NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Tất cả những con đường Phật giáo là để tịnh hóa thân tâm từ bất tịnh chuyển thành thanh tịnh, từ phàm chuyển thành thánh, tức là chuyển đến giải thoát và giác ngộ. Bài kệ của Phật Thích-ca nhắc lại lời của chư Phật: Các ác chớ làm Các thiện vâng làm Tự tịnh tâm ý Lời chư Phật dạy.
Sự tịnh hóa con người bất tịnh thành thanh tịnh, tịnh hóa sự chấp vào một cái ta và những phiền não của nó cũng là con đường Tịnh Độ. Đặc biệt, sự tịnh hóa tâm ý này không dựa vào“tự tịnh” là chính, mà dựa vào một nền tảng, một trung tâm vốn đã thanh tịnh từ lâu xa là Đức Phật A-di-đà và Tịnh Độ của Ngài. Chỉ một tâm nguyện sanh về cũng đủ cho chúng ta bứt ra khỏi cõi dục đời ác năm trược này. Ba tâm chí thành, tin tưởng hâm mộ, nguyện sanh về có thể cắt đứt mọi ràng buộc, đốt cháy mọi phiền não chướng ngại để người ta có được một mối nối kết chặt chẽ, không thể hư hoại với Phật A-di-đà và Tịnh Độ.
Tâm chí thành, tin tưởng hâm mộ, và nguyện sanh giết chết cái ta ngoan cố và những phiền não của nó để cho Phật và Tịnh Độ thế chỗ. Ba tâm ấy gọi chung là tín tâm. Tín tâm làm cạn kiệt những cái bất tịnh đã lỡ thu nhập vào ở cõi này để cho Phật và Tịnh Độ hiện diện. Cho nên tín tâm phát sanh tức là Phật và Tịnh Độ phát sanh, và tín tâm là biến cố tâm linh lớn nhất của hành giả Tịnh Độ, Tín tâm khiến một người nối kết được với Phật A-di-đà và Tịnh Độ. Từ đây, hành giả vĩnh viễn có Phật và Tịnh Độ, có chỗ quy y, có chỗ để phát nguyện, có nền tảng vững bền và thanh tịnh để làm Phật sự.
Niệm Phật, quán tưởng Phật và Tịnh Độ chuyển hóa tâm bất tịnh thành tâm thanh tịnh, đưa Phật và Tịnh Độ vào tâm thế chỗ cho cõi đời ác năm trược đã mọc rễ trong tâm mình. Điều đó tương đương với “chuyển thức thành trí, chuyển sanh tử thành Niết-bàn” được nói trong các kinh Đại thừa. Tùy mức độ chuyển hóa ngay ở đây mà người ta về Tịnh Độ ở mức cao hay thấp trong chín phẩm hoa sen.
Tâm chí thành, tâm tin tưởng hâm mộ, tâm nguyện sanh về, cả ba đều không có chỗ cho tâm nghĩ về ta và cái của ta, tâm phiền não, và do đó không có tích tập chúng. Đây là trực tâm, “Trực tâm là đạo tràng, vì không hư giả” (kinh Duy-ma-cật). Ba tâm một khi trở thành trực tâm, thì đây là niệm Phật, theo nghĩa không chỉ bằng miệng, và với tâm này, người ta tiếp xúc và đi vào Tịnh Độ
Người ta đi vào Tịnh Độ bằng một tâm mềm dẻo (pliable), dễ uốn nắn, dễ điều khiển, nhu thuận. Đó cũng là một tâm thanh tịnh. Thế nào là một tâm mềm dẻo, dễ điều khiển? Là một tâm không có những chống đối trục trặc của cái ta và những phiền não bất tịnh của nó. Với một tâm mềm dẻo, dễ điều khiển vì ít cái bất tịnh như vậy, người ta muốn niệm Phật thì niệm Phật được liên tục và mạnh mẽ, muốn quán tưởng Phật và Tịnh Độ thì không bị phiền não bất tịnh phá phách. Thế nên, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói “chỉ mười niệm thì được sanh về”.
Tu Tịnh Độ là dựa trên 48 lời nguyện của Phật A-di-đà để chuyển hóa ba nghiệp thân ngữ tâm của chúng ta thành tịnh nghiệp và hồi hướng về Tịnh Độ. Chẳng hạn, mắt thấy cái gì, tai nghe tiếng gì, thân xúc chạm vật gì, có cảm thọ gì, mũi ngửi mùi hương gì, có kinh nghiệm gì, đều quán tưởng chúng là cảnh giới của Tịnh Độ, như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chỉ dạy 16 phép quán. Tu Tịnh Độ không chỉ là tu cái miệng niệm, mà là tu tất cả giác quan đều biết niệm, tức là toàn bộ thân tâm nhớ nghĩ đến Phật và Tịnh Độ.
Tịnh Độ tông dạy hành giả tịnh hóa tâm mình trên nền tảng đức tin vào Phật A-di-đà và Tịnh Độ của Ngài. Và chính tâm thanh tịnh quyết định được về Tịnh Độ. Sự tịnh hóa nhờ Phật A-di-đà và 48 lời nguyện của Ngài phải được bắt đầu ngay tại cõi Ta-bà này. Sự tịnh hóa ấy phải chân thật, nhờ vào tâm chí thành; phải tha thiết mong cầu, nhờ vào tâm tin tưởng hâm mộ; phải dứt bỏ, nhờ vào tâm nguyệnsanh về. Nếu không có ba tâm ấy thì cái ta và những phiền não của nó xen vào, có khi lại thêm các độc tham, sân, si, đố kỵ, kiêu mạn nếu không có một chúng đồng tu và một vị thầy giúp đỡ.
Một nguyên lý chung cũng là mục đích của Đại thừa là “tất cả các pháp bổn lai thanh tịnh”. Tịnh Độ tông cũng đi con đường này để đến mục đích ấy. Tịnh Độ tông càng nhấn mạnh nhiều hơn đến tính chất Tịnh và dựa vào sự thanh tịnh đã có từ lâu xa của Phật A-di-đà và Tịnh Độ. Cầu sanh về Tịnh Độ là để chứng ngộ rốt ráo điều đó.
Cốt lõi của Tịnh Độ là các pháp bổn lai thanh tịnh, đó cũng là “thật tướng của tất cả các pháp” (kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật). Thế nên chúng ta cần tu tập thói quen quán tưởng cuộc đời và môi trường chung quanh là thanh tịnh, là một phản chiếu của Tịnh Độ. Thói quen là nghiệp, thói quen quán tưởng mình đang sống trong Tịnh Độ là tịnh nghiệp.
Những pháp quán tưởng Tịnh Độ là để tịnh hóa thân tâm, khiến thấy nghe hay biết được các pháp bổn lai thanh tịnh. Thấy được các pháp bổn lai thanh tịnh thì tâm thanh tịnh, và tâm thanh tịnh ấy sẽ sanh về Tịnh Độ. Sự quán tưởng Tịnh Độ khiến tâm ý hành giả thanh tịnh, nhờ đó hành giả thấy tất cả các pháp bổn lai thanh tịnh, khi ấy cảnh giới Tịnh Độ bao trùm cảnh giới Ta-bà, ánh sáng Vô Lượng Quang, Thanh Tịnh Quang, Bất Đoạn Quang, Vô Đối Quang, … bao trùm ánh sáng và bóng tối của cõi này, bao trùm sự phân mảnh thành vô số sắc tướng của cõi này.
Bấy giờ hành giả mới bắt đầu hiểu được đoạn kệ về Phật A-di-đà trong kinh Nhập Lăng-già, phẩm Kệ Tụng, thứ mười:
Mười phương các cõi nước
Chúng sanh, Bồ-tát trong
Pháp và Báo thân Phật
Hóa thân và biến hóa
Đều từ Vô Lượng Thọ
Trong Cực lạc lưu xuất
Ở trong kinh Phương quảng
Nên biết mật ý thuyết.