LUYỆN TÂM HẠNH PHÚC

HH. DALAI LAMA XIV

HOWARD C. CUTLER

Trích: Sống Hạnh Phúc - Cẩm Nang Cho Cuộc Sống; Nguyễn Trung Kỳ dịch; NXB; Thế Giới & Cty Sách Nhã Nam

CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN HẠNH PHÚC

Khi xác định tâm trạng con người là yếu tố chủ yếu trong việc đạt đến hạnh phúc, dĩ nhiên điều đó không phủ nhận rằng các nhu cầu sinh lý căn bản như thực phẩm, quần áo và nhà ở phải được đáp ứng. Nhưng một khi các nhu cầu cơ bản ấy đã được đáp ứng, thì thông điệp rất rõ ràng: chúng ta không cần nhiều tiền hơn, chúng ta không cần thành công hoặc danh tiếng hơn, chúng ta không cần cơ thể hoàn hảo hay thậm chí người bạn đời lý tưởng – ngay lúc này đây, chúng ta có một tâm trí, nó là tất cả trang bị căn bản chúng ta cần để đạt được hạnh phúc trọn vẹn. Trong khi trình bày cách làm việc với tâm trí, Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu: “Khi chúng tôi nói đến ‘tâm trí’ hay ‘ý thức’, có nhiều biến thể khác nhau. Cũng như hoàn cảnh và sự vật bên ngoài, một số thử rất hữu dụng, một số có hại và một số thì không có công dụng gì. Như vậy, khi xử trí với vật chất bên ngoài, thường là trước hết chúng ta tìm cách nhận diện xem trong số những vật thể hoặc hóa chất khác nhau chất nào là hữu dụng, để chúng ta có thể chăm bón, gia tăng và sử dụng. Còn chất nào độc hại thì chúng ta loại bỏ. Tương tự như vậy, khi nói về tâm trí, có hàng ngàn tư tưởng hoặc tâm trí khác nhau. Trong số đó, một số rất hữu ích, chúng ta nên chọn lấy mà nuôi dưỡng. Một số tiêu cực và rất tai hại – chúng cần bị loại trừ.

Vậy, bước đầu tiên trong việc tìm kiếm hạnh phúc là học hỏi. Trước hết, chúng ta phải học cách nhận biết các tình cảm và hành vi tiêu cực gây tác hại như thế nào cho chúng ta, và các tình cảm tích cực có ích như thế nào. Và chúng ta phải nhận ra rằng các tình cảm tiêu cực ấy không chỉ rất xấu và tai hại cho cá nhân một người, mà còn cho cả xã hội và tương lai của thế giới nữa. Loại nhận thức ấy giúp chúng ta thêm kiên quyết khi đối mặt và vượt qua chúng. Và rồi, có sự nhận thức về những khía cạnh có ích của các tình cảm và hành vi tích cực. Một khi nhận ra điều đó, chúng ta trở nên kiên quyết trong việc nâng niu, phát triển và tăng cường những tình cảm tích cực ấy, dù việc đó khó khăn đến đâu. Có một loại ước muốn hồn nhiên từ bên trong. Vậy qua tiến trình học hỏi này, quá trình phân tích những tư tưởng và tình cảm nào là có lợi hoặc có hại, chúng ta dần dà phát triển lòng kiên quyết vững vàng để thay đổi. Chúng ta cảm thấy: “Bây giờ bí mật hạnh phúc của tôi, tương lai tốt đẹp của chính tôi, là ở trong tầm tay tôi. Tôi không được đánh mất cơ hội của mình.”

“Bây giờ bí mật hạnh phúc của tôi, tương lai tốt đẹp của chính tôi, là ở trong tầm tay tôi. Tôi không được đánh mất cơ hội của mình.”

“Trong Phật giáo, nguyên lý nhân quả được chấp nhận như một luật tự nhiên. Khi bàn về thực tại, anh phải xét đến quy luật này. Chẳng hạn, trong trường hợp các kinh nghiệm thường ngày, nếu có một số loại biến cố mà anh không ao ước, thì phương pháp tốt nhất để bảo đảm rằng biến cố ấy không xảy ra là tiên liệu sao cho các điều kiện nhân quả thường làm phát sinh biến cố ấy không còn nữa. Tương tự, nếu anh muốn một biến cố hay kinh nghiệm nào đó xảy ra, thì điều hợp lý phải làm là tìm kiếm và tích lũy các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh ra nó.

