NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO VĨ ĐẠI GIÀU ĐAM MÊ

VIRENDER KAPOOR

Trích dẫn: PQ Chỉ Số Đam Mê (Sức mạnh quyền năng nhất tạo nên thành công); Người dịch: Mai Hương; NXB. Lao động - Xã hội; Bản quyền tiếng Việt, 2011; Công ty Cổ phần Sách Thái Hà

Chúng ta đã cùng xem xét và lòng đam mê và mối liên quan trực tiếp của nó với nghệ thuật lãnh đạo. Giờ hãy cùng điểm qua những tấm gương các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, thuộc nhiều lĩnh vực như lãnh đạo quốc gia, quân đội, các ngành công nghiệp và con người nói chung. Mỗi người trong số họ có một tầm nhìn gắn bó thân thiết với con tim. Từ câu chuyện cuộc đời những con người như thế, chúng ta có thể học được cách họ đạt được thành tựu lớn lao. Quan trọng hơn là cách họ truyền năng lượng của mình cho hàng ngàn, trong một số trường hợp là hàng triệu người. Đây chính là khía cạnh quan trọng nhất của nghệ thuật lãnh đạo. Bạn sẽ sớm nhận ra rằng những nhà lãnh đạo này nắm rất vững thuật động viên người khác bằng cách truyền đạt tầm nhìn của mình một cách hiệu quả thông qua niềm đam mê đối với các giá trị của bản thân họ. Không có một nguyên tắc nhất định để đạt đến đỉnh cao này – tất cả những nhà lãnh đạo đó sử dụng các phương pháp, kỹ năng khác nhau nhưng đều đạt được kết quả chung.

JRD Tata

Có lẽ không một gia đình nào khác từng có những cống hiến phong phú về các kiến thức cao sâu, sự phát triển kinh tế và hoạt động từ thiện cho một quốc gia giống như những gì dòng họ Tata làm được cho đất nước Ấn Độ, cả trước lẫn sau khi giành được độc lập.
– 100 Great Modern Lives (100 gương mặt hiện đại)

Vốn là một con người khiêm nhường, có thiện tâm, trung thực và ham khám phá, JRD Tata đã dành trọn hơn 70 năm lao động cống hiến cho đất mẹ Ấn Độ. Ông sinh ra ở Paris vào năm 1904 và mất ở Geneva vào năm 1993, hưởng thọ 89 tuổi.

Sau thời của Tata, ở Ấn Độ có nhiều hãng lớn được thành lập, nhưng không hãng nào có thể sánh tầm với hãng của Tata về tính dân tộc và nhân đạo trong kinh doanh. JRD Tata là Chủ tịch của Tata – tập đoàn công nghiệp lớn nhất Ấn Độ trong suốt 52 năm và nuôi dưỡng nó bằng toàn bộ sự cống hiến cũng như nhiệt huyết của ông. Ông thực lòng quan tâm đến nhân dân và đất nước quê hương. Việc xây dựng và điều khiển một hãng lớn ở đất nước vốn coi trọng hình thức kinh tế kiểm soát thực sự là một thách thức to lớn và JRD – như tên mọi người vẫn thường gọi ông – đã cất lên tiếng nói phản đối những chính sách sai lạc, cản trở sự phát triển của các ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước.

Ở vào tuổi 82, ông nói: “Tôi có một nỗi buồn, một niềm tiếc nuối, đó là chính phủ từ thời Jawaharlal Nehru trở đi đã không mang lại cho chúng ta đủ nhiệt tình và hy vọng.” Ông được tặng thưởng huân chương Bharat Rana – huân chương danh dự cao quý nhất trao tặng cho một công dân vì những đóng góp, cống hiến đối với đất nước. Ở Ấn Độ, thuật ngữ “Lợi ích quốc gia” liên quan đến mọi lĩnh vực và mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Đối với JRD, nó có nghĩa là tăng cường tiềm lực kinh tế, khoa học của đất nước.

Nếu những điều bạn làm khiến cho những người khác hy vọng nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, làm việc nhiều hơn và gặt hái thành tựu nhiều hơn, khi đó bạn chính là một nhà lãnh đạo.
– John Quincy Adams

JRD mở một hãng hàng không dân sự ở Ấn Độ vào năm 1932. Đến năm 1948, ông đã biến nó thành một hãng hàng không quốc tế. Tiền bạc chưa bao giờ trở thành động cơ trong cuộc sống của ông. Điều thôi thúc ông chính là niềm vui khi chiến thắng. Nhân kỷ niệm lần thứ 30 và lần thứ 50 ngày thành lập hãng hàng không dân sự ở Ấn Độ, ông đã tự điều khiển máy bay. Ít ai ở địa vị của ông làm điều tương tự. Chuyến bay thứ hai của ông khá phi thường, đường bay từ Karachi đến Bombay trên chiếc Leopard Moth động cơ đơn dù đã 78 tuổi.

