TÙY TỰ Ý TAM MUỘI

ẤN QUANG ĐẠI SƯ

Ấn Quang Đại Sư – Tổ thứ 13 Tịnh Độ Tông

Phật pháp rộng lớn như Pháp giới, rốt ráo như hư không. Muốn tu tập nhưng chẳng nắm được chỗ trọng yếu, ắt đến nỗi dõi nhìn biển rộng thở than, sinh ý tưởng lui sụt. Nếu đạt được chỗ trọng yếu, dù có vô lượng pháp môn, vô biên hành tướng, nhưng một khi đã nắm được thì càng rộng càng thấy gọn, càng phức tạp càng thấy giản dị. Tuy lý tánh rộng lớn cao sâu như trời, như đất, như núi, như biể, nhưng phàm phu sát đất vẫn có thể tiến trên đạo này. Nhờ pháp này bèn đoạn phiền hoặc, chứng Tam muội, trọn vẹn phước huệ để chứng Tứ đức, tiến thẳng đến Quả Giác, thành Vô Thượng Đạo, huống gì Thánh nhân đã đạt những địa vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa ư! Chỗ trọng yếu ấy như thế nào? Chính là “thật thể, thật tánh của hết thảy các pháp: Căn, Trần, Thức v.v… đều là không, vô sở hữu”. Hiểu rõ điều này thì bốn tướng vốn là không, tam luân thể không. Vạn pháp sum la, nhất đạo thanh tịnh. Phàm phu do mê pháp gì, chuyện gì cũng đều thành chướng ngại, đối với Ngũ ấm, Lục nhập, Thập nhị xứ, Thập bát giới, Thất đại đều khởi phiền hoặc, tạo nghiệp gì cũng là Chân như; đối với Ngũ ấm, Lục nhập, Thập nhị xứ, Thập bát giới, Thất đại đều chứng viên thông, thành đạo Bồ đề. Mê ngộ tuy khác, tánh vốn không hai; tánh tuy không hai nhưng khổ vui khác.

Nam Nhạc đại sư thương xót bèn soạn sách Tùy Tự Ý Tam muội. Trong sáu oai nghi đi, đứng, nằm, ăn uống, nói năng, chỗ nào cũng chỉ bày Thật Tướng của các pháp. Có nghĩa là: tánh của Căn, Trần, Thức là không, vô sở hữu và tam luân thể không, tứ tướng chẳng hề có được v.v… khiến cho con người đối với một cơ, một cảnh đều tự thấy được Thật Tướng, đều hiểu rõ tự tâm. Đâu đâu cũng chỉ dạy diệu hạnh thù thắng sáu Ba la mật, khiến cho con người trong mỗi một động tịnh đều có thể thượng cầu hạ hóa, tự lợi, tự tha. Những chỉ dạy ấy và Ấm, Nhập, Giới, Đại trong kinh Lăng Nghiêm đều là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh, những chuyện như ngôn ngữ, cư xử trong đời, nghề nghiệp mưu sinh…trong kinh Pháp Hoa đều thuận theo chánh pháp, đều chẳng trái nghịch Thật Tướng, những nghĩa lý “chẳng trụ vào đâu để sinh tâm, chẳng trụ vào Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để hành bố thí, độ thoát hết thảy chúng sinh, nhưng chẳng thấy kẻ độ, người được độ” trong kinh Kim Cang thảy đều phù hợp khít khao! Đấy chính là đem pháp chính mình đã ngộ đã chứng giải bày triệt để, phơi trọn hết ra, thí cho khắp hậu thế để mong ai nương theo pháp này mà tu sẽ cùng ngộ chứng đó thôi!

Hơn nữa, sơ phát tâm Bồ tát được nói trong sách này vốn có hai nghĩa: một là hàng phàm phu sát đất phát đại tâm; hai là hạng sơ phát tâm Trụ trong Viên Giáo, vừa phá vô minh, thấy được Pháp tánh. Pháp tánh chính là tánh của Căn, Trần, Thức là không, vô sở hữu v.v…như vừa mới nói. Nơi địa vị phàm phu muốn hướng đến Phật quả thì trước hết phải ngộ được lý này rồi mới hòng thật chứng. Nếu không, dù có tu trì vẫn thuộc vào hữu lậu, chẳng thành Bồ đề. Như sách chép: “Trong một niệm, ở trước khắp chư Phật mười phương cúng dường rộng khắp, nhận pháp hóa của Phật; ở trước khắp chúng sinh trong mười phương, tùy loại hiện thân, ứng có thuyết pháp, khiến có hành Bồ Tát sơ trụ trong Viên Giáo mới có thể làm được. Nếu chẳng biết lý này và sự tu này thông với phàm phu, ắt sẽ mắc lỗi “tuy đề cao Thánh cảnh nhưng chính mình lại ở trong địa vị phàm phu”. Nếu không biết hàng Sơ trụ mới đạt được đại thể đại dụng, ắt sẽ mắc tội khiên “chưa đắc nói là đắc, đem phàm lạm Thánh”. Hiểu rõ điều này thì trên kính mộ chư Thánh, dưới trọng tánh linh của chính mình. Đã không bị lỗi “đành lòng yên phận phàm ngu”, lại còn chẳng mắc tội lạm Thánh, sẽ tiến thẳng đến đường giác, mau đạt đến Bảo sở như đưa bằng khoán lấy lại vật cũ (tác phẩm này được) lưu thông khắp trong nước, mất đã được nói đầy đủ trong phần Tự và Bạt của lần in đầu tiên, nên ở đây không nhắc lại nữa.

Ông Từ Úy Như là bậc thế gia ở Chiếc Tây, cả mười đời thờ Phật. Từ lúc thơ ấu đã được dạy dỗ chu đáo, lại kiêm học Phật thừa. Gần đây, việc công rảnh rỗi, đọc khắp các nội điển, tìm được bản sách này lưu truyền ở Nhật Bản, lắng lòng nghiên cứu, thấy bị sai ngoa quá nhiều. Do vậy, đem đối chiếu với Đại Tạng Nhật Bản, sửa đúng được mấy mươi chỗ rồi cho khắc ván hòng lợi lạc rộng khắp. Vì coi Lượng tôi là người cùng chí hướng, bèn gởi tặng mấy bản. Do vậy, tôi thắp hương, cung kính đọc. Thấy văn lẫn nghĩa có nhiều chỗ chẳng ổn, như mây che lấp trăng, chẳng thấy được chân tướng. Trộm nghĩ: sách này lưu truyền đến nay đã hơn một ngàn ba trăm năm, sao không khỏi sai ngoa? Do vậy, bèn dựa theo văn, căn cứ theo nghĩa, bỏ bớt việc để sửa chữa, thật giống như mây tan, trăng hiện, quang minh lẫn thể chất cùng tỏ bày, văn lẫn lý đều thông suốt, khiến tâm mắt người ta đều vui thích. Đem bản này gởi cho ông Từ, được ông thiết tha tán thành, chấp thuận, lập tức khắc in lại ngay.

Ông lại bảo tôi viết lời tựa để thuật duyên khởi. Lượng tôi tuy thô lậu, nhưng vì nghĩa chẳng thể từ tạ được. Phải biết lần khắc in này, tuy sửa chữa nhiều, nhưng thật ra không thay đổi gì. Chẳng qua chỉ là sửa cho đúng những chỗ sao chép bị sai lạc, ngõ hòng khôi phục bản lai diện mục cho trước tác của ngài Nam Nhạc mà thôi. Trong đời có người bệnh, hay thực, huống chi tác phẩm này văn nghĩa hiển lộ, được chỗ bị chép sót, sai lầm hay sao? Bậc đại phương gia ắt chẳng cho là Lượng tôi sửa chữa không cẩn thận mà quở trách sâu xa vậy!

Nguồn: ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO – Tăng Quảng Chánh Biên. NXB PHƯƠNG ĐÔNG, 2008.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KHUYÊN NÊN GIỮ LÒNG THÀNH KÍNH
  2. SÁT SANH TRONG NHÀ SẼ BIẾN NƠI Ở THÀNH NƠI OÁN QUỶ TỤ HỘI.
  3. NHÂN QUẢ ĐỊNH LUẬT CĂN BẢN CỦA ĐỜI SỐNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BÀI KÝ TỰ TRÁCH LỖI TRONG VIỆC CHÉP KINH HOA NGHIÊM (Viết thay sư Khoan Huệ)
  2. KHUYÊN NÊN GIỮ LÒNG THÀNH KÍNH
  3. NHÂN DUYÊN QUÁ KHỨ CỦA BỒ TÁT ĐỊA TẠNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP