SCOTT THORPE
Trích: “Tư Duy Như Einstein”; Phạm Trần Long dịch, NXB Lao Động – Xã Hội, 2012.
Albert Einstein được coi là nhà bác học vĩ đại nhất thế kỷ XX. Các công trình khoa học của ông đã gây chấn động không chỉ ngành vật lý mà còn làm đảo lộn nhận thức của loài người về không gian, thời gian, vũ trụ, năng lượng… Chúng ta cũng có thể trở thành những Einstein của thế kỷ XXI! Hãy khám phá hành trình đầy thú vị đó trong Tư duy như Einstein.
Dựa trên các cách thức tư duy của Einstein, bộ óc phi thường nhất trong lịch sử, Tư duy như Einstein mở ra những giải pháp đột phá để đối mặt, giải quyết mọi thách thức trong học tập, công việc, cuộc sống, các mối quan hệ, để không ngừng sáng tạo và phát triển mỗi ngày.
Tác giả Scott Thorpe sẽ giúp bạn từng bước, từng bước giải phóng mình khỏi lối mòn tư duy, để bạn thoả sức tưởng tượng ra những điều điên rồ nhất, nhưng cũng có thể là giải pháp quan trọng nhất cho cuộc sống của bạn. Hãy sở hữu những bí quyết có thể giúp tháo gỡ mọi vấn đề! Bắt đầu bằng bí mật quan trọng của thiên tài sáng tạo Einstein – phá vỡ nguyên tắc. Tiếp đến là:
- Xác định đúng vấn đề
- Phá vỡ khuôn mẫu
- Phát triển một giải pháp
Không chỉ hữu ích cho cá nhân, những phương pháp thông minh trong cuốn sách này còn có thể áp dụng cho cả các tổ chức trong mọi hoạt động.
— ⚛️⚛️⚛️ —
“Chẳng có biểu hiện của sự điên rồ nào rõ ràng hơn việc làm đi làm lại một việc và mong đợi kết quả sẽ khác đi.”
– ALBERT EINSTEIN –
⚛️ BẠN CÓ THỂ TƯ DUY NHƯ EINSTEIN
Bạn có thể tư duy một cách đầy hình tượng, phá bỏ mọi tiền lệ giống như Einstein. Ai cũng có quyền phá bỏ nguyên tắc. Chúng ta thuộc chủng tộc những nhà sáng tạo. Con người chậm chạp, mềm yếu thường bị coi là những sinh vật ít có khả năng tồn tại nhất trong môi trường khắc nghiệt của thế giới. Nhưng chúng ta có thể chiến thắng các sinh vật dữ tợn khác vì chúng ta có thể phá bỏ nguyên tắc hay thay đổi chiến lược ngay lập tức chứ không phải đợi đến thế hệ sau.
Trẻ em ban đầu là những nhà sáng tạo siêu đẳng. Do không có bất kỳ chướng ngại nào ngăn trở nên các em có thể đưa ra các giải pháp xuất sắc. Càng trưởng thành chúng ta càng cảm phục những cách tư duy táo bạo. Cách mạng thật đáng ngưỡng mộ. Người khởi xướng các xu thế được thần tượng hóa. Thật xấu hổ nếu có một xu thế bị coi là không độc đáo, chán ngắt hay máy móc. Chúng ta trân trọng các cơ hội phá bỏ nguyên tắc.
Nhưng nếu thay đổi, sáng tạo và đổi mới là những đặc trưng rõ nét của con người thì tại sao chúng ta vẫn phạm phải những lỗi tư duy theo lối mòn như vậy? Điều gì đã xảy ra với năng lực thiên bẩm của chúng ta về phá bỏ các nguyên tắc?
? Được Đào Tạo Để Tuân Thủ Các Nguyên Tắc
“Chỉ có một điều duy nhất gây trở ngại cho việc học của tôi là nền giáo dục tôi tiếp nhận.”
– ALBERT EINSTEIN –
Sở dĩ khả năng phá bỏ nguyên tắc của chúng ta tàn lụi đi là vì chúng ta được đào tạo để tuân thủ các nguyên tắc. Giáo dục, hòa nhập xã hội và tiêu chuẩn hóa “vào hùa” với nhau để giữ những quy tắc hành xử theo lối mòn thành thông lệ.
Einstein chưa bao giờ là một người dễ phục tùng. Chúng ta thường nhớ đến hình ảnh của Einstein – vị giáo sư già điềm đạm, nhưng Einstein – người tìm ra Thuyết Tương đối – lại là người có vấn đề về thái độ. Hiếm khi ông tới lớp học, mà thường thích vùi đầu trong phòng thí nghiệm. Cách học tập độc lập đó khiến Einstein phải trả giá. Các giáo sư của ông rút lại thư giới thiệu vốn sẽ đảm bảo cho ông một vị trí trong trường đại học. Nhưng Einstein không mù quáng trong việc tiếp thu những kiến thức đương thời. Đó chính là một lợi thế rất lớn.
Sau khi ra trường, chúng ta tiếp tục học cách làm theo các quy trình, ngả theo số đông và tôn trọng quyền lực. Thậm chí, ngay cả các tổ chức cần phải cách tân cũng hạn chế những nếp suy nghĩ mới. Nếu trong một cuộc họp có ai đó đưa ra một ý tưởng “điên rồ” thì sẽ chẳng có ai nghĩ: “Chà, cách suy nghĩ độc đáo này có thể dẫn tới một giải pháp mới lạ”. Thay vào đó, mọi người còn trợn mắt tức giận rồi quay trở lại cuộc thảo luận. Chúng ta được dạy cách học các quy tắc, tuân thủ và tôn thờ các quy tắc đó.
Einstein đưa ra được những tư duy tốt nhất khi ông hoàn toàn tách biệt với cộng đồng khoa học. Khi làm việc tại phòng sáng chế, ông không bị ai can thiệp vào những nghiên cứu vật lý. Không có một ủy ban chức vụ nào dọa dẫm ông. Và cũng chẳng có vị trưởng khoa hay cục trưởng nào ngự trị trên các ý tưởng “ngông cuồng” của ông. Ông không tham dự các hội nghị để xem mọi người đang suy nghĩ thế nào. Einstein được tự do sáng tạo các giải pháp tuyệt vời. Và ông đã làm được.
Tiền lệ ảnh hưởng rất lớn đến nếp suy nghĩ của chúng ta. Chẳng hạn, đoàn tàu tiên tiến, hiện đại nhất nhưng vẫn chạy trên đường ray có khoảng cách tiêu chuẩn cũ. Đường ray do các kỹ sư người Anh thiết kế để sử dụng ở Anh lại trở thành tiêu chuẩn ở Mỹ. Ban đầu, các kỹ sư người Anh thiết kế loại đường ray tiêu chuẩn này theo kích thước quy định đối với trục bánh xe của thiết bị chế tạo toa xe lúc đó. Như vậy mới vừa với các con đường ở Anh. Chuyện đường ray xe lửa của Anh bắt đầu giống như câu chuyện về những con đường La Mã. Thoạt đầu, những chiếc chiến xa của La Mã tạo thành các con đường ở La Mã. Trục của những chiếc chiến xa này được thiết kế để vừa chỗ cho hai con ngựa kéo.
Một hệ thống vận tải hiện đại nhưng đã không thể thoát khỏi vòng kiềm tỏa của kích thước chuẩn mực cho hai con ngựa thời La Mã. Tương tự như vậy, tư duy của bạn bị định hình bởi những nếp tư duy cũ kỹ đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Chúng ta tiếp tục duy trì các cách tư duy theo lối mòn hàng thiên niên kỷ mà không hề nhận ra cơ sở tồn tại của nguyên tắc đã biến mất. Tồi tệ hơn, chúng ta còn trở thành các chuyên gia về những nguyên tắc đó.
? Chúng Ta Trở Thành Các Chuyên Gia
“Để trừng phạt tôi về thái độ khinh miệt quyền lực, số phận biến tôi trở thành một thứ quyền lực.”
– ALBERT EINSTEIN –
Không ngạc nhiên khi nhận thấy rằng Einstein – người phá bỏ các nguyên tắc vĩ đại cũng chính là một Einstein non nớt, chưa có kinh nghiệm. Những người chưa có kinh nghiệm nuôi dưỡng các đột phá có thể đoạt giải Nobel. Họ nhận giải thưởng và được thừa nhận khi đã trở thành các chuyên gia nổi tiếng. Tuy nhiên, họ đã phải ấp ủ ý tưởng từ khi còn non nớt, mới vào nghề.
Người chưa có kinh nghiệm là những người phá vỡ nguyên tắc tốt nhất. Thật dễ phá bỏ một nguyên tắc vừa được học. Người chưa có kinh nghiệm biết các khái niệm, nhưng vẫn có thể bỏ qua chúng. Điều này cũng giống việc học các phong tục tập quán của một nền văn hóa khác. Một người nước ngoài có thể học và làm theo một tục lệ nào đó, nhưng anh/chị ta vẫn có thể vi phạm tục lệ mà không thấy băn khoăn gì vì nguyên tắc vẫn chưa bắt rễ trong đầu óc họ. Trái lại, một người bản địa thậm chí không dám nghĩ tới việc vi phạm phong tục vì nếp tư duy đã trở thành thâm căn cố đế.
Tất cả chúng ta đều sẽ phát triển kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Trong quá trình này, những người chưa có kinh nghiệm mất dần tài năng phá bỏ các nguyên tắc. Các ý tưởng trở thành những nguyên tắc bất khả xâm phạm. Chúng ta sẽ không thể phá vỡ các nguyên tắc ấy cũng như chúng ta không thể không tuân theo lực hấp dẫn được.
⚛️ AI CŨNG CÓ THỂ TƯ DUY NHƯ EINSTEIN
“Toàn bộ thế giới khoa học chẳng là gì khác ngoài sự tinh lọc của những tư duy thường ngày.”
– ALBERT EINSTEIN –
Ai cũng có thể tư duy như Einstein, bất chấp tuổi tác hay nền giáo dục. Thậm chí, các chuyên gia có thể trở thành những nhà cải cách danh tiếng. Kinh nghiệm giảng dạy trẻ câm điếc giúp Alexander Graham Bell hiểu biết thấu đáo về giọng nói khi ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo điện thoại. Ngoài ra, ông còn có một lợi thế khác: ông biết rất ít về thiết bị điện. Trong khi mọi người tập trung cải tiến máy điện báo thì Bell mô phỏng dây thanh. Sau này, khi điện thoại khiến ông trở nên giàu có, ông chuyển sang những lĩnh vực mới mà ông lại có thể một lần nữa phá bỏ các nguyên tắc. Ông chế tạo những chiếc diều khổng lồ có thể đưa một người bay lên, chế tạo các thủy phi cơ và cải tiến máy nghe nhạc. Ông không bao giờ để kiến thức hay tuổi tác ngăn cản mình tiếp tục phát minh.
Thiếu chín chắn, không được giáo dục hay chưa có kinh nghiệm đều không phải là vấn đề lớn. Những người non kinh nghiệm liên tiếp gặt hái thành công trong khi có những người kinh nghiệm đầy mình lại thất bại. Họ làm được điều đó vì họ có một lợi thế lớn: họ chưa bị ảnh hưởng bởi nếp tư duy theo lối mòn.
Tư duy theo cách của Einstein không phải là một quá trình phức tạp. Tuy nhiên, quá trình này cũng không dễ dàng. Nó giống như việc bạn viết bằng tay không thuận vậy. Bạn sẽ cảm thấy là lạ khi dùng tay trái để viết tên bạn trong khi bạn thuận tay phải và ngược lại. Bạn muốn quay trở lại cách thông thường – cách thoải mái hơn – càng nhanh càng tốt. Tư duy theo cách của Einstein cũng giống như vậy. Bạn phải coi việc các ý tưởng sẽ bị lý trí thông thường cười nhạo là điều lố bịch. Bạn sẽ phá bỏ được các nguyên tắc vốn được tôn sùng bấy lâu nay, đả phá các tiền lệ được coi là bất khả xâm phạm và tư duy theo những cách khác. Thật may mắn nếu bạn có tâm trạng tốt thì điều này sẽ mang lại nhiều niềm vui. Cách tư duy “thuận cả hai tay” của Einstein đã làm thay đổi thế giới này. Tư duy theo kiểu Einsten có thể làm thay đổi cuộc đời bạn.
Tư duy theo cách của Einstein là một tập hợp các phương pháp mô phỏng cách tiếp cận và giải quyết vấn đề của Einstein. Lối tư duy này hỗ trợ việc xác định đúng vấn đề, phá bỏ các hình mẫu, các nguyên tắc, nuôi dưỡng các ý tưởng sơ khai và thói quen khác thuộc bản tính của Einstein.
⚛️ TƯ DUY THEO CÁCH EINSTEIN
“Đôi khi, người ta phải trả giá rất đắt cho những thứ mà họ chẳng dùng được vào việc gì.”
– ALBERT EINSTEIN –
Từ nhận xét trên của Einstein, ta biết ông coi trọng điều gì khi giải quyết vấn đề. Các phương pháp phá bỏ nguyên tắc mà Einstein sử dụng theo bản năng cũng là các phương pháp mà mọi người đều có thể thực hiện. Bằng cách làm theo những phương pháp của ông, những người thông minh nổi trội trong chúng ta đều có thể tư duy như Einstein. Quá trình này gồm bốn bước cơ bản:
? Xác Định Đúng Vấn Đề
Ngay cả Einstein cũng không thể tìm ra giải pháp nào nếu ông xác định sai vấn đề. Bạn phải có một vấn đề phù hợp, cho phép bạn đưa ra các giải pháp không tưởng khác xa với mong đợi ban đầu của bạn. Những vấn đề không phù hợp ẩn chứa nhiều hạn chế nên chỉ có thể giải quyết chúng bằng những nhiệm vụ bất khả thi. Một vấn đề không phù hợp có thể là: “Tôi muốn bay bằng cách vẫy tay như vỗ cánh.” Một vấn đề phù hợp sẽ cho phép bạn đưa ra nhiều ý tưởng bay bổng đồng thời mở rộng các lựa chọn. Để xác định đúng vấn đề, cần đầu tư suy nghĩ, nhất là khi các giải pháp dường như quá rõ ràng.
? Phá Bỏ Các Hình Mẫu
Khi Einstein sẵn sàng xem xét, cân nhắc bất cứ điều gì, kể cả những ý tưởng ngộ nghĩnh nhất thì ông lại gặt hái được nhiều thành công nhất. Phá bỏ hình mẫu giúp bạn thoát khỏi lối mòn trong tư duy và nghĩ tới các ý tưởng mới lạ mà tính thực dụng thường khiến bạn không bận tâm đến chúng.
? Phá Bỏ Các Nguyên Tắc
Phá vỡ nguyên tắc là cách tìm kiếm giải pháp thận trọng và tập trung. Nếu bạn không thể tìm ra giải pháp trong số những lựa chọn có thể chấp nhận được, bạn nên cân nhắc những lựa chọn bất khả thi. Bạn phải phá bỏ một số nguyên tắc.
? Tìm Kiếm Giải Pháp
Einstein phải mất hàng năm trời miệt mài để có thể phát triển Thuyết Tương đối thành học thuyết hữu dụng. Những giải pháp vĩ đại hiếm khi mang hình vóc to lớn khi mới được thai nghén. So với các ý tưởng đã có thì những đột phá lớn nhất dường như cũng trở nên nhỏ bé. Bạn phải ngừng xét đoán, tìm kiếm sự giúp đỡ. Thậm chí, bạn còn phạm phải sai lầm trong quá trình phát triển một ý tưởng thành giải pháp lớn.
Einstein sử dụng những phương pháp này một cách tự nhiên để thay đổi thế giới. Ông có một vấn đề phù hợp hơn. Ông đùa giỡn với những ý tưởng ngông cuồng. Ông phá bỏ một nguyên tắc cụ thể rồi phát triển ý tưởng khởi phát thành một giải pháp lớn lao. Bạn cũng có thể giải quyết vấn đề của mình theo cách đó.