LỜI NÓI ĐẦU CHO “ÁNH TRĂNG HUYỀN ẢO CỦA SỰ GIÁC NGỘ”

CHOGYAM TRUNGPA

Trích: “Ánh Trăng Huyền Ảo Của Sự Giác Ngộ”
Taizan Maezumi và Bernie Glassman
Dịch: Chương Ngọc
Nhà Xuất Bản Hồng Đức – 2018

Thật là một ưu ái cho tôi khi được viết lời nói đầu này, xem như một dấu hiệu nối liền sự trong sáng của truyền thống Thiền tông với sự sinh động của truyền thống Tây Tạng. Ở Hoa Kỳ, Thiền đã là tiền trạm của Phật pháp, và vẫn luôn giữ được tính chất đích thực, mạnh mẽ. Sự đơn giản và phong cách không khoan nhượng của nó đã khiến cho đầu óc những người phương Tây gạt bỏ được những sự phức tạp và ý thức hệ mơ hồ của họ. Thật đáng nói khi thấy những môn sinh phương Tây của Thiền tông từ bỏ cái ngã của họ chỉ bằng cách thiền tọa, vốn là một phong cách đích thực của Đức Phật. Mặt khác, một số người có xu hướng khoa trương cái ngã của mình bằng cách đánh giá Thiền như một đề tài trà du tửu hậu hay bằng cách phô diễn một kiến thức hời hợt qua các mỹ từ về Thiền. Một rắc rối khác là sự say mê với nét đẹp văn hóa của Thiền, khiến họ không đánh giá được sự khắc khổ của truyền thống tu tập chân chính.

Như chúng ta biết, “Thiền”, tiếng Nhật là zen có xuất xứ từ chữ chan của Trung Hoa, bắt nguồn từ chữ dhyana trong Phạn ngữ, có nghĩa là “định tâm”. Trong tiếng Tây Tạng, thiền được gọi là samten. Sam có nghĩa là “tâm nhận thức”, còn có nghĩa là “vững chắc”. Vậy nên samten hay zen, là ý niệm được sống trong một tình trạng tĩnh lặng. Trong Thập Địa Kinh (Dasabhumika) và Chánh Định Vương Kinh (Samadhiraja Sutra), Đức Phật nói về các biện pháp tu thiền theo kiểu vun bồi một động cơ đúng đắn, nghĩa là kiềm chế để không bị say mê vì những gì được tiếp nhận qua cảm giác. Phương pháp này đã trở thành một trong những phương pháp hiệu quả nhất để vượt qua khái niệm nhị nguyên cơ bản phân biệt giữa mình và người khác, đồng thời khắc chế “chủ nghĩa duy vật tâm linh”. “Chủ nghĩa duy vật tâm linh” che chở cho người ta khỏi nỗi sợ chết chóc và rụi tàn bằng cách chạy theo những gì là trí tuệ và thẩm mỹ, cố gắng để biến mình thành một công trình nghệ thuật.

Động lực chính đáng sâu xa nhất, theo kinh Như Lai Tạng (Tathagatagarba Sutra), là để đánh thức Phật tính trong chúng ta. Mỗi khi có sự nghi ngờ thì người ta phải dứt bỏ nó; làm như thế người ta sẽ thấy mình trong một trạng thái tỉnh táo minh mẫn. Sự hoài nghi cần phải dứt bỏ ở đây không hẳn là một sự bấp bênh về mặt trí tuệ, mà còn là một sự uể oải nói chung.

Có nhiều truyền thống khác nhau của những con đường đốn ngộ và tiệm ngộ để đi đến Phật tính. Nhưng có vẻ như kết luận vẫn như nhau, bất chấp con đường đi đều có một phần khởi đầu, một đoạn giữa và một phần kết thúc. Do đó, từ từ có thể cũng là đột ngột, và đột ngột có thể cũng là từ từ. Miễn là còn có nhu cầu xua tan đám mây mập mờ thì còn có một con đường. Thực vậy, các khái niệm đột ngột và từ từ chỉ là những cách lóe sáng của đầu óc mà thôi. Dù trong trường hợp nào đi nữa, khi người học đạo bắt đầu có sự mong muốn hay say mê có được Phật tính để làm phần thưởng cho mình, thì điều này tự nó đã là một chướng ngại. Nhiều khi chúng ta gặp những tăng sinh rất tận tụy nhưng lại khó có được sự tiến bộ. Khi có ít nhiều tự do phối hợp với một sự nỗ lực tu tập kiên trì thì Phật tính bắt đầu tỏa rạng. Nhưng nói chuyện quá nhiều về Phật tính có vẻ như là một điều tai hại, vì nó khiến chúng ta có thể tạo ra một hình ảnh trong tâm trí về điều này.

Khi động lực tốt đẹp hai mặt của sự bất hại và sự tỉnh thức bắt đầu phát triển nơi người tu tập, thì ý thức tĩnh lặng bắt đầu lộ rõ. Trong trường hợp này, tĩnh lặng không phải là một điều gì khác với hoạt động, đây là sự tĩnh lặng không có bắt đầu hoặc kết thúc. Trong sự tĩnh lặng này, ngũ nhãn của giác ngộ bắt đầu mở ra để cuối cùng, thiền làm nảy sinh trí huệ hay bát nhã (prajna) vốn là ba la mật thứ sáu của bồ tát đạo. Bát nhã, hay là nhận thức phân biệt, là một thanh gươm hai lưỡi vừa cắt đứt mình và cắt đức người. Khi đến trình độ nảy sinh bát nhã thì sự trải nghiệm trạng thái “định” (samadhi) được thấy rõ. Định có nghĩa là “hiện diện nơi ấy” hay là “bám chắc”. Theo các kinh sách thì có vô số dạng “định”, nhưng tất cả đều rút gọn lại thành hai phương thức, đó là Thiện Thệ (sugata), có nghĩa là “khéo vượt qua”, không trở lại, và Như Lai (tathagata), có nghĩa “người đã đến như thế”. Cả hai cùng đạt tới Chân Như (tathata) nghĩa là “thể tính ổn định, thường hằng”.

Những chuyện này nói nghe thì thật êm tai; tuy nhiên, nếu không có sự thực thi và tỉnh thức thì chúng ta thậm chí cũng không phải là “vẽ sơn lên mình” mà còn là tự lừa dối mình dưới danh nghĩa chánh pháp. Tôi thấy rằng sự hiện hữu của truyền thống tu tập là hy vọng duy nhất. Chỉ riêng việc này đã có thể tuyên chiến với cái ngã. Chỉ có đó là cách để chúng ta có thể hiểu được chánh pháp.

Việc giảng dạy của thiền sư Taizan Maezumi đã giúp cho Thiền chân chính thâm nhập được vào đầu óc của mọi người và tránh được những cái bẫy của khuynh hướng vị kỷ. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nhờ có trí huệ của ông, Phật pháp sẽ soi sáng cho đời, xóa bỏ những tối tăm của sự mập mờ trong cõi luân hồi và đem lại một cơn mưa từ bi dịu nhẹ.

Cưỡi con ngựa ảo ảnh
Canh chứng biển tinh tú
Bừng lên mặt trời phương Đông vĩ đại.

———
Chogyam Trungpa,
The Kalapa Camp
Tháng 12, 1977

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. HÃY BIẾT ƠN MỌI NGƯỜI
  2. CÁI BÂY GIỜ
  3. MỘT THOÁNG GIÁC NGỘ

Bài viết mới

  1. NUÔI DƯỠNG TRÍ TÒ MÒ
  2. HIỂU VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA
  3. LỜI RĂN DẠY CỦA KHỔNG TỬ