THINLEY NORBU
Trích: Đi Vào Kim Cương Thừa; Ban dịch thuật Thiện tri thức.
Thinley Norbu Rinpoche là một vị thầy hiện đại trong dòng truyền thừa Nyingma của Phật giáo Tây Tạng, và là người bảo trợ Tổ chức Kim Cương thừa. Ông là con trai cả của Dudjom Rinpoche, người đứng đầu dòng truyền thừa Nyingma, và cũng là cha của Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche và Dungse Garab Rinpoche. Sự kết hợp của ông với dòng truyền thừa Dudjom là một thời gian dài: ông được coi là hóa thân của Tulku Drime Oser, người là một trong bảy người con của Dudjom Lingpa. Ông cũng được coi là một sự xuất hiện của Longchen Rabjam, học giả Nyingma thế kỷ 14 và siddha, người đã sáng tác Bảy Kho Tàng. Ông qua đời tại California vào ngày 26 tháng 12 năm 2011.
——-*——
Chớ biến không bộ phái thành một cái vỏ giả tạo che đậy cho căn bệnh trong tâm của mình. Người ta có thể trở thành thực sự không bộ phái bằng cách học nhiều học thuyết với nhiều vị thầy thông tuệ, thực sự hấp thụ những giáo lý của ngài, hàng phục được bản ngã của mình, tăng cường tính bình đẳng không thiên chấp bằng thực hành, và an trụ trong sự không mâu thuẫn bình thản của tâm trí huệ. Người ta cũng có thể trở thành không bộ phái mà không phải học nhiều học thuyết với những vị thầy nếu người ta có một tâm được phú bẩm và lòng sùng mộ mạnh mẽ như là một kết quả của sự tích tập công đức từ những đời trước. Bấy giờ, trong đời này, người ta có thể trực tiếp được giới thiệu vào tâm trí huệ bởi những vị thầy trí huệ qua những giáo lý upadesa (cốt lõi, tâm yếu). Do thấy tâm trí huệ bất nhị nhờ cầu nguyện, thực hành và thiền định, người ta có thể đích thực trở thành không bộ phái, như những bậc cao cả trước kia đã làm, không ở trong những định kiến khái niệm.
Không bộ phái được y cứ trên ý định đạt giác ngộ bằng cách nhận biết, khai triển và luôn luôn an trụ trong trí huệ bất nhị với sự ban phước của các vị thầy trí huệ. Điều này nghĩa là những méo mó và thiên lệch của thích và không thích đối với những quan điểm và học thuyết khác nhau được tịnh hóa. Nó cũng bao gồm tịnh hóa thói quen trước kia về lý thuyết có “bản chất” gây ra quan niệm nhị nguyên và khổ đau, nhưng được ngụy trang là những hiện tượng tâm linh. Trí huệ thì không có bất kỳ học thuyết nào bởi vì nó không có bất kỳ quan điểm nhị nguyên nào. Đây là sự bình thản buông xả, đó là lý do tại sao nó được gọi là không bộ phái.
Những vị thầy trí huệ luôn an trụ trong tâm trí huệ bất nhị, thế nên các ngài thực sự là không bộ phái. Các ngài không thấy những phân biệt nào ở những phẩm tính cao và thấp trong những hiện tượng Pháp bởi vì các ngài nhận biết rằng mọi hiện tượng là sự biểu lộ vô ngại của chính mình và đều bình đẳng vô nhiễm. Dù những phương diện khác nhau của Pháp có sanh khởi, chúng đều được thấy một cách bình đẳng như là những phẩm tính của trí huệ phân biệt (Diệu quan sát trí). Thay vì tạo ra những đối tượng phân biệt với đầm lầy của những ý tưởng vật chất, mọi hiện tượng trở thành sự trang hoàng trong suốt như pha lê của tự tâm các ngài. Các ngài biết rằng không có lý do gì phải quấy nhiễu tự tâm với vết bẩn của chủ nghĩa bộ phái bằng cách lạm dụng Pháp để gây ra mất đức, cho nên các ngài không muốn tác động đến người khác thành ra bộ phái.
Những bậc thầy trí huệ không bộ phái luôn luôn thấy sự thanh tịnh bởi vì tâm các ngài không bị nhiễm ô bởi những mâu thuẫn chọn lựa trí thức. Với sự khai mở của trí huệ, các ngài thấy vô số phương diện của hiểu biết là những biểu hiện của một thể tánh. Thế nên, các ngài có thể dẫn dắt người khác theo những mong ước và khả năng của họ qua những truyền thống khác nhau đến mục đích tối hậu là giác ngộ như hàng trăm sông suối chảy cùng vào một đại dương.