CÒN CÁI KHÔNG TRẢ VỀ ĐƯỢC, CHẲNG PHẢI LÀ ÔNG THÌ LÀ AI?

KINH LĂNG NGHIÊM

KINH LĂNG NGHIÊM – QUYỂN 2 (Tánh thấy không thể trả về đâu)

A Nan thưa: Nếu tâm tánh của con mỗi mỗi đều có chỗ trả về thì thế nào là tâm diệu minh vốn sẳn không trả về đâu? Cúi mong Phật thương xót chỉ bảo cho con.

Phật bảo A Nan: Hãy xem cái thấy vốn sáng của ông đang thấy ta đây. Cái thấy ấy tuy chưa phải là tâm diệu minh thuần túy, nhưng nó như mặt trăng thứ hai, chứ không phải là bóng mặt trăng (trên nước). Ông hãy lắng nghe, nay ta sẽ chỉ cho ông cái không có chỗ trả về.

A Nan, cửa đại giảng đường mở thông về hướng Đông, khi mặt trời lên thì chiếu sáng, nửa đêm không trăng mây mù thì lại thấy tối. Chỗ có cái cửa thì thấy thông suốt, chỗ có tường vách thì thấy ngăn bít. Chỗ phân biệt được thì thấy cảnh duyên, chỗ trống rỗng thì toàn là hư không. Khi bụi nổi lên thì cảnh tượng mù mịt, mưa tạnh trời quang lại thấy trong sáng.

A Nan, ông hãy xem các tướng biến hóa này, nay ta trả mỗi thứ về chỗ sanh khởi của chúng. Thế nào là chỗ sanh khởi? A Nan, các thứ biến hóa này, cái sáng trả về cho mặt trời. Vì sao thế? Vì không mặt trời thì không sáng, ánh sáng thuộc và do mặt trời, nên trả về cho mặt trời. Cái tối trả về cho đêm không trăng. Thông suốt trả về cho các cửa. Ngăn bít trả về cho tường vách. Cảnh duyên trả về cho phân biệt. Trống rỗng trả về cho hư không. Mù mịt trả về cho bụi bặm. Trong sáng trả về cho trời tạnh. Tất cả những sự vật trong thế gian đều không ngoài những loại ấy. Còn tánh thấy sáng tỏ của ông thấy tám thứ kia, ông muốn trả về đâu? Vì sao thế? Nếu trả nó về cho sáng thì khi không sáng bèn chẳng thể thấy tối. Tuy sáng tối mỗi mỗi đều khác biệt, nhưng cái thấy không khác biệt.

Các thứ có thể trả về, dĩ nhiên chẳng phải là ông. Còn cái không trả về được, chẳng phải là ông thì là ai?

Thế mới biết tâm ông vốn sáng tỏ, thanh tịnh, nhiệm mầu. Chỉ ông tự mê muội, bỏ mất tánh bổn nhiên mà chịu luân hồi, thường bị chìm đắm trong biển sanh tử. Thế nên, Như Lai nói là đáng thương xót.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁI THẤY VÀ THIỀN ĐỊNH CỦA ĐẠI TOÀN THIỆN
  2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ SỰ CHÚ Ý CỦA NGƯỜI ĐỌC – Thôi Miên bằng Ngôn Từ
  3. TÔI ĐÃ HỌC BÍ KÍP THÔI MIÊN BẰNG NGÔN NGỮ NHƯ THẾ NÀO?

Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI BỐN CÔNG ĐỨC VÔ ÚY CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
  2. ĐÁNH CHUÔNG ĐỂ THỂ NGHIỆM TÍNH THƯỜNG TRỤ
  3. MƯỜI BỐN CÔNG ĐỨC VÔ ÚY CỦA BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