VỊ THA – THẤU CẢM – TỪ BI

ALEXANDRE JOLLIEN

CHRISTOPHE ANDRE

MATTHIEU RICARD

Trích: Bàn Về Cách Sống - Đối thoại giữa triết gia, bác sỹ và nhà sư; Thiên Nga dịch; Công ty Cổ phần Sách Thái Hà; NXB. Hà Nội

? Đối thoại giữa triết gia, bác sỹ và nhà sư về lòng vị tha, thấu cảm và từ bi?

Christophe André là một bác sỹ tâm thần, tác giả cuốn “Looking at Mindfulness” (Nhìn vào chánh niệm) và “Feelings and Moods” (Cảm giác và tâm trạng).

Alexandre Jollien là một triết gia, từng sống 17 năm trong một ngôi nhà dành cho người khuyết tật Anh là tác giả cuốn “In Praise of Weakness” (Ngợi ca điểm yếu).

Matthieu Ricard là một nhà sư, từng làm phiên dịch cho Đức Đạt-lai Lạt-ma. Ông là tác giả cuốn “Happiness” (Bàn về hạnh phúc).

 MATTHIEU: Thỉnh thoảng ta có khuynh hướng vơ đũa cả nắm lòng vị tha, từ bi và thấu cảm. Nhưng đằng sau những từ này có các trạng thái tinh thần khác nhau, nó có những tác động khác nhau đối với cách xử sự của ta và, do vậy, cũng có những tác động khác nhau đối với người khác.

Lòng vị tha, hay lòng nhân ái, về cơ bản là tâm ý làm việc tốt giúp người khác. Nếu tôi làm một việc hào phóng mà tính toán rằng mình sẽ nhận lại được nhiều lợi lộc hơn cái giá việc làm của mình, đây không phải là lòng vị tha, đó là một cách xử sự vụ lợi.

Từ bi là hình thức của lòng vị tha khi đứng trước cái khổ của tha nhân. Đạo Phật định nghĩa nó theo cách riêng là “mong cho mọi loài chúng sinh được thoát khổ và nguyên nhân của khổ“.

Thấu cảm mang hai khía cạnh, một tình cảm, một nhận thức. Thấu cảm tình cảm là khả năng đồng điệu cảm xúc với những tinh cảm của người khác, do vậy nhận biết được hoàn cảnh của họ. Nếu người khác vui, tôi cũng cảm nhận được một niềm vui nhất định. Nếu họ khổ, tôi cũng cảm nhận được cái khổ của họ. Do vậy thấu cảm tình cảm cho ta biết tính chất và mức độ mãnh liệt trong tình cảm của người khác, nhất là khổ. Thấu cảm nhận thức là đặt mình vào vị trí của người khác – Tôi sẽ cảm nhận gì nếu tôi bị đói hay bị tra tấn trong tù? – hay hình dung cái họ cảm thấy, mà không cảm thấy như vậy. Chẳng hạn, tôi có thể ngồi trên máy bay cạnh ai đó sợ bay và giúp họ khi hình dung nỗi khổ sở của họ, mà không cảm thấy nỗi sợ đó. Không có thấu cảm thì khó mà nhận biết hoàn cảnh của người khác và quan tâm đến số phận của họ.

Đối với bản thân thì điều cơ bản là biết phân biệt các trạng thái tinh thần khác nhau này. Nếu, chẳng hạn, tôi chỉ cảm thấy thấu cảm, mà thấu cảm này không được khai thông ra lòng vị tha và từ bi, tôi có nguy cơ rơi trong cái đau đớn cảm thông và “cháy sạch”. Để không đi đến chỗ cạn kiệt cảm xúc và chán nản, thấu cảm cần mở ra khoảng không bao la của lòng vị tha. Lòng nhân ái lúc đó đóng vai trò niềm an ủi và mở ra cái mong muốn giúp những ai chịu khổ.

