KIÊN ĐỊNH VÀ TINH TẤN

TULKU THONDUP

Tulku Thondup, một vị Thầy Phật giáo Tây Tạng, hóa thân của học giả nổi tiếng tu viện Dodrupchen , Konme Khenpo và là một dịch giả danh tiếng. Năm 1980, ông sang Mỹ và được thỉnh giảng tại Đại học Harvard.

**********
Trong lúc đối mặt với khó khăn, chúng ta vội vã chạy tìm những giải pháp. Nhưng lúc những khó khăn đó dịu đi, chúng ta lơ là kỷ luật cần thiết để làm mạnh mẽ và bảo tồn những năng lượng chữa lành của ta. Khi những khó khăn lại nổi lên, chúng ta trách móc sự thực hành: “Tôi đã tu tập nhiều năm, nhưng vẫn còn những khó khăn như vậy.” Lỗi lầm không nằm ở sự thực hành, mà là ở con người đã rời xa những phương pháp chữa bệnh và những ích lợi của chúng.

Một khi bạn huấn luyện một chú chó con không được nhảy lên bàn, bạn phải kiên định không cho nó lên bàn. Nếu không nó sẽ xao lãng và thói quen kỷ luật bị quên đi. Vậy chúng ta phải duy trì mọi thói quen tốt nào mà mình đạt được trong bất cứ sự tu tập nào, giống như hàng tháng chúng ta trả bảo hiểm hạng nhất để bảo đảm an toàn cho bệnh tật và tuổi già.

Việc chữa bệnh sẽ đến chỉ do chính chúng ta nỗ lực và kiên định hướng năng lực đời mình vào thực hành. Dù nếu chúng ta thực hành ở nơi cô tịch nhiều năm, nếu chúng ta phá vỡ sự liên tục tu tập trong vài tháng, chúng ta có thể thụt lùi và thấy mình như lúc mới bắt đầu.

Một khi chúng ta thực sự đạt được một sự đột phá, nếu chúng ta tiếp tục kiên trì thực hành thậm chí vài phút trong một ngày – sự kiên cố của tâm sẽ không mất mà sẽ tiếp tục được mạnh hơn.

Ngay cả nếu chúng ta không là học trò sáng ý hay là thiền giả thông tuệ, nếu kiên trì thực hành, chúng ta có thể tiến bộ nhanh hơn những người tự xưng là học giả và những người thuyết pháp. Trích dẫn lời Ngài Jigme Lingpa, người sáng lập truyền thống Longchen Nyingthig của Phật giáo Tây Tạng, Ngài Paltrušl Rinpoche viết :

Với một người không chuyên cần,
Thì thông minh, năng lực, tài sản và cả sức mạnh không giúp gì nó được.
Nó giống như thuyền trưởng một con thuyền không có buồm.

Một tục ngữ của Tây Tạng nói :
Những học giả kết thúc với hai bàn tay trắng trong nách mình.
Trong lúc người tận tụy đập tan cả những thách thức lớn như núi Tu Di thành bụi.

Nếu chúng ta chuyên cần, thậm chí là một người có tâm đơn giản, chúng ta có thể đạt được mục đích của mình. Cũng giống như một câu chuyện về Ngài Lamchungpa trở thành một trong những nhà hiền triết danh tiếng của đạo Phật được biết như trong mười sáu vị A La Hán. Đơn giản chỉ rửa sạch những đôi giày của những vị sư khác, Ngài đã có thể hiểu được lời dạy đức Phật. Đức Dalai Lama Thứ Nhất kể lại câu chuyện này :

Tâm trí Ngài Lamchungpa rất chậm lụt, nhiều đệ tử của đức Phật cố gắng dạy Ngài nhưng rồi phải bỏ cuộc. Sau đó đức Phật hướng dẫn Ngài rửa những đôi giày của các tăng chúng và lập lại hai câu, “Bụi bặm đã được rửa sạch, nhơ bẩn đã được rửa sạch”, Ngài cố nhớ hai câu ấy với sự khó khăn vô cùng. Sau khi làm công việc ấy một thời gian lâu dài, rồi một ngày nọ, một tư tưởng xuất hiện trong tâm trí Ngài : “Ồ đức Phật nói ‘lau sạch bụi’ và ‘rửa sạch dơ bẩn’ là cái gì ? Có phải bụi và dơ bẩn bên trong (tâm) hay của đồ vật bên ngoài (giày) ?” Ngay lúc đó ba câu thơ kệ đến trong tâm Ngài :

Đây không phải là bụi của đất, mà là của tham dục.
Bụi là tên của tham dục, không phải tên của bụi đất.
Ai học được cách lau sạch bụi
Đạt được tỉnh giác trong giáo lý của Như Lai.

Đây không phải là bụi của đất, mà là của sân hận.
Bụi là tên của sân hận, không phải tên của bụi đất.
Ai học được cách lau sạch bụi
Đạt được tỉnh giác trong giáo lý của Như Lai.

Đây không phải là bụi của đất, mà là của vô minh (si)
Bụi là tên của vô minh, và không phải là tên của bụi đất.
Ai học được cách lau sạch bụi
Đạt đến tỉnh giác trong giáo lý của Như Lai.

Bấy giờ Ngài chuyên cần thiền định về ý nghĩa của những vần kệ trên và chẳng bao lâu đạt được quả vị A La Hán, một trạng thái loại trừ toàn triệt những đau khổ tình cảm và tâm trí.

***********
Nguồn: “Năng lực chữa lành của tâm”

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TINH THẦN ĐẠI THỪA TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MỘT QUỐC GIA 
  2. CHUYÊN CẦN VÀ KIÊN NHẪN
  3. TINH TẤN NHƯ ÁO GIÁP

Bài viết khác của tác giả

  1. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – PHẦN 1
  2. LỢI ÍCH CỦA THIỀN ĐỊNH CHỮA LÀNH – P2: NHỮNG LỢI ÍCH THỂ CHẤT
  3. THẤY MỖI TẾ BÀO ĐỀU LÀ ÁNH SÁNG

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP