BA QUAN

THIỀN SƯ LAI QUẢ

LAI QUẢ THIỀN SƯ (1881 – 1953)

? QUA SƠ QUAN

Người tham thiền căn khí lớn nhỏ bất đồng. Sức lớn thấu thẳng ba quan, sức nhỏ thấu hai quan, sức nhỏ hơn chỉ thấu Sơ Quan. Để thấu Sơ Quan, thật đã phải chịu biết bao gay go, nếm biết bao gian khổ mới tiến qua quan này. Một phen tiến qua quan này mới biết từ vô lượng kiếp làm thiện tạo ác, sanh tử luân hồi đều là một trường mê mộng. Nay tỉnh lại rồi, rất sanh hổ thẹn, có người buồn vui lẫn lộn, có người rơi lệ khóc to. Từ đây thay đầu đổi mặt chuyên làm công việc bảo nhậm, ba thứ ác nghiệp nơi thân, bốn thứ ác nghiệp nơi khẩu, ba thứ ác nghiệp nơi ý sẽ dần dần tự sạch hết, còn tập khí căn bản sâu nặng cũng sẽ từ từ tẩy sạch. Đối với bốn ác nghiệp khẩu, ba ác nghiệp ý từ xưa đến nay cử tâm tức lầm, động niệm tức trái, sức của Phật Tổ, cũng chẳng thể trừ giúp ta được, Bồ Tát nguyện lớn cũng chẳng thể cứu ta được. Diêm Vương ác lớn cũng chẳng thể diệt giúp ta được. Phật, Tổ nếu trừ được tham sân si cho ta thì cũng trừ được cho người khác, ắt mọi người trong thiên hạ đều được độ hết. Bồ Tát chẳng cứu được ta thì ta làm sao được cứu. Nếu ta được cứu thì người thế gian cũng đều được cứu, vậy cả thảy đều vô ngã, vô ngã rồi thì làm sao có thế gian! Diêm Vương nếu diệt được cho ta thì địa ngục, tam đồ sẽ không có người đến, hạt giống địa ngục cũng không thì còn ai làm Diêm Vương! Tham sân si của tâm là hạt giống của thế giới, hạt giống của pháp giới, hạt giống của lục đạo, hạt giống của cõi u minh. Muốn bứng cây, phải nhổ gốc. Hạt giống là cái gì ? Là tâm của chúng ta. Hôm nay tiến vào quan khẩu câu thoại đầu của Tổ sư thiết lập rồi, chẳng những tiến vào quan mà ở ngoài quan này nghỉ ngơi cũng được vô cùng thọ dụng. Sao vậy ? Vì thân nghiệp bất tịnh, khẩu nghiệp bất tịnh, ý nghiệp bất tịnh đâu thể đạt đến biên giới của Sơ Quan. Người nào có thể nói ra một câu chuyển ngữ (lời nói vô sở trụ) thì đã qua Sơ Quan, cũng gọi là chứng ngộ. Người chưa chứng ngộ cần phải ba nghiệp trong sạch, rồi mới nói đến việc tiến vào Sơ Quan. Đến đây thì thành Phật chẳng xa. Chỗ tôi giảng đây đều là trình tự công phu, chứ chẳng phải chỗ thấy. Chỗ thấy, người đến tự biết, chẳng cần tôi giảng. Tôi giảng thành quấy.

PHÁ TRÙNG QUAN

Người tham thiền cần phải nỗ lực tham, đừng có một chút do dự, vì do dự ắt ngừng nghỉ khó tiến. Người đã qua Sơ Quan thấy đến việc dưới cửa Tổ Sư, biết được cái tâm độ thế của Tổ Sư. Dù ở trong cửa mà lẩn quẩn ở góc điện. Người chưa nhập vào chỗ sâu kín trong nhà thì có tình hình như thế. Có người còn chưa thấy đến tim phổi của Tổ Sư, chỗ sâu kín bên trong, vì thế sau khi ngộ lại phải nghi nữa, là ý này vậy. Người xưa nói: “Trước khi chưa ngộ như mất cha mẹ, sau khi đại ngộ lại như mất mẹ cha”. Đây là sau khi phá Sơ Quan lại khởi nghi tình mạnh mẽ cầu tiến lên. Sau khi ngộ, dụng công có hai con đường: Một con đường vẫn y theo đường cũ tiến tới tức là con đường dụng công ban đầu. Đây là công phu của bậc đại nhân. Nếu sau khi ngộ tu hành, chỉ là tu mà vô tu, vô tu mà tu, có thể gọi là công phu bảo nhậm. Đây là kiến địa chẳng trụ mà trụ. Nếu cầu chân trụ cần phải chân hành, đến chỗ phải tiến qua một lớp cửa nữa, chân hành chẳng hành, chân trụ chẳng trụ, đến đây cái quan ải của Tổ Sư thiết lập không ngăn trở được. Cái đại nghi sau khi đại ngộ so với người sơ học còn mãnh liệt hơn, vì chẳng cầu ngộ, chẳng cầu mê, chẳng thành Phật, chẳng độ chúng sanh, tâm tham, ý cũng tham, thức cũng tham, thế cũng tham, thân cũng tham, tinh tấn cũng tham, biếng nhác cũng tham, có giới cũng tham, không giới cũng tham, định cũng tham, loạn cũng tham, ngu cũng tham, trí cũng tham, hôn trầm cũng tham, vọng cũng tham, mê cũng tham, tỉnh cũng tham, đây gọi là đại tham sau khi ngộ. Đại tham tức là trùng nghi (ngộ rồi nghi lại) vậy. Có công phu trùng nghi chắc chắn sẽ phá Trùng Quan. Người tiểu căn mặc dù sanh tử có thể liễu, luân hồi có thể ngừng, đây chỉ là nửa đường mà họ chẳng chịu tự bỏ để tiến lên, vì chẳng tự bỏ tức là có sở trụ rồi. Phải dũng mãnh tiến lên đến chỗ chẳng nghi thì Trùng Quan thật chẳng còn xa. Đợi khi công phu miên mật, người và Pháp đều quên, phàm thánh chẳng khác, dần dần thấu qua Trùng Quan. Ba quan của Thiền Tông chỉ nói chỗ hành, chẳng nói chỗ thấy. Chỗ thấy như người uống nước lạnh nóng tự biết. Chẳng phải tôi không nói, chớ nghi tôi không lời, mọi người đến đây rồi tự biết.

? THẤU LAO QUAN

Người tham thiền sau khi phá Trùng Quan, cần nhất không nên lìa công phu bước đầu. Như người dùng chân đi đường, chẳng phải tàu thủy, chẳng phải xe lửa, thí dụ như người ở Sài Gòn muốn đi Vũng Tàu, dùng chân đi đến địa phận Long Thành dụ cho phá Sơ Quan. Người sức nhỏ dừng lại lưu luyến mấy ngày hoặc trụ luôn ở đó. Đây là chỗ hành của người qua Sơ Quan. Người sức lớn biết chỗ này chẳng phải là Vũng Tàu liền bỏ đi, trên đường không có gai gốc sỏi đá, đại lộ bằng phẳng, dụ cho sau khi phá Sơ Quan không còn chút trở ngại, vung tay đi thẳng, lại đến Bà Rịa (Trùng Quan) phạm vi rộng lớn hơn, nhãn giới mở mang, đa số người muốn trụ ở đây. Suy nghĩ thêm nữa, phía trước còn có đường đi nên tiếp tục tiến tới, càng đi càng thấy thù thắng hơn cho nên đi mãi đến tận Vũng Tàu. Phật Pháp vốn chỉ một thừa, phương tiện mà nói thành ba. Thiền Tông vốn một Pháp ngộ, vì con người căn khí có lớn nhỏ, nên phương tiện nói có ba quan. Nhưng ba quan này có người sơ tham dũng mãnh truy cứu thẳng phá Lao Quan (Vũng Tàu). Có người sơ tham thẳng phá Trùng Quan (Bà Rịa), về sau chịu khổ tu hành lâu ngày cũng phá Lao Quan (Vũng Tàu). Lại có người sơ tham hạnh chẳng tinh nhuệ, sức chẳng dũng mãnh, song cũng ráng sức qua Sơ Quan (Long Thành). Người sức lớn như voi qua sông, chân đạp đến đáy. Người sức trung bình như nai qua sông, chân ở giữa chừng. Người sức nhỏ như thỏ qua sông, nổi trên mặt nước. Giả sử đều là bậc thượng căn tham thiền thì cùng nhau đến Mạt Hậu Lao Quan, đồng thời đập vỡ, ra khỏi Lao Quan. Tình trạng sau khi ra khỏi Lao Quan dù tất cả Kinh giáo của chư Phật, ngữ lục của Tổ Sư, sự nghiệp độ sanh của Bồ Tát, Pháp giới, hư không giới, thật tế giới, Chân Như giới, Niết Bàn giới, bất cứ cảnh giới Phật Thánh nào, đều nhất thời siêu việt. Ví như tất cả chư Phật và chúng sanh chưa ra ngoài hư không một bước, Lao Quan chính là ở ngoài hư không. Ra khỏi hư không tức là ra khỏi Lao Quan, nếu lấy hư không dụ cho Lao Quan, vậy ai là người ra được cái Quan này? Chỉ có người tham thiền mới chẳng nhọc nửa bước mà chắc chắn ra được cái Quan này. Người đọc hỏi: Nghĩa chánh sao chưa nói rõ? Đáp: Chẳng phải vậy. Nghĩa chánh của một quan còn chưa nói, huống là ba quan ư!.

Trích “Tham Thiền Phổ Thuyết” – Việt Dịch: HT.Thích Duy Lực

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN VÀ ĐẠI TOÀN THIỆN (DZOGCHEN)
  2. BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU CỦA BỒ TÁT_Pháp Tu Thứ 16
  3. NHỮNG GIÁO LÝ THIẾT YẾU CỦA ĐẠI THỪA

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