PIERO FERRUCCI
Trích: Giá Trị Của Sự Tử Tế; Nguyên tác: The Power of Kindness; Việt dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Hồng Đức; Công ty Sách SaiGonBooks, 2020
Có một câu truyện cổ Trung Đông kể về một người đàn ông bị gia đình mình áp bức. Người vợ lấn át và hành hạ anh ta. Những đứa con thì lôi anh ta ra làm trò cười. Anh ta cảm thấy mình là nạn nhân, và nghĩ đã tới lúc anh ra đi tìm đến Thiên đàng. Sau hồi lâu tìm kiếm, anh gặp một nhà thông thái lớn tuổi vẽ đường chỉ lối cho anh tới nơi đó: Anh sẽ phải đi lâu thật lâu, nhưng rồi anh sẽ tới. Anh ta nghe vậy rồi lên đường, Ban ngày anh đi bộ, và đêm xuống, kiệt sức, anh dừng lại một nhà trọ để ngủ. Là một người kỹ tính và ngăn nắp, anh quyết định hướng đôi giày của mình về phía Thiên đàng trước khi ngủ để sáng hôm sau không bị lạc. Nhưng đêm hôm ấy, khi anh đang say giấc, một con quỷ nhỏ ranh mãnh lén vào phòng và xoay đôi giày về phía ngược lại.
Sáng hôm sau người đàn ông thức dậy và lên đường, đi ngược với hướng của ngày hôm qua – trở về điểm xuất phát. Càng đi, cảnh vật hiện ra càng trở nên quen thuộc. Anh ta quay về ngôi làng xưa, nhưng lầm tưởng đó là Thiên đàng: “Thiên đàng mới giống ngôi làng xưa ta ở làm sao!”. Nhưng bởi đây là Thiên đàng, anh ta cảm thấy khoan khoái và yêu thích nơi đây biết bao. Anh nhìn thấy ngôi nhà cũ và nghĩ đó là Thiên đàng: “Trông mới giống ngôi nhà xưa của ta làm sao!”. Nhưng bởi đây là Thiên đàng, anh thấy ngôi nhà thật dễ chịu. Vợ và các con anh mở cửa đón anh vào: “Họ trông mới giống vợ và con ta làm sao! Ở Thiên đàng mọi vật giống hệt như trần thể”. Tuy nhiên, bởi đây là Thiên đàng, mọi vật mới đẹp đẽ biết bao. Vợ anh thật nồng nhiệt, con anh thật giỏi giang – họ có đầy đủ những phẩm chất mà anh chưa từng thấy trong cuộc sống thường ngày. “Thật kỳ lạ, ở Thiên đàng mọi vật giống hệt như trần thế, nhưng cuộc sống lại hoàn toàn khác biệt”.
Ta có thể làm một thí nghiệm tương tự trong tư tưởng. Hãy chọn một người ta biết rõ và nghĩ về tất cả những đức tính mà họ có – không chỉ những đức tính ta biết từ trước, mà còn cả những gì đang tiềm ẩn hay chưa bao giờ được đề cập đến. Có lẽ ta sẽ cảm nhận được tâm hồn của họ, chính là phần lõi nằm sâu và đẹp đẽ nhất. Nhìn thấy được tâm hồn chính là nhìn thấy được những giá trị thực sự tạo nên một con người, thay vì chỉ dừng lại ở những khía cạnh xã giao, Đây chính là respicere, là nhìn nhận một cách đúng đắn nhất.
Có đôi khi sự biến đổi ấy diễn ra hoàn toàn tình cờ. Có lần, tôi chuẩn bị hướng dẫn một buổi chuyên đề và có ai đó chỉ về phía anh X (một người có bộ râu trắng) và nói với tôi rằng, “Anh không tưởng tượng được hắn ta vui tính thế nào đâu! Hắn nói chuyện hài hước vô cùng”. Tôi nhìn anh ta, và trông anh ta có phần giống một người lùn tốt tính đi chia sẻ niềm vui cho mọi người xung quanh. Trước phần hoạt động nhóm, tôi chào anh ta và nói thêm, “Tôi nghe nói anh rất có khiếu làm cho người khác cười”. Người đàn ông rụt rè, nhỏ bé ấy nhìn tôi ngạc nhiên, như thể mới nghe điều ấy lần đầu. Trong suốt buổi chuyên đề, tôi để ý thấy anh ta có vẻ thoải mái, và thi thoảng tự cười một mình. Tôi ngóng những câu chuyện cười của anh, và chẳng mấy chốc anh kể hết chuyện này đến chuyện khác, chuyện sau hài hước hơn chuyện trước nhiều. Hết buổi sáng, tôi nói với người mà ban đầu chỉ vào anh ta và nói anh ta vô cùng hài hước, “Anh đúng đó, anh X quả thực rất vui tính”. Anh ta đáp, “Khoan đã, anh nghĩ tôi nói người này hả? Tôi nói về anh chàng đứng ở góc kia cơ, và chỉ về phía anh Y, một người đàn ông dáng cao, gầy với vẻ nhăn nhó trên gương mặt và suốt từ sáng tới giờ chưa hé răng nói một lời nào.
Bằng cách gọi anh X là một người hài hước và từ từ gán cái mác ấy cho anh, tôi đã vô tình khiến anh bộc lộ một phần tính cách mà người khác thường không nhận ra và trông thấy ở anh. Thông qua một lỗi sai vô ý, tôi đã nhìn thấy phẩm chất tiềm ẩn trong anh, khiến nó được bộc lộ và trở thành sự thực.
Nghe có vẻ kỳ lạ nếu tôi nói rằng khi tôi thay đổi cách suy nghĩ về một người thì một phần tính cách trong họ cũng thay đổi. Nhưng nếu ta đánh giá thấp tầm quan trọng của trí não mình, hay ta quên mất rằng có vô số cách để ta liên tục tác động tới nhau, thì điều ấy mới quả thực lạ kỳ. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hiện tượng Pygmalion – là nếu tôi thay đổi cách nhìn về anh, anh sẽ thay đổi. Các học sinh được thầy giáo khen là thông minh nhất sẽ trở thành những người thông minh nhất. Những nhân viên được cấp trên đánh giá là có năng lực và làm việc hiệu quả nhất sẽ trở thành những người có năng lực và làm việc hiệu quả nhất. Cách ta nhìn nhận giống như một tia nắng đậu trên cành cây vậy – tia nắng khiến cành cây tỏ rõ hơn, dưỡng nuôi nó, kích thích nó phát triển. Thử nghĩ xem, biết bao tài năng và phẩm chất của người khác đã không được phát triển toàn vẹn bởi chúng không được công nhận.
Nếu những nguồn lực ấy được nhìn nhận, chúng có thể phát triển. Đó chính là sự tôn trọng. Và rõ ràng nếu thiếu đi sự tôn trọng, lòng tốt trở nên mù quáng – kiểu cách và không chân thành, bỏ qua giá trị của một con người, và từ đó là coi thường họ. Lòng tốt ấy sẽ không bền lâu.
Thái độ chủ ý đầy cẩn trọng và tỉ mỉ này không chỉ thay đổi người nhận mà còn thay đổi cả người cho đi nữa. Sáng tạo là con đường hai chiều. Nếu ta luyện tập nhìn mọi người xung quanh bằng con mắt ân cần và chăm chú hơn, và nhìn nhận những đức tính quan trọng nhất trong họ (nhiều khi bị vẻ ngoài hời hợt và ồn ào che lấp đi), chính ta cũng thay đổi. Tại sao ư? Bởi chúng ta được hình thành từ cách ta nhìn nhận. Những gì ta thấy hay ta tưởng như minh thấy ngày này qua ngày khác tạo thành bản chất con người ta và tô điểm cuộc sống của ta tới hết phần đời còn lại. Nếu ta nhìn mọi người bằng con mắt mệt mỏi, nhợt nhạt và nếu ta thấy mọi thứ đều trống rỗng, chính ta sẽ trở nên trống rỗng. Nếu ta nhìn mọi người với đầy sự thú vị và đặc biệt, thế giới quanh ta sẽ trở nên đầy hào hứng cùng rộng mở.