MATTHIEU RICARD
Trích “Bàn Về Hạnh Phúc”; Tác giả: Matthieu Ricard; Dịch giả: Lê Việt Liên; NXB: Lao Động & Thái Hà Book, Năm 2017
Tự do với quá khứ. tự do với tương lai
Một hôm, một người Tây Tạng đến gặp một nhà thông thái cao tuổi mà tôi đã từng biết ở gần Darjeeling (Ấn Độ). Anh ta kể cho ông về những nỗi bất hạnh của mình trong quá khứ, rồi lại tiếp tục liệt kê tất cả những điều anh ta lo ngại cho tương lai. Trong suốt thời gian đó, nhà thông thái vẫn thong thả nướng khoai trên một chiếc lò than nhỏ đặt trước mặt ông. Một lúc sau, ông nói với người khách hay phàn nàn kia rằng: “Dằn vặt nhiều như vậy để làm gì? Quá khứ đã qua, còn tương lai chưa tới”. Người khách sững sờ im bặt và ở lại bên nhà thông thái một hồi lâu trong yên lặng, nhấm nháp những củ khoai nướng thơm ngon ông đưa cho.
Tâm tự do giúp ta thưởng thức cái giản đơn trong sáng của khoảnh khắc hiện tại, không bị quá khứ ràng buộc và được giải phóng khỏi tương lai. Thoát ra khỏi vòng lấn ồ ạt của các kỷ niệm thời dĩ vãng không có nghĩa là ta mất đi khả năng rút ra những bài học bổ ích từ những kinh nghiệm đã trải qua. Thoát khỏi những nghi ngờ đối với tương lai không bao hàm ý rằng ta không thể sáng suốt tiếp cận tương lai, mà có nghĩa là chúng ta không để cho những dằn vặt vô bổ lôi kéo mình đi.
Một trạng thái tự do như vậy có đầy đủ sáng suốt, rõ ràng và niềm vui mà hàng lô những nghiền ngẫm và vọng tưởng hàng ngày làm ta không thể có được. Nó cho phép ta chấp nhận mọi thứ với thái độ thanh thản, nhưng không vì thế mà rơi vào thế bị động và yếu hèn. Đó cũng là một cách sử dụng mọi hoàn cảnh trong cuộc đời như những chất xúc tác để chuyển hóa bản thân, tránh rơi vào tình trạng lơ đễnh hoặc hung hăng trong các tình huống thuận lợi, hoặc suy sụp, trầm uất khi chúng trở nên bất lợi.
Tính thông minh của thái độ buông xả
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tấm gương về sự buông xả là người vô cùng thực tế. Ngài khước từ thế gian này không phải do cuộc sống vương giả của Ngài không đủ lộng lẫy xa hoa, cũng không phải do những ham muốn của Ngài không đạt được hoặc những khát khao của Ngài không được thỏa mãn. Đức Phật đã nếm trải mọi xa hoa, mọi trò giải trí, mọi cảnh giàu sang, sắc đẹp, quyền lực và tiếng tăm. Ngài không chối bỏ những gì người ta mong ước trong cuộc sống, mà chỉ khước từ khổ đau, khước từ sự bất mãn là tính chất cố hữu của thế giới do thiếu hiểu biết. Dưới gốc cây Bồ đề, vào lúc bình minh của sự Giác ngộ, khi những bức màn vô minh cuối cùng rớt xuống, Đức Phật hiểu ra rằng thế giới của các hiện tượng được biểu hiện thông qua sự vận hành của trạng thái phụ thuộc lẫn nhau và không cái gì có thể tồn tại độc lập, thường hằng, kể cả “cái tôi” lẫn vạn vật. Ngài tuyên bố với Ma vương – con quỷ của bản ngã rằng: “Này kẻ tạo tác, ngươi sẽ không tạo dựng được nơi trú ngụ của mình nữa đâu”.
Những lời giảng sau đó của đức Phật không dạy về sự thất vọng. Khước từ là một cách làm chủ cuộc đời mình, có nghĩa là không để mình bị thao túng như một con rối bởi lòng vị ngã, bởi cuộc chạy đua tới quyền lực và của cải, bởi thèm khát tiếng tăm và bởi cuộc săn tìm lạc thú vô độ. Người chối bỏ chân chính hoàn toàn có trí tuệ và được thông tin đầy đủ về những gì xảy ra xung quanh mình. Người đó không trốn tránh thế gian không phải vì không có khả năng làm chủ nó, mà bởi vì họ bỏ qua những mối bận tâm phù phiếm do nhận thấy ở đó những bất cập. Phương pháp tiếp cận của họ vô cùng thực dụng. Bao nhiêu người lăn lộn, đam mê hoặc rụt rè đã bị lạc lối trong những sai lệch của cuộc đời, trong một kiếp người “trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ”? Nhà thơ Pháp Rimbaud đã viết: “Tôi đã đánh mất cuộc đời mình do yếu đuối”. Người biết khước từ không thể hiện tính yếu đuối, mà lòng can đảm.
Khước từ còn mang hương vị đắm say của sự giản dị và bình an sâu sắc. Khi ta đã được thưởng thức hương vị đó, nó sẽ quay lại với ta ngày một dễ dàng hơn. Tuy nhiên chúng không cưỡng ép mình buông xả, bởi vì làm như vậy sẽ là hoang tưởng và bạt mạng. Muốn từ bỏ một điều gì, cần phải nhận thấy rõ ràng những lợi lạc từ việc đó và cảm nhận sâu sắc niềm khát khao được giải thoát khỏi cái mà mình sẵn sàng buông xả. Lúc ấy, khước từ sẽ được cảm nhận như một hành động giải phóng, chứ không phải như một sự cưỡng ép đau lòng.
Tuy nhiên, chúng ta không vì từ bỏ mà coi nhẹ những người đang chia sẻ cuộc sống với mình khi chúng ta thoát khỏi những trò chơi tụt dốc không dứt, trong đó hạnh phúc và khổ đau liên tục kế tiếp nhau. Là người lữ hành mệt mỏi hoặc một khán giả đã say mềm bởi những hình ảnh và âm thanh, chúng ta rút về với yên lặng. Làm như vậy, ta không vứt bỏ cái gì cả mà chỉ đơn giản hóa mọi thứ mà thôi.
Hương thơm của hạnh giản dị
“Cuộc đời chúng ta bị phân tán vào những điều nhỏ mọn… Hãy đơn giản đi, đơn giản đi, đơn giản đi…” như lời của nhà đạo đức học người Mỹ Henry David Thoreau. Đơn giản đi trong hành động trong và trong suy nghĩ của chúng ta để rũ bỏ những điều thừa, không cần thiết. Đơn giản các hoạt động của chúng ta không phải là rơi vào tình trạng biếng nhác, mà trái lại vươn tới một trạng thái ngày càng tự do và cải thiện được đặc tính tế nhị nhất của sự ì trệ: đó là chúng ta bị lôi cuốn vào vô số những hoạt động phụ, không đứt như những đợt sóng, ngay cả khi vẫn ý thức được những gì là cốt yếu của cuộc sống.
Đơn giản hóa lời nói là tránh nói vô vàn những câu vô ích mà người đời thường liên tục tuôn ra. Nhất là không nói những lời làm tổn thương, đau đớn người khác. Những câu chuyện vãn là “tiếng vọng của những tiếng vọng”, như đại sư sống ẩn dật Patrul Rinpoche đã nhận xét. Chỉ cần bật ti vi hoặc tới dự một buổi tiệc của giới thượng lưu là đủ để bị ngợp trong một biển lời không những vô bổ, mà còn làm gia tăng lòng tham, hận thù, kiêu mạn… Ở đây không phải là tự nhốt mình trong im lặng kiêu sa, mà là ý thức được thế nào là một lời nói đúng chánh ngữ và cách thể hiện giá trị của thời gian. Chánh ngữ là không ba hoa, dối trá vì lợi ích riêng, không nói những lời độc ác và ngồi lê mách lẻo chỉ với mục đích mua vui hoặc gây hoang mang. Chánh ngữ luôn luôn phù hợp với các tình huống, hiền hòa hay kiên quyết tùy từng trường hợp; nó xuất phát từ tâm niệm vì người khác và phải được kiểm soát.
Có đầu óc đơn giản không phải là bị mắc chứng thiểu năng trí tuệ. Ngược lại, một tâm hồn đơn giản bao giờ cũng đi liền với sáng suốt. Giống như nước trong giúp ta nhìn được xuống tận đáy hồ, sự đơn giản cho phép ta nhìn thấu bản chất của tâm bị lấp đằng sau những lớp suy nghĩ trôi nổi.
André Comte-Sponville đã bày tỏ điều đó một cách đầy cảm hứng như sau: “Người bình dị sống cũng như anh ta thở vậy: không phải nỗ lực hơn, cũng không cần vẻ vang, không ảnh hưởng cũng không hổ thẹn. Giản đơn không phải là một đức hạnh thêm vào cuộc đời. Nó chính là cuộc đời theo nghĩa là không thêm thắt gì vào đó cả […] Không có sự phong phú nào khác ngoài tất cả. Không có kho báu nào khác ngoài chẳng có gì. Bình dị là tự do, là nhẹ nhàng, là trong trẻo. Đơn giản như không khí, tự do như khí trời […] Người bình dị không tự cho mình là quan trọng, cũng không thấy mình là đáng thương. Anh ta cứ dần dần vững bước đi lên, lòng thơ thới, tâm bình an, không mục đích, không lưu luyến, không bồn chồn. Thế giới là vương quốc của anh ta và anh ta thấy thế là đủ. Hiện tại là vĩnh cửu đối với người này và khiến anh ta hạnh phúc. Anh ta chẳng có gì để chứng tỏ, bởi lẽ chẳng muốn lộ ra điều gì. Cũng chẳng có gì phải tìm kiếm, bởi vì mọi thứ thế là đủ. Còn gì giản đơn hơn sự bình dị? Còn gì nhẹ nhàng hơn thế? Đó là đức hạnh của những người có trí tuệ, và là minh triết của các vị Thánh”.