Lòng vị tha và từ bi bị hạn chế nếu nó tự giới hạn trong thành phần cảm xúc. Thế nhưng chúng cũng có một chiều kích nhận thức cơ bản mà ta ngày càng ít nói đến. Chính chiều kích này là cái cho phép, một mặt, nhận thấy nhu cầu của người khác, kể cả những người ta xem như người dưng hay kẻ thù và, mặt khác, mở rộng thêm sự cảm thông của ta về khổ của họ. Đối với đạo Phật, nguyên nhân nền tảng của khổ là vô minh, sự vọng tâm làm ta nhận thấy thực tại theo kiểu lệch lạc và sinh ra vô số sự kiện tinh thần đảo điên, từ ham muốn thôi thúc đến hận thù cũng như đố kỵ, ngā mạn và mọi cảm xúc tiêu cực khác. Nếu ta phớt lờ khía cạnh nhận thức của lòng vị tha và từ bi khi không để tâm đến các hình thức khổ, ta sẽ không bao giờ chữa được hoàn toàn khổ.

Một hôm, tôi ở bên Rabjam Rinpoche, thầy trụ trì, tại Bodhgaya, Ấn Độ. Chỗ này – điểm chính trong chuyến hành hương của các Phật tử vì Đức Phật đạt giác ngộ ở đó hai ngàn năm trăm năm trước – thu hút rất nhiều người cùi hủi, què cụt và nghèo khổ cầu xin lòng quảng đại của người hành hương. Với một số người, đó là công việc cả ngày. Họ ăn xin cả ngày rồi chiều về với gia đình. Hôm đó, khi nhìn họ, Rabjam Rinpoche nói với tôi là: “Khi ta nghĩ về khổ, ta hình dung chúng sinh như những người khốn khổ này, còn khi ta thấy một tỉ phú hút điếu xì gà to trong một chiếc limousine dài ở New York, ta không nghĩ thầm: ‘Tội nghiệp, chắc hắn ta khổ lắm!’. Thế nhưng, người giàu này có lẽ có nỗi khổ ghê gớm trong lòng, có lẽ còn toan tự tử. Dẫu anh ta rất tự mãn và đi từ thành công này đến thành công khác, đó không phải là cái có thể thực sự làm nên hạnh phúc cho anh ta. Do vậy anh ta nên là đối tượng lòng từ bi của ta cũng như người ăn xin ở Bodhgaya”. Vấn đề của tất cả chúng ta, nhà sư Tịch Thiên nói, là ta khao khát hạnh phúc nhưng quay lưng lại với nó, ta sợ khổ mà lại hối hả đi về phía nó. Vì vậy mà đạo Phật định nghĩa vô minh chính là nguồn khổ.

ALEXANDRE: Hiểu rằng tất cả mọi người đều khổ cũng thôi thúc ta tới từ bi. Điều này Đức Phật cũng đã thấy, ngài đưa ra chẩn đoán đáng sợ nhưng có tính giải thoát này: tất cả đều là dukkha, tất cả đều là khổ. Ngay cả niềm vui, do lúc nào cũng có thể dừng, nên cũng có cái gì đó đau đớn cho kẻ bám víu nó. Thay vì chỉ trích, khinh khi người khác, chỉ cần ghi nhận, để không giận họ nữa, là họ đang chèo trong bể khổ bao la. Cũng vậy, kẻ đầu cơ chính trị, bạo chúa và kẻ tra tấn dường như chỉ nghĩ đến mình cũng không thoát cái thân phận khủng khiếp này. Sớm muộn gì rồi họ cũng sẽ khổ. Vả chăng, ta có thực sự hình dung được một kẻ áp bức nào hạnh phúc không? Cũng vậy, tôi không tìm thấy thuốc giải đố kỵ nào công hiệu hơn là ngẫm cái mong manh hằng ngày của chúng ta.

Sự thèm muốn đi từ một sai lầm trong cách nhìn, một ảo ảnh: nó rọi máy chiếu vào một phần thực tại mà quên những chỗ còn lại. Tôi chưa bao giờ mong cuộc đời của người khác toàn vẹn. Luôn có một cái cót két. Cả đời sống mang rất nhiều khổ đau, bất ổn. Ngay khi tôi ganh tị với một nhà văn nằm tít đầu danh sách best-seller, tôi nhớ lại ngay lập tức rằng anh ta cũng sẽ chết, rằng có lẽ anh ta đang bị vậy rồi. Tại sao tôi không mừng cho thành công của anh ta? Tóm lại, từng bước, tôi có thể thoát khỏi nhà tù tinh thần để tập từ tâm. Một hôm, một người bạn tân sự với tôi: “Suy cho cùng, tớ chỉ là kẻ giới thiệu chương trình Club Med cho bản ngã mình. Từ sáng đến tối, tớ sụm cả lưng để giải khuây cho nó, cho nó ăn, thiết đãi nó. Tớ là thằng hề và nô lệ của một ông chủ không bao giờ biết vừa lòng”.

Truyền thống Phật giáo, cũng như thông điệp của Phúc Âm, mở ra một lối thoát. Phải, ta có thể giải phóng mình khỏi cảnh nô lệ này ngay khi ta sẵn lòng cho đồng loại và nhất là cho những người trần trụi hơn. Trong chuyện này, tôi rất tâm đắc với ý niệm Bồ Tát. Tại sao ta không dấn thân, với các phương tiện và sức mạnh trong ngày, trở thành những Bồ Tát đích thực, những anh hùng giác ngộ cống hiến đời mình để an ủi mọi chúng sinh vùng vẫy trong bể khổ, sa trong vòng luân hồi?

Một cách khiêm nhường, trong những thăng trầm của kiếp người, tôi có thể tránh áp đặt bản ngã và vết thương của mình cho những người xung quanh. Các thầy và sư phụ cho tôi một tấm gương, vì trong tim họ tôi phát hiện một lòng nhẫn nại vô bờ đối với những lỗi lầm và khuyết điểm của con người. Tôi còn tìm thấy ở đó một đòi hỏi tuyệt đối, một lời thôi thúc chúng ta luôn lên đường, đi tới. Một người cha tốt, tôi dám nói, là biết dung hòa sự cương quyết với một sự dịu dàng bao la da diết.

Sao không bắt đầu bằng bài tập lấy cảm hứng từ truyền thống của thánh Ignace thành Loyola, đó là nhận ra mọi cái thiếu sót tình yêu và từ bi mà không trách tội? Có hơi giống nghệ sĩ ngắm nghía tác phẩm của mình sau một ngày làm việc. Vun vén, đánh thức lòng quảng đại, còn là trước hết dám xả chấp: không còn gắn người khác trong cái họ từng là, không còn đông cứng họ trong các hành động của họ, cũng không quy giảm họ thành chỉ là lỗi lầm, mà yêu thương họ vì con người thật của họ. Thầy Eckhart đã giúp chúng ta khi nói rằng: “Chúa Trời là Chúa Trời của hiện tại. Ngài thấy anh thế nào, ngài đón nhận anh thế ấy, không phải anh trước kia, mà là anh lúc này”.

☀️ MỞ RỘNG CÁC NĂNG LỰC TỪ BI CỦA TA

ALEXANDRE: Theo gương chư vị Bồ Tát, ta có thể mở rộng lòng từ bi đến mọi chúng sinh. Trên con đường này, ta sẽ thấy muốn dừng dọc đường và chỉ ưu đãi những ai trải qua một khủng hoảng lớn. Không có chuyện một tai nạn xe, một căn bệnh ác tính mới đánh thức lòng thấu cảm của ta… Trong khi đó thì nuôi nấng người thân lâu dài bằng lòng nhân từ tột cùng lại là một chuyện khác.

Làm gì để tránh sự cạn kiệt trái tim này? Mỗi sáng, tôi có thể quan tâm đến người khác và nhất là những người không ai nhìn đến. Gần đây, một thầy thuốc tâm sự với tôi là anh ta trốn như bệnh dịch các bệnh nhân vô phương chữa chạy, họ hé lộ sự bất lực của anh ta. Anh ta nói thêm: “Những bệnh nhân mà tôi không chữa được làm tôi thấy mệt mỏi, tôi cố biến đi càng nhanh càng tốt”. Chuyện này đã rõ ràng, sáng sủa rồi, nó cho thấy rằng người ta sợ sự bất lực. Phát triển lòng từ bi bao la, một tình yêu tuyệt đối, là không tầm thường hóa cái đau của người khác nữa, cũng không làm quen với khổ của họ. Làm sao bỏ cái ý từ bi là một ổ bánh để ăn chung? Vấn đề không phải là chia vài miếng cho người này người kia. Trái lại, đó là một nguồn vô hạn. Không bao giờ có chuyện hết hàng.

Một cái khổ, dù khổ gì đi nữa, Có thể giết chết ta, khoắng sạch những nguồn lực cuối cùng của ta. Nếu nó không bao trọn cả nhân loại, từ bi sẽ tắt. Vậy còn cái chấn động do một cái chết trên ti vi? Ở đây ta thấy bất công rõ ràng. Nói thật lòng thì tôi ít bận tâm đến một tai ương diễn ra ở đầu kia thế giới, trong khi đó thì chút sự cố ở gần lại làm tôi đảo lộn. Cái chết luôn quá sức chịu đựng, và cả nỗi đau này sẽ kêu gọi được tôi. Quyết định tận tụy thêm chút nữa cho người khác tức là nới rộng tình yêu hoàn toàn tự nhiên mà ta cảm nhận khi tiếp xúc với người thân. Kể từ đây, tôi có thể xoay qua tất cả mọi người, nhất là những người chống chọi dã từ lâu lắm rồi.

 CHRISTOPHE: Ở phần đông chúng ta, thực ra có một sự khác biệt lớn trong sự phát khởi lòng trắc ẩn đối với người châu Phi chết và người châu Âu chết. Tôi tin rằng điều đó rất con người – và có liên hệ với những lý do gần gũi địa lý cũng như văn hóa, như cậu vừa nói –  nhưng điều này không nên. Từ bi đòi hỏi tập tành, và nếu ta không tập, ta chỉ có phản xạ từ bi cho người thân, có lẽ là cho đồng bào ta. Với những người còn lại, cái này sẽ mơ hồ hơn và không được lâu bền bằng. Nhưng thay vì chỉ trích kiểu từ bi hạn chế và hẹp hòi này, tốt hơn là bắt tay vào làm cho nó giàu có hơn và rộng lớn hơn. Điểm khác mà cậu nhấn mạnh, Alex, là bác sĩ nói với cậu về cái khó của việc vẫn từ bi khi anh ta cảm thấy bất lực. Nhưng anh ta chỉ thấy được phân nửa nghề của mình, là chuyên môn, hiệu quả, chữa bệnh. Nửa còn lại là có mặt, và phản ứng có một không hai chính là chấp nhận rằng mình hoàn toàn bất lực, trong khi vẫn có mặt mãnh liệt. Cái ta mất trong khả năng thay đổi hoàn cảnh và đau khổ của người khác cần được chuyển sang sức mãnh liệt của sự hiện diện.

MATTHIEU: Khi ta nói về “từ bi vô lượng”, rất nhiểu người nghĩ rằng điều này không tưởng. Jonathan Haidt, nhà tâm lý học và đạo đức học Mỹ, có hôm nói với tôi rằng: “Lòng vị tha và từ bi vô lượng mà Đức Đat-lai Lat-ma nói đến hoàn toàn phi thực tế. Chăm lo cho người thân của ta và vài người khác thì tự nhiên thôi, nhưng xa hơn nữa, chuyện này không có nghĩa lý”. Lời anh ta cho tôi thấy rằng người có trí thông minh viết những thứ cực kỳ thú vị không khỏi có cái nhìn hẹp hòi về lòng vị tha và từ bi, như thể nó là những thứ quý hiếm mà ta phân phát dè sẻn, như một nắm anh đào. Vậy mà, đây là lối sống có đặc điểm là mong muốn làm điều tốt cho tất cả những ai bước vào trường chú ý của ta. Khi yêu thương tất cả chúng sinh, ta không yêu người thân của mình ít đi, thực ra ta yêu họ nhiều hơn, vì tình thương của ta tăng trưởng về độ lớn và phẩm tính. Ta càng bộc lộ nó, nó càng lớn và sâu. Albert Schweitzer nói: “Tình yêu nhân đôi mỗi khi ta trao đi”.

Lòng vị tha của ta không cạn kiệt theo số người nhận. Nếu mười người sưởi ấm dưới mặt trời, và nếu một ngàn người khác đến sưởi cùng chỗ, mặt trời không cần chiếu sáng gấp trăm lần nữa. Điều này không có nghĩa là ta có thể nuôi ăn và chăm sóc từng người một trên hành tinh này, nhưng dụng tâm của ta có thể mở rộng ra cho tất cả.

 CHRISTOPHE: Trong ngữ cảnh giai thoại và không thuộc khoa học, tôi đã kinh qua cái tôi có thể gọi là “cơn say vị tha” khi tôi còn là thực tập sinh trẻ. Tôi hiểu rằng vị trí của mình không còn ở bệnh viện nữa, giữa các nhà phân tâm học, nên tôi bắt đầu rút lui. Tôi đến đó buổi sáng, rồi buổi chiều tôi tìm cách tự đào luyện ở chỗ khác: nhờ vậy tôi gặp thầy mình, tôi thay thế thầy trong một dưỡng đường. Tôi thích đến sớm trước ai hết và ra về sau cùng. Rõ ràng, tôi tìm sự phê chuẩn, công nhận, ngưỡng mộ, quý trọng, và tôi đã có: bệnh nhân rất quý tôi, các y tá cũng vậy vì tôi rất sẵn lòng – khi có một phiền hà, họ biết rằng họ có thể gọi tôi. Tôi làm tất cả để học hỏi, mọi thứ để được yêu thương, nhưng tôi nghĩ rằng còn có điều khác, gần như chứng say độ cao ở người leo núi, cái loại say có thể xâm chiếm họ khi họ bắt đầu lên cao hơn, cái đẩy họ đến chỗ ngây ngất và có nguy cơ đi lạc vì thiếu thận trọng. Trong trường hợp tôi, đó là cơn say vị tha. Tôi nhớ có những tối mùa hè tôi ra về lúc 11 giờ, khi ngày đã tắt: bệnh nhân ra dấu tạm biệt tôi qua cửa sổ, tôi trong trạng thái hoàn toàn hạnh phúc, chắc chắn là với một chiều kích ái kỷ, nhưng cũng với cảm giác mãn nguyện, đã làm việc, công việc của con người, của thầy thuốc, đã cho mọi thứ tôi có thể về chuyện lắng nghe, chăm sóc, dịu dàng… Rắc rối là tôi bị quá nóng và quên cái cần thiết là phải có một thời gian để phục hồi. Tôi kiệt sức.

Như Haidt nói về từ bi vô biên, tôi tin rằng có những giới hạn thể chất, những giới hạn về sinh lực và chú tâm. Vị tha đòi hỏi nhiều sinh lực và thời gian (giấc ngủ, thời gian rảnh rỗi, gia đình). Và nếu ta không chăm sóc mình, ta đặt mình trong nguy hiểm và, đến một lúc, ta làm tổn hại các khả năng vị tha sắp tới.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THẤU CẢM (Empathy)
  2. YÊU THƯƠNG TỪ BI

Bài viết khác của tác giả ALEXANDRE JOLLIEN

  1. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Bài viết khác của tác giả CHRISTOPHE ANDRE

  1. DẠY SỰ ĐƠN SƠ CHO TRẺ
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

Bài viết khác của tác giả MATTHIEU RICARD

  1. CHÚ Ý, CHIÊM NGHIỆM VÀ HIỆN DIỆN CỞI MỞ
  2. BỊ LÔI CUỐN BỞI DÒNG THỜI GIAN
  3. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP