ĐƯỢC ĐỘ TRÌ TỪ BÊN TRONG

SHUNRYU SUZUKI

HUỲNH VĂN THANH Dịch

NXB HỒNG ĐỨC, 2018.

? “… Chúng ta được bảo vệ chắc chắn từ bên trong. Đó là tinh thần của chúng ta. Chúng ta được bảo vệ từ bên trong, luôn luôn, không ngừng nghỉ, do đó không cần mong chờ bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài.” ?
 
Trong nghi thức, sau khi tụng xong một thời kinh, chúng ta sẽ niệm một câu nguyện để hồi hướng công đức. Theo thiền sư Đạo Nguyên, chúng ta không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài bởi đã được bảo vệ chắc chắn từ bên trong. Đó là tinh thần của chúng ta. Chúng ta được bảo vệ từ bên trong, luôn luôn, không ngừng nghỉ, do đó không cần mong đợi bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Thật đúng là như vậy, nhưng khi tụng kinh, chúng ta niệm một câu nguyện theo phương cách thông thường.
 
Trong một trong những câu nguyện hồi hướng công đức, chúng ta cầu, “Cầu cho hai bánh xe [bánh xe Pháp và bánh xe vật chất] của thiền viện chạy êm ái và cầu cho những tai ương mà xứ sở và thiền viện có thể gặp phải, những tai ương như chiến tranh, dịch họa, đói kém, hỏa hoạn, thủy nạn và gió bão, đều được tiêu trừ”. Mặc dù chúng ta nói là như vậy, nhưng thực ra tinh thần của lời nguyện thì khác. Chúng ta không đi theo con đường đạo pháp hay tụng niệm là để cầu xin sự giúp đỡ. Đó không phải là tinh thần của chúng ta. Khi tụng niệm, chúng ta tạo ra cảm giác nhất thể, sự tĩnh lặng viên mãn, và niềm tin vững vàng vào sự tu tập của mình.
 
Nếu cảm giác đó luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, chúng ta sẽ được hộ trì. Nếu chúng ta bị lôi cuốn vào kiểu tu tập nhị nguyên, vị ngã, để giúp cho tổ chức hoặc công trình của chúng ta, hay để hỗ trợ cho cuộc sống cá nhân của chúng ta, sẽ chẳng có nhiều cảm nhận khi chúng ta ngồi thiền hoặc tụng niệm. Khi có lòng tin vững vàng vào con đường của mình và không mong chờ bất cứ điều gì, chúng ta có thể tụng niệm bằng một cảm giác tĩnh lặng sâu thẳm. Đó là sự tu tập chân chính.
 
Thiền sư Đạo Nguyên có nói rằng ngay cả khi chẳng còn mang bất kỳ ý niệm nào về thanh hay trọc, hoặc bất kỳ ý niệm nào về tai ương hay hoạn nạn đi nữa, chúng ta cũng phải tu tập trong việc dọn dẹp nhà vệ sinh. Mặc dù mặt mũi hay thân thể của bạn có sạch đi chăng nữa, khi thức dậy, bạn cũng cần phải rửa mặt và xúc miệng. Nếu bạn nghĩ việc dọn dẹp nhà vệ sinh là công việc chẳng đẹp đẽ chút nào, thì đó là ý tưởng thật sai lầm. Nhà vệ sinh chẳng uế trược chút nào cả.. Nếu bạn làm vệ sinh chỉ vì nó dơ, đó chẳng phải là đạo pháp.
 
Đức tin của chúng ta là nếu bánh xe Pháp quay, bánh xe vật chất sẽ quay. Nếu chúng ta chẳng được một ai hỗ trợ, điều đó có nghĩa là bánh xe Pháp đang thật sự không quay. Đây là cái hiểu của thiền sư Đạo Nguyên, và tôi đã thử nghiệm xem điều đó có đúng hay không, nhất là vào thời chiến tranh khi mà tôi gần như chẳng có gì để ăn.
 
Hầu hết các nhà sư đều phải đi làm để nuôi bản thân. Niềm tin của tôi là, nếu tôi có lòng thành tuân theo Phật đạo, mọi người sẽ giúp đỡ tôi. Nếu chẳng có ai giúp đỡ cho tôi, điều đó sẽ có nghĩa là những lời của ngài Đạo Nguyên không đúng. Do đó, tôi chưa bao giờ yêu cầu ai phải cho tôi cái gì cả. Tôi chi tuân theo Phật đạo làm một tu sĩ mà không đi làm bất kỳ việc gì khác.
 
Tôi đã trồng một số rau quả và khoai lang trong vườn của nhà chùa. Đó là lý do tại sao tôi biết cách trồng rau quả. Tôi có một khu vườn rộng phía trước chùa, tôi đã xới đất, nhặt hết đá sỏi và bón phân. Một số dân làng đã đến và giúp đỡ tôi, và chúng tôi trồng rau quả cũng như đã có một mùa thu hoạch rất tốt.
 
Một ngày, một người hàng xóm đã đến để giúp tôi nấu ăn. Khi cô mở thùng gạo ra, chẳng còn chút gạo nào. Tôi đã có một cái thùng gạo khá lớn. Cô ngạc nhiên, do đó đã mang đến cho tôi một ít gạo. Chỉ là chút ít, bởi cô cũng chẳng có nhiều, nhưng rồi hàng xóm và các thành viên của chùa đã quyên góp thêm. Chùa có khá nhiều thành viên, cho nên tôi cũng được khá nhiều gạo. Khi mọi người thấy tôi có khá nhiều gạo, tôi đã tặng lại cho họ. Tôi càng cho người khác nhiều bao nhiêu, tôi càng được người khác cho lại nhiều bấy nhiêu.
 
