NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Già bệnh chết là lằn ranh hữu hạn của một đời người, không ai có thể vượt qua. Nếu sự sung sướng khi chúng ta có được những gì trong đời này lớn bao nhiêu thì sự khổ đau khi chúng ta mất dần dần cho đến lúc mất hết chắc hẳn cũng lớn bấy nhiêu. Chẳng có ngành học thuật nào, khoa học nào giải quyết cho chúng ta chuyện có sanh thì có diệt. Chưa nói đến một hạnh phúc trường cửu cho cả một đời người.
Vậy thì chúng ta muốn gì, tìm gì khi đến với cuộc đời này? Kính mời quý độc giả cùng theo dõi.
Làm người, khi thân thể và ý thức phát triển đến mức căn bản của một con người sống ở đời, chúng ta đều có những mong muốn và tìm cách thực hiện những mong muốn ấy. Những điều mong muốn ấy thì có sẵn trước mắt chúng ta, chưa kể đến việc xã hội luôn luôn dạy bảo, tuyên truyền cho chúng ta về những điều ấy. Một ngôi nhà đẹp, một chiếc xe, một gia đình, một sự nghiệp, giàu có, quyền lực, trí thức, nhà kinh tế, nhà vật lý, …
Để thực hiện những mong muốn ấy chúng ta phải cạnh tranh, hay nói thẳng ra, phải tranh giành. Tranh nhau để được học một đại học tốt, tranh nhau để được một chỗ làm tốt, tranh nhau để có sự nghiệp, tranh nhau để giàu có, để nổi danh. Dĩ nhiên sự tranh nhau này là hợp pháp và hợp lý, vì chúng ta là con người. Chúng ta có thể tự an ủi rằng, mình xứng đáng hơn thì mình được. Nhưng dù gì đi nữa, cái được của mình là cái mất của người khác. Chẳng có gì là “ở đời muôn sự của chung” cả.
Nếu không được đạo Phật chỉ đường, đâu là “con đường tốt đẹp ở chặng đầu, tốt đẹp ở chặng giữa, tốt đẹp ở chặng cuối cùng”, thì có thể chúng ta để toàn bộ năng lượng của một đời người cho những cuộc tranh giành đó. Sự tranh giành tố cáo một điều: cuộc đời này là hữu hạn, vật chất là hữu hạn, sự giàu có là hữu hạn, danh vọng quyền lực là hữu hạn, …
Đã thế đôi khi sự giành lấy còn được thực hiện bằng những mưu mô, thủ đoạn, những hành động xấu (nghiệp xấu). Và hành động nào phát ra, một lực đã phát ra, thì đều không biến mất, mà phản hồi trở lại (nghiệp báo). Chúng ta càng bị trói buộc thêm vào vòng vay trả trả vay. Cuộc đời chúng ta đã bị giới hạn muôn bề, lại càng thêm giới hạn.
Lớn lên, chúng ta đã trải nghiệm thế nào là già, bệnh, chết, dù chỉ là trải nghiệm gián tiếp, qua những người khác. Già, không thể điều khiển thân thể và trí óc như ý muốn. Bệnh, sự suy thoái rất nhanh, kèm với đau đớn. Chết, mất thân thể và trí óc, nghĩa là mất tất cả những gì mình đã gom góp được ở trên đời.
Già bệnh chết là lằn ranh hữu hạn của một đời người, không ai có thể vượt qua. Nếu sự sung sướng khi chúng ta có được những gì trong đời này lớn bao nhiêu thì sự khổ đau khi chúng ta mất dần dần cho đến lúc mất hết chắc hẳn cũng lớn bấy nhiêu.
Chẳng có ngành học thuật nào, khoa học nào giải quyết cho chúng ta chuyện có sanh thì có diệt. Chưa nói đến một hạnh phúc trường cửu cho cả một đời người.
Vậy thì nếu chúng ta muốn và tìm một cuộc đời hữu hạn, một sở hữu hữu hạn, dù có thành công đến cỡ nào, kết quả ấy cũng là hữu hạn và phải chấm dứt. Không bao giờ có thể toại nguyện, và vì không toại nguyện nên tiếp tục đi tìm một sự toại nguyện khác và rồi cái khác nữa. Đó là ý nghĩa chữ Khổ (có nghĩa là bất toại nguyện) trong sự thật thứ nhất của đạo Phật là Khổ đế. Điều này phản ánh trong kho tàng văn chương nhân loại: rất ít niềm vui và quá nhiều khổ đau đủ kiểu được diễn tả. Văn chương nhân loại là lời chứng cho sự khổ đau của con người. Khổ đau tự thân, không cần hoàn cảnh.
Trong khi đó, cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đã trải nghiệm và thân chứng, tuyên bố rằng có cái (hay sự) bất tử, cái không sanh không do làm ra không bị điều kiện hóa, vô tận, tối thượng, hạnh phúc, tuyệt đối thanh tịnh, vĩnh cửu, viên mãn, … Đó là những từ trong Kinh tạng Pali để nói đến thực tại tối hậu Niết-bàn. Suốt đời, Ngài luôn luôn chỉ dạy con đường rộng lớn bao la để đạt đến đó. Lịch sử Phật giáo chính là sự làm chứng cho những lời chỉ dạy của Đức Phật qua cuộc đời thân chứng cái bất tử đó của các đệ tử về sau, dù chắc chắn là không trọn vẹn như Đức Phật.
Nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là, chính ngay nơi cuộc đời này, ngay nơi thân tâm hữu hạn này, chúng ta có thể đạt đến một phần cái bất tử đó, một phần đủ để chúng ta tin vĩnh viễn là chúng ta hằng có cái đó và rồi với cái đó chúng ta vẫn sống bằng thân tâm này, với cuộc đời này chứ không phải bỏ thân xác để đi đến một nơi nào khác. Điều này Đức Phật và các đệ tử của Ngài suốt lịch sử đã cho chúng ta thấy: con người vẫn có thể có sự bất tử đồng thời vẫn sống cuộc đời trần thế của mình.
Sau đây, chúng ta sẽ khảo sát ba đoạn trong Thiền sử Việt Nam để tìm hiểu người xưa đã giải quyết vấn đề này như thế nào. Điều quan trọng là những vị ấy không nói một cách lý thuyết, mà đã nói bằng chính kinh nghiệm thân chứng. Thế nên, chúng ta cũng không chỉ học hỏi một cách lý thuyết, để có một số quan niệm, một nhân sinh quan mà còn thực hành, còn tìm kiếm sự bất tử ấy bằng tất cả thân tâm của mình.
“Thiền sư Thiện Hội có lần bảo sư Vân Phong (? – 956): Sống chết (sanh tử) là việc lớn, cần phải thấu triệt.
Sư Phong hỏi: Khi sanh tử đến, làm sao tránh?
Thiền sư đáp: Hãy nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh vào đấy.
Sư Phong hỏi: Chỗ không sống chết là thế nào? Thiền sư đáp: Ngay nơi chỗ sống chết nắm hiểu mới được.
Sư Phong hỏi: Làm sao mà hiểu?
Thiền sư nói: Ngươi hãy đi, chiều tối đến.
Sư Phong đúng hẹn lại vào. Thiền sư Hội nói: Đợi sáng mai, chúng đông đủ sẽ chứng minh cho ngươi.
Sư hoát nhiên tỉnh ngộ, sụp lạy.
Thiền sư Hội nói: Ngươi thấy đạo lý gì? Sư thưa: Con đã lĩnh hội.
Thiền sư Hội nói: Ngươi thông hiểu thế nào?
Sư đưa nắm tay lên, nói: Thiếu đủ chỉ là cái này đây. Thiền sư Hội bèn thôi”.
Ở đây chúng ta không nói đến chỗ sư Vân Phong thông hiểu cái gì. Ngày nào chúng ta đầu tư đủ tâm lực thì mọi sự sẽ thông thôi. Chúng ta chỉ nói đến phần đầu: muốn thoát khỏi sống chết thì hãy tìm ngay nơi chỗ sống chết. Muốn tránh thoát sống chết, không phải là quay lưng bỏ trốn nó, mà là đứng lại nhìn thẳng vào nó, xem sống chết là gì. Bởi vì chỗ không sống chết, cái không sống chết nằm ngay nơi chỗ sống chết.
Cái chỗ không sống chết này mọi kinh điển đều nói. Vấn đề là chúng ta có thực hành thiền định và thiền quán đủ để trực tiếp thấy nó hay không. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Soi thấy năm uẩn là Không, thoát tất cả mọi khổ ách, mọi sanh lão bệnh tử…”.