Sau chuyến bay, ông nói rằng: “Chuyến bay này nhằm truyền chút ít hy vọng và nhiệt hứng cho thế hệ trẻ ở đất nước chúng ta. Khi họ sống đến tuổi 78 – tôi hy vọng ít ra tất cả thanh niên đều sống đến tuổi 78 – họ sẽ có cảm nhận như tôi, bất chấp mọi khó khăn, mọi xúc cảm tiêu cực, ai ai cũng đều có niềm vui khi hoàn thành công việc tốt nhất có thể và tốt hơn mức mọi người nghĩ về khả năng của bạn.” Câu nói này phản ánh bản chất đam mê trong ông.

Người lãnh đạo mà chúng ta mong muốn là người truyền cảm hứng cho chúng ta đạt đến vị trí kỳ vọng.
– Ralph Waldo Emerson (1803-1822)

Niềm vui của ông không giới hạn ở những gì ông đạt được mà còn ở thành tựu của những người mà ông nâng đỡ và những người làm việc cho ông. Trong suốt 52 năm ngồi ở ghế chủ tịch Tata Sons, ông đã nâng đỡ nhiều người, giúp họ trở thành lãnh đạo trong các tập đoàn khổng lồ bằng chính khả năng của họ. Hãy nhớ rằng nâng đỡ các nhà lãnh đạo tương lai cũng chính là một chức năng của người làm lãnh đạo.

Có thể tóm tắt những nguyên tắc cơ bản của ông như sau:

• Không thể đạt được bất cứ thành tựu nào nếu không chú tâm suy ngẫm và khổ công lao động.

• Bạn phải nghĩ cho bản thân mình, không bao giờ chấp nhận dừng lại ở vẻ bóng bẩy bề ngoài mà mọi người vẫn thường dễ dàng nhầm tưởng.

• Bạn phải luôn luôn phấn đấu đạt đến mức hoàn hảo trong mọi công việc, kể cả những việc nhỏ nhất và không bao giờ thỏa mãn với vị trí số hai.

• Không có thành công nào về mặt vật chất được coi là đáng giá nếu không phục vụ nhu cầu của đất nước và nhân dân, thành công đó có được nhờ các phương tiện chân chính và ngay thẳng.

• Các mối quan hệ tốt không chỉ là phần thưởng của một cá nhân mà còn cần thiết đối với sự thành công của một doanh nghiệp.

Ông đã dám nhận lấy vai trò lãnh đạo và luôn nghĩ cách đem lại lợi ích cho số đông và cho đất nước.

Tôi muốn mở đầu bằng tiền đề rằng chức năng của nhà lãnh đạo là tạo ra thêm nhiều người lãnh đạo chứ không phải những người chỉ biết nghe lời.
– Ralph Nader

Vào tháng Chín năm 1939, khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, một nhà khoa học xuất chúng ở Cambridge – Tiến sĩ Homi Bhabha đang trong kỳ nghỉ nên bị kẹt lại ở Ấn Độ. Tata đã mời Homi về Viện Khoa học Ấn Độ làm việc để có thể phát huy hiệu quả tài năng của ông.

Bốn năm sau, Tiến sĩ Homi Bhabha tâm sự với JRD nguyện vọng thành lập Viện Thực hành Nghiên cứu ở Ấn Độ. Lý luận của ông là nếu xây dựng được viện này, Ấn Độ sẽ không phải bỏ công mời chào chuyên gia hải ngoại nữa mà họ sẽ tự vận hành được khi năng lượng hạt nhân được ứng dụng để sản xuất các dạng năng lượng khác. Đây chính là lịch sử ra đời của Viện Thực hành Nghiên cứu Tata (TIFR). Về sau khi Tiến sĩ Homi Bhabha được chỉ định thành lập Cơ quan Năng lượng Nguyên tử ở Trombay vào năm 1957, dưới quyền ông có đến 46 nhà khoa học hàng đầu của TIFR. Chương trình Năng lượng Nguyên tử của Ấn Độ sở dĩ được ra đời là nhờ tầm nhìn xa của JRD.

Thời gian đầu khi mới thành lập TIFR, JRD đã dồn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của vào viện. Ngay từ ban đầu, JRD đã biết rằng các tổ chức lớn cần có những người giỏi làm việc, ông đặc biệt ấn tượng với mô hình của ngành Dân chính Ấn Độ (ICS), khi mà một sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được đào tạo đa lĩnh vực và cống hiến ở lĩnh vực vượt trội nhất. Dựa trên đó ông đã thành lập Trung tâm Quản trị Tata (TAS), nơi lựa chọn những người trẻ giàu tiềm năng, đào tạo và nâng đỡ để họ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong tập đoàn. Tata cũng đã thành lập Viện Khoa học Bangalore ở Ấn Độ (IISc), Viện Thực hành Nghiên cứu Tata (TIFR) và Viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc gia (NIAS). Đây chính là những trung tâm của tri thức và nghiên cứu.

JRD cho rằng chủ tịch của một tập đoàn lớn như Tata không nên lãng phí thời gian họp hành. Vì thế ông quyết định ủy quyền cho người của mình, ông vẫn giữ chức điều hành Công ty thép Tata và Hãng Tata Sons nhưng giao quyền cho những người có chuyên môn phù hợp với vị trí công việc ở xưởng dệt, nhà máy thủy điện và một số công ty con khác. JRD là một người yêu nước có tư tưởng bảo thủ, ông coi Jamsetji là hình mẫu, nhờ đó đã khiến cho tập đoàn Tata đạt được vị trí độc tôn ở Ấn Độ. Ông không bao giờ đặt câu hỏi “Công ty con nào đạt được mức lợi nhuận cao nhất?” mà chỉ chú trọng “Đất nước cần những gì?” Nếu câu trả lời là sắt thép hoặc một trường học, Jamsetji sẽ đáp ứng ngay.

Có người từng phát biểu: “Điều gì tốt cho General Motors ắt cũng tốt cho nước Mỹ.” JRD thì nghĩ ngược lại: “Điều gì tốt cho Ấn Độ thì cũng tốt cho Tập đoàn Tata.” JRD kính trọng và muốn so tài với Jamsetji vì Jamsetji là người vô cùng thông minh, một người có tầm nhìn phi thường. Có một số người rất thông minh, nhưng họ không có được dự cảm về tương lai – Jamsetji có điều này. Tất cả thành viên của gia đình Tata đều lấy con người làm trung tâm – họ là những nhà từ thiện chân chính. Nhưng họ hiểu rõ rằng từ thiện không chỉ đơn giản là chi tiền ra. Họ tin rằng những kẻ lợi dụng sẽ đòi hỏi nhiều hơn mức thực tế cần thiết. Người Hy Lạp biết rõ điều này nên đã có cách lý giải từ Philanthropy (từ thiện) bắt nguồn từ các từ Fil – Anthra – Pi có nghĩa là “Tình yêu của bè bạn”. JRD luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.

Những cống hiến của JRD trong lĩnh vực giáo dục quả thực rất phi thường, ông tin rằng nếu không hiểu biết về âm nhạc và hội họa, con người ta sẽ trở nên khiếm khuyết. Do đó ông đã thành lập Trung tâm Nghệ thuật Trình diễn Quốc gia (NCPA). Việc làm này của ông nhằm tạo động lực để bảo tồn và phát triển di sản kịch, nhạc, vũ của dân tộc đang ngày càng bị mai một. Nhiệm vụ đầu tiên của trung tâm là bảo tồn và duy trì vốn di sản văn hóa, nhiệm vụ thứ hai là xúc tiến tối đa quá trình phục hưng các loại hình nghệ thuật của Ấn Độ – những môn nghệ thuật trình diễn như chúng ta vẫn thường gọi. Ông cũng là người đầu tiên vạch ra trách nhiệm của các nhà kinh doanh đối với thế hệ trẻ vùng nông thôn, tạo ra khái niệm “ngôi làng đỡ đầu”.

Trong quá trình lãnh đạo, Tata còn thành lập Viện Hỗ trợ Giáo dục Kỹ năng Y tế giúp tạo nên cơ sở hạ tầng nền tảng của quốc gia, phát triển nông thôn và xây dựng gia đình, ngoài ra còn giúp nền kinh tế đất nước với ngành công nghiệp hàng đầu là sản xuất các loại sản phẩm tránh thai ở một đất nước đông dân như Ấn Độ. Khi được hỏi “Trải nghiệm nào trong cuộc sống khiến ông hài lòng nhất?” JRD đáp rằng: “Tôi nhớ nhất trải nghiệm khi được bay, không gì có thể sánh được với niềm hứng khởi khi lần đầu bay một mình. Điều thứ hai khiến tôi hài lòng là Hãng Hàng không Ấn Độ, nơi tôi được tự do làm những điều tôi muốn.” Ông là một vận động viên giàu đam mê, ông chơi golf, học trượt tuyết vào năm 40 tuổi. Đến năm 84 tuổi, ông vẫn tiếp tục trượt tuyết.

Ông cũng rất nhạy cảm với nỗi đau của người khác. Khi nhìn thấy một người nghèo băng qua đường ở Bombay, ông đã nói: “Hãy nhìn người đàn ông nghèo khổ kia, có thể ông ta đang đội toàn bộ gia sản của mình trên đầu.” Ông luôn muốn giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình, điều này được ghi nhận qua các hoạt động từ thiện của ông. Tất cả những gì ông mong muốn là được mọi người nhớ đến như một người chính trực trong thời gian tại nhiệm.

Một nhà lãnh đạo phải có được dũng khí khi hành động ngược với lời khuyên của chuyên gia.
– Khuyết danh

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIỚI THIỆU CHỈ SỐ ĐAM MÊ
  2. HỌC ĐỂ THẤY – TƯ DUY TÍCH CỰC TẠO THÀNH CÔNG
  3. 10 THÓI QUEN TẠO TƯ DUY TÍCH CỰC CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NHẬN DIỆN CÁ TÍNH CỦA BẠN
  2. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  3. NGƯỜI SÁNG TẠO

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG