nó. Sống với tâm cha mẹ cũng có nghĩa là thận trọng và biết những nhu cầu thực sự của nó, nếu không chúng ta sẽ làm đứa trẻ ngột ngạt với tình thương yêu mù quáng. Giáo Huấn Điển Tọa dạy chúng ta cách chi tiết về sự hành hoạt của loại tâm hay thái độ này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÂM HỒN YÊN TĨNH – ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA THÁI ĐỘ SỐNG
  2. TÂM RỘNG MỞ – ĐẾN HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

Bài viết khác của tác giả

  1. CÓ MỘT ĐAM MÊ ĐỜI SỐNG
  2. TÁM TỈNH GIÁC CỦA BẬC ĐẠI NHÂN
  3. NÉM ĐỜI SỐNG BẠN VÀO CHỖ Ở CỦA PHẬT

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