“Sư Quảng Nghiêm (1121 – 1190) một hôm nghe Thiền sư Trí Thiền giảng Tuyết Đậu ngữ lục, đến chuyện hai vị Tôn túc Đạo Ngô và Tiệm Nguyên ở chỗ đám tang có bàn việc sống chết. Sư như có chỗ sở đắc, mới hỏi: Một câu thoại đầu ấy của cổ nhân thì trong sống chết còn có nghĩa lý gì nữa không?
Trí Thiền nói: Ngươi thể hội được nghĩa ấy không? Sư Nghiêm: Thế nào là nghĩa không có sống chết? Thiền sư Trí Thiền: Chỉ trong sống chết khéo nắm hiểu nó.
Sư Nghiêm: Vốn là vô sanh rồi vậy.
Thiền sư Trí thiền: Tức là chỗ tự hiểu vậy.
Ngay nơi câu nói vỡ nghĩa thấu suốt, bèn hỏi: Giữ gìn tùy thuận thế nào?
Thiền sư Trí Thiền nói: Rõ rồi thì đồng như chưa rõ. Sư lễ tạ. Từ đó tiếng tăm vang khắp Thiền lâm”.
Cái vô sanh không có sống chết cần “ở trong sống chết khéo nắm hiểu.”
Đây là mục đích của Thiền, cũng là mục đích của đời người. Nếu thấu hiểu được bản tánh của sanh tử thì thoát sanh tử, sanh tử từ đây chấm dứt.
“Thiền sư Trí Bảo (? – 1190) thuở còn học đạo có lần nghe vị Tăng hỏi: ‘Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu?’. Sư đang suy nghĩ thì vị Tăng ấy bảo: ‘Trong lúc ông suy nghĩ thì mây trắng đã bay xa nghìn dặm.’ Sư không đáp được. Vị Tăng quát:
‘Chùa tốt mà không có Phật.’ Nói rồi bỏ đi. Sư tự than: ‘Ta tuy có tâm xuất gia nhưng chưa đạt được yếu chỉ của người xuất gia. Như kẻ đào giếng, dù đào đến chín sải tay mà chưa có mạch nước, còn phải bỏ đi. Huống gì tu thân mà chẳng ngộ thì có ích gì?’.
Từ đó sư đi khắp bốn phương tìm hỏi các thiện tri thức. Nghe Thiền sư Đạo Huệ giáo hóa ở Tiên Du, bèn đến tham học.
Sư hỏi Thiền sư Đạo Huệ: Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu?
Đạo Huệ đáp: Sanh không từ đâu đến, chết không đi về đâu.
Sư thưa: Thế ấy chẳng phải rơi vào chỗ hư vô sao? Đạo Huệ bảo: Chân tánh diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại chẳng đồng với sanh tử. Thế nên, sanh không từ đâu đến, chết không đi về đâu.
Ngay lời nói sư lãnh ngộ, nói: Không nhờ gió cuốn mây trôi sạch Đâu thấy trời xanh muôn dặm thu Đạo Huệ nói: Ngươi thấy cái gì?
Sư thưa: Biết nhau khắp thiên hạ Tri âm có mấy người? Rồi sư bái biệt về núi”.
Chúng ta có thể nói nôm na: Viên là tròn đầy, đầy đủ, không thiếu hụt, không hữu hạn. Diệu là kỳ diệu, vượt quá những điều mong ước. Thông đạt được “chân tánh vốn viên diệu, thể tự không tịch” này, thì giải thoát sanh tử. Bởi vì chân tánh tròn đầy, vi diệu nên nó sẵn đủ Niết-bàn; bởi vì nó thể tự không tịch, cho nên trong nó chưa từng có sanh tử, nhiễm ô.
Đạo Phật còn tồn tại và phát triển, nghĩa là đạo Phật luôn luôn có những kinh sách chỉ đường đi đến đó, luôn luôn có những thiện tri thức chỉ cho chúng ta từng đoạn đường một để đi đến đó. Đó chính là nơi thỏa mãn mong muốn tối hậu của chúng ta, đích đến tối hậu của mọi công cuộc tìm kiếm của chúng ta.
Nguồn: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo 154
Bình luận
[…] CHÚNG TA MUỐN GÌ, TÌM GÌ? […]