“Đây cũng là trường hợp đối với các trạng thái và kinh nghiệm tinh thần. Nếu anh ước ao hạnh phúc, anh nên tìm kiếm những nguyên nhân gây ra nó, và nếu anh không muốn đau khổ, điều anh phải làm là bảo đảm sao cho các nguyên nhân và điều kiện phát sinh nó không tồn tại. Điều rất quan trọng là anh phải lưu tâm đến nguyên lý nhân quả này.

“Bây giờ, chúng ta đã nói về tầm quan trọng tối cao của nhân tố tinh thần trong việc đạt đến hạnh phúc. Vì thế, việc tiếp theo của chúng ta là xem xét những tâm trạng khác nhau mà chúng ta cảm nghiệm. Chúng ta cần phải xác định rõ các tâm trạng khác nhau và phân biệt chúng, xếp loại chúng tùy theo chúng có đưa đến hạnh phúc hay không.”

“Ngài có thể cho vài thí dụ cụ thể về các tâm trạng khác nhau và mô tả xem làm thế nào để xếp loại chúng không?” tôi hỏi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: “Lấy thí dụ, oán ghét, ganh tị, giận dữ v,v… là những tình cảm có hại. Chúng ta xem chúng là những trạng thái tiêu cực của tâm trí, vì chúng phá hủy hạnh phúc trong tâm trí chúng ta. Một khi anh mang lấy những cảm xúc ghen ghét hay tồi tệ về ai đó, một khi chính anh chất chứa những tình cảm oán ghét hay tiêu cực, khi ấy những người khác sẽ hóa ra thù địch với anh. Kết quả là có nhiều sợ hãi hơn, nhiều ức chế và do dự hơn, và một cảm giác bất an. Những thứ đó phát triển, và cũng phát triển một sự cô đơn ngay giữa một thế giới được nhận thức như là thù nghịch cũng phát triển theo. Tất cả những tình cảm tiêu cực ấy phát triển vì oán ghét. Mặt khác, các tâm trạng như lòng nhân ái và xót thương chắc chắn rất là tích cực. Chúng rất hữu dụng…”

“Tôi tò mò một chút,” tôi cắt ngang. “Ngài có nói rằng có hàng ngàn tâm trạng khác nhau. Ngài định nghĩa thế nào về một người lành mạnh về tâm lý hay giỏi thích nghi? Chúng ta có thể sử dụng một định nghĩa như vậy như một hướng dẫn để quyết định xem những trạng thái tâm thức nào nên chăm chút và cái nào nên loại trừ.” Ngài cười phá lên, rồi với thái độ khiêm nhượng đặc hữu, ngài trả lời: “Là một nhà tâm trị học, ngài hẳn có một định nghĩa tốt hơn về một người lành mạnh về tâm lý chứ.”

“Nhưng tôi muốn nói từ lập trường của ngài kìa.”

“À, tôi muốn xem một người nhiệt tình, đôn hậu và tốt bụng là người mạnh khỏe. Nếu anh giữ được một cảm giác xót thương yêu mến, thì cái gì đó sẽ tự động mở rộng cánh cửa nội tâm của anh. Qua đó, anh có thể thông giao dễ dàng hơn với người khác. Và cảm giác ấm áp tạo ra sự cởi mở. Anh sẽ thấy rằng mọi người đều giống như anh, và anh có thể quan hệ với họ dễ dàng hơn. Điều đó đem cho anh một tinh thần bằng hữu. Rồi sẽ bớt cần phải che giấu các sự việc, và kết quả là những cảm giác sợ hãi, tự nghi ngờ mình và mất an toàn sẽ tự động bị quét sạch. Ngoài ra, nó tạo được một cảm giác tin tưởng từ người khác. Mặt khác, lấy thí dụ, anh có thể gặp một ai đó rất tài giỏi, và anh biết rằng anh có thể tin tưởng vào trình độ của người đó. Nhưng nếu anh cảm thấy người này không tốt, thì anh phải giữ lại một điều gì đó. Anh cảm thấy rằng ‘Ờ, tôi biết người này có thể làm việc, nhưng không thể tin tưởng được, thế là anh luôn có một sự đánh giá nào đó, điều này tạo ra một khoảng cách với anh ta.

“Vì thế, tôi cho rằng việc chăm chút tâm trạng tích cực như sự tử tế và lòng yêu thương nhất định đưa đến một tâm lý lành mạnh tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn.”

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC LÀ “BIẾT ĐỦ”
  2. HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU