ANDREA MILLER
Matthieu Ricard - nhà khoa học, nhà sư, tác giả có sách bán chạy, nhà hoạt động nhân đạo - nhận định rằng chăm sóc người khác là câu trả lời duy nhất cho tu tập từ bi.
Trong cái lều dệt bằng lông trâu yak, một bé gái 13 tuổi đang khuấy phó-mát trong cái vạc để trên lò đất sét. Một làn khói xanh từ ngọn lửa thoát ra từ một khoảng hở trên mái. Cha cháu đã mất năm ngoái, và bây giờ mẹ cháu bị lao xương. Cháu bị đau và ẻo lả đến nỗi đôi mắt quá to trên khuôn mặt gầy, trông có vẻ kỳ dị. Không thể chịu nổi chi phí chữa bệnh cần thiết, bà nội lớn tuổi của bé gái đang cầu khẩn trong góc. Matthieu Ricard, một nhà sư Phật giáo người Pháp và nhà sáng lập tổ chức không vụ lợi Karuna-Shechen, chứng kiến cảnh thương tâm đó khi sư đi thăm những cộng đồng du mục ở Tây Tạng phía Đông. May mắn thay, sư và nhóm Karuna-Shechen liền giúp đỡ bé gái. Họ hỗ trợ chi phí chữa bệnh trong một năm cho gia đình, và trong khi họ giải thích làm thế nào để thực hiện cách chữa đó, thì bé gái chăm chú nghe với nỗi hoài nghi lẫn niềm hy vọng lung linh trên đôi mắt. Khi nhóm thiện nguyện trở lại một năm sau, cô gái tươi cười. Bà mẹ đang đi nạng tự chế, nhưng bà đã bình phục, không giơ xương và nằm liệt giường nữa. Karuna-Shechen được thành lập năm 2000, đây là nơi nhận tiền bản quyền sách của nhà sư, cũng như nhận bất cứ số tiền nào mà sư kiếm được từ đóng góp tham luận tại các hội nghị hay bán ảnh nghệ thuật. Nhà sư sống vừa đủ, ngủ trong túi ngủ trong ba mươi năm và trong lều tịnh cư ở Nepal không có lò sưởi trung tâm, nhưng người ta ước tính sư đã tặng 1,5 triệu dollars cho Karuna-Shechen. Những nhà từ thiện khác cũng đã đóng góp, và đến bây giờ tổ chức đã khởi sự và quản trị hơn 140 dự án nhân đạo tại Tây Tạng, Nepal và Ấn Độ. Những dự án này bao gồm cứu trợ khẩn cấp cho nạn nhân trận động đất vừa qua tại Nepal, dạy cho phụ nữ nông thôn thất học về kỹ thuật điện mặt trời, lắp đặt hệ thống thu nước mưa trong những vùng hay bị hạn hán, thực hiện chương trình vườn-bếp để chống nạn thiếu dinh dưỡng, và xây dựng trường học mới và cải thiện những trường đã có.
“Trong lúc này, chúng tôi đương đầu với nhiều thách thức,” nhà sư viết trong cuốn sách mới, Altruism: The Power of Compassion to Change Yourself and the World (Lòng vị tha: Sức mạnh của Từ Bi để thay đổi bạn và thay đổi thế giới). “Một trong những vấn đề chính của chúng ta là điều hòa những đòi hỏi của nền kinh tế với mưu cầu hạnh phúc cá nhân và tôn trọng môi trường.
Những đòi hỏi này tương ứng với ba mức độ thời gian: ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, từ đó ba loại lợi ích được đặt ưu tiên, tùy lúc mà sắp xếp cái nào trước, cái nào sau, đó là: lợi ích của chúng ta, lợi ích của những ai gần gũi với chúng ta, và lợi ích của toàn chúng sinh”. “Hãy quan tâm nhiều hơn đến người khác, là cách thức thực tế nhất để đối phó với những thách thức của thời đại chúng ta”, nhà sư đã thổ lộ với tạp chí Lion’s Roar. Thật vậy, “bằng cách gặp gỡ những nhà kinh tế, môi trường, tâm lý học, nhà hoạt động xã hội, nhà lãnh đạo và các nhà soạn thảo kế hoạch toàn cầu, tôi nghĩ rằng đó là câu trả lời thực tế duy nhất”.
Từ Thomas Hobbs đến Ayn Rand, ý tưởng cho rằng con người căn bản là ích kỷ và thậm chí tàn bạo, đã ngự trị tư tưởng phương Tây qua nhiều thế kỷ. Ricard, tuy nhiên, tin rằng con người bẩm sinh là nhân từ và chúng ta có khả năng tốt nhiều hơn thế. Nhà sư cho rằng những phương pháp đã được chứng minh về lòng nhân từ tăng lên một cách có hệ thống trong chúng ta và trong xã hội.
Trong khi Ricard nhận thức đầy đủ rằng nhiều người gạt bỏ ý tưởng của ông xem như duy tâm, ông đoan chắc ông không phải là một thầy tu Phật giáo ngây ngô, xơ cứng với thực tế. Với 1.600 tham khảo khoa học trong sách Altruism (Lòng vị tha), Ricard có khoa học ở bên mình.
Trước khi Matthieu Ricard là một nhà sư, ông đã đậu tiến sĩ về sinh học phân tử tại Viện Pasteur Paris, và người thầy hướng dẫn chính của ông đã đoạt giải Nobel1. Năm 1966, Ricard được 20 tuổi, ông đã chú tâm vào Phật giáo khi xem một vài phim về những vị thầy Lạtma Tây Tạng đào thoát khỏi quê hương. Giữa người cha – nhà triết học Jean-François Revel, người mẹ – họa sĩ Yahne Le Toumelin – và người cậu – nhà thám hiểm biển Jacques-Yves Le Toumelin – Ricard đã dùng rất nhiều thời gian để gặp gỡ những người tài năng, xuất chúng trong nhiều lãnh vực rộng rãi. Tuy nhiên, ông chưa chuẩn bị để gặp những vị Lạt-ma đó.
“Những nghệ sĩ lớn, nhà khoa học, nhà triết học, và tương tự như thế, được ca ngợi về những tài năng riêng biệt, như hội họa, chơi đàn piano, hay giải những phương trình toán học”, ông nói. Những giảng sư Phật giáo Tây Tạng, một mặt khác, là tu luyện để thành người tốt. Theo cách nói của ông, “họ vô cùng hấp dẫn, cực kỳ ấn tượng”.
Ricard đã qua Ấn Độ bằng vé máy bay giá rẻ, ở đó ông gặp vị đại sư Phật giáo Tây Tạng Kangyur Rinpoche và sống trong ba tuần với ngài và gia đình của ngài trong một phòng đôi – một lều gỗ ở Darjeeling. Vào lúc đó, Ricard không nói được tiếng Tây Tạng và chỉ nói tiếng Anh vừa đủ, đến nỗi hầu như ông không hiểu một chữ trong lời dạy của đại sư. Tuy nhiên, ông nhận ra một điều: Kangyur Rinpoche có gì đó giống như mặt trời. “Mặt trời cho cây lên, cho trái chín. Mặt trời đem lại ấm áp nhưng không trông chờ điều gì đáp lại”.
Trong sáu năm, Ricard phân chia thời gian giữa núi Himalaya và nước Pháp để rồi bối rối không biết chọn ở đâu giữa hai nơi. Vì thế, năm 1972, sau khi hoàn thành luận án về di truyền học tế bào, ông để lại đàng sau sự nghiệp khoa học đầy hứa hẹn để cống hiến trọn vẹn cho nghiên cứu Phật giáo tại châu Á.
Trong cuốn sách của ông, Happiness: A Guide to Developing Life’s Most Important Skill (Hạnh phúc: một hướng dẫn cho phát triển kỹ năng quan trọng nhất của đời sống), Ricard diễn tả đạo Phật không bao giờ kêu gọi niềm tin mù quáng. “Đó là khoa học của tâm, phong phú, thực tế, một nghệ thuật sống vị tha, một triết học đầy ý nghĩa và một thực tập tâm linh nhằm biến đổi nội tâm đích thực”, ông viết. “Tôi không bao giờ nhận ra tôi có cái gì nghịch lý với tinh thần khoa học như tôi hiểu Phật giáo. Đó là một sự tìm kiếm sự thật dựa trên kinh nghiệm”.
Trong hai mươi lăm năm, Ricard đã cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài – không radio, không báo chí. Ông nghiên cứu chuyên sâu với Kangyur Rinpoche cho đến khi vị đại sư này mất vào năm 1975, sau đó ông nghiên cứu với đại sư Dilgo Khyentse Rinpoche, dòng Dzogchen, một trong những vị đại sư quan trọng nhất thế kỷ XX của đạo Phật Tây Tạng. Ông đã trải qua nhiều năm ẩn cư thiền định.
Đời sống tĩnh lặng, ẩn danh của Matthieu Ricard kết thúc vào năm 1997, khi một nhà xuất bản đề nghị ông và thân sinh của ông cùng tham gia vào một cuộc đối thoại mở về ý nghĩa của cuộc sống. Sau đó, nội dung đối thoại được xuất bản với cái tên The Monk and the Philosopher (Nhà sư và nhà triết học), cuốn sách đã thành công rất nhanh. Hơn 350.000 sách được in ở Pháp và được dịch ra 21 ngôn ngữ, Ricard lại bị ràng buộc mới mẻ vào thế giới khoa học.
Ông tham gia vào một cuộc đối thoại với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, người đã cho xuất bản sách The Quantum and the Lotus: A Journey to the Frontiers Where Science and Buddhism Meet (Lượng tử và hoa sen: Hành trình đến biên giới gặp gỡ giữa Khoa học và đạo Phật). Ông gặp gỡ và làm việc tại Mind & Life Institute (Viện Tâm và Đời sống), một tổ chức lập ra theo gợi ý của Đức Đạt-lai Lạt-ma nhằm khuyến khích đối thoại giữa các học giả Phật giáo và nhà khoa học. Năm 2000, sự chú tâm vào khoa học và tâm từ bi của Ricard cùng hội tụ khi ông làm việc với nhà khoa học não bộ Richard Davidson ở Center for Investigating Healthy Minds tại Madison, Wisconsin (Hoa Kỳ). Ricard, theo ông tự nhận, là “một con chuột lang thí nghiệm” cho dự án nghiên cứu tiên phong, phân tích những tác động trong ngắn hạn và dài hạn của luyện tâm thông qua thiền.
Trong những trắc nghiệm đầu tiên, ông giam mình trong những phòng điều khiển ồn ào, chật chội của máy fMBI2 trong hơn ba giờ, ở đó ông thực tập nhiều cách thiền: thiền tập trung, thiền tưởng tượng, và thiền từ bi. Đối với nhiều người trong nhiều thời gian ở trong một cái máy loại như thế, đó là một thử thách khiến dễ đi đến hoảng loạn, thế nhưng đối với Ricard, vào cuối phiên làm việc mệt nhoài, ông vẫn mỉm cười. “Đó cũng giống như một nơi ẩn dật nho nhỏ!”, ông thổ lộ như thế.
Máy quét fMBI phát hiện Ricard và nhiều thiền giả lão luyện khác – những vị đã từng thực tập thiền qua ít nhất 10.000 giờ – đã cho thấy những mức độ hoạt động lạ kỳ của vỏ não trước trán bên trái, chính là nơi liên kết với những cảm xúc tích cực. Còn hoạt động trên vỏ não bên phải, điều khiển những cảm xúc tiêu cực, thì bị loại trừ. Khi những kết quả của những thí nghiệm Madison được phổ biến cho công chúng, giới truyền thông gán cho Ricard một biệt danh đáng nhớ. Ông trở nên nổi tiếng như là “người hạnh phúc nhất thế giới.”
“Mọi người thường lẫn lộn giữa hạnh phúc và vui thích,” Ricard nói với tạp chí Lion’s Roar. “Hạnh phúc không phải là ăn cây kem. Đó là một cách sống, và đó là cách của con người chứ không phải là sự vật. Đó là một nhóm những phẩm chất nhân tính căn bản, mà hạt nhân là tự do nội tại. Nếu bạn hạnh phúc, bạn không là nô lệ của nỗi băn khoăn lo lắng. Bạn có tự do giữa những căm thù, giữa sự thèm muốn ám ảnh, sự ghen ghét, lòng kiêu ngạo…”.
“Tự do đó cho bạn bình an nội tại và như thế, cho bạn lòng tin, điều đó rất khác với tự tin yêu mình. Bởi vì bạn có nguồn tâm nội tại đối phó với những thăng trầm của cuộc sống, bạn ít bận tâm tới bản thân. Dẫu có gì xảy ra, bạn vẫn như thường. Không cảm thấy tổn thương gì, cho nên bạn không cần cố gắng quá mức bảo vệ bản thân, và tự nhiên bạn mở lòng ra với người khác”.
“Hạnh phúc ích kỷ là không tồn tại”, Ricard nói tiếp. “Khi bạn hoàn toàn tự cho mình là trung tâm – cả ngày cứ tôi, tôi, tôi – bạn đẩy ra xa bất cứ thứ gì có thể đe dọa cái bản ngã của bạn, đe dọa cả sự thoải mái của bạn. Những điều đó làm khổ cuộc sống. Bạn luôn luôn không an tâm, bời vì thế giới không đơn giản là danh mục đặt hàng qua bưu điện cho mọi điều ước muốn của bạn”.
Theo Ricard, lòng vị tha không đòi hỏi chúng ta phải hy sinh hạnh phúc riêng của mình. Trên thực tế, một tấm lòng nhân từ, vốn đặt căn bản trên sự hiểu biết đúng đắn của tính liên thông, sẽ đưa đến cả hai phía đều có lợi ích. Chúng ta nẩy nở niềm vui, và cùng lúc đó chúng ta cùng hòa lợi ích với tất cả xung quanh chúng ta.
Matthieu Ricard đã từng là người phiên dịch cho Đức Đạt-lai Lạt-ma từ năm 1989, và ông nhớ lại cách đây vài năm, ông chuẩn bị đi nghỉ tịnh cư tại vùng núi Nepal. Khi đó, Đức Đạt-lai Lạt-ma khuyên ông: “Thời gian đầu, hãy thiền từ bi. Thời gian giữa, thiền từ bi. Thời gian cuối, thiền từ bi”.
Thiền về vị tha và từ bi, Ricard cho ta những lời dạy đơn giản. “Đầu tiên, hãy nghĩ về những ai gần gũi với mình, bạn làm trỗi dậy tình yêu vô điều kiện và sự tử tế dành cho họ. Rồi thì từ từ bạn trải tình yêu đó cho mọi người, và bạn tiếp tục như thế khi tâm bạn đầy yêu thương. Nếu bạn nhận ra tình thương đó giảm đi, bạn hãy làm nó sống trở lại. Nếu bạn lơ đãng, bạn hãy chú tâm trở lại để yêu thương”.
Ông tiếp tục, “Vì tâm từ bi, bạn hãy bắt đầu nghĩ về những ai gần gũi với bạn đang đau khổ, và bạn chân thành mong họ thoát khỏi niềm đau. Rồi thì bạn sẽ làm gì vì tình thương đó”.
Ricard bộc lộ với tạp chí Lion’s Roar, “Một bác sĩ học từ sáu đến bảy năm để làm chủ về chuyên môn, cũng như thế, nếu bạn muốn giúp đỡ người khác, ý nghĩ đó chẳng giống chút nào như khi một buổi sáng thức dậy, bạn nghĩ, ‘tôi đang thay đổi thế giới’. Không đâu, bạn phải tự đào tạo cho được một số phẩm chất”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, chúng ta cần hiểu biết về từ bi như thế này: Nếu ta thiếu từ bi cho người nào đó, thì ta thiếu từ bi cho tất cả.
“Nếu bạn có từ bi cho mọi người, trừ một nhóm sắc tộc nào đó hay loài vật, thế thì bạn đang giết một phần của sự cộng hưởng thấu cảm với những người khác. Bạn đã đành đoạn tính người với những người đó hay bạn đã loại bỏ con vật vì tầm nhận thức hạn chế của bạn”.
“Để thúc đẩy chiều hướng về một xã hội nhiều vị tha hơn”, Ricard viết trong Altruism, “điều cốt yếu là những người vị tha hợp tác cùng nhau và tạo sức mạnh. Trong thời đại của chúng ta, sự hiệp lực giữa những người cộng tác và những người vị tha không còn đòi hỏi phải được tập hợp trong cùng một vùng địa dư, vì bây giờ phương tiện giao thông thuận lợi và đặc biệt mạng xã hội cho phép nối liền hoạt động cộng tác với rất nhiều người một cách rộng rãi dầu cho phân tán về mặt địa dư”.
Trong rất nhiều tổ chức cứu trợ, mọi người thường khởi đầu với ý định tốt, muốn làm vơi đi nỗi khổ, thế nhưng họ lại bị làm mồi cho những tuế toái của con người, những xung đột bản ngã, và tham nhũng. Sự cứu trợ nhân đạo bị trật đường ray, kết cục rơi vào túi ai đó hoặc đơn giản bị mất mát do tệ quan liêu.
“Liên Hợp Quốc nhận định công việc cứu trợ là thành công nếu 50% của quỹ NGO (tổ chức phi chính phủ) đến được người cần được cứu giúp”, Ricard nói. Nhưng trong trường hợp của Karuna-Shechen, 98% của quỹ đạt đến mục tiêu, chỉ có 2% được dùng cho chi phí hoạt động. Ricard tiếp tục, “Tất cả chúng tôi ở Karuna-Shechen đều chia sẻ cùng một tầm nhìn, cùng một loại đào tạo và cùng một cống hiến”.
Karuna-Shechen hiện nay đã tổ chức ba kỳ hội thảo hướng nghiệp khác nhau cho phụ nữ ở Ấn Độ. Phụ nữ được dạy cách làm nến và nhang, cũng như được dạy cách làm nhanh hai loại bữa ăn sáng. Những người học sáng giá nhất sẽ được đào tạo dài hơn và tổ chức giúp họ đứng vững ở trong một đơn vị sản xuất.
Hiện nay, phụ nữ làm việc trong các cơ sở sản xuất đó từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, làm 6 ngày trong tuần và sản xuất 150 nến trong một ngày với nhiều màu sắc và hình dáng, như cây Nô-en xanh, trái tim hồng, những tượng nhỏ truyền thống của Ấn Độ. Họ hưởng lợi tức từ việc bán sản phẩm tại thị trường địa phương, thêm vào đó, họ khỏi trả công đào tạo, bữa ăn và chi phí di chuyển.
Rinku là một trong những người phụ nữ làm nến. “Học nghề thủ công mới này không chỉ giúp tôi có việc làm, mà còn bảo đảm điều kiện sống của gia đình bằng cách thêm thu nhập”, bà nói. “Tôi sẽ dùng một phần số tiền này để phụ trả chi phí cho việc học của anh chị em của tôi”.
Những người phụ nữ tự hào được chọn từ những người tham gia khóa học đầu tiên, bởi vì họ hiểu rằng chuyện làm và bán được sản phẩm chính là sự khác biệt giữa có và không có cuộc sống đàng hoàng. Cơ hội việc làm cho phụ nữ nông thôn là ít, và cái đáng giá thường là công việc nặng nhọc còng lưng, như gánh gạch hay làm nông nhiều giờ dưới cái nắng Ấn Độ khắc nghiệt.
Với nhiều sự quan tâm đến người khác, Ricard viết trong Altruism, “Tất cả chúng ta hành động với quan điểm là giảm nhẹ bất công, sự phân biệt và cái nghèo”. Đi xa hơn, ông thêm, “Nếu chúng ta lo lắng về số phận của những thế hệ tương lai, chúng ta sẽ không hy sinh mù quáng hạnh phúc của họ cho những lợi ích phù du của chúng ta, phó mặc hành tinh ô nhiễm, kiệt quệ cho những ai đến sau chúng ta. Trái lại, chúng ta cần xúc tiến một nền kinh tế thận trọng nhằm nâng cao lòng tin cho nhau và tôn trọng lợi ích của người khác”.
Trong khi Matthieu Ricard là người trứ danh về lòng vị tha và từ bi, ông cũng là người nói thẳng thừng. Ông muốn chúng ta tu tập lòng nhân từ. Ông còn muốn chúng ta làm hơn nữa. Ông nói: “Nếu từ bi mà không có trí tuệ thì từ bi mù, nếu từ bi mà không thực hành thì đạo đức giả”.
Chú thích của người dịch:
- Giáo sư François Jacob, giải Nobel về y khoa năm 1965.
- fMRI (Functional Magnetic resonance imaging): Chụp cộng hưởng từ chức năng. Các nhà khoa học sử dụng từ trường để quét liên tục mọi tín hiệu thần kinh trong não bộ. Tín hiệu đó được tái hiện bằng hình ảnh giúp cảm nhận được chúng một cách trực quan.
Nguyên tác: “Matthieu Ricard’s Journey to Compassion” – Andrea Miller.
Tác giả: Andrea Miller là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phật giáo Lion’Roar.
Nguồn: https://www.lionsroar.com/matthieu-ricardsjourney-to-compassion/.
Việt dịch bởi Cao Huy Hóa
Nguồn: Văn hóa Phật giáo số 298, 01/06/2018