Vào thời đó, hầu hết những người sống ở thành phố đã phải tìm về các gia đình ở thôn quê và trao đổi bất kỳ vật sở hữu nào họ có thể trao đổi được để có thực phẩm: khoai tây, gạo, khoai lang hay bí ngô. Nhưng tôi chẳng gặp chút khó khăn nào như vậy. Trong phần lớn thời gian, tôi có khá nhiều thực phẩm, nhưng lại không cảm thấy vui chút nào khi ăn uống khác với mọi người, do đó tôi đã cố gắng ăn cùng thức ăn mà họ đã ăn. Ở đây, thực phẩm là tuyệt vời và phong phú, so với thực phẩm mà chúng tôi đã ăn vào thời chiến. Do đó, tôi không có chút than vãn nào về thức ăn cả. Nếu chúng ta theo con đường của mình một cách nghiêm túc, chắc chắn chúng ta sẽ được Đức Phật độ trì. Chúng ta sẽ tin tưởng mọi người, và chúng ta sẽ tin tưởng Đức Phật.
 
Do chiến tranh, nhiều nhà sư Nhật đã bắt đầu mặc quần áo phương Tây, từ bỏ các tăng y của mình, trừ khi họ phải tụng niệm trong các nghi lễ. Tôi không cảm thấy vui chút nào về chuyện ấy, do đó tôi luôn luôn mặc bộ tăng y của mình. Lúc tôi đến Mỹ, gần như tất cả các nhà sư đang sống ở đây đều mặc những bộ đồ đẹp và đi những đôi giày sáng bóng. Họ nghĩ rằng để truyền bá Phật pháp, họ phải giống người Mỹ. Nhưng cái đầu của họ chẳng sáng bóng chút nào. Tóc của họ khá dài và được chải chuốt thay vì phải cạo trọc. Nhưng, mặc dù họ mua những bộ quần áo đẹp nhất và những đôi giày đẹp nhất, họ vẫn là họ. Họ không thể là người không tu hành được, và người Mỹ sẽ nhìn thấy thiếu sót nào đó trong cách họ mặc quần áo hay mang giày. Đó là lý do tại sao tôi không mặc Âu phục khi đến Mỹ.
 
Một lý do khác là tôi thất vọng với những nhà sư đã đổi bộ tăng y của mình thành Âu phục để hỗ trợ bản thân, trong khi thiền sư Đạo Nguyên nói rằng chúng ta đã được hộ trì vững vàng từ bên trong. Đó là tinh thần của chúng ta khi nói, “Chúng tôi cầu cho bánh xe Pháp và bánh xe vật chất quay êm ái mãi mãi”. Kiểu nghi thức này là một cách để đền đáp tấm lòng bác ái của chư Phật và chư Bồ tát. Chư Phật và chư Bồ tát là những người đã hộ trì cho chính mình bằng cách chỉ sở cậy vào sự tu tập của mình. Nếu chúng ta hết lòng tôn kính chư vị bằng cách tu tập theo đúng tinh thần của họ, chúng ta cũng sẽ được hộ trì.
 
Thiền sư Đạo Nguyên có nói. “Nếu chúng ta không tu tập con đường của mình cùng với mọi người, cùng với tất cả chúng sinh, cùng với vạn pháp trên thế gian này, trên bình diện vũ trụ, thì đấy không phải là Phật đạo.” Tinh thần của việc tu tập thiền định phải luôn luôn theo cùng với chúng ta, nhất là khi chúng ta tụng niệm hoặc thực hiện các nghi thức. Đó không phải là tinh thần vị kỷ hay nhị nguyên, mà là sự thanh tịnh sâu thẳm, với lòng tin chắc chắn.
 
Khi tu tập theo phương cách như vậy, chúng ta luôn luôn trở thành một với toàn thể cõi Phật, nơi mà chẳng còn có hành vi gây nghiệp quả nào, và cuộc sống thường nhật của chúng ta sẽ được hộ trì bằng quyền năng đang lan tỏa khắp mọi nơi. Những gì đang diễn ra trong pháp giới chính là việc làm của Phật. Chẳng có gì ngoài việc làm của Phật trong cõi pháp giới. Bằng cách đó, chúng ta không tạo ra bất kỳ nghiệp quả nào. Chúng ta vượt qua thế giới của nghiệp quả. Với tinh thần này và sự hiểu biết này, chúng ta thực hành con đường đạo pháp.
 
Nếu bị cuốn hút vào ý niệm thời gian hay quá chú tâm vào thế giới vật chất, chúng ta sẽ đánh mất con đường đạo pháp. Một nhà sư sẽ không còn là một nhà sư khi hoàn toàn bị cuốn hút vào pháp môn nhị nguyên, bị kéo vào một cuộc sống trong thế giới bận rộn, trần tục. Khi ấy, mặc dù các nhà sư đang ở đó, nhưng họ không đi theo con đường đạo pháp. Cho nên các Phật tử phải hoàn toàn là những Phật tử. Khi Phật tử thật sự là Phật tử, họ sẽ được độ trì với tư cách Phật tử.
 
Cám ơn các bạn rất nhiều.
SHUNRYU SUZUKI

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN VÀ ĐẠI TOÀN THIỆN (DZOGCHEN)
  2. VẺ ĐẸP SIÊU CÁ NHÂN
  3. THIỀN ĐỊNH

Bài viết khác của tác giả

  1. MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ
  2. KHÔNG CÓ GÌ LÀ ĐẶC BIỆT
  3. CHUYỂN NGHIỆP

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM