TRÍ TUỆ LÀ GÌ?

AJAHN BRAHM

Trích “Mở Rộng Cửa Tâm Mình Và Những Mẫu Chuyện Phật Giáo Nói Về Hạnh Phúc”; Chơn Quán Trần-Ngọc Lợi dịch; NXB Tôn Giáo; PL. 2554 - DL. 2010

Trí Tuệ Là Gì?

Trong thời sinh viên, mỗi lần hè về, tôi thường lên miền cao nguyên Scotland du ngoạn. Tôi rất thích vẽ đẹp thiên nhiên và sự tĩnh lặng của núi rừng trên đó.

Một chiều nọ tôi nhẹ bước thong dong trên con đường mòn quanh co theo các mũi, ghềnh dọc biển xanh trên mạn Bắc. Ánh tà dương chiếu rạng tạo một khung cảnh vô vàn ngoạn mục. Đồng hoang bên dưới trải rộng một thảm cỏ màu lá lạ mút tận chơn trời. Nhiều thành đá vươn cao như thánh đường chót vót. Biển xanh phản chiếu ánh nắng chiều long lanh ngoạn mục. Nhiều cụm đá xám là đà trên mặt nước, đó đây xa tít ngoài khơi. Hải âu bay lượn nhởn nhơ tạo nhiều chấm phá màu trắng tinh trên nền trời tím thẳm. Thiên nhiên. Ôi, thiên nhiên tuyệt vời, và một buổi chiều tà khó quên!

Tôi thả bộ với chiếc xách bộ hành trên vai. Tôi hân hoan chào đón thiên nhiên. Qua khúc quanh tôi nhìn thấy trước mặt mình một chiếc xe hơi nhỏ đậu sát bên lề hướng mũi về phía ghềnh đá cao. Tôi tưởng tượng người ngồi trên xe đang say sưa thưởng ngoạn cảnh đẹp trời ban, như tôi. Nhưng tôi thất vọng ê chề khi tới gần thấy ông đang đọc báo. Tờ báo mở rộng che lấp trọn khung trời biển mênh mông trước mặt ông. Tờ báo mỏng này thật quái ác! Tôi muốn lấy kéo khoét một lỗ ngay trên bài ông đang dán mắt để ông có dịp nhìn thấy muôn màu ngàn sắc bên kia làn giấy đặc chữ sậm sì. Nhưng tôi không dám vì tôi chỉ là một cậu sinh viên đói ăn so với ông, một nông dân vạm vỡ. Tôi để ông yên đọc tin tức quốc tế còn tôi vui với bước chân phiêu lãng của mình.

Thấy đâu nói đó, chớ tôi biết chúng ta ai ai cũng bị nhồi nhét bởi các tin tức dồn dập: giặc giã, chánh trị, kinh tế, xã hội, thể thao, chuyện gia đình, công việc làm ăn, và cả những tin “xe cán chó”(*) nữa. Nếu chúng ta không biết cách xếp “tờ báo tâm” này lại, dầu chỉ là thỉnh thoảng, mà cứ để nó luôn mở trước mắt, chúng ta sẽ không bao giờ thưởng thức được niềm vui thanh tịnh và cảnh an lành mà thiên nhiên lúc nào cũng sẵn dành cho chúng ta. Và dĩ nhiên chúng ta không thể tự hào mình là người có trí tuệ được.

Cái Gì Không Phải Là Trí Tuệ?

Vài năm trước đây có mấy câu chuyện gièm pha sư Thái đăng trên báo chí nước ngoài. Theo giới luật tăng ni phải sống độc thân. Tông phái tôi còn gắt gao hơn, tăng ni không được đụng chạm người khác phái. Một số tăng không giữ đúng giới luật nên bị chỉ trích trên báo. Đó là một số sư bất hảo mà báo chí muốn khai thác để thoả mãn tánh hiếu kỳ của một số đọc giả. Chớ còn tăng ni giữ đúng giới luật có gì mà nói –chán phèo nên có ai thèm để ý!

Vào thời điểm đó tôi nghĩ là lúc tôi nên nói một sự thật của tôi. Một tối thứ Sáu nọ tôi lấy hết bình sanh thú thật với thính chúng trên ba trăm Phật tử rằng:

“Tôi có điều muốn thưa với quý tín chủ,” tôi bắt đầu và ấp a ấp úng tiếp, “Trước đây,…tôi có sống một thời gian rất hạnh phúc…trong …vòng tay…thương yêu…của một người đàn bà…vợ người ta.” Tôi thú nhận tiếp, “Tôi có được ôm ấp, nâng niu, vuốt ve, và hôn hít nhiều lần.” Nói tới đây tôi làm như nghẹn lời, tôi cúi đầu và nhìn đăm đăm xuống thảm.

Bấy giờ tôi nghe tiếng nấc vì sốc của nhiều Phật tử. Và cả tiếng xầm xì nữa, “Ồ, Sư Brahm. Có thể vậy sao?” Tôi hình dung sẽ có nhiều đệ tử trung thành của tôi bỏ tôi bước ra cửa và không bao giờ trở lại. Thật tình mà nói, cả người thường cũng không được phép dan díu với vợ người–đó là thông gian rồi.

Giây phút sau tôi ngẩng đầu, nhìn thính chúng một cách tự tin và mỉm cười. Tôi giải thích trước khi có người bước ra khỏi cửa:

“Người đàn bà ấy, …bà là mẹ tôi, …và tôi là đứa con nhỏ của bà.” Tất cả thở phào và rộ lên cười vui vẻ.

“Đúng như vậy đó, thưa các bạn,” tôi nói lớn trong mi-crô. “Bà là vợ của Ba tôi, có đúng không, các bạn?” Tôi rống tiếp, “Bà ẳm bồng tôi trong tay, nưng niu tôi, hôn tôi, và đó dĩ nhiên là những giây phút thần tiên của tôi chớ còn sao nữa?”

Lúc thính chúng lau hết nước mắt và trở về tĩnh lặng, tôi bảo tất cả đã phê phán tôi một cách hết sức sai lầm. Dầu nghe chính miệng tôi thốt lên và lời tôi rất rõ ràng, tất cả đều đã đi đến kết luận sai lầm. May cho tôi, hay đúng ra là nhờ tôi đã chuẩn bị chu đáo trước, tôi có thể chỉ cho họ thấy sai lầm của họ. Tôi hỏi:

“Có bao nhiêu lần rồi, chúng ta đã vội đi đến kết luận sai, rất sai, dầu tang chứng có hiển nhiên?”

Độc đoán phê phán–“Đây mới đúng, còn tất cả đều sai”–không phải là trí tuệ vậy.


(*) Tiếng lóng chỉ những tin tức (chuyện) không quan trọng đăng trên báo để lấp những chỗ trống.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. MỞ RỘNG TÂM VỚI LÒNG BI
  2. ĐIỀU TRUYỀN CẢM HỨNG CHO CHÚNG TÔI
  3. TÂM RỘNG MỞ – ĐẾN HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC

Bài viết khác của tác giả

  1. TÂM TRÍ CỦA LOÀI KHỈ
  2. NHÀ SƯ VÀ QUAN ÂM BỒ TÁT
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG

Bài viết mới

  1. SỰ KHIÊM TỐN THUYẾT PHỤC
  2. TU TẬP THIỀN BẰNG CÁCH QUÁN TÂM TRONG TĨNH LẶNG
  3. TRAO MỘT LỜI KHEN