NHẬN BIẾT GANH TỊ VÀ TỰ HÀO

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Những Lời Khai Thị Của Bậc Tôn Quý; Trung tâm Drikung Dharma Surya biên tập.

Sự ganh tị và lòng tự hào có thể trở nên quái ác và khó nhận diện; thỉnh thoảng, chúng xuất hiện như một cảm xúc thù nghịch vi tế. Chẳng hạn như khi có người khen con tuyệt vời thì con cảm thấy dễ chịu. Nhưng khi người đó nói tiếp ‘Anh thật tuyệt vời nhưng anh kia lại càng tuyệt vời hơn’ thì một cảm xúc khó chịu xuất hiện. Khi những người khác được khen ngợi thì chúng ta chẳng muốn nghe. Khi những ý nghĩ ganh tị và tự hào vi tế chưa được nhận diện thì chúng biến thành những cảm xúc mãnh liệt bám luyến vào hạnh phúc của chính mình và thù nghịch đối với những người khác. Căn nguyên của tất cả những vấn đề này là sự chấp ngã. Bởi vì chúng ta tin chắc chắn vào cái ngã này nên chúng ta hoảng hốt khi nó bị đe dọa. Khi những người khác chỉ trích chúng ta thì chúng ta giận dữ.

Thật ra, khi người khác trách mắng con thì họ không thể quy thêm cho con cái lỗi mà con không có. Khi những người khác ca ngợi con thì con cũng chẳng trở nên tuyệt vời gì hơn. Cái những người khác nói về con không ảnh hưởng gì đến khuyết điểm và ưu điểm của con. Chỉ có riêng con mới có thể thấy mình có lỗi đó hay không. Nếu con không có lỗi mà người khác quy kết thì chẳng cần phải bực mình làm gì bởi vì sự chỉ trích không mang thêm lỗi đến cho con. Nếu con thực sự có cái lỗi mà người khác cáo buộc thì người vạch ra cái lỗi đó trở thành người thầy tử tế, giúp con sửa lỗi. Dzogchen Patrül Rinpoche đã dạy rằng, ‘Đừng bao giờ nhìn vào ưu điểm của chính mình, cũng đừng bao giờ nhìn vào khuyết điểm của những người khác. Hãy luôn luôn nhìn vào khuyết điểm của chính mình nhưng đừng bao giờ nhìn vào khuyết điểm của những người khác’.

Nhận biết được từng tâm trạng ganh tị và tự hào vi tế khi chúng khởi sinh là điều quan trọng. Điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, phải duy trì sự tỉnh thức bởi vì rất khó nhận diện những tâm trạng này. Mỗi khi một ý nghĩ như vậy khởi lên thì con phải áp dụng phương pháp buông xả nó ngay. Tốt nhất là con nên loại bỏ các tâm thức này thông qua sự nhận biết: nếu con có thực hành dựa vào tỉnh giác thì sẽ nhận diện ra được các tư tưởng của mình vào thời điểm chúng khởi sinh và cũng nhận biết ra được tánh Không của nó. Nếu con nhận biết được thì các vọng niệm sẽ mất tác dụng. Chúng sẽ không chi phối con theo cách này hay cách khác. Nếu sự tỉnh thức của con chưa đủ mạnh thì con có thể áp dụng cách tiếp cận theo kiểu Bồ tát hạnh, xem người đó là mẹ, bạn thân nhất hay con của con và từ đó phát khởi lòng bi mẫn đối với anh ta. Và nếu việc này cũng quá khó trong một số hoàn cảnh thì con có thể áp dụng cách tiếp cận biệt giải thoát giới. Đó là quán chiếu những khuyết điểm của cảm xúc này và nhận thức rằng hậu quả của hành động theo cảm xúc như vậy là sự đọa sinh xuống những cõi thấp. Con phải áp dụng một trong ba cách tiếp cận này tùy theo căn cơ của con khi phiền não phát sinh. Con phải thực hành theo đúng căn cơ của mình, cũng giống như đứa trẻ phải mặc quần áo trẻ con và người lớn phải mặc quần người lớn. Một đứa trẻ mà mặc đồ rộng thùng thình của người lớn là rắc rối rồi. Tóm lại, đức Phật đã tóm tắt như sau ‘Hoàn toàn điều phục tâm thức của chính mình, đây là giáo pháp của đức Phật’.

 CHÁNH NIỆM TỈNH THỨC

Trong chốn lao tù, Khenpo Munsel Rinpoche đã dạy Thầy điều này: ‘Mức độ chứng ngộ của con sẽ thể hiện khi con lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Con sẽ không thể biết mức độ chứng ngộ của mình nếu mọi việc đều suôn sẻ’. Chỉ khi nào con gặp rắc rối, chỉ khi nào con vô cùng đau đớn, chỉ khi nào một cảm xúc mãnh liệt phát sinh thì con mới biết con đang tu tập đến đâu. Thầy nói thêm: ‘Nghịch cảnh sẽ bộc lộ các khuyết điểm bị che giấu của con’.  Nếu con giữ được sự tỉnh giác không chút phóng tâm vào lúc ấy và như vậy, nếu con không bị lực của cảm xúc cuốn hút đi xa thì đây là một dấu hiệu chứng tỏ con đã tinh tấn trong tu tập.

Nếu con thực hành chánh niệm tỉnh thức với nhiều nỗ lực chỉ trong một tháng, nếu con ghi nhận được niệm tưởng vi tế nhất và không để cho tâm thức lạc vào vọng niệm vào lúc đó thì chỉ trong một khoảng thời gian ngắn con sẽ chứng kiến được những thay đổi lớn. Những phiền não dữ dội sẽ không quấy rối con nhiều đến như vậy nữa bởi vì bản thân con đã có những chứng nghiệm khi quan sát trò chơi huyễn mộng [của tâm]. Thật ra chỉ có một biện pháp đối trị cần thiết – sự chánh niệm tỉnh giác. Đây là biện pháp đối trị duy nhất, đủ để chuyển hóa khó khăn bên trong và bên ngoài.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. LUYỆN TẬP CHÁNH NIỆM
  2. GIỚI THIỆU VỚI CON CÁI VỀ CHÁNH NIỆM

Bài viết khác của tác giả

  1. CÔNG HẠNH – NGỌN ĐÈN TRÍ HUỆ TỎA KHẮP
  2. BUÔNG BỎ BÁM CHẶT VÀO CUỘC ĐỜI NÀY
  3. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT

Bài viết mới

  1. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ
  2. AI CŨNG CÓ THỂ HẠNH PHÚC NGAY TỪ GIÂY PHÚT NÀY
  3. QUAN SÁT NGÔN NGỮ CƠ THỂ