BẠN SẼ LÀM GÌ VỚI NHỮNG KHỔ ĐAU?

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Ngọn Đèn Trí Tuệ Tỏa Khắp; Trần Thị Lan Anh dịch – Hiệu đính: Ban dịch thuật Thiện Tri Thức; NXB Thiện Tri Thức.

Mọi khổ đau tựa như cái chết của đứa con giấc mơ. Coi những hiện tượng giả huyễn là thật có, người ta trở nên mệt mỏi. Do đó khi gặp những tình huống bất lợi hãy xem chúng như giả huyễn đó là Pháp tu Bồ tát. – Kệ 24, 37 pháp tu Bồ tát.

Khi người ta thực hành con đường Phật Pháp, chúng ta học cách để đưa các tình huống bất lợi làm con đường. Bất cứ khổ đau nào mà bạn đang phải chịu đựng lúc này cũng đều đã được tạo ra trong quá khứ, nó không nhất thiết phải là kết quả của những gì bạn làm trong cuộc đời này. Ví dụ các hạt giống của cây lúa mỳ làm nên bánh mỳ bạn ăn trong năm nay đã được trong năm ngoái. Người ta thường hỏi về các vấn đề của họ và đau khổ về chúng. Một số người bị mất hàng triệu đô la, họ cho ai đó vay và người kia không trả lại. Họ đã làm trong thời gian dài để kiếm được số tiền đó, và rồi chúng ra đi hết trong cùng một lúc. Nếu bạn không hiểu về nghiệp, bạn sẽ chiến đấu với người kia và cố gắng để thu lại được tiền, ví dụ bạn kiện họ ra tòa. Người ta chiến đấu vì tiền thậm chí ngay cả khi phải trả giá bằng mạng sống của họ. Nêu một người hiểu về nhân quả nghiệp báo, sẽ hiểu rằng sự không may là kết quả của những hành động của bản thân trong quá khứ. Nếu nghiệp của bạn là có tiền quay trở lại thì rồi nó sẽ quay trở lại. Nếu bạn không có nghiệp để lấy lại tiền thì tiền sẽ không quay trở lại. Nếu hiểu rằng nghiệp sẽ quyết định thì bạn có thể chấp nhận nó như thực tế. Bạn nên hiểu rằng trong quá khứ do bởi các cảm xúc ô nhiễm, bạn đã làm điều gì đó sai trái và bây giờ bạn đang trải nghiệm nghiệp quả. Bây giờ bạn đang trả món nợ nghiệp. Nếu bạn hiểu được về nghiệp thì bạn có thể chuyển hóa đau khổ thành hạnh phúc và không bám chấp vào các mất mát hay thất vọng.

Ở khía cạnh tương đối, hành giả dùng các tình huống bất lợi làm con đường thông qua việc thấu hiểu về nghiệp. Ở góc độ tuyệt đối, hành giả nhận biết rằng mọi đau khổ chẳng qua chỉ là niệm tưởng, rồi quan sát niệm tưởng và để cho niệm tưởng tan vào trạng thái tự nhiên của nó. Ở khía cạnh tuyệt đối thì hạnh phúc và khổ đau là như nhau. Nếu hành giả hiểu được ý nghĩa của tánh Không thì không cần thiết phải sử dụng biện pháp đối trị tách biệt nào cả.

Có nhiều tình huống bất lợi khác nhau mà chúng ta gặp phải, và chúng ta có thể giải quyết chúng thông qua Chân lý Tương đối – thông qua thấu hiểu về nghiệp, hay thông qua thiền định. Theo Mật thừa thì chỉ thông qua thiền định mà các niệm tưởng tan biến. Dù cách nào đi nữa thì mục đích chúng ta thực hành pháp là để phát triển khả năng xử lý các tình huống nghịch cảnh. Chúng ta tham gia mọi hoạt động mà không có kỳ vọng hay lo sợ. Tất nhiên là chúng ta cần nhận trách nhiệm nhưng không nên có bất cứ hy vọng hay sợ hãi liên quan đến việc liệu mình có hoàn thành được các công việc không. Trước khi làm việc gì, bạn có thể lên kế hoạch tiến hành công việc dựa trên kế hoạch đó, nhưng còn việc liệu có hoàn thành được công việc đó không còn tùy thuộc vào nghiệp và công đức của bạn. Bạn chẳng thể thành tựu được thứ gì chỉ bằng việc mong cầu nó thành tựu, thay vào đó bạn cần công đức và thiện nghiệp. Các đại Đạo sư quá khứ đã nói rằng những người có công đức tột cao sẽ thành tựu bất cứ thứ gì họ mong muốn một cách dễ dàng. Bất cứ nơi nào họ đến thì công đức của họ cũng luôn tỏa sáng như mặt trời. Những người thiếu công đức thì giống như ngọn đèn bơ khi hết bơ thì ngọn lửa tắt, điều này cũng giống như công đức đến hồi cạn kiệt. Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ không có hy vọng hay lo sợ bởi vì bạn biết rằng việc mình có hoàn thành được công việc gì đó hay không thì còn phụ thuộc vào nghiệp của mình. Nếu nó được hoàn thành thì đó là do bởi sự từ ái của Tam Bảo. Nếu nó không được hoàn thành thì đó là do nghiệp của bạn.

Nếu không có hy vọng hay lo sợ thì cũng sẽ không có những niệm tưởng bám luyến hay thù nghịch. Nhưng việc của cuộc đời này không quan trọng lắm, điều quan trọng hơn nhiều là chuẩn bị cho cuộc đời vị lai. Hãy tịnh hóa tâm mình, hãy cẩn thận không tích lũy thêm các cảm xúc ô nhiễm, và hãy trưởng dưỡng tâm yêu thương và bi mẫn. Nếu bạn làm được như thế thì cũng không cần thiết phải ẩn cư ở những nơi nhập thất cô lập. Tâm bạn sẽ hạnh húc, và bạn sẽ đi từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, bởi vì nếu bạn có tình yêu thương và lòng bị mẫn thì một cách tự nhiên bạn sẽ thực hiện các thiện hạnh như bố thí, trì giới, và kham nhẫn. Và kết quả của điều đó là bạn sẽ luôn luôn trải nghiệm hạnh phúc tạm thời của các cõi cao.

Ví dụ do bởi trì giới bạn sẽ có được thân người trân quý. Do bởi bố thí bạn sẽ có được của cải. Do bởi kham nhẫn bạn sẽ gặp được những người bạn hòa hợp, có cuộc sống trường thọ và khuôn mặt xinh đẹp. Tất cả hạnh phúc và phẩm tánh của các cõi cao đều có được do bởi việc đã trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng bi mẫn. Và cuối cùng thì kết quả là bạn sẽ đạt được giác ngộ khi mà chấp ngã đã trở nên cạn kiệt. Đó là các lợi ích của việc hiểu được về cái thấy, thiền định, và công hạnh; bao gồm cả lợi ích tạm thời và lợi ích tối hậu. Bạn sẽ đi từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, và thậm chí nếu bạn không đạt được giác ngộ trong cuộc đời này thì tâm của bạn vẫn được hạnh phúc trong cuộc đời này và trong các cuộc đời vị lai.

Để có thể thành công trên con đường tu tập, chúng ta cần phải bắt đầu với việc hiểu rõ về Cái thấy.

Bản văn nói “Về phần cái thấy, Longchen Rabjam: Pháp giới vô tận, toàn khắp…” Cái thấy bao gồm hai loại: học thuyết của các thừa Phật giáo (yanas) và cái thấy do trực tiếp chứng nghiệm thực tại. Mặc dù cả hai có vẻ tương đồng khi nói về cái thấy nhưng sẽ là sai lầm khi cho rằng chúng là một.

Khenpo Munsel Rinpoche đã chỉ ra rằng có hai loại cái thấy. Đầu tiên là hiểu về các thừa (yanas) – ở đây muốn nói đến dòng truyền thừa học thuật – ví dụ như cái thấy của Trung Quán luận. Thông qua biện chứng lô-gíc, hành giả đi đến chỗ hiểu về tánh Không. Sự hiểu biết này về tánh Không có thể bị nhầm với cái thấy thật sự được chứng ngộ thông qua thực hành, nhưng thực ra chúng không phải là một. Chỉ thông qua con đường của sự phát nguyện và con đường của lòng sùng mộ – đó là, vững tin vào giáo Pháp được vị Đạo sư truyền ban, thật sự phát nguyện chứng ngộ được các chỉ dẫn ấy và đưa chúng vào thực hành – thì chúng ta sẽ có khả năng có được cái thấy.

Toàn bộ ý nghĩa của điều đó được truyền đạt trong bình giảng về ba lời tuyên thuyết này, bởi vì chúng chỉ thẳng vào điểm cốt tủy, và mê lầm bị tiêu hủy.

Mê lầm là gì? Đó là một nhận thức sai lầm, một tà kiến và một hạn chế. Ví dụ một người có thể rơi vào hạn chế của sự chấp đoạn, hay bị rơi vào hạn chế của tư tưởng cho rằng mọi sự là thật có. Có đủ kiểu cái thấy sai lầm hay tà kiến, nhưng tóm lại chúng được tóm tắt thành hai nhóm: quan niệm chấp thường và quan niệm chấp đoạn. Mê lầm đến từ việc bám chấp vào thực tại. Khi có bám chấp thì tâm trở nên bất tịnh. Nếu bạn muốn tịnh hóa tâm mình, bạn phải trở nên tự do thoát khỏi mọi bám chấp. Ngài Sakya Pandita nói rằng, “Khi có bám chấp thì không có cái thấy.” Để cho tâm trở nên hoàn toàn thanh tịnh giống như nước tinh khiết, hành giả cần phải tách lìa khỏi mọi bám chấp. Nếu có bám chấp thì người ta không thể nhìn thấy trạng thái thanh tịnh của tâm, và đó chính là mê lầm. Khi chứng ngộ bản tâm thì bạn sẽ trở nên tự do khỏi mọi bám chấp. Việc thực hành ba lời tuyên thuyết chỉ thẳng vào điểm cốt tủy gồm có: được giới thiệu về bản tánh thật sự của mình, xác quyết về bản tánh độc nhất này, và đạt được sự xác tín trong sự giải thoát các niệm tưởng.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT
  2. 37 PHÁP HÀNH BỒ TÁT ĐẠO

Bài viết khác của tác giả

  1. SÂN GIẬN
  2. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU
  3. NỀN TẢNG (PHẬT TÁNH – BẢN TÁNH CỦA TÂM) KHÔNG DO NHÂN DUYÊN

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG